Nhớ đêm giao thừa kỳ lạ ở Hà Nội cách đây tròn năm, mưa gió sấm chớp chưa từng thấy, có ai dám chắc đấy là tín hiệu cảnh báo cho những điều dị thường. Giờ đây, ngay cả khi đã tìm ra vaccine ngừa Covid-19, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn tàn phá và làm đảo lộn thế giới, cướp đi hàng triệu sinh mạng..., thì cũng chưa ai trả lời được điều gì đang chờ đợi ở phía trước; bao giờ đại dịch sẽ được kiểm soát; khi nào chúng ta lại có được nhịp sống bình thường trước đây. Chúng ta luôn không chắc chắn về tương lai, đại dịch càng khiến con người bất an về tương lai.
Đi qua những tháng ngày bất thường đến kỳ dị, mới thấy quý trọng những ngày bình thường. Và để có lại trạng thái bình thường, cần lắm những cố gắng, nỗ lực phi thường.
Thế giới đã đi qua một năm hỗn loạn, sợ hãi và mất mát. Sẽ không bao giờ quên cái bóng đơn độc của đức Giáo hoàng thuyết giáo giữa quảng trường Vatican tối mênh mông không bóng người. Bao bệnh nhân phải chết cô độc không người thân bên cạnh. Những lời vĩnh biệt đẫm nước mắt và bất lực qua Facetime. Những đường phố hoang vắng. Những nhà thiêu xác quá tải. Những nghĩa địa chật kín bao nấm mồ mới ở khắp nơi trên thế giới...
Nhân loại đã thấy trong dịch bệnh sự đứt gãy, đổ vỡ, nghi kỵ và xung đột. Nỗi bất lực, cảm giác bất an và sợ hãi đã và đang diễn ra ở chính những quốc gia có sức mạnh vượt trội về kinh tế, khoa học và công nghệ. Nói vậy để thấy những quyết định, biện pháp chống dịch “không giống ai” mà Việt Nam sớm lựa chọn có ý nghĩa quan trọng đến nhường nào. Đại dịch cho thấy, những quốc gia có sự lãnh đạo đúng đắn, có cách ứng phó nhanh nhạy, quyết đoán, có sự đồng thuận cao trong xã hội, là những nước sớm kiểm soát được tình hình và giành được những thắng lợi quan trọng.
Kể từ năm 1975, khi cuộc chiến tranh Việt Nam (theo cách nói của báo chí phương Tây) kết thúc, chưa bao giờ báo chí thế giới lại viết nhiều, liên tục về Việt Nam như vậy. Cái tên Việt Nam được nhắc tới ở nhiều quốc gia, châu lục với sự ngưỡng mộ, khâm phục về mô hình chống dịch Covid-19 hiệu quả. Điều này không tự nhiên mà có. Để đưa đất nước sớm trở về trạng thái bình thường, Việt Nam đã đầy bản lĩnh đưa ra những quyết định khác thường so với cách làm phổ biến trên thế giới lúc đó. Những biện pháp như kiểm soát chặt chẽ biên giới, tạm thời “đóng cửa” với những vùng có dịch bệnh, quyết liệt cách ly, truy vết, khoanh vùng, dập dịch… được bàn thảo và đưa ra khi thế giới chưa có nhiều nước thừa nhận.
Ra quyết định nhanh, sáng suốt trong những thời khắc cam go như vậy đòi hỏi bản lĩnh, tầm nhìn và trí tuệ. Những biện pháp đưa ra bao giờ cũng đi trước vài bước, thậm chí nhiều bước. Những quyết định khác thường đã mang lại kết quả phi thường. Kết thúc năm 2020, Việt Nam là 1 trong 10 nước trên toàn cầu đạt chỉ số tăng trưởng dương. Trong khi phần lớn các công xưởng trên thế giới đóng băng thì nhiều nhà máy trên khắp đất nước vẫn hoạt động nhộn nhịp. Đơn hàng từ nhiều nước bị phong tỏa liên tục đổ về Việt Nam. Tân Cảng Sài Gòn, 1 trong 20 cảng lớn nhất thế giới, vẫn liên tục đón đưa những tàu hàng đầy ắp container, đạt tăng trưởng hơn 6%.
Đánh giá về thành tựu kinh tế - xã hội năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gọi đây là năm thành công nhất trong 5 năm qua. Đặt trong bối cảnh đầy biến động và u ám của thế giới thì đây là nhận định tuyệt đối chính xác. Thành công nhất vì đất nước vẫn phát triển trong bình yên. Cuộc sống của người dân dù có thay đổi, xáo trộn nhưng an toàn. Những đường phố vốn nhộn nhịp chỉ phải chịu cảnh vắng vẻ trong vài tháng. Tâm trạng lo lắng, bất an đã thay bằng sự bình tĩnh và tin tưởng.
Trong những ngày này, khi chứng kiến dịch bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm trên thế giới, số người chết vì Covid-19 vẫn tăng lên hàng ngày, trong lòng mỗi người Việt Nam đều thấy tự hào và may mắn về tổ quốc, yên tâm vào khả năng điều hành của Chính phủ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Lần thứ hai thực hiện trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trên kinh nghiệm sống động và uy tín chống dịch thuyết phục của mình, sáng kiến của Việt Nam lấy ngày 27/12 hàng năm là “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh" được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua nhanh chóng và được thực hiện nay trong năm 2020. Điều ấy không tự nhiên mà có! Đi qua những dị thường và bất an, từng người mới thấy trân quý và biết ơn về những điều nhỏ nhặt bình thường như được cùng nhau thư thái bên ly cà phê sáng, cùng khám phá những vùng đất tuyệt vời hay được cùng tận hưởng không khí xao xuyến khi mùa xuân lại về…
Đi trong đại dịch mới thấy không có mô hình chính trị, văn hóa hay tổ chức xã hội nào là tuyệt đối hoàn hảo, không có một mô hình duy nhất phù hợp cho mọi quốc gia, dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa phương Đông như đề cao cộng đồng, tinh thần tập thể, tự do cá nhân phải nằm trong lợi ích chung của cộng đồng… đang chứng minh hiệu quả. Tôn trọng hiện thực khách quan, không chủ quan áp đặt hay phán xét phải chăng là nguyên tắc để các dân tộc trên thế giới cùng tồn tại hài hòa với nhau. Đi qua một năm chưa từng có trong lịch sử, Việt Nam vừa chống dịch, vừa xây dựng kế hoạch phát triển với tầm nhìn dài hạn cho tương lai và chuẩn bị đội ngũ nhân sự để khai triển.
Đỉnh cao của cả quá trình chuẩn bị một cách công phu, bài bản, sáng tạo và khoa học là thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Từ 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới, có một lộ trình và tầm nhìn không đổi là cải cách, mở cửa, hội nhập và kinh tế thị trường. Qua mỗi nhiệm kỳ, tầm nhìn và hướng đi đó ngày càng được khẳng định và hiện thực hóa rõ nét hơn. Hoa trái nhận lại là những thành quả phát triển kinh tế - xã hội hay địa vị quốc tế mang tính lịch sử.
Ai đã làm nên thành công này? Tất nhiên là nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể là đội ngũ cán bộ của Đảng từ cấp cao nhất đến từng đảng viên bình thường. Chúng ta không thể đạt được những thành tựu ấy với một đội ngũ chỉ rặt những kẻ tha hóa, suy thoái. Chúng ta đạt được điều đó nhờ phần lớn đội ngũ là những người có khát vọng phát triển, khát khao đổi mới và có lý tưởng trong sáng, trong đó có những hiền tài, những nhà lãnh đạo được lịch sử lựa chọn. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng là chưa từng có trong lịch sử ra đời và phát triển của Đảng trong hai nhiệm kỳ qua. Chưa có nhiệm kỳ nào, số cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật nhiều như nhiệm kỳ XII. Công việc đau đớn này là việc không thể không làm nhằm thanh lọc đội ngũ, khôi phục uy tín, niềm tin vào Đảng. Tuy vậy, làm được không phải dễ, xử lý cán bộ suy thoái, hư hỏng sao cho thuyết phục, cán bộ bị xử lý thấy được tinh thần “nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình” càng không dễ. Làm được cũng cần bản lĩnh lãnh đạo phi thường.
Cùng với chỉnh đốn Đảng là công việc hoàn thiện cơ chế, chính sách giám sát quyền lực, ngăn ngừa sự tha hóa, hư hỏng, ngăn chặn được “lươn, trạch” luồn sâu, leo cao trong bộ máy, mở rộng cửa cho những cán bộ có đức, có tài, có bản lĩnh sáng tạo, đổi mới. Đây là một điểm sáng của nhiệm kỳ XII. Hàng núi công việc khó khăn, phức tạp đã được triển khai một cách bài bản, thận trọng, kiên định, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho lộ trình đi tới của đất nước và dân tộc.
Mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi giai đoạn phát triển đều cần những chính sách, quyết định đặc biệt, những nhân sự đặc biệt, ngoại lệ. Những lãnh đạo có phẩm chất đặc biệt, trong những giai đoạn đặc biệt cần cách đánh giá và chọn lựa vượt ra ngoài những nguyên tắc thông thường. Với kinh nghiệm dày dạn, Đảng đã làm công việc này với tinh thần khách quan, cẩn trọng, vì đại cục. Việc cần làm tiếp tục sau này là chuẩn bị thật chu đáo về đội ngũ, hoàn thiện hơn nữa về cơ chế để đảm bảo những người thực sự ưu tú nhất sẽ giữ những vị trí quan trọng nhất, tức là biến những việc đặc biệt trở thành lẽ đương nhiên, bình thường.
Đi trong dịch dã, trong xu thế chủ nghĩa bảo hộ, dân túy trỗi dậy chi phối đời sống thế giới, xu thế “đóng” thay vì “mở” do lợi ích quốc gia vị kỷ, Việt Nam vẫn kiên trì con đường hội nhập. Việc tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có nhiều hiệp định mà Việt Nam phát huy vai trò kiến tạo như RCEP, CPTPP… đã và sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao trong kinh tế, xã hội và chính trị. Thành quả mang lại không chỉ là sự thịnh vượng do chủ động tham gia vào đời sống thế giới, đặt mình trong sự vận hành cởi mở, tương hỗ của thế giới. Quan trọng hơn, từ hội nhập, cho dù đã và sẽ phải trả những khoản “học phí” không rẻ, cả nhà nước, giới doanh nhân và công dân sẽ đều trưởng thành lên nhờ tiếp thu và chia sẻ chuẩn mực văn minh, tiến bộ- những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại.
Đại dịch Covid-19 càng chứng minh một thực tế, thế giới chỉ có thể vượt qua những thử thách khủng khiếp nhất thông qua chia sẻ và hợp tác. Việt Nam bước vào mùa xuân mới với tâm thế bình tĩnh, tự tin của một dân tộc đầy trải nghiệm lịch sử, cả thành công, đau thương và mất mát. Một dân tộc biết trân trọng, nâng niu và gìn giữ hòa bình, sẵn sàng hội nhập vào đời sống toàn cầu với sự ngay thẳng, chân thành, tử tế, để nhân dân Việt Nam và nhân loại có thể đón một mùa xuân an hòa trong sự chia sẻ và cảm thông./.