Vai trò phản biện của báo chí mang giá trị thời đại. Trong chặng đường dài phát triển, báo chí hiện đại đang gặp phải nhiều thách thức hơn, đặc biệt là sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội.
Cùng với truyền thông chính sách đúng và hiệu quả, báo chí ngày nay tiếp tục phát huy vai trò phản biện, khả năng phát hiện vấn đề… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Không thể phủ nhận rằng, các bài viết “gai góc”, có tính phản biện luôn thu hút dư luận hơn, tạo nên “diễn đàn” để người dân tham gia góp ý cho các chính sách của Nhà nước. Qua đó, các cơ quan chức năng cũng có sự điều chỉnh kịp thời.
Điều này khẳng định vai trò và giá trị không thể thay thế của báo chí.
Vậy cách báo chí phản biện chính sách đúng và hiệu quả là như thế nào?
Phóng viên Báo Điện tử VOV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này.
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong công tác truyền thông chính sách thời gian qua? Đặc biệt là cách báo chí lên các bài viết mang tính phản biện?
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa: Chúng ta đã có Chỉ thị số 7/CT-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách” trong tình hình mới. Đây là một bước đột phá, bám sát thực tiễn và được kỳ vọng sẽ tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ.
Điểm nổi bật của Chỉ thị này là đã xác định rõ truyền thông chính sách là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan này phải có nhân sự, nguồn lực làm truyền thông chính sách.
Tuy nhiên, từ chủ trương đúng đến thực tiễn triển khai còn nhiều khó khăn, trở ngại, cần nỗ lực và nhận thức thống nhất. Nói cách khác, muốn truyền thông chính sách hiệu quả, phải có chính sách đủ mạnh, sát thực với truyền thông. Tôi đề cập đến 2 vấn đề về phát huy vai trò của truyền thông chính sách.
Thứ nhất, việc tăng ngân sách cho truyền thông là cần thiết, nhưng chi tiền như thế nào lại là bài toán không dễ. Bởi vì cứ đếm đầu bài đặt hàng theo đúng quy định ngân sách hiện nay thì rất nhiều bài giống nhau. Như thế sẽ tốn ngân sách mà hiệu quả không cao.
Thứ hai, truyền thông chính sách không phải là minh họa chính sách mà còn là phản biện để xây dựng và hoàn thiện chính sách. Các bộ ngành có đặt hàng những bài phản biện chính sách hay không? Nếu toàn bài khen, bài thông tin đơn thuần thì vướng mắc, ách tắc, chính sách thủ tục làm khó người dân và doanh nghiệp sẽ vẫn bị bỏ lại bên lề truyền thông chính sách. Chưa kể, nếu báo chí chỉ toàn khen thì liệu có đúng với tinh thần phát huy “phê bình và tự phê bình” mà Đảng đã đề ra?
PV: Là ĐBQH và làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về báo chí, truyền thông, ông có gợi mở những chính sách gì để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng?
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa: Các cơ quan Nhà nước cần tăng cường đặt hàng bài phản biện chính sách, cũng như quan tâm tháo gỡ cơ chế tài chính và chính sách thuế cho báo chí.
Báo chí cách mạng phải “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, phải vươn lên gánh vác trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân trên mặt trận thông tin. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ báo chí nhưng cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và hiệu quả thông tin.
Các cơ quan quản lý cần đặt niềm tin và tạo dư địa để báo chí phát huy trách nhiệm và sáng tạo. Đây mới là điểm nhấn quan trọng trong chính sách với truyền thông để truyền thông chính sách đạt hiệu quả như kỳ vọng.
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò và giá trị thời đại của báo chí trong chặng đường 99 năm qua?
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa: Trong thực tiễn phát triển đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện được vai trò quan trọng trong phản ánh thông tin nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, những thông tin về thị trường, công tác quản lý điều hành được báo chí phản ánh tích cực, kịp thời. Một mặt giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm thông tin tham khảo sâu hơn, mặt khác, cũng ổn định tâm lý cho xã hội, để người dân thấu hiểu, chia sẻ.
