Tản mạn với mai đào

Vui không khí xuân, các em đến bên gốc mai gốc đào trầm trồ ngợi khen cả một trời hoa thắm sắc.

Ngày cuối năm vất vả lo toan rồi cũng vơi đi, ký ức chưa xa còn nguyên vẹn, thiên tai hạn hán và lũ lụt liên hồi đổ xuống quê tôi. Lũ chưa đi lũ lại về, lũ chồng lên lũ, phía Bắc rồi phía Nam, chiếc đòn gánh hai đầu Bắc Nam đè lên vai miền Trung oằn lưng gồng mình gánh chịu. Tang tóc thương đau, xót xa mất mát rồi cũng nguôi ngoai khi hương xuân về với ngõ làng, cho dẫu còn nghèo túng, thiếu thốn, lá rách lá lành, con người vẫn cố vui đoàn tụ bên nhau phút giao thừa mâm cỗ dâng lên tổ tiên.

Sáng mồng Một năm nay, làng quê vắng hơn mọi năm, mãi gần trưa mới đón khách xông nhà lại là lớp các em thiếu niên trong xóm: Năm mới chúng con kính chúc thày cô, chú bác và gia đình một năm mạnh khỏe may mắn và thành đạt. Từ trong sâu thẳm lòng mình, khi các em dến xông nhà, vợ chồng chúng tôi nắm tay từng em dắt vào nhà ngồi vào ghế mời chén trà xuân rồi lì xì tiền mừng tuổi, ít thôi nhưng đó là cầu may.

Đầu năm con trẻ tới nhà là đẹp lắm rồi, các em mang tới gia đình lòng tự tin, chân thật, trong sáng và cả tình người mà bấy lâu, có lúc, có nơi, ai đó vô tình lãng quên. Chúng tôi nhìn từng khuôn mặt non tơ trong sáng rồi cùng các em nắm tay nhau chúc một mùa xuân quê hương với cả niềm tin yêu khắc phục khó khăn, đẩy lui nghèo nàn thiếu thốn, cùng nhau dạy tốt học tốt như mong đợi.

Tháng trước đây và mới hôm qua, mọi nhà, mọi người vừa gánh chịu trận lũ lịch sử, có em mất đi người thân - người trụ cột gia đình, mà chiều hai mươi tư tết vẫn gom toàn bộ số tiền tiết kiệm dành cho năm học tới vào cấp ba như một hành trang cũng đem góp vào quỹ tết cho bạn mình còn nghèo hơn, thiệt thòi hơn.

Vui không khí xuân các em đến bên gốc mai gốc đào trầm trồ ngợi khen cả một trời hoa thắm sắc, từng em như nhắn nhủ gửi gắm tâm hồn mình vào hoa rồi có em khẽ khàng: Chẳng biết quê lũ mình năm nay mấy nhà còn có đào mai? Nét vô tư rất đỗi thực thà làm lòng tôi se lại, chạnh lòng nghĩ suy rằng gia đình tôi may mắn hơn vẫn còn nguyên căn nhà, thửa vườn, mảnh sân cao hơn mọi nhà nên lũ mới mấp mé rồi đi, cội mai đào còn đó.

Tôi bồi hồi nhớ lại và trao đổi với các em… Đất nước ba mươi năm chiến tranh, cha tôi cuộc đời binh nghiệp, mùa xuân non sông thống nhất, ông từ miền Nam ra ăn tết, bà con cô bác gửi cho gốc mai vàng, cùng với gốc đào thất thốn - thứ đào bích hiếm hoi cao bẩy tấc trong dòng dõi đào từ đời ông nội tôi để lại. Cả hai cây cứ sau tết đem bứng xuống vườn chăm sóc tỉa tót rồi cữ hai tháng rưỡi trươc tết bứt lá cho mai và 50 ngày trước xuân bứt lá cho đào, chăm sóc tưới nước đều đặn để dịp đón xuân đào mai rộ nở.

Hoa đào tượng trưng cho mùa xuân miền Bắc, hoa mai cho mùa xuân quê Nam. Lịch sử còn ghi tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đại thắng quân Thanh người khoác áo bào còn vương mùi thuốc súng bước vào Thăng Long, bô lão thay mặt thần dân dâng người cành đào thắm sắc cùng tấm bánh chưng xanh. Người tạ ơn rồi truyền lệnh mang cành đào về kinh đô Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa báo tin mùa xuân toàn thắng. Và gốc mai tượng trưng cho mùa xuân miền Nam, nhiều người gọi chệch đi là may như những mong đợi buổi xuân về.

Và nếu như miền Bắc có câu “Hoa đào năm ngoái..” thì miền Nam lại có câu “Hoa mai nay vẫy gọi hoa mai xưa” là những điển tích. Chúng tôi thống nhất với các em mùa xuân năm nay sẽ trao đổi với nhau chương trình thơ về hoa đào và hoa mai như một buổi ngoại khóa để các em thêm hiểu biết về mai đào với mùa xuân non nước.

Chuông đồng hồ điểm mười hai giờ trưa, trong không khí xuân đầm ấm, đài truyền thanh xóm vang lên nhạc hiệu rồi lời chúc tết của lãnh đạo các đoàn thể xóm, tổ nhân dân; rồi chương trình thời sự, một tin vui lớn: Khu dân cư chúng tôi được đón phần thưởng về thành tích 10 năm liền được công nhận là tổ văn hóa xã, huyện, một phần thưởng động viên đến với mọi nhà, mọi người vừa lúc nắng xuân bước lên thềm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên