Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội khóa XV cần nhận thức sâu sắc niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri, thấy rõ những khó khăn, thuận lợi, thời cơ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ; và quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư, tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm; phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, hiến kế giúp Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, ban hành quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông – nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, đặt ra các vấn đề, mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó nhấn mạnh xây dựng thể chế.

Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Và một trong những nhiệm vụ đặt ra là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật.

“Quốc hội có chức năng lập hiến, lập pháp thì làm sao phải vừa đảm bảo quyền tự chủ theo Hiến pháp, đồng thời thể hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, trong đó có Đảng lãnh đạo công tác lập pháp. Đại hội XIII đề ra nhiều vấn đề cần phải thể chế hóa và với sự nỗ lực, nhiều chủ trương đã được thể chế hóa. Nửa nhiệm kỳ mà làm được như vậy là một bước tiến. Đây sẽ là những cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho đất nước tiếp tục phát triển bền vững” – PGS.TS Nguyễn Viết Thông nói.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, hoạt động lập pháp của Quốc hội đòi hỏi phải được nâng lên cả về lượng và chất, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Quốc hội khóa XV trải qua gần 3 năm của nhiệm kỳ phải đối diện với rất nhiều áp lực, khó khăn, nhất là sự ảnh hưởng trực tiếp và hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19. Số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết cần được xem xét, thông qua nhiều, trong đó có những dự án lớn, phức tạp, tác động sâu rộng, nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Song, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội khóa XV để lại nhiều dấu ấn rõ nét trong công tác lập pháp.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định, một trong những vai trò lớn nhất của Quốc hội thể hiện qua quyền năng lập pháp. Vấn đề hay được đề cập khi nói về tác động đến sự phát triển của đất nước là phải có hệ thống thể chế đầy đủ, toàn diện, hiện đại. Quốc hội khóa XV ngay từ đầu đã tự đặt ra cho mình nhiệm vụ có thể nói là rất hệ trọng. Hoạt động lập pháp có sự nhìn nhận trực diện và trách nhiệm từ sớm, từ xa.

Điều phải khẳng định đầu tiên, theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, chính là công tác lập pháp được Quốc hội khoá XV chủ động định hướng từ sớm, dài hơi, có tính kế hoạch cao. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận 19-KL/TW ngày 14-11-2021 về định hướng chương trình xây dựng pháp luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thiện, ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, đặt ra lộ trình về công tác xây dựng luật pháp trong cả nhiệm kỳ; tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, khả thi, ổn định, minh bạch.

“Điều này thể hiện sự nghiêm túc trong định hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Với cách tiếp cận này, công tác xây dựng pháp luật không chỉ nhằm thuận lợi cho quản lý nhà nước mà quan trọng hơn là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; qua đó, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà phát triển đất nước nhanh, bền vững” – bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Kế hoạch số 81 có tính định hướng cho cả nhiệm kỳ, song vẫn có “độ mở”, linh hoạt trong chương trình xây dựng luật hằng năm chứ không đóng khung cố định. Nội dung Chương trình 6 kỳ họp của Quốc hội khóa XV cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất thêm các nhiệm vụ lập pháp cần thiết, cấp bách khác nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, nhất là những vấn đề thực tiễn đặt ra, phát sinh trong và sau đại dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, vững chắc.

Dấu ấn tiếp theo chính là việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã đổi mới công tác lập pháp theo tinh thần chủ động “vào cuộc từ sớm, từ xa” thông qua quan hệ phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo ở tất cả các khâu: từ rà soát, phát hiện vấn đề, tới xây dựng đề xuất nhiệm vụ lập pháp và xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện.

Trong quá trình triển khai thẩm tra dự án luật, các cơ quan của Quốc hội được giao thẩm quyền đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát; phối hợp cơ quan soạn thảo đánh giá tác động chính sách, xác định những vấn đề cần tập trung nghiên cứu, thống nhất; lộ trình triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy việc chủ động từ sớm, từ xa như vậy đã góp phần nâng cao chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

“Đặc biệt, đối với những luật quan trọng, liên quan tới đông đảo người dân, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì các cuộc làm việc nghe cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra báo cáo; chỉ đạo về các nội dung lớn của dự án luật để cho ý kiến kịp thời” – TS Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết thêm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, các dự án luật ngay trong đầu nhiệm kỳ của Quốc hội khoá XV phải phấn đấu để đạt được những yêu cầu rất cao, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nói riêng. Và chưa bao giờ, ngay kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã hoàn thành gần như toàn bộ khung khổ kế hoạch 5 năm với phương châm linh hoạt, chủ động, từ sớm từ xa, không 'bắc nước chờ gạo người', tạo khởi đầu tốt đẹp cho cả nhiệm kỳ.

Theo ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh, để làm được điều đó, trước hết phải rất trách nhiệm. Trước yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu khách quan thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đề xuất nhiệm vụ rất chủ động. Nghị quyết số 30/2021/QH15 liên quan phòng chống dịch rồi Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, là những sáng kiến lập pháp. Quyết sách đó xuất phát từ sự thống nhất, đồng hành Chính phủ và thể hiện Quốc hội rất trách nhiệm trước yêu cầu, đỏi hỏi của thực tiễn đất nước, người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh rất nhiều vấn đề cần ưu tiên hay nhiệm vụ cấp bách phải đặt ra thì Quốc hội đều xem xét khi nhận thấy điều đó là thực sự cần thiết. Điều đó cho thấy tính toàn diện. “Chưa bao giờ lĩnh vực quốc phòng – an ninh được quan tâm như giai đoạn này khi trong một kỳ họp có tới 6 luật, còn liên quan kinh tế - xã hội thì rất nhiều. Những dự án luật Quốc hội đã và đang đặt ra đều là dự án luật khó, tác động nhiều chiều” – ông Trịnh Xuân An bày tỏ.

Nội dung Quốc hội thảo luận, xem xét đều rất thận trọng, kỹ lưỡng. Khối lượng, số lượng là như vậy nhưng không có nghĩa Quốc hội đơn giản trong đánh giá. Ví dụ Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải lùi lại một kỳ họp để đánh giá thật kỹ lưỡng hay Luật Hợp tác xã chỉ một cái tên thôi nhưng đến trước giờ thông qua Quốc hội mới quyết. Có nội dung bàn đi bàn lại, chỉ 1 ý kiến đại biểu đặt ra thì lãnh đạo Quốc hội cũng yêu cầu phải ghiên cứu kỹ, đánh giá tác động có đúng, có chuẩn hay không. Hay như dự án Luật Đất đai, không phải tự nhiên mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đưa ra mấy chục vấn đề để trình xin ý kiến Quốc hội và cuối cùng cần tới hơn 3 kỳ họp để xem xét toàn diện hơn.

“Tựu chung lại, hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đặc biệt là công tác lập pháp đặt ra cho Quốc hội trách nhiệm vẻ vang nhưng rất nặng nề. Đó là biến hơi thở cuộc sống thành những quy định khả thi, để rồi các quy định quay lại kiến tạo cho xã hội phát triển. Nếu không trách nhiệm, không cẩn trọng, không toàn diện sẽ không đảm đương được khối lượng công việc như vậy”, ông Trịnh Xuân An nói.

Thứ Ba, 07:54, 28/11/2023