Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) là một trong những phi công đầu tiên của Việt Nam được đào tạo lái máy bay chiến đấu Su-27 ở LB Nga (Liên Xô cũ), đồng thời cũng là một trong những phi công quân sự có kỹ thuật bay xuất sắc của Việt Nam.


Ông sinh năm 1955, là một trong 5 người con của nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, Hà Lan, Bỉ, Luxemburg và Nhật Bản; Người từng tham gia đoàn đàm phán bí mật của ông Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt cho Trưởng đoàn ngoại giao Xuân Thủy tại đàm phán Paris với Henry Kissinger, Cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia của Nhà Trắng.




PV: Cơ duyên nào dẫn ông tới con đường binh nghiệp, để sau này trở thành một vị tướng phi công quân sự xuất sắc của đất nước?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Từ bé tôi đã thích chơi trò đánh trận giả, cờ quân sự, nên cứ nghĩ sau này lớn lên sẽ trở thành bộ đội. Năm 12 tuổi, tôi được biết đến và có ấn tượng đặc biệt với anh hùng Nguyễn Văn Bảy, người được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với thành tích bắn rơi 4 máy bay Mỹ bằng máy bay MIG17 và bắn rơi thêm 3 chiếc nữa sau khi được phong anh hùng.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy là người đã khiến tôi nung nấu mơ ước trở thành phi công quân sự. Nhưng càng lớn càng thấy ước mơ của mình xa vời, khó với tới nên tôi không nghĩ đến nữa.

Năm 1973, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi được gọi đi bộ đội, vào Sư đoàn 308 bộ binh, huấn luyện để vào Nam chiến đấu. Đúng thời điểm đó, Hiệp định Paris được ký, nên Sư đoàn được lệnh ở lại ngoài Bắc làm lực lượng dự bị.

Thời gian huấn luyện tân binh tại Sư đoàn, cùng với 600 tân binh, tôi được tham gia khám tuyển phi công quân sự và lọt vào danh sách 13 thanh niên vượt qua vòng 1 về Hà Nội khám tuyển phi công quân sự vòng 2. May mắn tiếp tục đưa tôi trở thành 1 trong 3 người trúng tuyển và trở thành phi công quân sự sau này.

PV: Khi ông quyết định vào bộ đội, cảm xúc của cha ông lúc đó ra sao. Thời điểm đó đất nước vẫn còn chiến tranh?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Khi tôi đang học cấp ba, cha tôi, lúc đó là Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp, thành viên đoàn đàm phán bí mật của cố vấn Lê Đức Thọ với Henry Kissinger, từ Paris về Hà Nội công tác. Tôi có hỏi cha mình về con đường trở thành nhà ngoại giao. Đây cũng là lần duy nhất tôi hỏi ông về chuyện này. Ông trả lời: “Ngoại giao nếu làm để có hiệu quả, rất khó khăn, vất vả, chứ đừng nghĩ đi nước ngoài là sung sướng”. Tôi cười và nói: “Con hỏi thế chứ con xác định đi bộ đội”. Ba tôi ủng hộ và tôn trọng quyết định của con mình, mặc dù tôi hiểu trong lòng ông rất lo lắng bởi khi đó vẫn còn chiến tranh.



PV: Được biết gia đình ông có 2 anh em là phi công và thế hệ con cháu cũng nhiều người là phi công?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Gia đình tôi có tôi và em trai, vợ chồng con trai, em vợ, 2 cháu trai đều làm phi công. Nhưng chỉ có duy nhất tôi làm phi công quân sự, còn lại đều làm phi công dân sự.

Nhiều người nghĩ rằng, phi công quân sự mới đáng nói. Còn phi công dân sự thì cũng như nhiều nghề nghiệp khác.

Với tôi, nghề nào có thể phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân đều đáng tự hào cả. Con trai tôi theo nghiệp phi công là lựa chọn của con tôi. Còn với tôi, cha con cùng nghề là sự tiếp nối, kế tục nhau.

Điều mà tôi tự hào về con trai mình đó là bản lĩnh, sự tự tin dù tuổi đời còn trẻ, cộng với khả năng tiếp thu nhanh nên chuyên môn rất vững. Cùng nghề, 2 cha con có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là những tình huống bất trắc, làm sao để bình tĩnh xử lý, không để tình huống nguy hiểm hơn, bởi trước tiên là sinh mạng mình, trong hàng không dân dụng còn có sinh mạng của rất nhiều người.

Công việc này còn liên quan nhiều đến tính cách, đòi hỏi trong những tình huống bất trắc, phi công phải luôn bình tĩnh, điềm đạm. Muốn có được điều đó, trong cuộc sống phải tự rèn luyện. Cũng may là con tôi có được điều đó nên tôi cũng yên tâm.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn cùng gia đình.
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)




PV: Cũng giống như cha mình, ông ủng hộ con mình lựa chọn nghề phi công khi đây là công việc đem lại nhiều vinh quang nhưng cũng không ít nguy hiểm?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Phi công quân sự trong thời bình và thời chiến có một điểm chung là đều làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ bầu trời, ngăn chặn các mối đe dọa từ xa, đúng với tính năng của máy bay. Điểm chung nữa, đây là công việc mạo hiểm, trong chiến tranh phi công thường hy sinh rất nhiều. Ở dưới đất bộ đội có hầm, có công sự mà còn hy sinh, nữa là trên không. Chúng ta có rất nhiều anh hùng tiêu biểu của không quân, nhưng cũng rất nhiều người hy sinh nhưng sau này mới được nêu danh. Tai nạn bay là quy luật, cũng như tai nạn giao thông trên mặt đất và chúng ta vẫn thường được thông tin về tai nạn hàng không không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Và phi công quân sự vẫn phải hy sinh trong thời bình.



Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Chưa bao giờ nghĩ đến việc lựa chọn một công việc khác đỡ nguy hiểm hơn nên tôi không ngăn cản khi con mình lựa chọn nghề này, cũng như cha tôi đã từng ủng hộ, tôn trọng con đường binh nghiệp của tôi. Khi biết con chọn nghề phi công, tôi không ngạc nhiên, cũng không ngăn cản, chỉ tư vấn, giúp đỡ. Con tôi có thể đã nuôi mơ ước làm phi công từ bé, khi theo ba vào đơn vị, được tiếp cận máy bay, được ra sân bay, xem mọi người bay, từ đó mơ ước dần hình thành và ngấm vào trong suy nghĩ. Mới học lớp 10, Võ Tuấn Dũng, con trai tôi đã mong muốn trở thành phi công.

Nghĩ lại, tôi thấy mình không rèn rũa, định hướng cho các con nhiều, đa phần các con đều tự học. Cũng giống như tôi và cha tôi, gần như ông không yêu cầu phải thế này, thế kia, nhưng mình tự nắm bắt và coi ông như tấm gương về phong cách sống để noi theo. Ông cụ nhà tôi khi làm việc rất nghiêm túc, ngoài lúc đó ra, cụ vui tính và hài hước. Anh em tôi đều giống ông ở điểm này, về nhà là tán tếu, vui vẻ, không bao giờ để không khí trong nhà nặng nề.



PV: Được biết, nghề phi công đã mang đến vinh dự, 2 cha con Thượng tướng Võ Văn Tuấn cùng phục vụ cho chuyến chuyên cơ đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Đồng Hới, Quảng Bình, cách đây hơn 10 năm?


Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Khi Đại tướng mất cách đây gần 11 năm, năm 2013, tôi đã ở Bộ Tổng Tham mưu được 2 năm, phụ trách mảng quân binh chủng. Theo nguyện vọng của gia đình Đại tướng muốn đưa linh cữu về quê nên Bộ Tổng Tham mưu đề ra phương án vận chuyển bằng máy bay. Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức thực hiện việc này nên phải tính toán phương án sử dụng máy bay nào. Trực tiếp Tổng Tham mưu trưởng và Bộ Tổng Tham mưu tính toán, quyết định sử dụng máy bay dân dụng, cụ thể là máy bay ATR72 để chở linh cữu, đồng thời triển khai một số vấn đề kỹ thuật.

Ngoài máy bay chở linh cữu còn cần thêm máy bay để chở đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Hà Nội vào Đồng Hới dự lễ an táng. Vì thế, máy bay Airbus A321 được chọn.

Sau khi lên phương án, con trai tôi được lựa chọn là cơ trưởng của chiếc Airbus A321, lý do là cùng họ Võ với Đại tướng. Võ Tuấn Dũng cũng được ưu tiên lựa chọn vì là cơ trưởng trẻ nhất của Vietnam Airlines ở thời điểm đó. Máy bay ATR72 chở linh cữu Đại tướng do bạn tôi là cơ trưởng Vũ Tiến Thắng điều khiển, do cùng họ Vũ - Võ.

Về phần mình, là thành viên Ban tổ chức lễ tang (Phó Ban tổ chức lễ tang - PV), sáng hôm đầu tiên viếng Đại tướng tại Hà Nội, tôi cùng với các thành viên Ban tổ chức lễ tang vinh dự được vào thắp hương, nhìn Đại tướng trước khi đóng nắp quan tài để ngay sau đó bay vào Quảng Bình "tiền trạm", chuẩn bị cho công tác đón đoàn từ Hà Nội vào.



