Đến cuối tháng 10, đại hội đảng bộ các cấp trên toàn quốc đã hoàn tất, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra vào đầu năm 2021. Chưa có nhiệm kỳ nào, công tác nhân sự lại được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản như ở nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, cũng như ở các nhiệm kỳ trước, công tác nhân sự trở thành “chủ đề nóng” để các phần tử cơ hội ở trong và ngoài nước ra sức chống phá trên không gian mạng.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, công tác nhân sự được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ và các cấp ủy quan tâm chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ gắn với việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định tại hội nghị Trung ương 4, 6, 7, 8 khóa XII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm từng bước đổi mới "đồng bộ, tổng thể, toàn diện, liên tục các khâu trong công tác cán bộ."

Theo đó, các khâu trong công tác cán bộ được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định; đồng thời kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và xử lý những sai sót, vi phạm về công tác cán bộ, nhất là những nơi còn đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội.

Qua tổng kết bước đầu cho thấy, việc bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư được thực hiện theo đúng Quy chế bầu cử trong Đảng với kết quả bầu cử số lượng ban chấp hành giảm theo quy định nhưng vẫn đảm bảo cơ cấu, chất lượng nâng lên so với nhiệm kỳ trước. Chỉ riêng số lượng cấp ủy nữ cao hơn nhiệm kỳ trước gần 2,7%, có 9 Bí thư tỉnh ủy nữ, trong khi nhiệm kỳ trước chỉ có 3 người.

Ông Nguyễn Quang Dương – Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, công tác nhân sự lần này được các cấp ủy đặc biệt coi trọng, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương và địa phương.

Điểm mới của công tác nhân sự cấp ủy lần này được chuẩn bị theo quy trình 5 bước. Chuẩn bị nhân sự tái cử trước, nhân sự tham gia lần đầu sau. Số lượng cấp ủy viên giảm nhưng vẫn đảm bảo cơ cấu cần thiết để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, nâng cao chất lượng và phù hợp với thực tế sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế.

Cùng với việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy, nhân sự ủy ban kiểm tra các cấp được thực hiện theo đúng quy định của Trung ương cũng như hướng dẫn của cấp trên. Về thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương tiếp tục được thực hiện quyết liệt và đạt được kết quả cao hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước,

Song song với việc làm tốt công tác nhân sự ở đại hội đảng bộ các cấp, Đảng ta cũng tiếp tục thực hiện công tác chỉnh đốn bằng việc xử lý kỷ luật nhiều cán bộ từ cấp trung ương đến địa phương, mà cao nhất là kỷ luật Đảng đối với một Ủy viên Bộ Chính trị. 

Thực tế đó tiếp thêm niềm tin cho nhân dân vào công cuộc làm trong sạch Đảng, tiếp thêm niềm tin về một đội ngũ kế cận được sàng lọc và đào tạo bài bản.

Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, trên không gian mạng, các phần tử xấu, các thế lực phản động ở nước ngoài vẫn ra sức xuyên tạc, bôi đen công tác nhân sự của Đảng. Đó là những phần tử cơ hội chính trị, phần tử thoái hóa biến chất trong nước và cả các thế lực phản động nước ngoài. Họ quy chụp công tác nhân sự chỉ là kết quả của những màn “đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực”, là “sự áp đặt từ trên xuống”.

Các đối tượng này vu khống một cách trắng trợn rằng, trong thể chế chính trị một Đảng lãnh đạo như ở  Việt Nam, việc lựa chọn nhân sự sẽ không bảo đảm dân chủ, thiếu minh bạch, không thể lựa chọn được người đủ năng lực và đạo đức để lãnh đạo đất nước.

Các thế lực thù địch, lưu vong hải ngoại còn tổ chức các đợt “chiến tranh thông tin” trên không gian mạng với mục đích bôi nhọ cá nhân và gia đình các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tự “sắp xếp” danh sách lãnh đạo cấp cao như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng… Đầu tháng 10, Hội nghị Trung ương 13 vừa khai mạc với nhiều nội dung mà trung ương thảo luận về kinh tế -xã hội, về dự thảo văn kiện trình đại hội và công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành khóa tới. Nhưng ngay lập tức, kênh Việt Tân đã đăng tải clip: "Tiết lộ danh sách ứng viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ đưa ra tại Hội nghị 13" với nhiều tên tuổi cụ thể. Đó là những phỏng đoán thiếu căn cứ.

Một số kẻ còn tung tin thất thiệt kiểu: nhân sự lãnh đạo chủ chốt Đại hội XIII của Đảng đã được sắp xếp xong, vấn đề bầu bán chỉ là hình thức. Thậm chí chúng còn khẳng định, người này triệt hạ người kia để giữ được vị trí này vị trí khác.

Thủ đoạn của các đối tượng rất đa dạng, nhưng chủ yếu dựa vào không gian mạng để chống phá, với mục đích phá vỡ sự ổn định của đất nước, tạo điều kiện cho các tổ chức phản động lưu vong “thừa nước đục thả câu”.

Dựa vào công tác nắm tình hình, cơ quan chức năng của Việt Nam xác định nhiều website được sự hậu thuẫn của các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân đã lợi dụng internet và mạng xã hội, phát động các chiến dịch chống phá một cách bài bản. Điển hình như các trang web “Thời mới”, “Việt Nam Thời báo”, kênh youtube “VT Toronto”...

Để gây sự tò mò, hiếu kỳ, các thế lực thù địch cũng dựng lên một loạt video clip, các tuyến bài "Hướng tới nhân sự Đại hội 13".

“Nhật ký yêu nước” – một nhóm chống phá Đảng và Nhà nước cộm cán nhất trên mạng xã hội với các thế lực phản động đứng sau, thường xuyên đăng tải bài viết có nội dung thông tin xuyên tạc, mang tính kích động.

Một loạt các tài khoản trên mạng xã hội trong thời gian qua thường xuyên đăng tải các thông tin xấu độc như: Việt Tân, Đài Châu Á tự do, Nhà xuất bản tự do, Mua quan bán chức ở Việt Nam, Thanh niên công giáo hay Hội anh em dân chủ.

Ngoài ra, cũng có nhiều tài khoản cá nhân với hàng trăm nghìn lượt theo dõi cũng liên tục đưa ra những thông tin sai trái, bóp méo, bôi nhọ, đồn đoán vô căn cứ về công tác cán bộ, nhằm gây nhiễu loạn thông tin và kích động chia rẽ nội bộ.

Một trường hợp điển hình của dùng mạng xã hội chống phá trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là đối tượng Nguyễn Văn Lâm (50 tuổi, Nghệ An). Trong năm 2020, đối tượng này đã nhiều lần sử dụng Facebook “Lâm Thời” với 5.000 bạn bè và nhiều người theo dõi để đăng tải các bài viết xuyên tạc, bôi nhọ Đảng và Nhà nước. Đồng thời, Facebook “Lâm Thời” cũng đưa những thông tin kích động người dân chống chính quyền. Ngày 7/11, Nguyễn Văn Lâm bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Theo thông tin từ Bộ Công an, trong năm nay, các lực lượng chức năng đã cùng phối hợp, xử lý hình sự hơn 100 đối tượng, xử phạt hành chính trên 780 đối tượng. Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng an ninh cũng đã vô hiệu hóa trên 1.600 đối tượng cùng hàng nghìn bài viết, video có nội dung xuyên tạc, tung tin thất thiệt trên không gian mạng.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Tuyến, Cục trưởng Cục An ninh Chính trị Nội bộ, Bộ Công an cho biết: “Thời gian gần đây, thủ đoạn tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch nổi lên một số vấn đề đáng chú ý. Lợi dụng các tính năng của mạng xã hội, các thế lực phản động phát động các chiến dịch “chiến tranh thông tin” một cách bài bản, có tổ chức chặt chẽ. Chúng tạo lập hàng ngàn trang mạng xã hội mới trong đó giả mạo nhiều cá nhân, tổ chức có uy tín, dưới danh nghĩa tôn giáo, bảo vệ môi trường, dân sinh... để thu hút người đọc, tuyên truyền nội dung chống Đảng, chống Nhà nước”.

Trước thực tế trên, Cục An ninh Chính trị Nội bộ, Bộ Công an đã đưa ra 8 giải pháp để ngăn chặn, hạn chế sự lây lan của những thông tin xấu độc, gây hoang mang dư luận. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng những nguồn thông tin chính thống, định hướng dư luận với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Đồng thời, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để vô hiệu hóa, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những đối tượng tung tin xuyên tạc, bôi nhọ hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh sẽ sớm ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm 2020. Trong đó, một yếu tố quan trọng là “tính định danh” đối với người sử dụng mạng xã hội. Khi đó, không gian mạng sẽ không còn là “ảo” nữa mà gắn với trách nhiệm cá nhân của người dùng.

“Việt Nam là một nước có chủ quyền trên không gian mạng, do vậy các nền tảng nội dung xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Thời gian qua, Bộ TT&TT xác định việc làm sạch không gian mạng là một trong những biện pháp trọng tâm. Việc ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng trong năm nay và yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội được chúng tôi coi là căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh và vì thế mà vô trách nhiệm”. – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người sử dụng mạng Internet, mạng xã hội cũng phải hết sức tỉnh táo trước những nguồn tin chưa được kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, phỏng đoán vô căn cứ của các phần tử phản động. Cùng với đó, các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường cung cấp thông tin chính thống để người dân kịp thời nhận ra, đâu là thông tin xuyên tạc, thông tin nhiễu, thông tin có dụng ý xấu.

Tại hội nghị giao ban báo chí vừa qua do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, ông Nguyễn Quang Dương, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã hoàn thành dứt điểm và sớm hơn so với nhiệm kỳ trước. Đây là kết quả tốt đẹp.

"Kết quả của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã tạo ra khí thế mới, động lực mới, góp phần tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của các cấp ủy tổ chức Đảng và đảng viên. Từ đó, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thành công tốt đẹp của đại hội đảng bộ các cấp đã bác bỏ quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về đại hội của các thế lực thù địch, tổ chức phản động và các phần tử xấu" - Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh./.


Tác giả: Hương Giang - Trọng Phú _ Trình bày: Quang Huy/VOV.VN

Thứ Ba, 06:06, 24/11/2020