Bên cạnh chức năng phản ánh thông tin, báo chí có chức năng quan trọng là chức năng dự báo. Báo chí luôn luôn có tính phát hiện, tính dự báo chứ không chỉ đơn thuần là phản ánh. Tôi đánh giá cao những sự việc, vấn đề được báo chí phát hiện thời gian qua, đưa tin chính xác, giúp các nhà quản lý nhìn trước được vấn đề, giúp xã hội biết trước được những nguy cơ có thể xảy ra.
PV: Trong xu thế bùng nổ công nghệ, truyền thông mạng xã hội như hiện nay, đặc biệt khi trí tuệ nhân tạo, AI lên ngôi, theo ông, các cơ quan báo chí cần làm gì để bắt kịp với sự thay đổi đó?
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa: 99 năm qua, nền báo chí nước nhà đã có sự thay đổi rất lớn. Thậm chí, có những vấn đề ứng dụng công nghệ báo chí đã chủ động đi trước. Cho nên, tôi cho rằng, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ thì báo chí càng có nhiều thuận lợi và cơ hội để phát triển hơn.
Tuy nhiên, để không tụt hậu, điều quan trọng nhất của báo chí vẫn là phải bám sát công chúng. Bây giờ đã có nhiều thuật toán để hiểu và tiếp cận công chúng, tiếp cận thói quen sử dụng của người dùng, từ đó tạo ra sản phẩm báo chí phù hợp với nền tảng số và công chúng số.
Việc vận dụng công nghệ vào quy trình sản phẩm báo chí thì không quá khó, nhưng cái khó là phải tư duy để phù hợp với công nghệ mới, nắm bắt được thói quen của người dùng.
PV: Công chúng đang có xu hướng theo dõi mạng xã hội và đôi khi cho rằng không cần đến báo chí mà vẫn nắm bắt được mọi thông tin. Song điều này cũng sẽ khiến công chúng rất dễ bị "mắc bẫy tin giả", tin xấu độc. Theo ông, đây có phải là thách thức lớn buộc báo chí hiện đại phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của công chúng hay không?
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa: Chúng ta thử hình dung, nếu như thông tin trên mạng xã hội vừa nhanh, vừa hấp dẫn lại vừa đúng nữa thì báo chí làm gì để cạnh tranh? Điều giúp báo chí có thể phát triển và được công chúng tin cậy tìm đến là sự thật. Mạng xã hội càng nhiều tin giả thì báo chí càng thể hiện được vai trò người đem đến sự thật.
Những người làm báo, phải khắc sâu giá trị cốt lõi của báo chí là tìm kiếm sự thật, nói lên sự thật, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Muốn vậy, báo chí phải có quan điểm, chính kiến rõ ràng, có tính định hướng cao, phải “xung trận” vào những vấn đề nóng bỏng, bức thiết của đời sống mà dư luận quan tâm.
Mạng xã hội còn những thông tin sai lệch, thất thiệt thì đó chính là chỗ báo chí thể hiện vai trò, thế mạnh định hướng của mình. Báo chí phản ánh đúng bản chất sự thật, kịp thời, công chúng sẽ tin cậy và tìm đến. Nhưng sẽ là rất đáng ngại nếu mạng xã hội có những chuyện nói rất sai lệch, đẩy sự việc đi rất xa bản chất, rất cần phản bác mà báo chí lại im lặng, né tránh. Nếu cứ giữ “an toàn”, mũ ni che tai như thế, làm sao công chúng gửi gắm niềm tin?
Hiện nay, tôi thấy một số tờ báo, cả báo địa phương có những trang thông tin trên nền tảng Facebook hoặc Tiktok rất đổi mới, rất gần gũi với công chúng, đưa những lời mô tả rất hay buộc người đọc phải đọc bài bên trong.
Tôi cho đây là sự thích ứng hiệu quả. Nghĩa là phải đúng, kịp thời và phải hấp dẫn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Lê Hoàng | Trình bày: Kiều Anh