Xuân về thắm điệu Sình ca

Cũng như nhiều dân tộc anh em sinh sống trên quê hương Tuyên Quang, mỗi độ Tết đến Xuân về, người Cao Lan lại càng thêm đắm say với làn điệu Sình ca truyền đời của mình.

Men nồng thêm tỏ làn điệu cổ

Trong chuyến công tác lên Tuyên Quang vào những ngày giáp Tết, chúng tôi được nghỉ ở nhà ông Sầm Văn Hưng, người Cao Lan - một trong những người hát Sình ca có tiếng ở thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn. Hiểu ý chồng, bà Lâm Thị Quy - vợ ông nhanh tay đem bình rượu ngâm các loại rễ cây rừng ra đãi khách. Cùng với cái chất men nồng ấy, chúng tôi bị cuốn hút vào câu chuyện về những lời ca Cao Lan mộc mạc mà chất chứa nỗi niềm...

Ông Hưng tâm sự: “Không biết từ bao giờ, người Cao Lan chúng tôi đã lưu giữ một câu chuyện truyền thuyết về nàng Lưu Tam xinh đẹp và có tiếng là hát hay. Nàng hát đến mức không ai có thể đối lại được, lời hát có nhiều nghĩa, sâu sắc đến mức làm nhiều người nghẹn thở, tức tối. Người anh trai thấy tiếng hát của em mình “đắm đuối” quá, không cấm được em hát, đành bắt em đi lấy chồng. Sợ về nhà chồng, em gái hát nhiều làm người ta ghét, anh đã đưa cho nàng chiếc kéo và dặn: Em cầm cái kéo về để trong buồng nhà chồng, bao giờ kéo mở thì mới được nói. Lưu Tam làm đúng như lời anh bảo, hằng ngày nàng đều xem kéo mà thấy mãi không mở, nên nàng cũng không nói. Nhà chồng không chịu được, đêm khuya mới sai người mang trả nàng về nhà mẹ đẻ. Trên đường về nhà, nghe tiếng gà gáy, nàng bắt đầu cất tiếng hát. Tiếng hát như ai oán trách than. Nàng về ở hẳn với anh trai và tiếp tục đi hát ở hội hè, hay những dịp vui chơi của bản làng. Cuối cùng, nàng đã hát suốt 13 ngày đêm không ăn không ngủ rồi qua đời. Nàng đã để lại cho dân tộc Cao Lan những câu hát Sình ca chất chứa nỗi niềm”.

Những cuộc hát Sình ca của người Cao Lan đều có đề tài riêng. Thanh niên nam nữ thường mượn những cảnh đẹp của núi rừng quê hương, cảnh sinh hoạt hàng ngày, những câu chuyện cổ tích, thần thoại để nói lên tình yêu và ước vọng xây dựng cuộc sống vui tươi, hạnh phúc. Những đêm hát Sình ca là những đêm vui vẻ xóa đi sự mệt nhọc của bao ngày lao động vất vả. Bởi thế, hát Sình ca luôn có sức hút diệu kỳ đối với người Cao Lan. Những câu hát nhiều khi chỉ mộc mạc như: “Cây bị gãy vì tham lắm quả/ Người có tội vì miệng nói ngoa/ Quả ớt tuy cay ăn cả vỏ/ Quả chuối tuy ngọt nhưng khi ăn vẫn phải bỏ vỏ ngoài/ Vợ chồng dù xấu nhưng chung chăn gối/ Tình duyên dù đẹp vẫn có thể chia ly”.

Chị Sầm Thị Phấy - một trong nhiều giọng hát Sình ca hay nhất của thôn Đồng Giàn cho biết: “Các cuộc hát Sình ca luôn diễn ra sôi nổi với những làn điệu nhất định, lời hát thường được ứng khẩu tại chỗ. Trai gái đam mê hát để tìm hiểu yêu đương. Còn những người bạn già và các đôi nam nữ đã có vợ, có chồng hát để ôn lại thời trẻ trung, cũng như thưởng thức tài nghệ ứng xử của nhau nên nội dung thường tập trung vào ca ngợi vẻ đẹp núi rừng, hỏi thăm sức khỏe”...

Điệu hát của yêu thương

Vào mùa xuân, ở những bản làng người Cao Lan, làn điệu Sình ca cứ thế dập dìu suốt đêm thâu, có lúc ngân cao, có khi trầm ấm và bay bổng làm lay động lòng người… Hát Sình ca còn là dịp để cho người Cao Lan kể chuyện cổ, kể lại những tích xưa. Nhưng mỗi khi mùa xuân về, các nam thanh nữ tú thường hát để tìm hiểu yêu đương. Những thiếu nữ Cao Lan dịu dàng, e ấp trong bộ váy chàm đi trảy hội, đẹp như những bông hoa ban trắng đã tô điểm cho mảnh đất núi rừng này thêm rực rỡ. 

Những lời ca luôn vui tươi trong không gian của sự giao hòa giữa đất trời và con người, say trong chất men của tình yêu đôi lứa. Giai điệu nhấn nhá ở Sình ca rất phù hợp với việc đưa cả những câu nói thường ngày trong cuộc sống vào lời hát. Chính vì vậy, cùng với câu ca, những hành vi ứng xử của họ cũng được nâng thành lễ thức và toát lên niềm lạc quan, yêu đời... Bởi thế, người Cao Lan mà không biết hát Sình ca thì coi như không có bạn bè. Và nhờ có những lời hát đối đáp với nhau mà nam, nữ của bản này, làng kia đã nên nghĩa vợ chồng. Vì thế, mọi người đều phải tự học hát. Thanh niên hát theo người già, trẻ em hát theo người lớn. Cứ thế, hầu như ai cũng biết hát lời ca của dân tộc mình.

Với mong muốn “gìn giữ cho các thế hệ của thôn Đồng Giàn mai sau”, ông Lâm Văn Cầu, một người dân trong thôn - người được Đài THVN tặng bằng khen cho nghệ nhân có thành tích tham gia “Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam” năm 2005 đã bỏ ra biết bao thời gian, công sức sưu tầm những bài hát Sình ca bằng chữ Hán/Nôm về dịch ra chữ Quốc ngữ. Ông còn dựa trên điệu Sình ca cổ để viết lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, vẻ đẹp của quê hương, đất nước và ca ngợi không khí hăng say lao động sản xuất của bà con dân tộc mình cho hợp với cuộc sống hiện nay.

Có thêm lời mới, Sình ca hôm nay rộn ràng hơn, tươi tắn và dí dỏm hơn, nhưng vẫn mang hồn người Cao Lan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên