Với thực tế hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ vẫn còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội các khóa gần đây chưa đạt chỉ tiêu theo Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới (35% nữ trong tổng số đại biểu Quốc hội), vẫn còn một số tỉnh không có nữ đại biểu Quốc hội. Nhiều phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội không trúng cử.

Sở dĩ tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa đạt được theo mục tiêu của Đảng và quy định của pháp luật, tình trạng người được giới thiệu ứng cử là nữ khó trúng cử do những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân (2015) đã có quy định: Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (khoản 3 Điều 8). Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy sự ủng hộ phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị vẫn chưa được thực hiện tốt, bài bản.

Thứ hai, khi dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chưa thật sự hợp lý và chặt chẽ bảo đảm để phụ nữ có thể được giới thiệu và trúng cử như mong muốn. Trong quá trình giới thiệu các ứng cử viên, việc chú trọng mục tiêu bảo đảm sự đa đạng về đại diện chính trị nhiều lúc đã đặt lên vai các nữ ứng cử viên nhiều tiêu chí cơ cấu khác nhau như về dân tộc, tôn giáo, tuổi, ngành nghề, giới tính đã làm cho các ứng cử viên nữ gặp phải nhiều thách thức khi phải tranh cử với người ứng cử khác chỉ phải đáp ứng một vài tiêu chí.

Thứ ba, việc sắp xếp danh sách nam, nữ trong các đơn vị bầu cử tại địa phương không tương đương về trình độ, vị thế công tác, chính vì vậy nữ ứng cử viên khó trúng cử.

Cuối cùng, không ít người trong đó có cả chính phụ nữ vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của phụ nữ trong xã hội; phụ nữ nhiều khi vẫn được nhìn nhận là người giữ trọng trách chính trong việc chăm sóc gia đình. Với quan niệm như vậy, phụ nữ được thường ít nhận được sự ủng hộ cao khi tham gia vào các hoạt động chính trị. Bên cạnh đó, do tác động của nhiều yếu tố như về thể chất, quan niệm xã hội… phụ nữ ít có cơ hội được đào tạo, nâng cao các kỹ năng, kiến thức chuyên môn như nam giới.

Bình đẳng giới là mối quan tâm của toàn cầu và mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam và cũng là động lực, mục tiêu phát triển bền vững, là tiêu chí, thước đo quan trọng đánh giá sự phát triển, tiến bộ và văn minh của xã hội. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới (công bố vào tháng 7/2022), chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 đã tăng 4 bậc so với năm 2021 ở vị trí 83/146 quốc gia. Đây là kết quả rất đáng khích lệ của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Báo cáo Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022 của Chính phủ gửi Quốc hội đã nêu rõ, tính đến tháng 12/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 15/30 cơ quan, đạt 50% và tăng 3,4% so với năm 2021. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt là nữ là 13/22, đạt 59%, tăng 6% so với năm 2021; các cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 2/8, đạt 25%; có 03 nữ Bộ trưởng, 01 Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; 12 nữ Thứ trưởng và tương đương.

Chính phủ đặt mục tiêu trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội: Tăng cường các hoạt động thẩm tra, giám sát việc lồng ghép giới trong xây dựng các luật, pháp lệnh; Tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới tại các bộ, ngành, địa phương; Tiếp tục quan tâm trong phê duyệt, phân bổ kinh phí để thực hiện bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các Chương trình, Kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách, các chương trình đầu tư công.

Trong Báo cáo, Chính phủ cũng nêu một số giải pháp trọng tâm, trong đó có quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, tập trung thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”.

Cùng với giải pháp của Chính phủ, để thúc đẩy tiềm năng tương xứng với sự đóng góp to lớn của phụ nữ và để đạt mục tiêu nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40% mà Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới nhằm mục tiêu nâng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; coi việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và thường xuyên.

Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ; mở rộng nguồn đầu vào giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là nữ để bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.

Về phía các nữ ứng cử viên, phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng vận động, lắng nghe nhân dân, chuẩn bị tâm thế để hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

Trong tiến trình này các cơ quan hữu quan giữ vai trò hết sức quan trọng. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu ý kiến: “Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục thực hiện các hoạt động phối hợp để hỗ trợ nữ ứng cử viên lần đầu tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Thực tế cho thấy, các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng của các cơ quan thực hiện trong thời gian qua là rất bổ ích, hiệu quả. Ngoài ra, việc học hỏi kinh nghiệm từ các nữ đại biểu khoá trước, giúp đại biểu Quốc hội tham gia lần đầu có thêm kỹ năng, kinh nghiệm và tự tin hơn”.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng, để hướng tới mục tiêu tăng chất lượng số lượng thì bản thân các nữ đại biểu quốc hội cũng phải cố gắng.

“Nếu muốn tăng số lượng, chất lượng thì vấn đề này liên quan đến cả quá trình trước khi họ trở thành đại biểu quốc hội, đồng thời liên quan đến nhiều yếu tố, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, vấn đề nhận thức của xã hội, bản thân phụ nữ phải phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hoạt động nghị trường, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết thêm, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức nhiều hoạt động để lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động quốc hội, đặc biệt nâng cao kỹ năng của nữ đại biểu quốc hội, nâng cao vận động bầu cử với nữ ứng cử viên.

“Bản thân nữ đại biểu với vai trò là chủ thể, phải tích cực trong các hoạt động, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ và kỹ năng, tăng cường thông tin để làm tốt nhiệm vụ của mình; tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, đưa tiếng nói cử tri đến nghị trường, lên tiếng về bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em”, bà Nguyễn Thúy Anh lưu ý./.

Tác giả: Hùng Cường, Lê Hoàng, Kiều Anh/VOV.VN

Thứ Năm, 05:55, 27/04/2023