Kết quả đạt được trong năm 2022 tiếp tục khẳng định nỗ lực đổi mới của Quốc hội; xây dựng hình ảnh, vị thế Quốc hội ngày càng gắn bó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và giải quyết đúng, trúng nhiều vấn đề nổi cộm của cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này khi trả lời báo chí nhân dịp đất nước đón Tết cổ truyền của dân tộc – Xuân Quý Mão 2023, về những kết quả nổi bật trong hoạt động nghị trường năm 2022 cũng như các định hướng lớn trong đổi mới công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Kế hoạch số 81 ngày 5/11/2021 xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Sau khoảng 1 năm triển khai, đã có 81/137 nhiệm vụ lập pháp hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát hoặc nghiên cứu, xây dựng mới (đạt 59,12% nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ); đặc biệt đã có 37/81 nhiệm vụ lập pháp được Quốc hội, UBTVQH ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo sát sao các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình đầy đủ, kịp thời, thấu đáo ý kiến của đại biểu, trong đó những vấn đề còn quan điểm khác nhau được xem xét thận trọng để có phương án tối ưu trong việc tiếp thu, chỉnh lý.
Cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án, dự thảo luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, từ sớm, từ xa với tinh thần trách nhiệm cao và nhiều cách làm mới.
Đặc biệt, đối với những dự án luật quan trọng, phức tạp như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội, UBTVQH phải có cách làm mới, ban hành kế hoạch trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
“Đây không chỉ là cách làm mới, sáng tạo mà còn thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến. UBTVQH cũng đã ban hành Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để huy động được trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đều tích cực nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, xác đáng và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng với mục đích là nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo, đều được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, tiếp thu đầy đủ. Chẳng hạn, tại kỳ họp thứ 4, đã có 228 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 45 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); 180 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 18 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)...
Ngay sau bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp.
Để các đạo luật được Quốc hội ban hành sớm đi vào cuộc sống, theo Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng nhất đạo luật đó phải tốt cả về nội dung và hình thức. Luật phải phải phản ánh được thực tiễn cuộc sống, đưa hơi thở cuộc sống vào các quy định của luật, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, hợp hiến, bảo đảm tính thống nhất trong nội tại và trong cả hệ thống pháp luật, có nội dung điều chỉnh rõ ràng, minh bạch, khả thi, có tính dự báo trước và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Tuyệt đối không được cài cắm, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào trong các quy định của luật. Thủ tục hành chính nếu có thì phải rõ ràng, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; phải tuân thủ đúng quy định về thể thức, kỹ thuật văn bản,...” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đồng thời cho rằng các quy định của luật phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh chung chung, luật khung, luật ống.
Hơn nữa, vấn đề mấu chốt các cơ quan được giao nhiệm vụ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành phải khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản được giao, bảo đảm phù hợp về nội dung và có hiệu lực đồng thời với luật của Quốc hội để luật dễ dàng đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, vì hiện nay công tác này vẫn là một khâu yếu, kỷ luật, kỷ cương nhìn chung chưa nghiêm.
“Với những thành tựu và bề dày lịch sử hoạt động 77 năm qua cũng như những kết quả bước đầu rất quan trọng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có đủ cơ sở để tin tưởng rằng, Quốc hội khóa XV, thông qua hoạt động lập pháp, sẽ giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đặc biệt là những vấn đề lớn mà thực tiễn đang gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, Quốc hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chức năng quan trọng này. Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Và năm 2022 đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách giám sát với nhiều đổi mới.
Cụ thể, việc xem xét các báo cáo giám sát tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng theo đúng nguyện vọng của cử tri, nhân dân.
Lần đầu tiên, các đoàn giám sát của Quốc hội có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan Đảng, các chuyên gia và đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, huy động sự vào cuộc của HĐND, Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội để xác thực các báo cáo ở địa phương.
Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Lần đầu tiên, UBTVQH ban hành các nghị quyết quan trọng về hướng dẫn giám sát chất lượng, việc ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND. Thiết lập cơ chế phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Nội chính Trung ương trong tham mưu chiến lược về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.
Công tác dân nguyện của Quốc hội cũng có sự đổi mới cơ bản khi trở thành chương trình nghị sự hàng tháng của UBTVQH, thay vì chỉ báo cáo công tác dân nguyện tại kỳ họp Quốc hội cuối năm như trước đây. Qua đó giám sát, chỉ đạo, kiến nghị giải quyết kịp thời những vấn đề nóng, có tính thời sự và các vụ việc cụ thể, tạo sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, bước đầu đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Nhờ những đổi mới đó, năm 2022, công tác dân nguyện đã được các Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập các cơ quan báo chí bình chọn là hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022.
Năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiến tín nhiệm các thành viên do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng của Quốc hội.
Hiện nay, Bộ Chính trị đang sửa đổi Quy định 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Do vậy, UBTVQH tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13, bảo đảm nguyên tắc đồng bộ với các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng và các quy định của pháp luật trong thời điểm thích hợp.
“Mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt việc tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động của Quốc hội”, như chỉ đạo và kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Mặc dù đất nước tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng, tác động của đại dịch COVID-19 và các bất ổn kinh tế, chính trị của thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đáo sát sao của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị, nên năm 2022 kinh tế-xã hội đã phục hồi, phát triển và tạo nền tảng quan trọng cho năm 2023 - năm bản lề của nhiệm kỳ 2021- 2026. Để đạt kết quả đó không thể không nhắc đến dấu ấn quyết sách tại kỳ họp bất thường của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ pháp lý để Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường đã được luật định, nhưng phải đến Quốc hội khóa XV thì quy định này mới được áp dụng. Lần đầu tiên Quốc hội đã chủ động tổ chức Kỳ họp bất thường ngay vào những ngày đầu tiên của năm 2022 nhằm giải quyết kịp thời, cấp bách hai nhiệm vụ song song, đó là vừa phòng, chống hiệu quả đại dịch COVID-19 và vừa phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, xã hội, không chỉ đáp ứng cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Đặc biệt, gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế hơn 350.000 tỷ đồng (tương ứng với trên 8% GDP) và việc Quốc hội ban hành 1 luật sửa đổi 8 luật,... thực sự là nguồn lực và căn cứ pháp lý quan trọng để Chính phủ, các địa phương triển khai thực hiện, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Kỳ họp bất thường cũng cho thấy quyết tâm của Quốc hội Khóa XV tiếp tục kế thừa và “gạn đục, khơi trong” để tìm kiếm dư địa hoạt động mới, thực sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; đồng thời khẳng định thông điệp về một Quốc hội luôn đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân.
Quốc hội đã chủ động tổ chức Kỳ họp bất thường nhằm giải quyết kịp thời, cấp bách các nhiệm vụ
Cũng theo ông Vương Đình Huệ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành và Nội quy Kỳ họp Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua), trong thời gian tới, Quốc hội sẽ có cơ sở vững chắc, tập trung nâng cao hiệu quả tổ chức các kỳ họp thường, nhưng phải dựa trên nguyên tắc chỉ đặt ra đối với các vấn đề thực sự cấp thiết, đột xuất, được chuẩn bị kỹ lưỡng, chín muồi và có sự đồng thuận, thống nhất cao.
Có thể nói, kết quả đạt được của năm 2022 tiếp tục khẳng định nỗ lực đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội; qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; xây dựng hình ảnh, vị thế Quốc hội ngày càng gắn bó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, giải quyết đúng và trúng nhiều vấn đề nổi cộm của cuộc sống./.