Kiên quyết đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng là một trong những điểm nổi bật của nhiệm kỳ XIII so với các nhiệm kỳ gần đây.

Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, liên quan đến thể chế xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã ban hành rất nhiều văn bản.

Điển hình là ngay sau Đại hội, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định mới về  Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. So với Quyết định cũ, Ban Chỉ đạo Trung ương được bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ về phòng, chống tiêu cực. Cùng với đó, Đảng cũng ban hành rất nhiều quyết định, quy chế liên quan đến xây dựng Đảng và tập trung vào khâu “then chốt của then chốt” - đó là công tác cán bộ.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định, sau Đại hội XIII của Đảng, có thể nói, một trong 3 đột phá chiến lược là tập trung vào đột phá về thể chế, trong đó có đổi mới thể chế về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

PV: Những văn bản đó có ý nghĩa thế nào trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đại hội XIII, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông: Những văn bản đó đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Đại hội XIII đề ra mục tiêu phát triển đất nước: Phấn đấu đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đến 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng XHCN.

Để đạt được mục tiêu đó, nhân tố hàng đầu quyết định chính là xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Đây là khâu then chốt, và trong khâu then chốt này, phải tập trung xây dựng khâu “then chốt của then chốt” là xây dựng được đội ngũ cán bộ. Nên từ sau Đại hội XIII đến nay, chúng ta đang bám sát vào những quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ giải pháp được đề ra tại Đại hội XIII để triển khai, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Đơn cử như việc hoàn thiện thể chế đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, những quy chế về vấn đề luân chuyển cán bộ, ai đi luân chuyển, luân chuyển như thế nào, luân chuyển bao lâu để chuẩn bị nguồn cán bộ, bồi dưỡng cán bộ cho không chỉ khóa này mà cho cả những khóa tiếp theo. Hay Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức; Thông báo Kết luận 20 xem xét xử lý kỷ luật, sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ đã bị kỷ luật. Trước đây những người đã bị cảnh cáo hay khiển trách có thể làm đến hết nhiệm kỳ nhưng ở quy định mới, những người đã mắc khuyết điểm bị cảnh cáo, khiển trách nếu còn dưới 5 năm thì nghỉ hưu, ai còn trên 5 năm thì xem xét bố trí ở vị trí mới, nhưng phải thấp hơn so với vị trí đang đảm nhiệm; nếu ai trong quy hoạch thì phải đưa ra khỏi quy hoạch…

Một vài phân tích như vậy để thấy là chúng ta thực hiện nghiêm túc chủ trương, rất kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách. Đây là một trong những điểm nổi bật so với các nhiệm kỳ gần đây.

PV: Có ý kiến cho rằng, một điểm mới ở nửa đầu nhiệm kỳ này là vấn đề đồng bộ rất nhanh giữa quy định của Đảng và quy định của Nhà nước. Sự đồng bộ đó đã được giải quyết như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông: Kinh nghiệm của Đảng ta từ khi ra đời đến nay và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nói, là làm sao để tạo ra sự đồng bộ, thống nhất, “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.

Để đạt được điều đó phải tiến hành đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu tất cả các bộ phận cấu thành trong hệ thống chính trị phải đổi mới đồng bộ, kể cả Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Về mặt thể chế, những quy định của Đảng, quy định của Nhà nước, kể cả những văn bản luật pháp và dưới luật, làm sao phải đồng bộ với nhau, không để mâu thuẫn, chồng chéo với nhau. Đại hội XIII chỉ rõ: Đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung rà soát hệ thống các văn bản của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong hệ thống chính trị; sửa đổi, bổ sung các văn bản có quy định chồng chéo, mâu thuẫn và hủy bỏ những văn bản không còn phù hợp.

Để kịp thời đồng bộ, một trong những phương thức mới đây đã được Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng còn những hạn chế. Hội nghị đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm và xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trong 5 bài học kinh nghiệm có nói rõ phải phát huy những cách làm hay ở tầng vĩ mô. Đó là hàng tháng, giao ban các chức danh, gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư. Đây là cách làm rất hay, để cán bộ chủ chốt nắm được tình hình và thấy được vấn đề gì cần triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời.

Kinh nghiệm nữa là đối với những vấn đề mới, khó, nhạy cảm phải tập trung dân chủ bàn cho nghiêm túc, như những biện pháp trong phòng chống dịch Covid-19, những biện pháp để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội… phải có sự bàn bạc thống nhất ở tầng vĩ mô, tức là giữa Đảng và Nhà nước, trước hết là ở 5 chức danh lãnh đạo cao nhất này.

PV: Việc ban hành đồng bộ quy định như vậy đã góp phần khắc phục được tình trạng nhiều vấn đề đã bị thực tế vượt qua nhưng chưa có quy định, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông: Đúng thế, như tôi đã nói, thực tế phát triển đất nước trong năm qua, khi dịch Covid-19 vào Việt Nam, Luật Đầu tư của ta chưa cụ thể hóa, quy định là trong những trường hợp đặc biệt thì được chỉ định thầu, nhưng trường hợp nào được coi là đặc biệt thì luật cũng như nghị định chưa xác định rõ, thông tư chưa xác định rõ. Đây là vấn đề rất lớn, vì vậy, phải có sự dân chủ trong bàn bạc, giữa 5 chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta để đi đến thống nhất.

Làm thế nào để có đủ thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh cho nhân dân, Bộ Chính trị cho ý kiến để Ban cán sự đảng Chính phủ triển khai. Nghị quyết 30 của Chính phủ ra đời. Đấy là cách làm hay. Tôi cho đây là bước tiến của nhiệm kỳ Đại hội XIII này.

PV: Theo ông, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế trong Đảng sẽ tạo chuyển biến ra sao trong vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị?

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông: Việc hoàn thiện thể chế là một quá trình. Còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế.

Trong văn kiện Đại hội XIII xác định: Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên 7 dám: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Sau Đại hội XIII, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 nêu chủ trương của Đảng, để “7 dám” ấy vào cuộc sống, Chính phủ phải khẩn trương ban hành quy định.

Hay một chủ trương khác của Đảng đã được đề ra từ những nhiệm kỳ trước, đến Đại hội XIII tiếp tục khẳng định lại, đó là có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, đến hôm nay chưa ban hành được cơ chế ấy.

Rồi vấn đề nhân dân rất mong đợi đó là phải có cơ chế để thực hiện tốt phương châm “6 dân”: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đến nay đã hơn 2 năm nhưng cũng chưa thể chế được “dân giám sát, dân thụ hưởng” như thế nào.

Đại hội XIII đề ra nhiều vấn đề cần phải thể chế hóa, qua nửa nhiệm kỳ, có thể nói chúng ta đã rất cố gắng, nỗ lực. Nhiều chủ trương của Đại hội XIII đã được thể chế hóa. Nửa nhiệm kỳ mà làm được như vậy là một bước tiến, kể cả thể chế hóa về xây dựng Đảng, về quản lý kinh tế - xã hội, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây sẽ là những cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho đất nước tiếp tục phát triển và bền vững.

Nửa nhiệm kỳ còn lại và các nhiệm kỳ tiếp theo, chúng ta còn phải tiếp tục đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng.

PV: Xin cảm ơn ông.