Ngày mai (26/1), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội và kéo dài đến ngày 2/2/2021. Đại hội lần này là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước.
Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên ở trong và ngoài nước. Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, mọi công việc hệ trọng cho Đại hội Đảng đã được “hoàn tất theo đúng mục đích, yêu cầu và kế hoạch đề ra”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 15 (ngày 17/1), Hội nghị cuối cùng của khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng đã cơ bản được hoàn tất theo đúng mục đích, yêu cầu và kế hoạch đề ra. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất quan tâm, theo dõi, mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Đại hội.
Việc xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII được chuẩn bị từ rất sớm, công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) (tháng 10/2018), Trung ương Đảng đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng, gồm: Tiểu ban Văn kiện do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban.
Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII gồm: Báo cáo chính trị, Báo cáo về kinh tế-xã hội và báo cáo về xây dựng Đảng, trong đó Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm. Các báo cáo này phải thống nhất với nhau và theo một quy trình chặt chẽ, từ thiết kế nội dung đảm bảo chặt chẽ, logic; quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng các văn kiện quán triệt được tính kế thừa, đổi mới; những nội dung, vấn đề đã rõ, đã được kiểm nghiệm chắc chắn mới đưa vào. Cùng với đó, dự thảo văn kiện còn phải tiếp thu được tinh hoa, giá trị của nhân loại.
Quá trình hình thành các dự thảo văn kiện, ngay từ khâu đề cương, các nội dung đều phải đưa ra thảo luận kỹ lưỡng. Đơn cử như chủ đề, phương châm đại hội làm sao phải bao hàm được những vấn đề lớn của đất nước, có tính hiệu triệu, phản ánh được mục tiêu cần đạt được, có sự chọn lọc, kế thừa qua các kỳ đại hội. Hay như đánh giá những mặt được trong 5 năm vừa qua, bối cảnh đất nước sau 35 năm đổi mới, rút ra kết luận, đánh giá phải sát, phải đúng và có điểm nhấn thể hiện được những đặc thù của nhiệm kỳ vừa rồi. Bên cạnh những bài học, cũng phải đưa ra được những quan điểm, mục tiêu…
Bản thảo cuối cùng xin ý kiến Trung ương trước khi trình ra Đại hội là bản thảo đã qua 25 lần bổ sung, chỉnh sửa. Đây cũng là kết quả của rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học. Mỗi lần bổ sung, chỉnh sửa là một lần các nội dung của văn kiện được nghiên cứu, tiếp cận, được góp ý từ nhiều phương diện khác nhau.
Theo đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đã phân tích, đánh giá, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Từ đó khẳng định, những thành tựu đã đạt được là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới.
Dự thảo cũng đã cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển mới trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.
Để có được dự thảo văn kiện hoàn chỉnh trình Đại hội, các Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng và các cơ quan có liên quan với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đã cập nhật một cách kịp thời tình hình, nhất là tác động của đại dịch Covid-19; tổng hợp, phân tích, tiếp thu các ý kiến hợp lý, từng bước hoàn thiện dự thảo.
“Hơn hai năm chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý, có thể kế thừa, bổ sung, phát triển để có thể làm tốt hơn nữa trong các nhiệm kỳ sau”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cùng với quá trình chuẩn bị văn kiện, công tác nhân sự khóa XIII cũng được quan tâm đặc biệt khi lần đầu tiên một Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập. Cùng với đó, Kế hoạch về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2025 cũng được ban hành, với phương châm không quy hoạch cho nhiều khóa, chỉ tập trung quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025; không làm đồng thời các chức danh mà quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, sau đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý: Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nhằm cụ thể hóa về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh này. Đến đầu năm 2020, Quy định này được sửa đổi, bổ sung thành Quy định 214, nêu tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với chức danh Tổng Bí thư.
Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII (tháng 12/2018), Trung ương đã cho ý kiến về việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Trung ương nhiệm kỳ 2021-2025 để Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Đây là những cán bộ lần đầu được giới thiệu vào Trung ương. Tới Hội nghị 12 (tháng 5/2020), Trung ương đã quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; thảo luận về tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự liên quan.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gửi thư đến các Ủy viên Trung ương khóa XII, đề nghị từng người đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế mình. Hội nghị Trung ương 13, khóa XII (tháng 10/2020), tiếp tục xem xét công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 9/2020, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tổng số 227 người.
Nói về sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với nhân sự khóa mới, không thể không nhắc tới sự chỉ đạo của đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thông qua một bài viết được truyền thông đăng tải rộng rãi. Đó là bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” đăng tháng 4/2020.
Trong bài viết này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Cho nên người đứng đầu Đảng, Nhà nước yêu cầu, đồng thời với chuẩn bị đường lối chính trị phải tích cực chuẩn bị và tiến hành đường lối tổ chức và chiến lược cán bộ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm, nỗ lực lớn, công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết để không chọn nhầm người.
Theo thông báo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 15 vừa qua, “chúng ta đã đạt được sự thống nhất rất cao đối với các nội dung cơ bản và đặc biệt hệ trọng đó là thông qua giới thiệu, bổ sung, đề cử nhân sự “đặc biệt” tham gia khóa XIII và danh sách nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII”.
Chỉ đạo tại phiên họp thứ 6 của Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng Tiểu ban, yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, các thành viên tiểu ban tập trung cao độ, dành ưu tiên cao nhất để bảo đảm công tác phục vụ đại hội được kịp thời, đúng tiến độ, góp phần vào thành công của Đại hội XIII. Các đơn vị cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, tăng cường phối hợp, kiểm tra thường xuyên để tránh chậm việc, sót việc, từ việc xây dựng phương án chi tiết bảo đảm an ninh, trật tự cho Đại hội, công tác tuyên truyền của Đại hội, bố trí nơi ăn, nghỉ của đại biểu và phương tiện phục vụ Đại hội, nội quy sinh hoạt của đại biểu, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ Đại hội tại hội trường; hoạt động của báo chí tham dự Đại hội XIII và nhiều vấn đề có liên quan khác.
Với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, bài bản, Đại hội XIII của Đảng nhất định sẽ thành công, lựa chọn được những cán bộ đủ đức, đủ tài dẫn dắt đất nước thực hiện thắng lợi những mục tiêu Đảng đề ra cho nhiệm kỳ mới./.