Vào tới Quảng Bình, việc đầu tiên chúng tôi phải bắt tay làm ngay là huy động lực lượng xử lý nền đường. Do trước đó một vài ngày có mưa bão, đường đi lên Vũng Chùa mới được làm nên chưa ổn định, đặc biệt là con đường dẫn lên núi, đất vừa mềm, vừa lún; trong khi linh xa chở linh cữu phải đi trên đường phẳng nên từng ổ gà trên mặt đường đều phải xử lý, chỗ nào đất mềm phải đắp đất vào cho cứng. Anh em chỉ có 1 ngày để hoàn thiện. Đêm gần như không ai ngủ được vì lo lắng, làm sao điều khiển được trời nên chỉ biết cầu trời phù hộ. Phi công chúng tôi hay ghi nhớ câu muốn việc thành công phải có 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"; với không quân, hàng không, yếu tố "thiên thời" vô cùng quan trọng, "địa lợi", "nhân hòa" có thể tìm được.

Sáng ngày diễn ra lễ an táng, Dũng gọi tôi rất sớm hỏi tình hình khí tượng trong Quảng Bình vì ngoài Hà Nội thông báo chưa bay được do trời trong Đồng Hới rất mù. Nắm được các quy định, điều kiện bay của hàng không dân dụng, sau khi nhìn trời, tôi tự tin trả lời Dũng “bay được”. Quy định về điều kiện thời tiết để bay được thường được đặt ra cao hơn với thực tế. Với kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, tôi tự tin với câu trả lời của mình. Tôi hiểu, câu trả lời của tôi còn giúp Dũng yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Và kết quả là chuyến bay diễn ra suôn sẻ, đúng lịch trình.

Nhiều người hỏi, liệu có phương án nào khác ngoài việc sử dụng chuyên cơ. Nói thật là chỉ có 1 phương án duy nhất nên lúc đó các thành viên Ban tổ chức lễ tang chỉ cầu mong thời tiết thuận lợi để anh em hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều người tin rằng, lễ an táng được thực hiện thành công còn bởi cái phúc của Đại tướng. Nếu buổi lễ được tổ chức sớm hoặc muộn hơn 1 ngày sẽ khó suôn sẻ vì trời mưa rất lớn.




PV: Lần đầu tiên chúng ta tổ chức chuyến chuyên cơ đặc biệt này hẳn cũng sẽ có những quy định đặc biệt, thưa ông?

Thượng tướng Võ Văn Tuấn: Những chuyến bay đặc biệt được gọi là chuyến bay chuyên cơ. Những chuyến chuyên cơ chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều có những quy định riêng để đảm bảo an toàn, bao gồm bảo vệ dưới mặt đất, trên trời, phòng không, không quân sẵn sàng chiến đấu để đề phòng máy bay tập kích.

Chuyến bay chuyên cơ lần này chở lĩnh cữu Đại tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nên đòi hỏi phải bàn bạc để có những quy định riêng. Qua việc này có thể thấy lòng kính trọng, yêu mến của tất cả mọi người đối với người Anh Cả của quân đội, đều mong muốn cho chuyến đi cuối cùng của Đại tướng được tổ chức chu đáo, vẹn toàn nhất.

Ví như công tác chuẩn bị để chở linh cữu phải tính toán xem tháo bao nhiêu ghế, vị trí để chằng néo giữ cố định, bố trí người ngồi để đảm bảo cân bằng cho máy bay theo đúng quy định; rồi việc lựa chọn tổ bay, tính toán, luyện tập kỹ cho những tình huống cất, hạ cánh để máy bay không bị xóc.

Một số hình ảnh trong lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.



Một điểm đặc biệt nữa trong những ngày diễn ra lễ tang Đại tướng là ở Hà Nội và Quảng Bình, người dân và các lực lượng vũ trang đứng dọc các tuyến đường để chờ tiễn Đại tướng vô cùng đông. Đặc biệt ở Quảng Bình, khi máy bay hạ cánh ở sân bay Đồng Hới, linh cữu được vận chuyển bằng xe ô tô ngược ra Vũng Chùa, dọc 2 bên đường từ sân bay về Vũng Chùa, người dân đứng từ hôm trước rất đông.

Thấy tình hình như vậy, tôi có trao đổi với lãnh đạo tỉnh và công an tính toán phương án phân luồng, tách đường. Và đúng như dự đoán, người dân tập trung quá đông, ai cũng muốn đứng thật gần để nhìn được xe chở Đại tướng, khiến con đường càng bị thu hẹp. Người dân tập trung đông gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ, nhưng qua đó có thể thấy được lòng kính trọng của người dân đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tôi, đó là một sự tắc đường rất "duyên" và "đáng yêu".

PV: Xin cảm ơn Thượng tướng!


Chủ Nhật, 06:00, 11/02/2024