Năm 2021, lần thứ 4, Covid-19 bùng phát trên diện rộng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trong tình huống ngặt nghèo đó, quân đội đã được điều động vào các tỉnh, thành phía Nam với khoảng 140.000 cán bộ, chiến sĩ trên tất cả các lĩnh vực. Đây được coi là cuộc chuyển quân lớn nhất trong lịch sử QĐND Việt Nam trong thời bình. Nhìn lại sự vào cuộc của Quân đội trong đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng, khi quân đội đến với nhân dân miền Nam, đã cùng với nhân dân phòng, chống dịch COVID-19 và tạo nên niềm tin vững chắc cho nhân dân rằng: “Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng đại dịch”.

PV: Thưa Trung tướng Trịnh Văn Quyết, nếu hình dung cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là một trận đánh thì lực lượng QĐND Việt Nam có vị trí như thế nào trong trận đánh ấy? Những người lính đã ra trận với tâm thế ra sao?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Tôi cho rằng, đây không chỉ là một trận đánh mà còn là một chiến dịch lớn, một trận đánh lớn của toàn thế giới chống lại kẻ địch vô hình nhưng cực kỳ nguy hiểm. Chúng ta đã vào cuộc với rất nhiều lực lượng, phương tiện. Trong đó, phải kể đến vai trò trung tâm của lực lượng y tế, quân đội.

Cụ thể, Quân đội giữ một vai trò rất quan trọng và có ý nghĩa, góp phần quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh. Khi cán bộ, chiến sĩ, quân đội vào cuộc, trước hết vào cuộc bằng tinh thần và được trang bị những kỹ năng cơ bản để tự phòng, chống dịch và giúp đỡ nhân dân phòng, chống dịch.

PV: Khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, ngay từ ngày đầu tiên, những người lính đã được điều động đến bất cứ nơi đâu, từ biên cương xa xôi, cho đến những khu cách ly, điều trị bệnh nhân. Cá nhân ông nhận định như thế nào về tinh thần tham gia của lực lượng QĐND Việt Nam trong đại dịch COVID-19?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Quân đội đã điều động lực lượng phương tiện tham gia ngay từ đầu mà với quyết tâm rất cao.

Chúng tôi đã điều động tới 140.000 cán bộ, chiến sĩ trên tất cả các lĩnh vực, từ các tổ chốt biên giới và hàng chục vạn y bác sỹ của quân đội tham gia phòng chống dịch. Cùng với đó, chúng tôi cũng huy động đến hàng chục vạn phương tiện và vận chuyển phương tiện giúp đồng bào Việt Nam chống dịch. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch, Quân đội luôn luôn chủ động, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, nắm chắc tình hình, diễn biến của dịch trên khắp tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Chúng tôi luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi nhân dân, cấp ủy chính quyền địa phương của các tỉnh đó yêu cầu.

140.000 cán bộ, chiến sĩ trên tất cả các lĩnh vực đã tham gia chống dịch

PV: Trong năm 2021, khi chứng kiến làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 ở các tỉnh, thành phía Nam, nhiều người đã nói rằng:“Đây là cuộc chuyển quân lớn nhất trong lịch sử QĐND Việt Nam trong thời bình”. Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của lực lượng quân đội trong những năm tháng không thể nào quên?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Đây là đợt chuyển quân lớn nhất kể từ sau năm 1975 vào miền Nam để giúp đỡ đồng bào miền Nam, cùng với đồng bào miền Nam để phòng, chống dịch COVID-19. Chúng tôi cho rằng, khi quân đội đến với nhân dân miền Nam, đã cùng với nhân dân phòng, chống dịch COVID-19 và tạo nên niềm tin vững chắc cho nhân dân rằng:“Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng đại dịch”. Chính vì thế, chúng ta đã làm nên một thành tích rất quan trọng, giúp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam để chúng ta khắc phục phòng, chống kịp thời đại dịch COVID-19.

PV: Truyền thống của QĐND Việt Nam là luôn sẵn sàng lên đường khi có mệnh lệnh, nhưng đối với đại dịch COVID-19, nhiều người còn nói rằng, những người lính lên đường còn với tâm thế là “Mệnh lệnh của trái tim”. Ông nhận định thế nào về luận điểm này?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Quân đội là quân lệnh như sơn, khi thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất quân đội, thì toàn quân một ý chí, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhưng tôi cho rằng, ngoài mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất, quân đội còn có mệnh lệnh trái tim. Đó là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tiếng gọi của đồng bào miền Nam ruột thịt. Chúng tôi lên đường, với một tâm thế “sẵn sàng vì đồng bào Việt Nam ruột thịt, cùng với đồng bào miền Nam để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.

Chúng tôi lên đường, với một tâm thế “sẵn sàng vì đồng bào Việt Nam ruột thịt, cùng với đồng bào miền Nam để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.

PV: Rất nhiều người vẫn còn nhớ, trong buổi lễ tiễn quân giúp đồng bào miền Nam chống dịch COVID-19, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã truyền đi thông điệp đối với những người đồng đội của mình rằng “Không thắng không về” và chúng ta nên hiểu những thông điệp này của Đại tướng như thế nào, thưa ông?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết:  Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của chúng tôi muốn chuyển đi một thông điệp cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và lan tỏa tinh thần ấy đến với nhân dân vùng dịch. Chúng ta có một niềm tin, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch. Và vì thế đã tạo thêm sức mạnh, tạo lên một ý chí cho cán bộ chiến sĩ, nhất là lực lượng tham gia phòng chống dịch tại những vùng tâm dịch.

PV: Trong tâm dịch, những năm tháng không thể nào quên ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã có rất nhiều hình ảnh về người lính gây xúc động trong lòng nhân dân. Họ lo cho người dân từng bữa ăn, giấc ngủ và từng gói thuốc, đặc biệt là có những hình ảnh rất đáng yêu của những người lính trẻ rất bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đi siêu thị để mua sắm và hỗ trợ bà con trong vùng dịch. Theo ông đây liệu có phải là một mảnh ghép hoàn hảo của hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” trong thời bình?.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Tôi cho rằng, hơn tất cả mảnh ghép hoàn hảo, chính là phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, truyền thống của QĐND Việt Nam anh hùng của một dân tộc Anh hùng. Và đây được đúc rút, được kết tinh từ truyền thống của dân tộc chúng ta trong kháng chiến chống Mỹ, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Người chiến sĩ luôn kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, sẵn sàng nhận, sẵn sàng hy sinh quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, nhưng trong thực hiện nhiệm vụ công tác và lao động, sản xuất, người chiến sỹ cũng sẵn lòng, quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao cho. Có những người chiến sỹ khi vào quân ngũ còn chưa biết nấu cơm, đi chợ, nhưng khi dân cần, khi nhiệm vụ quân đội giao thì sẵn sàng nhận. Và rõ ràng, vừa qua những chiến sĩ ấy của chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Chúng ta có một niềm tin, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch

PV: Rõ ràng đây là một cuộc chiến vô cùng cam go, khốc liệt. Mặc dù đây là cuộc chiến không tiếng súng như lúc đầu Trung tướng đã chia sẻ cùng với chúng tôi. Ở góc độ người lính, ông nhìn nhận sự khốc liệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 này như thế nào?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Có lẽ trong cuộc chiến, hoặc trong bất kỳ nhiệm vụ khó khăn nào cũng đều có những tính chất khốc liệt riêng. Nhưng trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, tôi cho rằng, nó khốc liệt hơn rất nhiều.

Đó là, trong thời bình nhìn thấy nhân dân của mình, đồng bào của mình phải mất mát, hy sinh. Đó là tâm lý, tình cảm, tình thương đồng bào, đồng chí của mình rất to lớn. Đây chính là sự khốc liệt. Hay hình ảnh có những bác sĩ quân y trực thâu đêm để mong cho bệnh nhân khỏi bệnh, trực thâu đêm để cấp cứu cho những sản phụ gặp khó khăn. Đây cũng chính là những giây phút cực kỳ khốc liệt. Cùng với đó, có những chiến sỹ mới 18, 20 tuổi nhưng phải mang tro cốt đến tận từng gia đình. Đây cũng là những công việc, gây nên những tâm lý rất khó khăn. Thế nhưng, cán bộ chiến sĩ của chúng tôi có niềm tin vì nhân dân phục vụ và họ đã chiến thắng những giây phút ấy, giành được thắng lợi cùng với nhân dân đề phòng chống dịch COVID-19 vừa qua.

PV: Trong sự khốc liệt ấy còn có cả những đau thương, khi mà chúng ta chứng kiến đồng bào của mình có rất nhiều những mất mát, người thân không thể qua khỏi vì đại dịch COVID-19. Đặc biệt, trong đó có những người lính đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống đại dịch. Ông đánh giá thế nào về 4 chữ “Quân đội nhân dân” trong những sự kiện vừa rồi

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: QĐND Việt Nam được Đảng ta và Bác Hồ sáng lập, rèn luyện, giáo dục và được nhân dân thương yêu, đùm bọc, nuôi dưỡng. Và sức mạnh của quân đội là cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Vì thế, quân đội ngay từ khi ra đời luôn luôn gắn bó máu thịt với nhân dân và luôn luôn trung thành tuyệt đối với Đảng với đất nước với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc vì chủ nghĩa xã hội và vì hạnh phúc của nhân dân. Cho nên, bốn chữ Quân đội Nhân dân, đó chính là truyền thống, gắn liền với sự ra đời, chiến đấu và trưởng thành của quân đội.

PV: Với tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang đẩy lùi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, đại dịch vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới cũng như là các địa phương trong cả nước. Vậy thời gian tới, Bộ Quốc phòng có kế hoạch triển khai như thế nào?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Tôi nghĩ năm Nhâm Dần 2022, có thể đại dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến rất phức tạp. Nhưng chúng tôi có niềm tin, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng và sẽ thích ứng với tình hình dịch COVID-19. Quân đội luôn luôn là lực lượng lòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân yêu cầu.

PV: Xin phép được hỏi Trung tướng một câu riêng tư, trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, cá nhân ông cảm nhận thế nào về vai trò của người lính cụ Hồ, đặc biệt về 4 chữ “Quân đội nhân dân”?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Tôi nghĩ, khi mình được vào phục vụ trong quân đội thì đây là một niềm vinh hạnh lớn mà Đảng và Quân đội giao cho. Đó còn là niềm vinh dự, tự hào về truyền thống của dân tộc, truyền thống của quân đội. Chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn, phải cố gắng nhiều hơn nữa để phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân và chắc chắn những người lính hôm nay sẽ làm hết mình vì hạnh phúc của nhân dân.

PV: Trong những phẩm chất cao quý của “bộ đội cụ Hồ” ông cho rằng phẩm chất nào đáng trân trọng nhất?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân cho nên hơn lúc nào hết, hơn ai hết, quân đội luôn luôn là lực lượng chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với đất nước với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và vì chủ nghĩa xã hội. Đó chính là một trong những phẩm chất cao quý nhất, phẩm chất bộ đội cụ Hồ.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò quân đội nhân dân Việt Nam trong những ngày đầu tiên cách mạng non trẻ cũng như quá trình 78 năm trưởng thành?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Dân tộc Việt Nam có truyền thống hòa hiếu yêu chuộng hòa bình. Chúng ta mong muốn hòa bình nhưng nếu kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc mình trong cuộc chiến, trong lịch sử của chúng ta, nhân dân ta và Đảng ta cần thiết phải lập lên lực lượng vũ trang của mình để thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân cần. Chính vì lẽ đó, quân đội khi ra đời đã là nòng cốt, cùng với toàn dân đánh giặc để giành và giữ chính quyền

PV: Những người lính được may mắn sinh ra và lớn lên trong hòa bình chưa từng biết tới đạn bom, nhận thức của họ như thế nào về tinh thần phụng sự Tổ quốc? Thời gian vừa qua, Bộ Quốc phòng đã bồi đắp và tinh thần này đối với những người lính trẻ như thế nào?

Trung tướng Trịnh Văn Quyết: Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Những người chiến sỹ trẻ hôm nay họ rất năng động, nhanh nhẹn và thông minh. Họ được thừa hưởng truyền thống của dân tộc ta, quan đội ta. Vì thế Quân đội phải có trách nhiệm bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ chiến sĩ, nhất là chiến sĩ trẻ.

Tôi tin là đội ngũ chiến sĩ trẻ ngày nay sẽ sẵn sàng thực hiện tốt các nhiệm vụ được quân đội, được Đảng và được nhân dân giao phó. Thực tiễn trong đợt dịch lần thứ tư vừa qua, khi cán bộ chiến sĩ được tham gia vào phòng, chống dịch bệnh, nhất là các vùng tâm dịch, những chiến sĩ trẻ của chúng tôi mới chỉ 18, 20, nhưng khi nhận nhiệm vụ họ hăng hái lên đường và luôn luôn thực hiện rất tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chưa có một đồng chí nào thoái thác nhiệm vụ.

PV: Xin cảm ơn Trung tướng./.

Thứ Tư, 05:00, 02/02/2022