Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, là biểu tượng của hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là ngọn cờ đầu của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là hiện thân rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách và phẩm giá con người Việt Nam. Với tầm nhìn vượt thời đại, Người không chỉ đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam mà còn để lại di sản văn hóa, tư tưởng bất hủ, là cầu nối đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Chủ trương tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài là một quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế về những giá trị nhân văn, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam được kết tinh ở Người. Trong những năm qua, nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành để thực hiện chủ trương này.

Đặc biệt, ngày 19/8/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 85 về việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giới thiệu và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với cộng đồng quốc tế. Văn bản này xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực, hiệu quả, trong đó nhấn mạnh đến việc truyền bá các giá trị tư tưởng, đạo đức của Người gắn liền với các di tích lịch sử, địa danh nơi Người từng sống và làm việc; đồng thời khẳng định những giá trị nhân văn mang tính thời đại trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình, giải phóng dân tộc, dân chủ, hợp tác quốc tế, và tình đoàn kết giữa các dân tộc.

“Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một việc làm hết sức thiết thực, có ý nghĩa lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đây không chỉ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mà còn là cách thức hiệu quả để lan tỏa những giá trị cao đẹp về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một biểu tượng rạng ngời của dân tộc Việt Nam mà UNESCO đã từng tôn vinh là Anh hùng Giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”, ông Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nói.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực triển khai Đề án tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài thông qua nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng. Những nỗ lực này đã góp phần đưa hình ảnh Bác Hồ đến gần hơn với bạn bè quốc tế, góp phần làm sâu sắc quan hệ hợp tác, tăng cường đoàn kết dân tộc, và bảo tồn những giá trị lịch sử quý giá. Rất nhiều công trình như trường học, con đường, công viên, bảo tàng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các tượng đài, biển tượng niệm Bác được đặt tại hơn 30 quốc gia, khắp các Châu lục trở thành biểu tượng cầu nối quan trọng đối với nhân dân Việt Nam và thế giới.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành Ngoại giao Việt Nam đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TƯ ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới - “1 trong 4 trụ cột đột phá”, tiên phong trong công tác đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030 đặt mục tiêu xây dựng “Không gian Việt Nam – Hồ Chí Minh” tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

“Tôi cho rằng chủ trương xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh một mặt đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa Cơ quan đại diện Việt Nam, mặt khác giúp phát huy hiệu quả hơn nữa công tác giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới một cách đồng bộ. Những nội dung trong Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ trở thành biểu tượng nhận diện chung của Các Cơ quan đại diện Việt Nam, đồng thời trở thành không gian đa chức năng cho các hoạt động như sinh hoạt chính trị, tổ chức hoạt động sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện và là nơi trang trọng để tổ chức các hoạt động đối ngoại”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định.

Từ năm 2009, theo Chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với tinh thần chủ động đẩy mạnh công tác nghiên cứu, giới thiệu và lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giới thiệu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tới bạn bè quốc tế. Những hoạt động này không chỉ góp phần khắc họa rõ nét chân dung một nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mà còn góp phần lan tỏa những thông điệp mang tính nhân văn, tiến bộ và phổ quát đến cộng đồng quốc tế trong thời đại hội nhập.

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao thông qua mạng lưới 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua 9 hình thức tiêu biểu:

Đến nay, chúng ta dễ dàng gặp được những công trình mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khắp châu lục, ở những nơi xa xôi như: tượng Bác ở Madagascar, Dominicana; đại lộ ở Algeria, Angola; trường học ở Venezuela, Cuba, Mông Cổ; Liên bang Nga, khu tưởng niệm tại Trung Quốc, Thái Lan, Lào... hay tác phẩm kịch, sách ở Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ... Những công trình mang tên Người ở các quốc gia đã trở thành biểu tượng hữu nghị giữa Việt Nam và các nước; đồng thời các hội thảo, phim ảnh, sáng tác nghệ thuật do chính học giả, nghệ sĩ sở tại thực hiện đã giúp thế thệ trẻ hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, giúp Việt Nam gần giũ hơn với thế giới thông qua Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Những hoạt động này không chỉ được triển khai từ nỗ lực đơn phương của Việt Nam, mà còn nhận được sự đồng hành sâu sắc, đầy thiện chí từ chính quyền, nhân dân và cộng đồng sở tại. Nhiều nước đã dành những vị trí trang trọng để dựng tượng, đặt tên đường, quảng trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiều nhà nghiên cứu, học giả quốc tế đã tham gia tích cực vào việc biên soạn, dịch thuật, giới thiệu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công chúng nước ngoài. Sự hưởng ứng và hỗ trợ ấy chính là minh chứng rõ ràng cho tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân loại tiến bộ đối với một lãnh tụ kiệt xuất - Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời là hiện thân sinh động của khát vọng hòa bình, công lý và nhân văn trên thế giới.

Các hoạt động giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với văn hóa và lịch sử, quan hệ từng khu vực, từng nước, xuất phát từ tình cảm yêu mến Việt Nam, sự kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân thế giới. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiều hoạt động phi vật thể tiêu biểu.

Bên cạnh các hoạt động triển lãm, hội thảo, chiếu phim và giao lưu văn hóa, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều sáng kiến có chiều sâu nhằm lan tỏa hình ảnh và tư tưởng Hồ Chí Minh tới cộng đồng quốc tế, tiêu biểu như: xây dựng tủ sách điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp, Cuba và Argentina. Song song với đó, các tác phẩm của Bác và các công trình viết về Bác cũng được dịch, xuất bản và giới thiệu rộng rãi bằng nhiều ngôn ngữ. Tiêu biểu là ấn phẩm “Tình cảm nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh”, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản, đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Pháp, Séc, Thụy Điển, Ả Rập, Tây Ban Nha… và nhận được sự đón nhận tích cực từ đông đảo bạn bè quốc tế.

Trong đó, một điểm nhấn đáng chú ý là Bộ Ngoại giao chủ trì thiết kế mẫu Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

“Mô hình này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc và cách tiếp cận ngoại giao hiện đại”, bà Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa cho hay.

Gần đây nhất, vào tháng 5/2025, Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức khánh thành Phòng Lưu niệm Hồ Chí Minh với ngành dầu khí Việt Nam - Azerbaijan tại thủ đô Baku, với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm. Công trình này là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với công tác tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phạm vi quốc tế.

Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước, khát vọng hòa bình và giá trị nhân văn sâu sắc - với bạn bè quốc tế là một vinh dự to lớn. Hình ảnh giản dị, gần gũi với nhân dân, cùng tư tưởng vượt thời đại của Người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí bạn bè năm châu, trở thành cầu nối gắn kết Việt Nam với cộng đồng quốc tế bằng sự kính trọng và tình cảm chân thành.

Tác giả: Kiều Anh, Bích Thuận, Ngọc Diệp, Lê Hoàng, Hùng Cường

Nguồn ảnh: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Thứ Bảy, 11:32, 05/07/2025