Xuân về vùng “rốn” lũ

Những đợt lũ dồn dập ở Hương Khê đã để lại nhiều tang thương mất mát. Nhưng sau nhiều tháng khắc phục hậu quả, những bờ bãi đã xanh lại màu ngô, rau…  

Hồi sinh vùng lũ

Chúng tôi trở về Hương Khê trong những ngày cuối năm Canh Dần, vùng đất bị lũ tàn phá trong những ngày đông lạnh giá, mặc dù cái giá lạnh đang bao trùm lên toàn bộ khu vực miền Bắc nhưng cảnh tượng hoang tàn sau 2 trận lũ liên tiếp không còn nữa. Ở vùng tâm lũ xã Lộc Yên, người dân còn bị ám ảnh bởi những trận lũ kinh hoàng hằn sâu trong trí nhớ.

Ngồi trong ngôi nhà mới được sửa sang lại của gia đình anh Hạ Duy Điền thôn 6, xã Lộc Yên, chúng tôi cảm thấy cuộc sống nơi đây đang hồi sinh. Hơn 3 tháng trước, chúng tôi đã về đây thăm gia đình anh Điền, lũ tàn phá nặng nề nhà cửa, của cải vật chất của gia đình anh. Một mình anh phải đưa 2 con nhỏ chạy lũ (vợ anh vào miền Nam làm việc), lúc ấy cảnh tượng thật tang thương. Chị Trần Thị Hiện vợ anh Điền bồi hồi nhớ lại: “Tôi từ miền Nam trở về sau 2 trận lũ, thấy bố con anh ấy, tôi không thể cầm lòng. Chồng tôi gầy rộc vì thức đêm, các cháu thì nheo nhóc sống trong cái bạt quây tạm bợ (nhà sắp sập – PV), tôi không còn nhận ra đó là nhà mình. Nước đã cuốn đi hết mọi thứ, thay vào đó là hàng đống sỏi đá...”.

Ngôi nhà của gia đình anh Điền đã được sửa sang lại

Sau lũ, gia đình anh Điền hoàn toàn trắng tay, nhà cửa đổ nát. Được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, lòng hảo tâm của nhân dân cả nước, gia đình anh đã vượt qua khó khăn. Đưa chúng tôi đi xem ngôi nhà mới dựng lại, anh Điền tâm sự: “Nếu không được sự hỗ trợ kinh phí làm nhà, có khi bố con tôi vẫn ở trong nhà bạt tự quây”. Ngoài những nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống, sau lũ gia đình anh Điền được hỗ trợ thêm 6 triệu đồng để làm nhà. Vay mượn thêm, vợ chồng anh đã làm lại nhà với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng. Căn nhà tuy nhỏ nhưng ấm cúng.

Hướng chúng tôi về phía vườn rau, anh Điền cho biết, sau lũ vợ chồng anh phải mất cả tháng trời để nhặt đá, sỏi. Hòn to, hòn bé cứ ngồn ngộn cả góc vườn.

Chúng tôi đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Đức cùng thôn với anh Điền, người đã thoát chết nhờ cây mít. Khi lũ quá nhanh, 2 bà cháu bà Đức trèo lên nóc nhà tránh lũ, lũ dâng cao qua nóc nhà, 2 bà cháu may mắn thoát chết vì kịp trèo sang được cây mít ở gần. Ngôi nhà bị lũ cuốn trôi giờ được xây mới lại, vẫn còn mùi vôi, ve. Căn nhà được xây cất khang trang, nền cao, có gác tránh lũ, tổng giá trị căn nhà lên đến 70 triệu đồng, trong đó có sự hỗ trợ 35 triệu đồng của nhà hảo tâm.

Anh Nguyễn Văn Long, con trai bà Đức tâm sự: “Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm đã giúp đỡ gia đình tôi nói riêng và nhân dân vùng lũ nói chung. Nếu không có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng và xã hội, không biết khi nào người dân vùng lũ mới có được cuộc sống ổn định”.

Trao đổi với ông Trần Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, chúng tôi được biết, đợt lũ lụt vừa qua đã gây khá nhiều thiệt hại cho nhân dân trong xã, với hàng 100 ha lúa mùa đã chín chưa kịp gặt, ao hồ thả cá bị mất trắng, gần 1.000 nóc nhà cùng nhiều công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế…bị ngập sâu trong nước. Ước tính tổng thiệt hại hơn 45 tỷ đồng.

Gia đình anh Điền trong ngôi nhà mới

Ngay khi nước rút, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã bắt tay vào ổn định đời sống, khắc phục ô nhiễm môi trường, phát triển sản xuất. Toàn bộ nguồn cứu trợ của cấp trên, của các tập thể, cá nhân đã được phân phối kịp thời, đảm bảo công khai, công bằng. Ngoài ra, xã còn hỗ trợ về giống, vốn giúp các hộ dân khôi phục sản xuất. Xã cũng chủ động đầu tư hàng chục triệu đồng để san vá ổ gà, nạo vét mương máng, chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2011.

Ông Trần Đình Lâm tâm sự: “Được sự giúp đỡ của đồng bào cả nước, dân Lộc Yên có gạo ăn, không hộ nào bị đói. Đó là tình nghĩa mà Lộc Yên luôn ghi nhớ”. Người Lộc Yên bắt tay vào sản xuất vụ đông, đã gieo trồng được hàng 100 ha ngô, lạc, khoai và rau chống đói. Sau Tết Nguyên đán, nếu những hạt gạo cứu trợ hết thì đồng ngô cũng vào vụ thu hoạch để bán mua gạo, vòng quay đó giúp người dân bớt lo. Trong dịp Tết Nguyên đán này, chính quyền xã tiếp tục hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, để các gia đình có một cái Tết yên vui, đầm ấm.

Trong các xóm làng của Hương Khê, nhiều ngôi nhà được xây mới, nhiều căn nhà được sửa sang lại, ngoài đồng ngút ngàn màu xanh của lúa, ngô, lạc, khoai lang, khoai tây… Đường vào thôn xóm còn thơm mùi đất mới, lượn quanh co lúc trên những cánh đồng, đời sống người dân dần ổn định. Mọi người đang rộn ràng chào đón một mùa xuân mới.

Chúng tôi chia tay Hương Khê, khi Tết đang đến, xuân đang về. Một sức sống đang trổi dậy tràn trề trên mảnh đất vừa bị nước lũ tàn phá hoang tàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên