Múa sư tử và ước vọng đầu xuân

Phong tục khác nhau, song tựu trung, múa sư tử của các dân tộc ở Lạng Sơn đều là điệu múa cầu may, cầu tài lộc, thể hiện sức mạnh và làm vui thêm cho ngày hội của làng bản.

Phong tục khác nhau, song tựu trung, múa sư tử của các dân tộc ở Lạng Sơn đều là điệu múa cầu may, cầu tài lộc, thể hiện sức mạnh và làm vui thêm cho ngày hội của làng bản.

Múa sư tử có mặt ở nhiều cộng đồng người Kinh, Hoa, Tày, Nùng. Với đồng bào Tày, Nùng ở Lạng Sơn, múa sư tử là linh hồn, làm nên sức sống của ngày hội, tạo không khí sôi động, lôi cuốn. Múa sư tử vì thế chuyên chở khát vọng của con người về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Ba con sư tử hùng dũng, oai vệ bước ra trong tiếng trống chiêng vang động. Con to nhất màu đen là sư tử bố, người Tày gọi là chúa sơn lâm, còn hai con nhỏ hơn, một con màu xanh, một con màu vàng là sư tử con. Một con sư tử ở phường Hoàng Văn Thụ, TP.Lạng Sơn thường do hai người điều khiển, một người điều khiển đầu, một người điều khiển đuôi. Người xem hào hứng dõi theo từng động tác múa khoẻ khoắn nhịp nhàng theo tiếng trống, chiêng, thanh la.

Ông Đỗ Tiến Doanh, ở Kỳ Lừa, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Lạng Sơn cho biết: “Trong lễ hội, cái kiệu rước các quan đi trên đường đều phải có sư tử đi trước để bảo vệ các vua quan, dẫn đường, dẹp đường. Múa sư tử là để cầu may cho toàn dân, thương nghiệp thì buôn bán đắt hàng, doanh thu cao, nông dân thì bốn mùa mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu”.

Múa sư tử của người Tày - Nùng là hình thức múa trò. Có nhiều trò: bái lạy, chào nhau, sư tử đẻ con, nhảy bàn, múa võ… Dàn nhạc đệm cho múa sư tử là các nhạc cụ gõ có cường độ lớn như trống, thanh la, chập chõa. Để phục vụ các trò diễn, sự ngẫu hứng của dàn nhạc khi diễn tấu là vô cùng quan trọng. Người đánh trống phải nắm bắt nhanh sự chuyển động của động tác múa để sáng tạo kịp thời những tiết tấu phù hợp. Người đánh trống càng giỏi, sự hoà theo của thanh la, chập choã càng nhịp nhàng thì trò múa càng hấp dẫn.

Nhưng múa sư tử chúa sơn lâm (có đầu màu đen) thì không phải ai múa cũng được. Anh Hoàng Thanh Xuân - Đội trưởng Đội Múa sư tử TP.Lạng Sơn cho biết: “Đa số những người múa sư tử chúa sơn lâm đã múa từ 10 năm trở lên mới được cầm cái đầu đen, nghĩa là phải rất sành sỏi, giỏi giang, chững chạc. Họ có thể biết người nào múa sai để chỉnh đốn, như thể một người thầy”. Khi được hỏi, trong trường hợp nào thì chúa sơn lâm đầu đen mới được xuất hiện? Anh Xuân bảo: “Đa số là vào những ngày lễ hội lớn và khi có công việc hệ trọng của địa phương mới được phép mang sư tử đầu đen ra múa, còn không bao giờ được phép. Trường hợp bất đắc dĩ phải mang đi thì phải làm lễ rất cẩn thận mới được đưa ra khỏi đền”.

Động tác của “chúa sơn lâm” đầu đen này cũng khác. Người múa chỉ đứng lên, lắc, chỉ xem “người ta” múa chứ “đầu đen” không cần phải “lao động chân tay”. Các đầu sư tử khác bắt buộc phải múa theo chương trình của trống. Còn “đầu đen” oai phong đứng ngắm nhìn trong vai trò chỉ huy. Trước khi đi múa sư tử, phải mang “đầu đen” ra đền để cúng đền, thắp hương. Trên đường đi mà qua ngôi đền miếu nào cũng phải vào vái lạy.

Theo anh Hoàng Thanh Xuân: “Khi vào nhà chúc Tết, trước hết con sư tử phải liếm hai cái cột cổng. Khi vào trong cúi lạy, ít nhất phải cúi lạy 3 lần trước bàn thờ tổ tiên”. Sở dĩ phải liếm cột cổng vì theo dân gian quan niệm: Cánh cổng có ma tà hay có cái gì bẩn thỉu ám vào, sư tử dùng hành động này xua đi. Tiếp đó sư tử phải múa tượng trưng cho hành động liếm các góc bàn thờ, xua đuổi ma tà. Động tác liếm là dùng tay múa, đưa đi đưa lại.

Sau khi lạy xong, đoàn múa sư tử nổi nhạc rất sôi động để chào gia chủ. Đoàn múa sư tử đi chúc Tết thường có khoảng 5-6 người thay nhau múa. Ba người chơi  nhạc. Ai cũng đều biết đánh trống, thanh la, chũm choẹ. Người múa chính bao giờ cũng giỏi hơn, dẻo hơn.

Múa sư tử, múa đầu khó hơn múa đuôi vì phần đầu nặng hơn và các động tác cũng đòi hỏi phải dứt khoát, chính xác hơn. Múa đuôi thì phải nhìn cái đầu, cái đầu uyển chuyển như thế nào, cái đuôi phải đi theo như thế.

Người Tày ở Văn Quan, Cao Lộc, Tràng Định thường múa sư tử mèo tức là sư tử nhỏ, đuôi buộc luôn vào thân mình. Múa sư tử mèo chỉ cần 1 người múa. Một mẹ, một con múa với nhau. Anh Nông Văn Chương, xã Hữu Lễ, huyện Hữu Lũng cho biết: “Sư tử con phải múa khác mẹ vì mới sinh nó không thạo, chỉ nhún nhảy theo mẹ thôi, không được múa giỏi. Người múa giỏi là người múa sư tử mẹ”.

Sư tử nhỏ thì trống cũng là trống nhỏ. Múa sư tử trong hội xuân năm mới là để cầu mùa, vui chơi. Ở Hữu Lũng, từ mùng một Tết cho đến hết mùng 3, mỗi thôn có một đội sư tử mèo để giao lưu, đón chào năm mới. Có những quy lệ cụ thể, giữa hai thôn múa với nhau đi phải đón nhau và chào nhau, sau đó đi chào “các ngài” ở đền thờ. Gặp nhau là múa chào. Bài múa chào phải đi thấp hơn. Ngày trước còn phải bò để múa điệu chào, thế mới lễ phép. “Khi chia tay, cũng là múa chào nhưng múa ở tư thế đứng, múa lùi lại”. Anh Nông Văn Chương, giải thích: “Đó là sự lễ phép, tôn trọng nhau, không bao giờ được quay lưng lại với nhau, hành động này bị coi là vô cùng thất lễ”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên