Theo ông Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, quan điểm lâu nay trong hoạt động kiểm tra, giám sát là phát hiện những sai phạm về chủ trương, đường lối; phát hiện những vấn đề chưa hoàn chỉnh về chính sách để từ đó kiến nghị sao cho hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, trong Quy định 22 có một quan điểm rất mới đó là trong quá trình giám sát, kiểm tra, bên cạnh việc phát hiện cái sai, điểm chưa hoàn thiện của chủ trương, chính sách thì cần phát hiện những nhân tố mới và phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá.

Tư tưởng mới trong Quy định 22 rất quan trọng trong tình hình đất nước ta hiện nay, khi cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị đang đứng trước thách thức lớn, đó là Đảng, Nhà nước yêu cầu cao về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị là phải luôn đổi mới, luôn đột phá.

Đổi mới, đột phá là phá những cái cũ kỹ, những điều không còn phù hợp nhưng nếu làm không khéo thì chính những đổi mới, đột phá đó dễ ảnh hưởng đến những quy định, chính sách chung. Quy định 22 mở ra vấn đề rất hợp tình, hợp lý, đó là quá trình kiểm tra, giám sát cũng đồng thời là quá trình phát hiện những nhân tố mới, những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm.

“Quy định này giải quyết được mâu thuẫn hiện nay của người đứng đầu đơn vị, đó là mâu thuẫn mong muốn đột phá để đưa đơn vị đi lên nhưng bị cản trở bởi một số chính sách được cho là lạc hậu. Quy định 22 đã giải tỏa, giải quyết được mâu thuẫn cũng như áp lực rất lớn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hiện nay” – ông Nguyễn Quốc Dũng nêu ý kiến.

Thực tế, đã có những nhân tố đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước đã để lại ấn tượng rất tích cực. Đó là tư tưởng dám đổi mới, đột phá, xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp của Bí thư Thành ủy TP.HCM khi đó là ông Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) trước năm 1986. Nhờ sự chỉ đạo năng động, sáng tạo của Thành uỷ và chính quyền, sau thời gian ngắn, nền kinh tế của TP.HCM đã có những bước chuyển động lớn, mang tính đột phá.

“Tại sao lãnh đạo thời kỳ đó đổi mới thành công? Tại sao hiện nay có một số đồng chí được xem là có tư tưởng đột phá nhưng kết quả lại sai? Bởi vì các lãnh đạo thời kỳ trước có tấm lòng trong sáng, không vụ lợi trong đổi mới” – ông Nguyễn Quốc Dũng nói như vậy và nhấn mạnh, theo tinh thần Quy định 22, trước hết, bản thân cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị dám đổi mới, đột phá vì lợi ích chung phải là người có tấm lòng trong sáng, không tư lợi.

Trong đổi mới, sáng tạo có thể có sai sót nhất định, nhưng nếu sai sót ấy không phải do bản thân cố tình gây ra để trục lợi thì điều đó dễ thông cảm, dễ chấp nhận hơn so với những người núp dưới chiêu bài “đổi mới” để tham nhũng, trục lợi cá nhân.

Sự đổi mới, đột phá của cán bộ lãnh đạo làm cho nền sản xuất, kinh doanh năng động hơn, đời sống nhân dân phát triển cao hơn so với trước là minh chứng cho thấy những đột phá, đổi mới đó đã thành công. Và chỉ có những người đủ năng lực, trình độ, đủ dũng cảm và tâm huyết, có tâm trong sáng mới có tư tưởng đột phá, đổi mới.

Song, thực tế cũng chỉ ra rằng, không phải ý tưởng đột phá nào cũng dễ dàng được “trải hoa hồng”, được số đông chấp nhận ngay từ đầu, vì vậy, cán bộ cần sẵn sàng đối diện, thậm chí chấp nhận những “trả giá” nhất định.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, những bất cập từ thực tiễn lịch sử và nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút, đến nay, trong công tác xây dựng Đảng đã có thêm chế độ bảo lưu ý kiến. Tức là khi ý kiến của một cá nhân nào đó khác với tập thể thì bên cạnh việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số thì ý kiến của cá nhân cần được ghi nhận, bảo lưu. Sau này khi thực tiễn chứng minh ý kiến đó là đúng thì khi ấy tập thể phải đưa ý kiến đó ra trao đổi và tiếp tục bàn bạc.

Nếu áp dụng thường xuyên, mạnh mẽ nguyên tắc này vào công tác xây dựng Đảng hiện nay thì sẽ không bỏ sót được những ý tưởng đổi mới. Thêm nữa, để tránh những rủi ro có thể xảy ra, đó là mọi công việc cần được bàn bạc ở tập thể cấp ủy cơ sở và cấp ủy cấp trên. Nếu làm một cách bài bản, thận trọng thì mọi sự đổi mới khi được đa số mọi người thừa nhận thì ý tưởng đổi mới đó sẽ là chân lý.

Đổi mới là một sự dũng cảm và người đứng đầu tổ chức, đơn vị dám chấp nhận đổi mới, dấn thân thì cũng phải chấp nhận sự hy sinh nhất định, nhưng vì trách nhiệm, vì danh dự, vì lương tâm của một người đảng viên đỏi hỏi họ không thể không thực hiện nhiệm vụ. Có thể có những thời điểm mọi người chưa hiểu, thậm chí họ bị phê bình, khiển trách nhưng rồi lịch sử sẽ trả lời và trả lại sự công bằng cho họ.

“Cho nên người đứng đầu phải luôn nghĩ rằng, chúng ta dấn thân để làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn không chỉ ở hiện tại mà cần phải hy sinh cho tương lai phát triển. Chính trong bối cảnh đó, sự ra đời của Quy định 22 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp để vừa tiếp tục đẩy mạnh sự đổi mới, phát triển đất nước, vừa tạo động lực, niềm tin cho đội ngũ cán bộ, đảng viên” – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II nhấn mạnh.

Nhắc lại một số vụ án lớn liên quan đến cán bộ cấp cao thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, có một số cán bộ có tư tưởng co cụm, không dám làm vì cho rằng làm nhiều thì sai nhiều, nếu đột phá thì có thể dẫn đến sai sót.

Để tránh những sai sót có thể xảy ra, bài học kinh nghiệm ở một số địa phương cho thấy, khi có ý tưởng đổi mới, sáng tạo, người đứng đầu đơn vị cần báo cáo với cấp trên, vừa đổi mới ở cơ sở đồng thời thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thường xuyên, chủ động xin ý kiến cấp có thẩm quyền đối với những ý tưởng, cách làm còn gây tranh cãi. Khi những vướng mắc, bất cập, hay những kết quả chuyển biến rõ rệt trong quá trình triển khai ý tưởng được cấp trên và cấp dưới cùng nhìn thấy rõ sẽ giúp người đứng đầu yên tâm hơn để có tinh thần làm việc.

“Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không có nghĩa là cán bộ làm theo kiểu liều, làm không báo cáo, ‘tiền trảm hậu tấu’”- ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Ủng hộ Quy định mới của Đảng, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng lưu ý rằng, bên cạnh đội ngũ cán bộ lãnh đạo luôn hết lòng vì sự nghiệp chung vẫn còn một số người có tư tưởng lợi dụng đổi mới, sáng tạo để làm lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích.

Vì vậy đội ngũ kiểm tra các cấp và cấp ủy cần phân biệt rõ hành vi nào là vì lợi ích chung, hành vi nào vì lợi ích riêng để có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời nhằm giáo dục và răn đe.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, chỉ có trên cơ sở đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết, không theo tư duy lối mòn thì cán bộ mới tìm ra được phương thức phát triển mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển của đất nước cũng có nhiều vấn đề mới đặt ra, nhất là trong điều kiện có những quy định pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều chính sách lạc hậu hơn so với sự phát triển của thực tiễn. Cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu, muốn phát huy sáng kiến, cải tiến để giải quyết những yêu cầu mới thì lại vướng cơ chế chính sách. Vì những sáng kiến, đổi mới này chưa có trong quy định nên sẽ xuất hiện những phản ánh, thậm chí tố cáo những cá nhân có ý tưởng sáng tạo đó.

“Theo Quy định mới, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát đó là phải có cách nhìn nhận khách quan, khoa học để khuyến khích, động viên những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời phân biệt được những người với chiêu bài vì lợi ích chung nhưng để mưu cầu lợi ích riêng” – ông Vũ Quốc Hùng cho biết./.

Thứ Hai, 05:28, 09/08/2021