Trong bài phát biểu quan trọng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng và nâng tầm, thể hiện sự chủ động đóng góp tích cực của Việt Nam vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại. Trong đó, đối ngoại của Quốc hội được mở rộng với nhiều hoạt động nổi bật, Quốc hội được bầu vào nhiều vị trí quan trọng tại các diễn đàn lớn và uy tín trên thế giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện, Quốc hội khóa XV đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, chủ động, tích cực, thích ứng linh hoạt trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Bước vào đầu nhiệm kỳ, trước những thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, hoạt động đối ngoại Quốc hội được duy trì thường xuyên, diễn ra hết sức sôi động trên cả bình diện song phương, đa phương.

Nếu mục tiêu chính trong hoạt động đối ngoại năm 2021 là ngoại giao vaccine thì trọng tâm của công tác đối ngoại năm 2022, năm 2023 và 2024 là hỗ trợ công tác phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc phát huy hiệu quả kênh ngoại giao nghị viện, đẩy nhanh quá trình các nước phê chuẩn các hiệp định thương mại và đầu tư, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

“Trong giai đoạn đầu, chúng ta ủng hộ, gúp đỡ nghị viện các nước trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Giai đoạn sau, khi Việt Nam đối mặt với dịch bệnh lan rộng thì nghị viện các nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ chúng ta nhiều. Hoạt động ngoại giao nghị viện cũng đóng góp trực tiếp trong việc tranh thủ nguồn lực để phòng chống dịch bệnh, như vaccine, thiết bị, sinh phẩm và cả công nghệ” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong phân tích thêm.

Hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội được triển khai tích cực, hiệu quả, chú trọng quan hệ với các nước láng giềng; đưa quan hệ với các nước đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, ổn định; thúc đẩy thực chất quan hệ với các đối tác hợp tác và bạn bè truyền thống; gia tăng sự tin cậy với các đối tác khác.

Bên cạnh các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay, trong đó có các chuyến thăm chính thức hàng loạt quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ của Chủ tịch Quốc hội và các chuyến thăm của các Phó Chủ tịch Quốc hội, thì nhiều hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trẻ diễn ra hết sức sôi động.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Liên bang Nga

“Ngay giữa quý III năm 2021, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự hội nghị các Chủ tịch Quốc hội tại Áo, thăm và làm việc tại Bỉ, Nghị viện Châu Âu, thăm chính thức Phần Lan. Đây là chuyến công du “xuyên” qua dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra gay gắt trong nước và trên thế giới nhưng chuyến thăm vẫn được thực hiện và thực hiện hết sức thành công, nhất là về mặt chính trị, đối ngoại, đồng thời tranh thủ, khai thác, phát huy hợp tác kinh tế, phòng chống dịch bệnh”, ông Đôn Tuấn Phong nhớ lại.

Nhân dịp các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam tại các nước, cùng lãnh đạo nghị viện các nước thăm Việt Nam, nhiều thỏa thuận quốc tế được ký mới/ký lại giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước. Trong đó, thỏa thuận hợp tác được ký kết đồng thời với cả Thượng viện và Hạ viện của nhiều nước (như Australia, Đông Urugoay, Bỉ) là cơ sở quan trọng tiếp tục thúc đẩy hợp tác hiệu quả và thiết thực giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam với nghị viện/quốc hội các nước; đồng thời, thúc đẩy tăng cường trao đổi, hợp tác trên các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) từ ngày 17 đến 19/10/2024.

Ngoại giao nghị viện cũng thúc đẩy ngoại giao kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, thể hiện qua các diễn đàn về pháp luật và chính sách thúc đẩy thương mại, đầu tư nhân dịp các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Có thể khẳng định, trên bình diện song phương, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội làm sâu sắc thêm quan hệ của Việt Nam với các nước và giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước nói riêng, từ đó củng cố, mở rộng và tăng cường hợp tác giữa nước ta với các nước trên tất cả các lĩnh vực.

Các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội cũng được triển khai tích cực theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” và để lại nhiều dấu ấn qua các sáng kiến được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

“Việt Nam chủ động, tham gia tích cực, trách nhiệm các diễn đàn nghị viện quốc tế như  Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP), đồng thời từng bước dẫn dắt, tham gia đình hình luật chơi. Chúng ta chủ động đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng, thể hiện rõ nét qua các nghị quyết trực tiếp liên quan đến đời sống kinh tế xã hội, an ninh chủ quyền quốc gia, như về hòa bình, hợp tác phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phòng chống dịch bệnh… Đây là chủ đề hết sức nóng, thời sự, không chỉ với Việt Nam hay trong khu vực mà trên cả thế giới” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh.

Các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội để lại nhiều dấu ấn qua các sáng kiến được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực tại các diễn đàn liên nghị viện song hành với các diễn đàn quốc tế của Chính phủ, như IPU - Liên hợp quốc, AIPA - ASEAN, APPF - APEC, APF - OIF thể hiện rõ nét sự đồng hành của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việc tham dự trực tuyến và trực tiếp 3 hội nghị nghị viện lớn quy mô toàn cầu và khu vực cũng như tham dự trực tuyến nhiều hội nghị đa phương quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của Quốc hội Việt Nam trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đối ngoại.

Điểm nhấn thể hiện sự chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm của Quốc hội khóa XV có thể kể đến việc đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 14 với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 của IPU (tháng 9/2023) với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu thông qua Tuyên bố sau 8 kỳ hội nghị, nhằm tiếp tục thúc đẩy thực hiện Tuyên bố Hà Nội tại IPU -132 được thông qua năm 2015 về các mục tiêu phát triển bền vững, gắn lời nói thành hành động. Tuyên bố được đánh giá là lời hiệu triệu mang tính chính trị cao và là cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ thúc đẩy vai trò của giới trẻ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Còn nhớ, tại họp báo diễn ra ngày 16/9/2023, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco chia sẻ, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu một lần nữa xác nhận Việt Nam làm tốt công tác của mình, đóng góp hiệu quả vào thành công chung. Còn Tổng Thư ký IPU Martin Chungong thì bày tỏ, kết quả hội nghị vượt xa kỳ vọng , “phá nhiều kỷ lục” và là sự tiếp nối thành công từ IPU-132 diễn ra tại Hà Nội năm 2015. Điều đó cũng cho thấy hội nghị cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hay hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước lần thứ nhất tổ chức tại Lào cuối năm 2023 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác giữa các Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam, đánh dấu sự nâng tầm hợp tác giữa cơ quan lập pháp ba nước lên cấp cao nhất. Đây cũng là dấu mốc cho việc hoàn thiện cơ chế hợp tác ở cấp cao nhất giữa ba nước trên cả ba kênh đảng, lập pháp và hành pháp.

Các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội Việt Nam góp phần khẳng định bước tiến mới quan trọng của ngoại giao nghị viện Việt Nam và quá trình thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế và khu vực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện thắng lợi đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Quốc hội chắn chắn tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động, trong đó tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của Quốc hội, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Song, nhìn lại hơn nửa chặng đường khóa XV đã đi qua, có thể khẳng định hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai toàn diện, thông suốt, nhất quán; phát huy “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh một Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động và hành động, tăng cường sự hiểu biết với các nước, tạo dấu ấn Việt Nam.

Thứ Năm, 05:00, 19/12/2024