Lần đầu tiên, tại một kỳ họp ở nửa cuối nhiệm kỳ, Tổng Bí thư có bài phát biểu rất quan trọng, mang tính chất định hướng liên quan đến công tác tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, thống nhất rất cao, Hội nghị Trung ương 10 đã thảo luận quyết định nhiều nội dung quan trọng; thống nhất nhận thức và hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị các công việc cho Đại hội XIV của Đảng.
Trung ương yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa, đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vì như Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả tích cực, ấn tượng thì “trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội và Chính phủ.
Thông điệp rất quan trọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đó là yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, còn những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành.
Cùng với đó phải đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…) tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.
Nhấn mạnh việc quán triệt tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư về tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định quyết tâm của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân trong việc kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
“Pháp luật phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội phải lấy chất lượng làm chính, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có “tuổi thọ” cao” – Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đồng thời khẳng định trước tình hình mới đòi hỏi Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tinh thần “khó đâu gỡ đó”.
Chủ trì các phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cầu các bộ, ngành tập trung cao nhất cho việc hoàn thiện các luật, sửa đổi, bổ sung các quy định, nhằm đưa ra giải pháp mang tính đột phá để cởi trói, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Trong xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm các khâu trung gian.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khái quát "5 tạo lập" của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, trong đó phải tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể. Cùng với đó là phương châm hành động "5 đẩy mạnh", như đẩy mạnh tiến độ, chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền phù hợp, khả thi, hiệu quả các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật…
Ấn tượng với những thông điệp và chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bà Vũ Thị Lưu Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội bày tỏ: “Đúng là chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển, chỉ khi mạnh dạn đi qua những lối mòn tư duy thì mới có thể mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước” và trước hết cần tục rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ những điểm nghẽn để xử lý kịp thời.
Tán thành với quan điểm phải “đúng vai, thuộc bài”, bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn. Đúng vai nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân nhưng đồng thời cũng không bỏ vai, cần thực hiện đúng trách nhiệm Hiến pháp đã quy định, làm trọn bổn phận Đảng trao và nhân dân gửi gắm. Chính vì vậy, bà cho rằng cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy để xác định cụ thể phạm vi ranh giới trách nhiệm, quyền hạn để rõ căn cứ pháp lý thực hiện đúng yêu cầu đúng vai và “khi đã đúng vai thì nhất định phải thuộc bài, nếu không sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng”.
Còn theo bà Mai Thị Phương Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, định hướng trên là điểm mốc rất quan trọng và làm thay đổi cơ bản công tác xây dựng pháp luật. Và những dự án luật đang được Quốc hội xem xét đã thể hiện theo hướng không chỉ phục vụ cho công tác quản lý mà còn giúp khơi thông nguồn lực, hạn chế điểm tắc nghẽn và phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội.
Trước tiên cần khẳng định, tư duy làm luật đúng cho từng thời kỳ và như các chuyên gia khẳng định, tạo nên kết quả ngày hôm nay cũng là do thể chế. Tuy nhiên, bây giờ không theo kịp yêu cầu mới của phát triển thì cần đổi mới, vừa “mở” để phát triển song vẫn đảm bảo quản lý, kiểm soát tốt. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tư duy đổi mới cũng đã bước đầu được triển khai, thể hiện khi nhiều dự án luật sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đã rút ngắn hàng chục điều khoản. Tinh thần này được thể hiện rõ hơn tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV.
“Hành lang pháp lý, khung khổ pháp luật càng rộng thì sự sáng tạo càng nhiều; còn chật, chi tiết quá sẽ trói buộc sự sáng tạo. Hãy dành sự sáng tạo đó cho Chính phủ, cơ quan quản lý. Luật sắp tới sẽ rất ngắn song cũng đủ cơ sở pháp lý để vừa quản lý tốt vừa khơi thông nguồn lực, tạo ra hành lang để các cơ quan quản lý thỏa sức sáng tạo, tránh tình trạng quy định quá cụ thể dẫn đến khó sửa đổi khi vướng khi thực hiện vì muốn sửa luật phải mất hàng năm”, theo ông Nguyễn Khắc Định.
Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, như Tổng Bí Thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh.
Việc trình, xem xét thông qua 15 dự luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến 13 dự thảo luật, trong đó 1 luật sửa 3 luật trong lĩnh vực đầu tư; 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản, có những dự án luật rất mới phù hợp với xu thế phát triển như Luật Dữ liệu và Luật Công nghiệp công nghệ số, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội, Chính phủ.
“Chính phủ trình Quốc hội rất nhiều quy định có tính đột phá” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết và nêu quan điểm “thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nhưng tháo gỡ được thì sẽ trở thành đột phá của đột phá”. Rất nhiều luật sửa đổi liên quan đến đầu tư kinh doanh nhằm giải quyết ngay các vướng mắc, cản trở về thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền. Những nội dung đề xuất là kết quả của quá trình rà soát, phân tích, tranh luận đi đến thống nhất. Nếu được Quốc hội thông qua, các chính sách này sẽ góp phần giải phóng mạnh mẽ các nguồn lực để phục vụ phát triển, từ nguồn lực đầu tư nhà nước, nguồn lực tư nhân đến vốn nước ngoài.
Đơn cử, trong dự thảo Luật đầu tư công sửa đổi, Chính phủ đề xuất tách giải phóng mặt bằng dự án để làm công tác chuẩn bị trước, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác này từ 6 đến 8 tháng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho phép địa phương được đầu tư ngân sách phát triển của trung ương, hay cho địa phương này được dùng ngân sách để đầu tư dự án địa phương khác…, góp phần thực hiện đột phá về kết cấu hạ tầng trong thời gian tới. Hay việc sửa Luật Đầu tư cũng có đột phá mạnh khi thiết kế “luồng xanh” cho những dự án công nghệ cao hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao để tránh một thủ tục phải xin mấy năm, làm lỡ hết cơ hội đầu tư của doanh nghiệp…
Công tác đổi mới thể chế đang có rất nhiều đột phá, khắc phục điểm nghẽn trong xây dựng pháp luật theo tinh thần chuyển đổi tư duy mạnh mẽ: vừa quản lý được vừa kiến tạo phát triển. Công tác phân cấp, phân quyền cũng đẩy mạnh theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Chính phủ và Quốc hội sẽ giữ vai trò kiến tạo, xây dựng cơ chế chính sách và kiểm tra giám sát một cách “đúng vai, thuộc bài”. Các dự án luật theo tư duy mới khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần rất lớn trong thu hút vốn đầu tư phát triển, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra.
“Trong quá trình đổi mới thể chế, Chính phủ luôn nhận được sự đồng hành của Quốc hội, thể hiện rất rõ ngay trong Kỳ họp thứ 8” – Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. Tất nhiên, sẽ còn nhiều việc phải làm để tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, song với quyết tâm cao, với những vấn đề đang và sẽ được bàn thảo kỹ lưỡng nơi nghị trường, cử tri và nhân dân tin tưởng Quốc hội và Chính phủ tiếp tục tạo nên những “đột phá của đột phá” – hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển.