Một chính sách khuyến nông đặc sắc

Việc tổ chức lễ hội đầu Xuân thể hiện đặc sắc của tư tưởng trọng nông, "dĩ nông vi bản" của người xưa.

Từ xưa đến nay ở Việt Nam, nông nghiệp vẫn là cái gốc của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò quan trọng trong sự hưng vong của xã tắc. "Thực túc binh cường, non lương quỳ gối". Vì vậy chăm lo, khuyến khích việc nông tang, điền thổ được các bậc vua chúa thời trước dù trong hoàn cảnh nào cũng hết sức coi trọng.

Lễ Tịch điền được cử hành trọng thể hàng năm ở kinh đô là một trong những biểu hiện đặc sắc của tư tưởng trọng nông, "dĩ nông vi bản" của người xưa. Tịch điền là ruộng dành cho vua cày vào các dịp tế lễ Thần nông hàng năm. Triều đại nào cũng lập Sở Tịch điền ở gần kinh đô để vào dịp đầu Xuân, Nhà vua đến tế lễ cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt và đích thân Nhà vua xuống đồng cày ruộng, mở đầu cho niên vụ mới, trên cơ sở đó khuyến khích trăm họ chuyên tâm việc đồng áng.

Theo truyền thuyết, Lễ Tịch điền có nguồn gốc từ Trung Quốc, do vua Thàn Nông (khoảng năm 2800 trước Công nguyên) đặt ra để chỉ dẫn thời vụ, dạy dân nghề làm ruộng. Sau này ông được người đời tôn thờ là vị thuỷ tổ của nghề nông.

Ở Việt Nam, theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lễ Tịch điền đầu tiên được tổ chức và cử hành long trọng vào năm Thiên Phúc thứ 8 (khoảng năm 987) dưới triều vua Lê Đại Hành ở kinh đô Hoa Lư. Tại buổi lễ này, Nhà vua đích thân làm chủ tế và xuống đồng cày ruộng làm gương cho mọi nguời. Sau 3 đường cày của Nhà vua, các quan lại tuỳ theo phẩm hàm, chức tước mà cày 5, 7, 9 đường cày. Các triều đại kế tiếp sau đều duy trì và cử hành lễ Tịch điền hàng năm và trở thành một nghi lễ quan trọng của triều đình.

Thời Lý, Trần, Lê đều lập đàn Tiên Nông, làm lễ Tịch điền để khuyến cáo dân chúng chăm lo nghề nông như là nghề gốc của nền kinh tế đất nước. Thời nhà Lê, năm Hồng Đức thứ 15 (năm 1484), vua Lê Thánh Tông đặt sở Tịch điền ở làng Hồng Mai, ngoài kinh đô Thăng Long, dựng Đàn Tiên Nông cao 7 thước, rộng 36 thước, có tường đất bao quanh để vào tháng trọng Xuân hàng năm, vua đến tế Thần Nông, rồi xuống đồng cày ruộng làm gương cho mọi người. Nhờ chính sách khuyến nông đặc biệt này đã góp phần làm cho kinh tế thời vua Lê Thánh Tông phát triển, nghề nông phát đạt, nhà nhà thóc lúa đầy bồ, dân gian vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. "Đời vua Thái Tổ Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn..."

Sang thời các vua Nguyễn (1802-1945) ở kinh đô Huế, Lễ Tịch điền được coi là một trong 3 Lễ tế quan trọng nhất của triều đình (Lễ tế Nam Giao, Lễ tế Xã Tắc và Lễ Tịch điền). Đặc biệt dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840), ông vua được mệnh danh là Hoàng đế của nhà nông, lễ Tịch điền được tổ chức hết sức qui mô và trọng thể. Trong chỉ dụ xây dựng khu Tịch điền năm 1827, vua Minh mạng viết: “Đời xưa cày ruộng tịch điền, lấy gạo làm xôi tế Giao miếu, nhân thể xét thời tiết làm ruộng, khuyến giúp nông dân thực là việc lớn trong vương chính. Trẫm từ khi nối ngôi đến nay, chăm nghĩ đến dân, thường lấy việc dạy dân chăm nghề gốc làm gấp...”.

