Kiểm soát quyền lực là một điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong cơ chế vận hành của các thể chế chính trị nói chung, đồng thời cũng là một yếu tố có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh "thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng...”.

Nhìn lại chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ khóa XII, xa hơn nữa là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (2013) đến nay, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng thực sự đã có chuyển biến rất tích cực, trong đó vấn đề kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” được quan tâm đúng mức, với nhiều cách làm sáng tạo, đột phá. Kết quả đã được ghi nhận; cách làm cũng đã được kiểm nghiệm, đánh giá, tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, hành động quyết liệt với quyết tâm cao hơn nữa.

Nghị quyết Đại hội XII khi đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới từng nhấn mạnh tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi.

Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra từ Đại hội XVII vẫn tồn tại, trong đó có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,... Từ đó đặt ra nhiệm vụ trọng tâm của khóa XII (2016-2020) xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ rõ: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng liên quan trực tiếp đến cán bộ và công tác cán bộ, đặc biệt là những cán bộ giữ chức vụ cao. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông – Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, kiểm soát quyền lực là một vấn đề phức tạp, khó nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ không có kết quả, bởi mọi hành vi tham nhũng đều xuất phát từ quyền lực, bao gồm cả quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế.

Và muốn kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng phải tập trung vào công tác cán bộ, bởi quyền lực gắn với con người cụ thể. Công tác cán bộ thực hiện sai nguyên tắc, thực hiện quy trình chỉ là hình thức; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… phát triển là biểu hiện cụ thể của tham nhũng quyền lực. “Thành công trong công tác phòng, chống tham nhũng quyền lực có ý nghĩa rất lớn, làm rung chuyển các loại tham nhũng khác, là yếu tố thành công của cuộc chiến chống tham nhũng” – ông Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.

Nghị quyết Trung ương 3 khóa X đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân căn bản của tình trạng tham nhũng và cũng là một trong những điểm yếu của công tác phòng, chống tham nhũng qua nhiều nhiệm kỳ, đó là do: “Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, công chức nói riêng  còn nhiều yếu kém” và tình trạng “suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức…, thiếu gương mẫu trong việc gìn giữ phẩm chất đạo đức”; đồng thời “cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn nhiều sơ hở, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung”.

Từ thực tiễn những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nguyên nhân cơ bản là do “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện”, “thể chế chính sách còn bất cập, tính khả thi không cao”, “chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ chưa rõ ràng, cụ thể”. Vì vậy việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện tốt các quy định về công tác cán bộ đóng vai trò cơ bản, quyết định đến hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng. Một hệ thống quy định chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ sẽ giúp Đảng ta lựa chọn đươc đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, “có đức, có tài”; đồng thời loại bỏ những kẽ hở về cơ chế, không để lọt những cán bộ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, không đủ năng lực và uy tín, cơ hội, cục bộ, vị kỷ, dựa vào hệ thống chính trị để tham nhũng, trục lợi, chạy chức, chạy quyền, lạm quyền.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng lưu ý, để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên thì không chỉ kêu gọi, giáo dục tư tưởng suông mà phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. Và đương nhiên, công tác cán bộ được quan tâm hàng đầu bởi đây là khâu “then chốt của then chốt”, với nhiều đổi mới quan trọng, hành động quyết liệt.

Trước tiên, có thể thấy công tác rà soát, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các quy định về công tác cán bộ được triển khai đồng bộ, khoa học và hiệu quả, tập trung giải quyết những vấn đề sơ hở đang tồn tại trong hệ thống quy định trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đạt được; đồng thời thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Hệ thống quy định được xây dựng bảo đảm hài hòa giữa “xây” và “chống”, giữa khuyến khích tính tự giác, nêu gương của cán bộ và xử lý nghiêm minh các sai phạm trong công tác cán bộ.

Theo ông Nguyễn Đức Hà- nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng- Ban Tổ chức Trung ương, ít có nhiệm kỳ nào tập trung cao độ cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến như vậy, khi chỉ nửa đầu nhiệm kỳ có 4 nghị quyết và 1 quy định về công tác xây xựng Đảng được ban hành; Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra hơn 100 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một nội dung quan trọng xuyên suốt trong các quy định đó chính là công tác cán bộ.

Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương ban hành các nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến công tác cán bộ để phòng, chống tham nhũng. Cụ thể: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng. Trên tinh thần đó, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hàng loạt quy định của Đảng về công tác cán bộ gắn với mục tiêu phòng, chống tham nhũng được tập trung xây dựng, ban hành.

Số liệu từ Ban Tổ chức Trung ương cho thấy, tính đến hết nhiệm kỳ khóa XII, toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu hoàn thành 109 đề án, nhiệm vụ được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao và gần 1.800 để án trình cấp ủy trực thuộc Trung ương. Trong đó, với trọng trách là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương ban hành 3 Nghị quyết và 1 quy định để thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra. Có thể khẳng định, các quy định này là “xương sống” hình thành “lồng nhốt quyền lực”.

Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tháng 11/2016, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Lần đầu tiên, Trung ương đưa ra hệ thống gồm 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; đồng thời đề ra 4 nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh “nếu cán bộ hư hỏng, xấu hết cả thì chúng ta không có được đất nước như hiện nay và ngược lại. Nhưng nếu đội ngũ cán bộ này tốt hơn thì đất nước còn tốt hơn nữa”. Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là điều trăn trở, băn khoăn, lo lắng của cấp ủy Đảng, và nnếu không có cuộc cách mạng đổi mới chính mình thì không thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Xuất phát từ yêu cầu đó, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII ban hành ngày 19/5/2018 về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" có vị trí rất quan trọng khi đặt mục tiêu đầu tiên là thể chế hóa, cụ thể hoá Nghị quyết các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ.

Trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện Quy định 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương; thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì tham mưu để Trung ương ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ngày 25/10/2018. Quy định nêu gương có 8 điểm "xây", 8 điểm "chống" được phản ánh trên các mặt tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, tác phong... với tinh thần người giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.

Quy định ra đời trong thời điểm rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh một bộ phận cán bộ đảng viên cấp chiến lược thiếu học tập và tu dưỡng, tham nhũng, lãng phí, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Con số 59 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 13 người là ủy viên Trung ương hoặc nguyên ủy viên Trung ương; Đảng cũng đã kỷ luật khai trừ một Uỷ viên Bộ Chính trị trong 2 năm tính tới thời điểm có quy định này đã nói lên tính bức xúc cần chấn chỉnh. "Việc ban hành quy định nêu gương là một cam kết chính trị của Trung ương với chính mình và toàn Đảng, toàn dân" đúng như lời ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi đó.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Việc này được đánh giá là đã đi trúng vào những vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ tồn tại suốt nhiều nhiệm kỳ vừa qua; lần đầu tiên trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng đề cập đến vấn đề này. Nhận diện rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, Quy định 205 góp phần kiềm chế, quyết tâm ngăn chặn đẩy lùi chạy chức, chạy quyền ở các cấp, đưa quan điểm “không chạy chức, chạy quyền” trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Có thể khẳng định chưa có nhiệm kỳ nào mà Trung ương, Bộ Chính trị lại ra nhiều nghị quyết, chỉ thị quy định về công tác cán bộ và cán bộ nhiều như nhiệm kỳ vừa qua, tạo ra một hành lang để từ đó lựa chọn được những cán bộ có đức, có tài và sàng lọc loại bỏ những người nhúng chàm, tiêu cực./.

Thứ Ba, 12:31, 15/06/2021