Gia Lai là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống (34 dân tộc) với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và đạo Baha’i. Toàn tỉnh có khoảng 250 cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo chiếm khoảng 28% dân số của tỉnh.
Cùng với việc giúp người dân hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các tổ chức chính trị đội lốt tôn giáo, Gia Lai cũng như các địa phương khác ở Tây Nguyên luôn thực hiện nhất quán chủ trương tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền của người dân, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, không ai cấm cản các hoạt động tôn giáo thuần túy. Trong quá trình đó, nếu gặp những khó khăn, vướng mắc thì dần dần tháo gỡ.
Sáng chủ nhật hàng tuần, Nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleicu (cách trung tâm thành phố khoảng 10km) lại rộn ràng tiếng cầu kinh và những bản thánh ca. Từ khắp các nẻo đường, các tín đồ người dân tộc Jrai về đây hành lễ như một điều hết sức tự nhiên, nhiều phụ nữ địu theo con nhỏ.
Nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú được chính thức xây dựng từ năm 2015 và được khánh thành vào tháng 4/2017 trên khuôn viên hơn 5000m 2 do UBND tỉnh cấp.
Ông Siu Mơr, chấp sự Chi hội Tin lành Plei Mơ Nú cho biết: “Trước kia, nhà thờ của chúng tôi ở trong làng. Giờ chúng tôi được tỉnh cấp cho mảnh đất gần đường quốc lộ để xây nhà thờ mới, rất khang trang, đẹp đẽ, bà con rất phấn khởi. Khi xin giấy phép xây dựng, chúng tôi được các sở ngành tạo điều kiện rất nhanh chóng, không gặp trở ngại gì”.
Chi hội Tin lành Plei Mơ Nú hiện có hơn 1000 tín đồ, tất cả đều là người dân tộc Jrai. Đây là chi hội Tin lành được thành lập sớm nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai (thành lập từ năm 1964). Nếu như đầu những năm 2000, chi hội có khoảng 500 tín đồ thì nay, con số đã tăng gấp đôi. Tham gia Tin lành miền Nam Việt Nam, các tín đồ người dân tộc Jrai đã bỏ được nhiều tập tục lạc hậu như nghi lễ cúng giàng mỗi khi nhà có người đau ốm, đời sống ngày càng văn minh. Bà con đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Tại huyện Chư Păh, điểm nhóm sinh hoạt tại nhà mục sư Rơ Châm Djap - trưởng điểm nhóm Tin lành Giám lý liên hiệp làng Mrông Yố, Ia Ka thường xuyên có khoảng 70 tín đồ. Điểm nhóm này bắt đầu hoạt động từ năm 2017 sau khi ông Rơ Châm Djap được đi học giáo lý 6 năm ở TP.HCM, trở thành mục sư truyền đạo.
Từ một người từng theo Fulro rồi đoạn tuyệt với quá khứ, trở thành mục sư truyền đạo, ông Rơ Châm Djap như bước từ “bóng tối” ra “ánh sáng”. Không phải lén lút, thậm thụt, khi sinh hoạt tôn giáo chính thống được nhà nước công nhận, ông và các tín đồ ở đây được tự do bày tỏ đức tin.
“Nhà nước không cấm cản người dân theo hay không theo tôn giáo nào, miễn là tôn giáo đó chính thống. Trước tác động của mạng xã hội và các phần tử xấu thường xuyên xúi giục, khi giảng đạo cho các tín đồ, tôi cũng thường xuyên nhắc bà con phải cảnh giác. Những hình ảnh về cuộc sống sung túc ở nước ngoài không hẳn là như vậy nên bà còn đừng vội tin. Ở đâu thì cũng phải làm việc thì mới có thành quả, không ai tự dưng mang đến cho mình” – mục sư Rơ Châm Djap chia sẻ.
Không chỉ đồng bào theo đạo Tin lành, với những tín đồ theo đạo Công giáo ở Gia Lai cũng được tự do bày tỏ đức tin. Linh mục Nguyễn Đình Phước, chánh xứ Giáo xứ Phú Mỹ phụ trách 5 xã của huyện Chư Prông cho biết, giáo dân ở xứ Phú Mỹ có hơn 1.800 tín đồ, trong đó có khoảng 1000 người dân tộc Jrai. Từ khi nhà nước cho phép các điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, không nhất thiết phải đến nhà thờ, bà con có thể tụ họp dễ dàng hơn trước rất nhiều. Trước đây, họ cứ phải đi xe công nông đến nhà thờ, khổ nhất là người già, trẻ nhỏ.
“Hơn 10 năm qua, được người dân cho mượn địa điểm, chúng tôi tổ chức 2 điểm sinh hoạt tôn giáo như thế này, rất thuận tiện. An ninh trật tự được đảm bảo. Chúng tôi dâng lễ cũng thoải mái. Bà con rất phấn khởi với đời sống đức tin của mình. Bọn trẻ có điều kiện học giáo lý, học đạo đức… Với lớp trẻ, tôi thường hướng dẫn các cháu phải luôn sống với tinh thần kính chúa, yêu nước, giữ gìn văn hóa truyền thống, duy trì nếp sống văn minh, từ bỏ các hủ tục lạc hậu” - linh mục Nguyễn Đình Phước nói.
Là chức sắc tôn giáo, Linh mục Nguyễn Đình Phước cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc với lãnh đạo cao nhất của tỉnh Gia Lai. Ông cho biết, tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, ông cũng không ngại chia sẻ những khó khăn liên quan đến đất đai tôn giáo. Đáp lại, lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng lắng nghe. Việc gì giải quyết được ngay thì giải quyết. Nếu chưa giải quyết được thì cũng nói rõ vì sao. Tất cả phải thực hiện theo đúng quy định.