Khu Tịch điền của kinh đô Huế được xây dựng ngay trong kinh thành đối diện với đình làng Phú Xuân (nay thuộc phường Tây Lộc), với diện tích 12 mẫu (tương đương 6 ha), có tường gạch bao bọc, cửa chính quay về hướng Nam. Bên trong gồm các công trình phục vụ cho tế lễ như, Đàn Tiên Nông cao 1,8m, hình vuông, mỗi cạnh dài 18m, bốn mặt đều trổ 9 bậc lên xuống; Đài Quan canh cao 2,4m, bốn phía trổ bậc thềm 12 cấp, trên dựng điện quan canh để Nhà vua xem cày ruộng. Ngoài ra còn có hệ thống nhà bếp, nhà chứa nông cụ, kho thóc... Tại đây, Nhà vua cử hành Lễ Tịch điền, kính tế trước Đàn Tiên Nông, cầu mong cho mưa thuận, gió hoà mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an... Sau đó đích thân nhà vua xuống đồng cày 3 đường cày khai mở niên vụ mới, rồi lên Điện Quan canh xem các quan theo thứ bậc, phẩm hàm mà cày 5,7,9 đường cày.

Sau Lễ Tịch điền ở kinh đô, các địa phương trong cả nước tổ chức lễ xuống đồng. Ở tỉnh thì quan đầu tỉnh làm chủ lễ, ở làng, xã thì Tiên chỉ hay một vị hào mục có chức sắc cao nhất cày mở đầu cho niên vụ mới ở địa phương mình.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới dự Lễ Tịch điền tại Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam.

Có thể nói, Lễ Tịch điền là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của triều đình trong một năm, nó không chỉ là chính sách khuyến nông đặc sắc của nhà nước với nghề nông, mà còn là dịp để vua chúa hiểu thêm nỗi vất vả của người nông dân một nắng, hai sương trên đồng ruộng. Chính vua Minh Mạng sau một dịp cày Tịch điền đã cảm thán. "...Bình lỗi tam thôi thân vị quyện/ Tùng canh hữu phản hãn như tương/ Nhân tư cần khổ lao thiên mẫu..." (tạm dịch: Ta cày ba đường đã thấy mệt/ Quan cày theo chín đường vã mồ hôi/ Từ đó mới hiểu người dân dọc nhằn khi cày ngàn mẫu ruộng...).

Sau này, cũng trong một dịp cày Tịch điền, vua Thiệu Trị (1840-1847) đã cảm tác viết nên bài thơ "Thường Mậu quan canh", trong đó có 4 câu nêu bật ý nghĩa của Lễ Tịch điền: "...Chót vót lầu cao giữa khoảng không/ Nhìn xa quang cảnh chốn nương đồng/ Ba đường dẫn lối khuyên cày cấy/ Năm tháng thương người trọng việc nông..."

Ngày nay, khu Tịch điền ở Huế không còn nữa, Lễ Tịch điền cũng đã trở thành di sản. Nhưng nhiều thôn làng ở Thừa Thiên - Huế vẫn còn duy trì và tổ chức lễ xuống đồng hàng năm, như là dấu ấn còn lại của Lễ Tịch điền xưa. Tuy nhiên, trong 2 năm 2009, 2010 vừa qua, ở Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam được sự quan tâm của Nhà nước, Lễ cày Tịch điền đã được tái hiện với qui lễ hội mô hoành tráng, với sự tham gia trực tiếp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đã thực sự làm nên ngày hội của nhà nông trong những ngày đầu năm mới.

Cũng như các cuộc tế lễ quan trọng khác của triều đình, ngoài ý nghĩa nhân văn đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của con người thông qua các nghi thức lễ hội. Lễ Tịch điền từ xưa đến nay còn thể hiện một chính sách khuyến nông độc đáo, có tác động rất lớn đến đời sống sản xuất nông nghiệp của đất nước ta../

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên