Tết quê với chuyện đụng lợn

Trước Tết dăm ba tháng, một vài gia đình thân nhau, mua chung một con lợn để Tết đến cùng chia nhau.

Tết về, chợ quê nhộn nhịp náo nhiệt từ 23 tháng Chạp. Nhà nào cũng phải lo từ Tết ông Công ông Táo đến bữa cơm tất niên, bữa cơm cúng ngày đầu năm và cả những bữa cơm thết khách. Bao giờ cũng thế, không thể thiếu con cá chép, con gà, nải chuối, giấy tiền, vàng mã, mâm ngũ quả, hoa, những bức tranh Tết, và đặc biệt là món thịt lợn.

Trước Tết dăm ba tháng, một vài gia đình trong họ hàng, những người láng giềng, đồng niên, đồng ngũ mua chung con lợn ưng ý nhất, hay chọn một chú lợn béo mập của một gia đình nào đó, nuôi vỗ cho thật lớn để đến Tết cùng mổ lợn chia nhau.

Ngày mổ lợn, không khí vô cùng náo nhiệt, các gia đình cùng đụng lợn đều có mặt để chia nhau. Mỗi người một công một việc, người tay thớt tay dao, người thúng mủng rổ rá, người cắt lá chuối, người chuẩn bị nước sôi… trẻ con quanh quẩn chờ xin cái bong bóng lợn để làm bóng đá. Người chọc tiết lợn thường là người khỏe mạnh, có vai vế và cũng phải có tay nghề, để chỉ chọc tiết một lần là được ngay. Bếp được đặt ngay một góc sân và nồi nước lúc nào cũng sôi sùng sục để làm được nhiều công đoạn. Giếng nước hay cầu ao cũng ngay cạnh đó, để có sẵn nước rửa.

Sau khi lấy được tiết, rau thơm và mỡ bạc nhạc cùng các phần thịt khó chia đều được băm nhuyễn để làm dồi lợn. Món này có thể dùng ngay sau khi chia xong các phần cho mỗi nhà. Các phần nội tạng như lòng, dạ dày, tim gan đều được luộc lên để nguội chia đều. Các phần thịt được chia đều từ miếng thịt nhỏ nhất. Tuy nhiên cũng có những ưu tiên nhất định cho nhà nào có người ốm đau, người già, phụ nữ có mang hay đang nuôi con nhỏ được chia những phần ngon hơn, hoặc nhiều hơn chút ít.

Thanh niên khoẻ mạnh được giao nhiệm vụ giã giò. Tần suất giã rất nhanh từ khi "thịt còn nóng" lúc vừa mổ xong. Các cụ già tóc bạc lưng còng, có kinh nghiệm làm giò hàng chục năm kiểm tra, nếu thịt đã nhuyễn mới lấy ra bó giò. Những chiếc lá chuối vườn đã được chọn và rửa lau sạch sẽ, rồi hơ qua lửa cho mềm để khỏi rách khi bó. Những sợi lạt được chẻ đều, mỏng, dài và dẻo. Những chiếc giò cũng được luộc chín chia đều cho mỗi nhà. 

Nhà nào cũng có lòng lợn, tiết canh, cũng có chân lợn để gói giò hoặc nấu đông; thịt nạc, thịt thủ để gói giò lụa; xương để nấu măng lưỡi lợn, bì lợn để làm món nem thính. Cách đụng lợn này đến nay vẫn được duy trì ở nhiều nơi, là nét đẹp truyền thống còn lưu lại từ xa xưa.

Sau khi đã chia các phần đồng đều, những món có thể làm ngay tại chỗ thì thường được làm luôn cho đỡ mất thời gian vào những lúc giáp năm bận rộn. Nem cũng làm chung, thịt nạc được nướng chín hoặc nhúng tái, thái nhỏ, bì được lạng sạch, mỡ thái mỏng như sợi miến, cùng tỏi, lá sung, lá ổi non, trộn rồi chia đều, dùng rơm sạch bó vào từng quả. Mỗi nhà mang về treo ngoài phiên hay trên dây thép, khi có gió Đông Bắc lạnh lùa ngày đêm, món nem được thiên nhiên bảo quản tốt hơn nhiều so với tủ lạnh bây giờ.

Khách đến, chủ nhà chỉ cần chạy ra vườn hái một ít lá đinh lăng, lá sung, lá ổi non, mấy củ tỏi tươi nguyên lá, mấy quả ớt vườn, thêm quả nem là chủ khách đã có món "mồi" đầu tiên, nhanh và rất thơm ngon. Tết đến thế nào cũng phải có nồi thịt đông. Thường thì từng gia đình tự làm lấy món này theo khẩu vị và những gia vị gia đình có. Món chân giò hoặc gà nấu đông ăn vào những ngày rét buốt chân buốt tay là món ăn thanh dã, uống với chén rượu mới cảm nhận được vị ấm nồng của hương Tết. 

Chuyện đụng lợn còn góp phần hoà giải những người có mâu thuẫn với nhau trong năm. Qua công việc chung, họ trở lại thân tình với nhau như ngày nào. Đây cũng là dịp để hàng xóm láng giềng gặp mặt sau những ngày vất vả với công việc đồng áng, là dịp để họ quan tâm đến nhau hơn, từ đó tình làng nghĩa xóm được lưu giữ và phát huy.

Nét đẹp ngày Tết đang bị mai một đi nhiều. Ngày nay, làng quê đã mở mang thành phố, chuyện đụng lợn cũng không còn phổ biến. Bây giờ chẳng còn mấy nhà đụng lợn với nhau. Đời sống cao hơn, đến Tết, người ta chỉ cần chạy ào ra chợ mua mấy cân thịt lợn, mấy quả nem, mấy cân giò thủ… là đủ. Không mấy người nghĩ tới chuyện cùng nhau mổ một con lợn, cùng ồn ã náo nhiệt không khí đón Tết ở làng quê mà thắm tình làng xóm như xưa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên