Cải cách và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng trong quá trình đổi mới đất nước và Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong cải cách thể chế. Thông qua việc thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, Quốc hội từng bước tạo lập các cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Đánh giá công tác hoàn thiện thể chế trong hơn nửa nhiệm kỳ qua là bước tiến lớn, song PGS.TS Nguyễn Viết Thông – nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cũng lưu ý, hoàn thiện thể chế là một quá trình và còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, toàn diện. Bởi, xây dựng pháp luật là công tác không hề dễ dàng; có vấn đề đã bộc lộ, song có cái chưa bộ lộ hết thì phải thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng ban hành luật pháp; có những nhiệm vụ đặt ra cần có thêm thời gian.

Dẫn lời Tổng Bí thư về “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” – cách nói hình ảnh về kiểm soát quyền lực, PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho rằng “mới nhốt được một phần thôi vì chưa thể chế hóa hết được”. Ví dụ như nói đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nhiệm vụ đi đôi quyền hạn nhưng hiện kể cả nhiệm vụ, quyền hạn cũng chưa quy định thật rõ. Thực tế nhiều cán bộ bị kỷ luật thì một trong những nguyên nhân là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tức không hiểu nhiệm vụ, quyền hạn của mình đến đâu thì dễ lạm quyền, lộng quyền, tiếm quyền. Do đó phải tiếp tục thực hiện nhiều việc hơn nữa mới có thể “nhốt” được quyền lực vào trong “lồng” quy định, quy chế.

Ông cũng dẫn chủ trương được đề ra từ những nhiệm kỳ trước, đến Đại hội XIII tiếp tục khẳng định, đó là có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, tuy nhiên, đến hôm nay chưa ban hành được cơ chế ấy. Rồi vấn đề nhân dân rất mong đợi đó là phải có cơ chế để thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, song hiện cũng chưa thể chế được “dân giám sát, dân thụ hưởng” như thế nào. Chính vì vậy, PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh, nửa nhiệm kỳ còn lại và các nhiệm kỳ tiếp theo còn phải tiếp tục đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng.

Có thể nói, những nhiệm vụ Đảng giao cho Quốc hội cũng như sự kỳ vọng của nhân dân đối với Quốc hội ngày càng lớn hơn. Việt Nam là một trong những nước hội nhập sâu rộng nhất trên thế giới, độ mở nền kinh tế lên đến 200% GDP trong khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ, đòi hỏi vai trò của Quốc hội đưa ra chương trình xây dựng luật pháp phải có sự đổi mới thích hợp, tương thích với pháp luật quốc tế, cần chỉnh sửa và cần tìm ra những bất cập để sửa đổi sao cho đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc, đảm bảo đời sống nhân dân, đảm bảo chủ quyền quốc gia.

Các ý kiến chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 do Quốc hội tổ chức vào tháng 9 vừa qua cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất, bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch.

Điều đó đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Cải cách thể chế cần bảo đảm tính đồng bộ (giữa trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế, ban hành và tổ chức thực thi, giữa các ngành, lĩnh vực,...). Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật thực thi để kết nối các khu vực kinh tế, tạo liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng. Cùng với đó là quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vừa tận dụng cơ hội, vừa hỗ trợ vượt qua khó khăn, thách thức. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt, là vấn đề dài hạn của cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói với các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cơ quan Văn phòng Quốc hội rằng “chúng ta có quyền tự hào nhưng không được phép chủ quan, thỏa mãn với những gì đã đạt được. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cử tri và nhân dân cả nước hết sức quan tâm và tiếp tục kỳ vọng vào hoạt động của Quốc hội. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế biến những điều bất thường trở thành bình thường để đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Chắc chắn là như thế, không thể khác được”. Trong đó, về công tác lập pháp, phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn nữa, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng khát vọng hùng cường, khát vọng phát triển và ý chí quật cường của dân tộc trông chờ vào các đột phá chiến lược đã được Đảng ta xác định, trong đó có đột phá về thể chế. “Vai trò, trách nhiệm của Quốc hội còn lớn lắm! Làm sao để có một hệ thống luật pháp về mặt hình thức phải đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, nhưng về mặt nội dung phải đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa. Đó là điều phải trăn trở. Chúng ta xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế là để kiến tạo cho sự phát triển”, ông Vương Đình Huệ nói.

Theo ông Nguyễn Viết Thông – nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại hội XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” chỉ ra nhiều nhiệm vụ giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, làm sao để luật phải kín kẽ, không mâu thuẫn, tránh có luật rồi lại chờ nghị định, chờ thông tư. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh trong ban hành luật mới, kể cả sửa đổi các luật đã có phải khắc phục triệt để tình trạng “lợi ích nhóm”, vì nếu không trong sáng thì có thể bị chi phối, tham nhũng luật pháp.

“Trong nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp thì quan trọng nhất là đội ngũ làm luật, từ dự thảo đến tiếp thu ý kiến, phải có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, thật sự vì nước, vì dân. Chúng ta có thể còn yếu mặt này, mặt khác thì cử đi đào tạo, bồi dưỡng, nhưng phẩm chất phải tự rèn luyện. Muốn chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, nâng cao chất lượng thể chế thì cái gốc vẫn là phẩm chất đạo đức” – ông Nguyễn Viết Thông nói.

Nhắc lại một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng đề ra là tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Quốc hội đã và đang làm rất nhiều, nhất là công tác xây dựng pháp luật. Tuy vậy, hệ thống luật pháp còn có tồn tại nhất định đòi hỏi quá trình làm luật phải cải tiến. Hơn nữa, thực tiễn cuộc sống đa dạng, sinh động nên thể chế cần tiếp tục được cập nhật.

“Trong đó cần cải tiến tổ chức quy trình làm luật, nhân sự làm luật. Quốc hội phải tăng đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng đại biểu làm luật để làm sao tiến tới Quốc hội là cơ quan soạn thảo luật, chứ không chỉ trông trờ vào Chính phủ. Các đại biểu chung sức làm luật sẽ có mặt thuận lợi hơn, như tránh được “tính cục bộ” của các bộ, ngành” – ông Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Cho rằng đột phá thể chế, cơ chế dù không phải là “chìa khoá vạn năng” nhưng lại mở đường cho các đột phá khác, ông Vũ Trọng Kim – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, vai trò của Quốc hội nói chung, các cơ quan của Quốc hội cần được phát huy hơn nữa trong công tác xây dựng các cơ chế, chính sách. Quốc hội tập hợp trí tuệ gần 500 đại biểu từ địa phương đến các ngành khác nhau, cần dành thời gian, nhân lực, khối lượng công việc nhiều hơn cho xây dựng pháp luật. Quốc hội vô tư, trong sáng, đầy đủ trách nhiệm cần đảm trách phần nhiều việc hoàn thiện pháp luật, giảm bớt bộ ngành soạn thảo để tránh cài cắm điều kiện có thể làm lợi cho ngành mình.

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, nếu chỉ thẩm tra, góp ý, thảo luận cũng không thể nhìn thấy hết được vấn đề; mà phải vào cuộc ngay từ đầu để xây dựng đề cương đến khi ra từng điều, từng lời của chế định, chế tài. “Cần tranh thủ lực lượng của Quốc hội. Người có uy tín, có khả năng đóng góp thì phải tranh thủ hết sức. Cũng qua cơ chế hoạt động của Quốc hội có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học chung tay vào công tác xây dựng pháp luật, chính sách ngay từ đầu” – ông bày tỏ.

Còn theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trước hết, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng của từng khâu trong cả quy trình xây dựng, thẩm định dự án luật; kiên quyết không đưa vào chương trình đối với những dự án luật chưa đảm bảo chất lượng, không đúng tiến độ, thời gian. Đối với các chính sách mới, cần đánh giá tác động kỹ; tuân thủ nguyên tắc thận trọng, chắc chắn, chỉ đưa vào luật những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực lập pháp cho các đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện để các đại biểu được cung cấp đủ tài liệu, có thời gian nghiên cứu, tham vấn chuyên gia, đóng góp ý kiến. Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, cần tăng cường sự tranh luận, phản biện để làm rõ; và các ý kiến phải được tổng hợp, tiếp thu, giải trình thấu đáo, tạo sự đồng thuận cao.

Ngoài ra, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động lập pháp của Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng cần được tăng cường, như: nâng cao chất lượng của các vụ chuyên môn, phát huy vai trò Viện Nghiên cứu lập pháp; có thêm cơ chế sử dụng chuyên gia để hỗ trợ cho hoạt động đại biểu.

Ở góc khác, ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, để luật đi vào cuộc sống cần cả một quy trình và không phải ngày một ngày hai. Song, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, chính sách có tốt hay không thì phải đi vào cuộc sống và làm ra của cải. “Quy định pháp luật phải khơi gợi nguồn lực, giúp cho nhân dân, doanh nghiệp, đất nước phát triển mới là điều quan trọng. Và chúng ta đang đi đúng hướng đó”, theo ông Trịnh Xuân An.

Cải cách thể chế là nhiệm vụ quan trọng, luôn là một quá trình đầy khó khăn và thách thức, nhất là trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình phát triển nhanh chóng, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi một quyết tâm chính trị, năng lực, tầm nhìn và trách nhiệm cao. Quốc hội khóa XV đã và đang tiếp tục phát huy những thành quả, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời phúc đáp đòi hỏi của thực tiễn đầy biến động, nhằm tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, tạo lập khuôn khổ pháp lý vững chắc để đất nước hội nhập và phát triển bền vững.

Như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng chia sẻ, rằng công việc còn nhiều, thử thách khó khăn còn rất lớn, song với truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam và những kết quả đã gặt hái được, chắc chắn chúng ta sẽ đoàn kết một lòng, phát huy trí tuệ tập thể để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thứ Bảy, 10:01, 02/12/2023