“Ngay như mấy anh công an. Họ cũng gặp những khó khăn về đất đai, cơ sở vật chất, cũng không thể tự họ giải quyết được mà phải tuân theo các quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng tôi cũng phải thông cảm”-linh mục Nguyễn Đình Phước cho hay.
Ông Trương Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Chư Á, thành phố Pleicu cho biết, sau cuộc bạo loạn năm 2001, số người theo Tin lành Đega trên địa bàn xã là hơn 100 người. Họ tự sinh hoạt tại nhà. Sau khi chính quyền giáo dục, cảm hóa, họ đã quay trở lại sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, không ai bỏ đạo cả. Trên địa bàn xã Chư Á có hơn 11.280 nhân khẩu, trong đó có hơn 5000 tín đồ theo đạo Tin lành, hơn 700 tín đồ Thiên chúa giáo.
“Sau khi có Luật tín ngưỡng tôn giáo và các Nghị định của Chính phủ, người dân có đạo đã được tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Như tín đồ Tin lành, trên địa bàn xã có 2 nhà nguyện khang trang và 8 điểm nhóm” – Chủ tịch UBND xã Chư Á Trương Văn Minh cho hay.
Còn tại huyện Chư Păh hiện có có 4 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân với khoảng 35.000 tín đồ, trong đó Tin lành có gần 7.900 tín đồ. Tất cả tín đồ Tin lành đều là người dân tộc thiểu số. Có 4 chi hội với tổng số 47 điểm nhóm sinh hoạt Tin lành (nhiều nhất so với các tôn giáo khác).
Bà Rơ Chăm Phin, Phó phòng Nội vụ huyện Chư Păh cho biết: “Nếu phải đi đến nhà thờ thì bà con rất vất vả vì nhà thờ thường nằm ở ngoài đường quốc lộ, bà con phải đi xa hoặc không an toàn. Vì vậy, chúng tôi đã tạo điều kiện cho bà con theo đạo Tin lành được sinh hoạt tại các điểm nhóm, trước khi có chủ trương của Chính phủ (năm 2001) để bà con thuận tiện trong việc bày tỏ đức tin. Việc theo hay không theo tôn giáo nào, huyện và xã không can thiệp. Anh muốn theo tôn giáo nào thì tùy anh, trừ những tà đạo và đạo lạ”.
Cũng theo bà Rơ Chăm Phin, hàng năm, huyện vẫn tổ chức gặp mặt, tặng quà các chức sắc, tín đồ nhân các ngày lễ trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Những ý kiến hợp pháp, huyện sẽ tiếp thu và dần dần giải quyết, kể cả những khó khăn liên quan đến đất đai tôn giáo.
Nhìn rộng trên toàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Nô, Phó Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai cho biết: Đặc điểm nổi bật của Gia Lai là tín đồ tôn giáo phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 60% trong tổng số hơn 400.000 tín đồ. Trong thời gian qua, các tôn giáo được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện sinh hoạt theo đúng hiến chương, điều lệ và các quy định của pháp luật. Tỉnh cũng đã tiến hành giao đất cho các tôn giáo trực thuộc để xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo; Giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại về đất đai, cơ sở thờ tự có liên quan đến tôn giáo, nhất là những vụ việc tồn đọng kéo dài; rà soát, thống kê tổng thể về tình hình quản lý, sử dụng nhà đất có liên quan đến tôn giáo; hướng dẫn kê khai, đăng ký sử dụng đất và sớm hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở thờ tự theo đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển của các chức sắc, chức việc của các tôn giáo… cũng được địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện.
“Đối với những nơi đủ điều kiện thành lập tôn giáo trực thuộc, tỉnh sẽ xem xét giải quyết nhanh nhất. Còn những nơi chưa đủ điều kiện thì UBND xã cho phép bà con đăng ký sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, cho mượn các địa điểm hợp pháp để bà sinh hoạt tạm thời. Khi đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc thì tỉnh sẽ giao đất cho họ xây dựng cơ sở tôn giáo”- Phó Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai cho hay.
Rõ ràng, nếu chỉ sinh hoạt tôn giáo thuần túy, không biến các buổi giảng đạo thành nơi tuyên truyền tư tưởng cực đoan, ly khai, tự trị, gây mất đoàn kết dân tộc thì không một chính quyền nào cản trở hoạt động của họ.
Đặc biệt, với một địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn như Gia Lai, việc tạo điều kiện để người dân tự do bày tỏ đức tin cũng là cách để chăm lo đời sống tinh thần cho họ. Ngược lại, khi có mặt ở vùng đồng bào DTTS Gia Lai, các tổ chức tôn giáo với những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của mình đã có những tác động tích cực, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần ở đây.
LTS: Tháng 11, Gia Lai đang bước vào vụ thu hoạch cà phê. Trên khắp các buôn làng của người Jrai, Banar… đâu đâu cũng bắt gặp những rẫy cà phê chín đỏ. Cà phê ngược xuôi trên những chuyến xe, cà phê trải rộng trước sân nhà, dưới cái nắng hanh hao. Các buổi sinh hoạt tôn giáo vẫn đều đặn diễn ra ở nhà thờ, nhà nguyện hay các điểm nhóm. Dẫu cuộc sống của bà con chưa hẳn đã no đủ, dẫu chính quyền các cấp vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng nếu an ninh trật tự ổn định, người dân đoàn kết, không bị các thế lực xấu bên ngoài tác động thì nhất định Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ có nhiều cơ hội phát triển.