Bị cuốn vào từng câu chữ của cuốn Lenin toàn tập, ông Nguyễn Hồng Hải đã dành hơn 30 năm cuộc đời để sưu tập gần 50 cuốn sách. Năm 2021, ông đã quyên tặng “kho báu ấy” cho thư viện tỉnh Bắc Ninh. Bộ sách không chỉ là nguồn tư liệu nghiên cứu quý giá cho địa phương mà còn trở thành câu chuyện sống động cho tinh thần xây dựng và bảo vệ nền tư tưởng của Đảng.

Đây là niềm tin mãnh liệt của vị đảng viên lão thành Nguyễn Hồng Hải, ở Quế Võ, Bắc Ninh, khi chia sẻ về lý do ông dành hơn 30 năm để sưu tập, gìn giữ bộ sách Lenin toàn tập. Bộ sách gồm 55 tập, không chỉ quý bởi giá trị lý luận toàn cầu, mà ở Việt Nam, thuộc hàng hiếm, cả nước chỉ có duy nhất 1 bộ do Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô trao tặng. Bộ sách được Nhà xuất bản Tiến bộ Moskva của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ấn hành bằng bản dịch Việt ngữ.

Theo chia sẻ của ông Hải năm nay đã ngoài 80 tuổi, thế hệ đảng viên ở tuổi của ông, không ai không biết đến bộ Lenin toàn tập. Có được 1-2 tập đặt trên kệ sách là niềm tự hào, hãnh diện của nhiều lớp đảng viên ngày ấy.

Ông Hải nhớ lại, khoảng năm 1975, thời điểm mới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Trung ương Đảng Liên Xô gửi tặng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bộ sách Lenin toàn tập. Khi ấy, bộ sách được trưng bày và bán ở các hiệu sách nhân dân cấp tỉnh. Ông may mắn mua được Tập 1 của bộ sách ở hiệu sách nhân dân tỉnh Quảng Ninh rồi mang về đọc không sót một trang nào. Ông thấy mình như bị cuốn vào từng câu, từng chữ, hiểu được giá trị thực sự của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, của lãnh tụ Lenin cũng như những nhân vật chủ chốt, quan trọng đã góp phần vào thành công của cuộc cách mạng tháng Mười. Lúc đầu, ông chỉ mong muốn được đọc những cuốn tiếp theo, rồi dần dần tới quyết tâm phải có bằng được trọn bộ sách bởi “điều hấp dẫn tôi nhất từ bộ sách chính là lý luận cách mạng vô sản của Lenin”.

Khoảng năm 1977-1978 là thời điểm ông Hải bắt đầu sưu tập và lưu giữ bộ sách. Công việc của người làm báo (ông Hải có 27 năm làm công tác phóng viên ở báo Quảng Ninh và 6 năm làm Trưởng Ban biên tập Nhà xuất bản Quảng Ninh-PV) giúp ông Hải được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Đến đâu, gặp ai, ông cũng bày tỏ nguyện vọng xin được nhượng lại các tập sách lẻ để bổ sung vào bộ sưu tập của mình.

“Nhiều người có nhưng dứt khoát không muốn nhượng lại, bởi ai cũng trân trọng và muốn lưu giữ làm kỷ niệm. Hiểu được tâm lý đó, tôi nghĩ phải thuyết phục bằng sự chân thành. Tôi nói với họ thiếu một người không bằng đủ một người, hiện tôi đã gần đủ rồi, chỉ còn thiếu một vài tập, coi như anh giúp và hỗ trợ tôi. Nhiều người hiểu ra đã vui vẻ đồng ý tặng lại”.

Ông Hải nhớ lại quá trình đi tìm sách và cho biết, trong 44/55 cuốn ông sưu tập được, có những tập được mua ở hiệu sách, có những tập xin được của anh em bạn bè, có những cuốn phải nhờ đến quan hệ, vận động, thuyết phục. Đặc biệt có cuốn ông phải nhượng lại bằng một cây thuốc lá Sông Cầu.

Nghe cách ông chia sẻ về quá trình tích cóp “gia tài”, mới thấy chỉ có thể là sự trung thành và lòng tin tưởng tuyệt đối vào những giá trị của Chủ nghĩa Marx-Lenin mới giúp ông kiên trì được như thế. Bởi quá trình sưu tập không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những người ông phải đi lại nhiều lần để nói chuyện, thuyết phục. Khó nhất chính là cuốn thứ 55, bởi đó vừa là tập cuối, lại là tập đẹp nhất, dày nhất, ai cũng muốn giữ lại. Để có được nó trên kệ sách nhà mình, ông Hải đã mất gần 3 tháng để thuyết phục chủ cuốn sách.

“Tôi giải thích với ông ấy, kỷ niệm là quý, là tốt nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều khi cuốn sách có thể phát huy được giá trị của nó. Được anh ủng hộ, tôi sẽ gom được trọn bộ như vậy sẽ ý nghĩa hơn, sau này có giá trị hơn nếu như tặng cho một cơ quan đảng nào đó. Giá trị và ý nghĩa đó sẽ lớn hơn nhiều với giá trị nằm lại ở trong tủ sách của một người”, ông Hải nhớ tại từng lời ông đã thuyết phục. Khi được hỏi về cảm xúc khi đã có gần như trọn bộ sách trong tay, ông Hải cười sảng khoái, nói rằng đó là một cảm xúc của người chiến thắng.

