Đến thời điểm này, có thể tự hào, điều “kỳ diệu” trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đang hiện hữu bằng những minh chứng cụ thể, bằng sự nỗ lực của từng cá nhân, cả xã hội và cả sự tận tâm, tử tế của con người.

Vào cuối tháng 11/2019, khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), mọi người gần như chưa hình dung về dịch Covid-19 thì chỉ vài tháng sau đó, dịch lan rộng ra khắp Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Đến nay, sau một năm hoành hành, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng hơn 1,7 triệu người và hơn 80 triệu người mắc Covid-19. Dịch bệnh cũng làm cho nền kinh tế nhiều nước kiệt quệ và hiện tại nhiều nước vẫn đang căng mình chống chọi với dịch bệnh ngày càng gia tăng.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Ngày 23/1 (29 Tết), dịch Covid-19 chính thức “có mặt” ở Việt Nam bằng việc phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên là hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc)- nơi xuất phát các ca bệnh đầu tiên trên thế giới.

Ngay sau khi phát hiện 2 ca bệnh này, từ 23/1 đến 13/2, cả nước có 16 người mắc Covid-19, tất cả đều có nguồn lây nhiễm liên quan đến ổ dịch tại Vũ Hán. Ngày 13/2, “ổ dịch” đầu tiên trong nước xuất hiện tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) với 11 ca mắc Covid-19. Ngay sau đó, gần 11.000 người dân trong xã Sơn Lôi được cách ly.

Những ngày sau đó, dịch bệnh liên tiếp xuất hiện khi BN34 nữ 51 tuổi bay từ Washington (Mỹ) về Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. BN34 đã lây cho 11 người, gồm: 5 người thân, 3 người tiếp xúc trực tiếp và 3 người tiếp xúc với người tiếp xúc của BN34.

Dịch trở nên nghiêm trọng hơn khi Hà Nội có thêm “ổ dịch” ở Bệnh viện Bạch Mai với việc 2 nữ điều dưỡng của Trung tâm bệnh nhiệt đới của Bệnh viện này mắc Covid-19 (BN86, BN87). Từ đây có tổng cộng 46 bệnh nhân liên quan, trong đó Công ty Trường Sinh có 27 người (kể cả 1 người nhà nhân viên).

Tiếp đó, dịch bùng phát ở nhiều địa phương. Ngày 20/3, Bộ Y tế thông tin một bệnh nhân là phi công người Anh (BN91) có liên quan đến ổ dịch ở quán Bar Buddha, TPHCM. Sau đó, phát hiện tất cả 18 bệnh nhân (trực tiếp và thứ phát) liên quan ổ dịch này, rồi đến ổ dịch ở Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội)…

Bằng sự nỗ lực của cả xã hội, từ Trung ương đến địa phương, sau khi đợt dịch thứ nhất tạm lắng với 99 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng thì ngày 24/7, Đà Nẵng trở thành tâm điểm của cả nước khi phát hiện 1 ca Covid-19 trong cộng đồng, mất dấu F0. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến Covid-19. Sau đó, các ca mắc mới được phát hiện ở Mễ Trì Thượng, Mễ Trì, Nam Từ Liêm (Hà Nội), ổ dịch là Nhà hàng thế giới bò tươi ở Hải Dương và một số nơi khác.  

Ngày 31/7, Việt Nam có ca Covid-19 đầu tiên tử vong trên nền nhiều bệnh lý nền. Đến ngày 7/9, Việt Nam ghi nhận 35 trường hợp tử vong. Đây cũng là thời điểm Bộ Y tế thông tin Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới, đã khống chế và kiểm soát thành công dịch tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Sau gần 90 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19, ngày 30/11, TP HCM ghi nhận 4 ca mắc mới, trong đó có 1 ca lây trong khu cách ly và 3 ca lây ngoài cộng đồng.

Sau 4 ca bệnh này, hơn 20 ngày qua, TP.HCM không có ca nhiễm mới.

Dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đúng vào thời điểm cả nước đang chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Canh Tý. Ngay trong đêm 29 Tết (23/1), Chính phủ đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, cả hệ thống chính trị sẵn sàng bước vào cuộc chiến “chống giặc” Covid-19 lần đầu tiên ở Việt Nam. Nhiều cuộc họp từ Trung ương đến địa phương được tổ chức với những chỉ đạo sát sao, cụ thể cho công tác phòng chống dịch.

Ngày 29/1, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Công văn số 79 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Trong đó nhấn mạnh “công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách” và “huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch”.

Ngày 30/1, Thủ tướng ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Thủ yêu cầu thực hiện "chống dịch như chống giặc”; đồng thời nhấn mạnh “chấp nhận thiệt hại về kinh tế trước mắt để đổi lấy sự an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân”.

Ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh “Hiện nay, chúng ta đang ở vào thời điểm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn, toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; phải nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công việc hệ trọng này”.

Hơn lúc nào hết, người dân cả nước một lòng chung sức, chung lòng cùng Đảng, Chính phủ quyết tâm cao độ trong công cuộc phòng chống “giặc” Covid-19. Mọi chỉ đạo, khuyến cáo của Chính phủ, của các cơ quan chức năng đều được người dân nghiêm túc chấp hành, từ việc thực hiện cách ly toàn xã hội, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang nơi công cộng, đóng cửa hàng quán tạm thời…

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự đoàn kết của cộng đồng, khi các đợt dịch bùng phát, Việt Nam nhanh chóng đẩy lùi và kiểm soát. Những thành công bước đầu của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch khiến nhiều nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi đó là điều kỳ diệu, mong được học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của lực lượng tuyến đầu: quân đội, hải quan, y bác sỹ…  Ở bất kỳ đâu cũng có những hành động, hình ảnh thực sự cảm động, chung sức chung lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Miếng cơm ăn vội ở góc đường, chân cầu thang hay những đêm sương lạnh, đội ngũ y bác sỹ, chiến sỹ... rải bìa cát tông ra ngoài trời tranh thủ chợp mắt để nhường chỗ cho người về cách ly.

Đó còn là sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ áo trắng khi phải xa gia đình, người thân để cứu chữa cho người mắc Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người đã tham gia tích cực trong việc khám, phân loại và điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm SASR-CoV-2 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ông cũng đã trực tiếp điều trị cho hơn 30 bệnh nhân dương tính, trong đó gần 20 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Hàng tháng trời phải “cách ly” gia đình để chăm sóc, chữa trị bệnh nhân Covid-19, ông luôn cho rằng đó là công việc bình thường của một nhân viên y tế. “Rất nhiều đồng nghiệp của tôi dù lộ diện hay thầm lặng, họ đều đã đóng góp hết sức mình trong trận chiến với dịch bệnh. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ khi chúng tôi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng”.

Trong lúc khó khăn, sức mạnh góp phần quan trọng trong chiến thắng “giặc dịch” là sự đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau của những người Việt Nam trong và ngoài nước.

Dù ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế vô cùng nặng nề, nhưng người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định "đất nước không bỏ rơi một ai, không ai bị bỏ lại phía sau. Chính phủ sẵn sàng tiếp tục hy sinh những quyền lợi về kinh tế để ngăn chặn dịch Covid-19”. Quyết tâm của Chính phủ như thêm động lực, niềm tin để mọi người cùng nỗ lực, góp sức vào công cuộc chống dịch.

Trong khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng vẫn đồng lòng cùng cả nước chống dịch. Nhiều doanh nghiệp ủng hộ tiền của, trang thiết bị y tế giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn cùng vượt qua dịch bệnh. Nhiều siêu thị “0 đồng”, cây ATM gạo, hàng hóa được mở ra hỗ trợ người dân ở khắp nơi trong cả nước.

TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, người mở ATM rút gạo “bằng chân” ở Hà Nội và hàng chục tỉnh, thành khác chia sẻ: “Mỗi người có một tính cách. Tôi thích làm từ thiện, thích giúp người nghèo. Tôi luôn nghĩ mình có được như ngày hôm nay là do may mắn. Trong xã hội này có những người kém may mắn hơn, mình phải giúp đỡ họ. Giúp người có hai cách. Thứ nhất là giúp cho người ta được ấm no, và thứ hai là giúp cho họ hạnh phúc. Nếu mình không giàu, mình giúp họ hạnh phúc bằng cách tặng sách, nói chuyện về sách, giúp họ về mặt trí tuệ để họ tâm an, có cuộc sống an vui… Nhưng thực tế cho thấy, nếu người ta đói thì cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện học, người ta sẽ không đọc sách vì phải kiếm miếng ăn. Tôi hồi nhỏ cũng đã lâm vào cảnh đói. Hồi những năm ở thập niên 70, tôi vẫn ám ảnh cảnh mình bị “đứt bữa”, nên tôi thấu hiểu chuyện đó. Cứ tưởng tượng, những người nghèo, người bán hàng rong, xe ôm… bình thường họ kiếm tiền sống qua ngày, thì hơn nửa tháng cách ly họ sẽ như thế nào? Trong gần 100 triệu dân Việt Nam thì con số này cũng phải đến hàng triệu. Không ở đâu xa, ngay ở Hà Nội cũng có rất nhiều những người như vậy. Họ rất cần sự giúp đỡ”.

Có những cụ già như như Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (ở phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM)- người có hơn 30 năm chuyên may vỏ chăn từ thiện giúp đỡ người nghèo khó- tuy đã 95 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ tranh thủ từng từng giờ để may khẩu trang phòng dịch Covid-19 cùng các chị em trong chi hội phụ nữ ở khu phố. Hay cụ bà 78 tuổi ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã đạp xe đạp đến trụ sở UBND xã ủng hộ 1 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kèm lá thư viết tay xúc động “Trong chiến tranh, gia đình tôi đã hy sinh chồng, con, chị… Khi Nhà nước khó khăn về kinh tế, gia đình tôi cũng bán thóc mua công trái. Ngày nay dịch lại đến, tôi tuy đã già rồi không làm được gì, nay con cháu biếu quà, tôi lại cống hiến cho Nhà nước số tiền là 1 triệu đồng. Tuy chưa nhiều nhưng tấm lòng của tôi, mong được ban lãnh đạo các cấp nhận cho tôi"....

Trong thời điểm Hàn Quốc đang là tâm dịch thứ 2 sau Trung Quốc, nhưng những doanh nhân Việt Nam ở đây đã kêu gọi hỗ trợ trong nước trang thiết bị thiết yếu phòng chống dịch. Nhiều cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và các địa bàn khác đã tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch thiết thực như may khẩu trang kháng khuẩn, hỗ trợ vật tư y tế, thực phẩm…

Người sống trong các khu cách ly đã cảm nhận và chia sẻ với lực lượng làm nhiệm vụ bằng cách đóng góp tiền ủng hộ, giúp đỡ những việc trong khả năng cho phép mà không làm dịch lây lan, chia sẻ với nhau các vật dụng thiết yếu trong khu cách ly...

Đến thời điểm này, có thể tự hào rằng, những điều “kỳ diệu” trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đang hiện hữu bằng chính sự tận tâm, tử tế của con người.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ấn tượng và đánh giá cao Việt Nam, đồng thời mong muốn được chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển.

Không ngạc nhiên khi Việt kiều, người nước ngoài, du học sinh về nước cách ly hay chữa trị Covid-19 đều cảm động trước sự nhiệt tình, chu đáo của đội ngũ những người phục vụ. Bạn Đặng Ngọc Ánh, du học sinh tại Đức, từng cách ly ở Khu nhà sinh viên Pháp Vân, Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Vào đây chứng kiến mới thấy thương các anh phục vụ trong khu cách ly vô cùng. Các anh vất vả thực sự. Lúc phát cơm bọn em cũng hay hỏi han các anh. Có anh nói là hôm qua ngủ được 2-3 tiếng, anh khác thì nói sao ngủ được nhiều thế. Nếu có đoàn về thì 1-2h sáng họ vẫn phải đợi… Cứ thế có khi đến sáng mới xong”.

Có người nước ngoài không khỏi xúc động “ước gì có thể cám ơn họ nhiều hơn. Với cường độ làm việc như vậy, chắn chắn phải rất mệt nhưng họ không bao giờ tỏ ra mệt mỏi. Sự tận tâm, chu đáo của họ đã giữ cho trung tâm trật tự và bình tĩnh trong khi ai cũng lo lắng về dịch”.

Để giúp bệnh nhân phi công người Anh vượt qua lằn ranh sinh tử, Bộ Y tế đã huy động tất cả chuyên gia đầu ngành và bằng sự tận tâm, tử tế của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam.

Hay những bệnh nhân như hai bố con người Trung Quốc, vợ chồng bệnh nhân người Anh khi khỏi bệnh về nước đã dành những tình cảm lưu luyến, cảm phục cho đội ngũ y bác sỹ Việt Nam “Cảm ơn Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam, những người đã dang tay giúp đỡ khi chúng ta gặp nạn. Các bác sĩ và y tá đã chữa trị cho chúng ta bằng tất cả sức mạnh và sau cùng đã giúp chúng ta khỏi bệnh. Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam”.

Đến thời điểm này, trong khi nhiều nước số người chết và mắc Covid-19 gia tăng thì Việt Nam đã cơ bản kiểm soát, khống chế được dịch. Việt Nam cũng đã chính thức tiêm thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trong nước sản xuất, là bước tiến mới, tạo thêm sự chủ động phòng chống dịch bệnh.

Có thể khẳng định, để đạt được những kết quả khả quan như vậy, Việt Nam đã phối hợp đồng bộ, kịp thời nhiều biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Trước hết, phải khẳng định công khai là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta phòng ngừa, ngăn chặn và khống chế dịch hiệu quả. Công khai trong việc công bố cụ thể các ca bị nhiễm, nghi nhiễm, tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với người nhiễm, người nghi nhiễm, từ đó có biện phát khoanh vùng, cách ly, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Phải khẳng định Việt Nam có đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao và tận tâm. Không phải ngẫu nhiên mà WHO đã nhận định, Việt Nam đã xử lý dịch Covid-19 rất tốt. WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp.

Cùng với đó, chúng ta đã kịp thời có những giải pháp cách ly địa phương ở những có nhiều bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Đây là giải pháp hiệu quả, trước hết đảm bảo y tế cho những người sống trong vùng dịch và gia đình họ.

Để có kết quả khả quan trong phòng dịch Covid-19, không thể không kể đến hiệu quả của truyền thông đã bám sát, phản ánh kịp thời các thông tin về dịch bệnh, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế cũng như các phòng tránh hiệu quả để người dân có thông tin chính xác về dịch bệnh cũng như cách phòng chống dịch, để người dân cảnh giác, không chủ quan với dịch nhưng cũng không quá hoang mang, hoảng sợ.

Có thể nói, đến thời điểm này, mặc dù chúng ta vẫn trong “cuộc chiến” phòng chống Covid-19, nhưng chắc chắn, với sự chung sức đồng lòng của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và tất cả người dân, dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi./.


Tác giả: Minh Hoà | Trình bày: Quang Huy
Thứ Ba, 06:19, 29/12/2020