Theo Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Công an, dấu ấn quan trọng nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên mặt trận ngoại giao là việc xây dựng và mở rộng các mối quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác, đặc biệt là quan hệ với ba cường quốc: Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Thắt chặt quan hệ với tam giác ngoại giao Nga, Mỹ và Trung Quốc giúp Việt Nam có điều kiện hội nhập sâu hơn vào môi trường quốc tế, làm bạn với các đối tác khắp năm châu, thực hiện đúng nguyên lý kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng không hề đơn giản.
“Tôi cho rằng ngoại giao cây tre của Việt Nam rất hiệu quả. Sau chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tôi không nghĩ có lãnh đạo thế giới nào tiếp cả Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga trong vòng 1 năm”, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nêu quan điểm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên đưa ra nhận định và được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua, đưa vào Nghị quyết Đại hội: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Thiếu tướng, PGS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Công an đánh giá, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 “là một bước ngoặt lớn, là một bước đi cân não tại thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn phức tạp, ghi dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đi đầu trong việc vun đắp quan hệ hai nước và đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, là hình mẫu của sự hàn gắn và hợp tác vì lợi ích của Nhân dân hai nước”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi chia sẻ về đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho quan hệ Việt – Mỹ nhấn mạnh.
Giáo sư Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Công nghiệp Chiết Giang, Trung Quốc đánh giá: "Trong thời gian ông làm Tổng Bí thư, đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng, xã hội ổn định, trở thành một cường quốc tầm trung nhận được sự quan tâm của thế giới. Đặc biệt, trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của Việt Nam. Chính sách này là sự tiếp nối tư tưởng ngoại giao của Việt Nam, của Bác Hồ, đồng thời cũng dựa trên nền tảng của bối cảnh thời đại hiện nay, do vậy vừa có tính kế thừa lịch sử, vừa mang tính thực tiễn".
Ông Lê Văn Cương cho rằng, việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ tiềm ẩn nhiều thử thách, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích tình hình quốc tế và khu vực, xác định thời cơ và cơ hội lớn hơn thách thức để đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt, tạo thế cân bằng ngoại giao cho Việt Nam.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995, Việt Nam đã đón tiếp 5 Tổng thống Mỹ đến thăm, bao gồm Tổng thống Bill Clinton năm 2000, Tổng thống George Bush năm 2006, Tổng thống Barack Obama năm 2016, Donald Trump vào các năm 2017 và 2019 và gần đây nhất là Tổng thống Joe Biden, năm 2023. Như vậy, tất cả các Tổng thống Mỹ từ thời điểm sau 1995 đều tới thăm Việt Nam, một điều hiếm gặp đối với một quốc gia không được coi là “đồng minh” của Mỹ.
Trở lại năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có chuyến thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông Barack Obama.
Theo ông Lê Văn Cương, đây là lần đầu tiên người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra lời mời đối với lãnh đạo một đảng chính trị nước ngoài. Điều này cho thấy Mỹ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, và đổi lại, Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của Mỹ trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Ông Osius chia sẻ câu chuyện về chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước khi tới phòng Bầu dục gặp Tổng thống Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới Đài tưởng niệm Jefferson. “Tôi cho rằng điều này khá quan trọng vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn gợi nhắc với thế giới rằng Việt Nam đã trích dẫn những câu nổi tiếng của Tổng thống Thomas Jefferson khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập năm 1945. Đó là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...". Việc Tổng Bí thư thăm Đài tưởng niệm Jefferson nhắc chúng ta về sức mạnh của mối quan hệ Việt - Mỹ”, ông Osius nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá, việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ là dấu ấn quan trọng nhất mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Đây cũng là thành tựu đối ngoại chói lọi nhất của ngoại giao Việt Nam dưới thời đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư.
Nói về Trung Quốc – nước láng giềng có chung biên giới phía Bắc với Việt Nam, ông Lê Văn Cương nhận định: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hết sức mềm dẻo, linh hoạt về sách lược ngoại giao, đặc biệt trong việc giải quyết những bất đồng trên Biển Đông”.
Trong chuyến thăm Cấp nhà nước hồi năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào đã ký thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển gồm 6 điểm, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng cấp chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thông tin.
Không chỉ với các nước lớn, đối với các cường quốc khu vực, Việt Nam dưới thời kỳ lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại rất nhiều dấu ấn ngoại giao rõ nét. Kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Đảng vào năm 2011, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 6 quốc gia gồm Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Đối với các nước láng giềng và ASEAN, Việt Nam luôn là một người bạn, một đối tác có trách nhiệm. Tiếng nói và vị thế của Việt Nam tại ASEAN ngày càng tăng dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không sử dụng cụm từ “tiêu diệt”, mà thay vào đó nêu khẩu hiệu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”, để chừa đường lui cho đối phương, đồng thời mở đường bang giao sau khi chiến tranh qua đi. Đường lối ngoại giao này thể hiện tinh thần nhân ái, bao dung của nhân dân ta, đúng với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (lấy những gì không thay đổi để ứng phó với những điều dễ thay đổi) mà Bác từng nói.
Kế thừa và phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Dựa trên việc tổng kết thực tiễn và hình thành nghệ thuật “ngoại giao cây tre”; xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, “thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”; qua đó, tạo những bước ngoặt có tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn.
“Gốc tre tượng trưng cho lợi ích quốc gia, bám chắc vào lòng đất, không đổ gãy trong giông bão, ứng với vế đầu “dĩ bất biến”. Trong khi đó, ngọn tre mềm dẻo, linh hoạt, thể hiện tinh thần ngoại giao “ứng vạn biến” của nhân dân ta”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Trong các năm 2023-2024, nguyên thủ của 3 cường quốc lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nga lần lượt có các chuyến thăm Cấp nhà nước tới Việt Nam và tăng cường quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định rằng, điều này chứng tỏ ba quốc gia đều đánh giá vị thế của Việt Nam về an ninh, kinh tế và chính trị... đã tăng cao trên trường quốc tế. Đây cũng là minh chứng cho thấy, Việt Nam đã thực hiện tốt đường lối “ngoại giao cây tre”.
“Đường lối “Ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư không chỉ giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam, mà còn mang lại lợi ích cho các nước đối tác, tạo nên hòa bình và ổn định trong khu vực”, học giả Indonesia Mohammah Anthony, cựu biên tập viên cao cấp của hãng thông tấn Antara chia sẻ. “Điều này đã mang lại các lợi ích cho Việt Nam, giúp cải thiện mối quan hệ với nhiều đối tác và nâng cao vị thế của Việt Nam. Theo tôi, đây cũng là một chính sách không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho các đối tác, được nhiều nước nhìn nhận, đánh giá và học hỏi”.
Có thể nói, giữa bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, tư tưởng ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành ngọn đèn soi sáng cho Đảng và Nhà nước tiếp tục chèo lái con thuyền Việt Nam trên trường quốc tế. Đường lối “ngoại giao cây tre” là sự tổng kết xuyên suốt lịch sử, đồng thời cũng là di sản to lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho đất nước và con người Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: Đối ngoại phải đi trước, mở đường, trở thành động lực cho phát triển đất nước. Những thành quả của đối ngoại Việt Nam sẽ là những dấu ấn quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại nguồn lực, là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong giai đoạn mới. Và dấu ấn của “người truyền lửa”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục là động lực để đối ngoại Việt Nam vượt qua thách thức, không lùi bước trước trở ngại khó khăn trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay.
Nội dung: Diệp Thảo – Trung Hiếu/VOV.VN
Trình bày: Kiều Anh