Trước băn khoăn của phóng viên, rằng sự sụp đổ của Đảng Cộng sản cũng như chế độ XHCN ở Liên Xô vào năm 1991 không lẽ không khiến ông “ngả nghiêng” một chút nào? Ông Hải quả quyết: “Hoàn toàn không, vì tôi tin rằng Chủ nghĩa Marx-Lenin đúng trong mọi thời đại cho nên lúc bấy giờ Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên bang Xô Viết chao đảo, đi đến sụp đổ, nhưng tôi vẫn tin chắc rằng Chủ nghĩa Marx-Lenin không bao giờ sụp đổ”.

Cơ sở để ông Hải có được niềm tin mạnh mẽ ấy chính là:

Thừa nhận, sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã gây ra cú sốc lớn với không ít người cộng sản cả ở Việt Nam và thế giới; đặc biệt từ đó đến nay, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục xuyên tạc và phủ nhận Chủ nghĩa Marx-Lenin, cơ sở khiến ông Hải vẫn giữ cho mình sự kiên định với Chủ nghĩa Marx-Lenin là bởi:

“Chủ nghĩa Marx-Lenin không bao giờ lạc hậu, lỗi thời, luôn là kim chỉ nam cho mọi đất nước, mọi dân tộc làm cách mạng vô sản. Tôi tuyệt đối tin tưởng ở điều đó và bộ Lenin toàn tập đã thể hiện đầy đủ ý tưởng đó của những con người vĩ đại, những con người làm cách mạng vô sản mà thế giới không bao giờ có thể quên được. Đó là cơ sở khiến tôi có một niềm tin vững chắc rằng lựa chọn Chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng của Đảng ta đến thời điểm này vẫn là lựa chọn đúng đắn”.

Khẳng định điều này, ông Hải còn cho rằng “Đảng ta từ khi tiếp nhận luôn trung thành kiên định Chủ nghĩa Marx-Lenin tới bây giờ, nhờ vậy đã đạt được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, toàn những thắng lợi vang dội thế giới. Có được thắng lợi đó, là bởi Đảng ta không chỉ tiếp nhận Chủ nghĩa Marx-Lenin mà biết vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của đất nước, của cách mạng khiến cho nó linh hoạt hơn, sôi động hơn, phát triển một cách đầy đủ, toàn diện chứ không cứng nhắc, máy móc. Vì thế, Đảng đã hình thành được một phương hướng về xây dựng CNXH, thực chất cũng là chắt lọc những tinh hoa tốt đẹp nhất của Chủ nghĩa Marx-Lenin để đưa vào Việt Nam”.

Theo ông Hải, đến thời điểm này, nền tảng tư tưởng Chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn còn nguyên giá trị với công cuộc xây dựng Đảng và xây dựng CNXH ở Việt Nam. Bởi muốn xây dựng CNXH thành công phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo, và Đảng này phải được xây dựng theo nguyên tắc của Lenin, phải thống nhất về tư tưởng từ đó mới có sức mạnh, làm gương cho toàn dân tộc noi theo.

Ông Hải quả quyết, Đảng ta chọn Chủ nghĩa Marx-Lenin làm kim chỉ nam soi đường cho mọi hành động là hoàn toàn đúng. Nếu không có Chủ nghĩa Marx-Lenin, mọi hành động có thể sẽ đi chệch mục tiêu, dẫn tới những sai lầm, kết quả không mong muốn. Muốn thế phải hiểu biết sâu sắc Chủ nghĩa Marx-Lenin để có cơ sở giữ vững và vun đắp vững chắc thêm nền tảng tư tưởng của Đảng.

Sau hơn 60 năm ly hương, sống và làm việc tại Quảng Ninh, người đảng viên già trở về nguyên quán ở thôn La Miệt, xã Yên Giả, huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Không còn đủ sức để sưu tập thêm và lưu giữ bộ sách, ông Hải đã viết thư gửi Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh xin được trao lại bộ sách, mà ông coi là gia tài quý giá nhất đời mình, cho Đảng bộ tỉnh nhà như một món quà “hồi hương” với mong ước được đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ và vun đắp vững chắc thêm nền tảng tư tưởng của Đảng. Sáng 4/11/2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Huyện ủy Quế Võ đã tổ chức tiếp nhận bộ sách, tổ chức trưng bày, lưu giữ và bảo quản tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh, xem đây là tài liệu quý để tăng cường giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh.

Thay mặt Thư viện tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Luyên, Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Ninh không khỏi xúc động trước niềm tin, tâm huyết của người Đảng viên cao tuổi đã dành nhiều năm với biết bao công sức để có được bộ sách quý. Bày tỏ sự trân quý đối với “gia tài” của ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc thư viện tỉnh Bắc Ninh cho biết: Cán bộ thư viện sẽ xử lý thật tốt để bảo quản đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu, học tập những tinh hoa, sáng tạo trong tư tưởng của Chủ nghĩa Marx-Lenin./.


Thứ Tư, 05:14, 13/04/2022