Nhà báo lão thành Hà Đăng đồng tình với sự nghiêm khắc của Đảng trong việc xử lý sai phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên bởi điều đó cho thấy, Đảng ta nhất quán giữa nói và làm chứ không phải hô hào khẩu hiệu.

Năm nay, nhà báo lão thành Hà Đăng (nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã bước sang tuổi 93. Khác với nhiều người khi nghỉ chế độ thường chọn cách gác sang bên sự nghiệp bề thế để vui thú điền viên, quây quần bên con cháu, nhưng với nhà báo Hà Đăng, dường như tuổi tác chưa bao giờ là lực cản đối với ông trên con đường tận hiến với nghề làm báo.

Giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng của người gốc Phú Yên, nhà báo Hà Đăng bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng cách nói vui: “Cả cuộc đời tôi đã trải qua 5 “hai”. Hai trung, hai đại, hai tổng, hai trưởng, hai trợ”; 1 “cố” và 5 “tổ”.

Ông diễn giải: “Hai trung” là hai khóa Trung ương VI và VII. “Hai đại” là đại biểu Quốc hội khóa VIII và IX. “Hai tổng” là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. “Hai trưởng” là Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng bản thảo Văn kiện Đảng toàn tập. “Hai trợ” là Trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn và Trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. “Một cố” là cố vấn Đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời ở Hội nghị Paris. 5 “tổ” là tham gia Tổ biên tập Văn kiện Đại hội Đảng các khóa: VI, VII, VIII, IX, X.

Năm 2007, nhà báo Hà Đăng nghỉ hưu sau khi làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và Trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Từ đó đến nay, ông là cộng tác viên chuyên trách của Tạp chí Cộng sản trong việc thẩm định lại các bài viết trước khi đăng, cũng như tổ chức phương hướng công tác. Ông tâm sự: “Nghỉ hưu chỉ là bước đánh dấu về mặt pháp lý, chế độ. Còn tư tưởng của người đảng viên Đảng Cộng sản là còn sức thì còn phục vụ Đảng”.

Ông vẫn vậy, ở tuổi xưa nay hiếm, những lằn ranh của thời gian đã in đậm trên khuôn mặt, dẫu dáng đi có chậm, đôi tay có phần đã mỏi, song ông vẫn khiến người đối diện ngạc nhiên bởi trái tim nhiệt huyết, trí tuệ mẫn tiệp của một nhà báo lão thành.

Gần 75 năm tuổi Đảng là chừng ấy thời gian nhà báo Hà Đăng gắn bó với công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng. Chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử, nên hơn ai hết, ông hiểu rõ giá trị của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Theo ông, trong xây dựng Đảng, mặt “xây” là chủ yếu và cơ bản nhất, nhưng cũng phải “chống” lại sự suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Chống” là cấp bách bởi sự suy thoái là rất nghiêm trọng, nếu sơ hở một chút là có thể đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng, dẫn đến Đảng mất lòng tin trong nhân dân. Trong các nguyên nhân dẫn tới làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng thì mất lòng tin trong nhân dân là nguy hiểm nhất. Như vậy, công tác xây dựng Đảng phải tạo nên nhân tố tích cực, khắc phục tiêu cực để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Trong hơn 90 năm qua, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân. Nhất là trong các nhiệm kỳ XI, XII, nhân dân phấn khởi về những kết quả, kinh nghiệm bước đầu rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một bước những tham nhũng, tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. 

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân... Vì vậy, cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” không thể dừng lại mà phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, kiên quyết “cưa một cành cây sâu mọt để cứu cả cây”.

Nói đến đây, nhà báo Hà Đăng bỗng trùng giọng xuống khi nhắc đến một số cán bộ, đảng viên có tên tuổi, trong bao nhiêu năm công tác từng là “thế nọ, thế kia”, nhưng khi nghỉ hưu quay sang nói xấu, thậm chí chống Đảng. Theo ông, đó chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, thậm chí có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Điều nguy hiểm là từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra nhanh chóng, chỉ là một bước rất ngắn. Bước ngắn đó khiến bản thân họ mất tư cách của người đảng viên, sa vào vũng lầy của những người chống Đảng. Nếu không chống suy thoái, tiêu cực thì những biểu hiện lệch chuẩn của một người trở thành biểu hiện của một nhóm người, dẫn tới tiếp tay, cấu kết với các thế lực xấu, thù địch bên ngoài, các băng nhóm bằng các luận điệu xuyên tạc, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

“Có những đồng chí trước đây rất tốt, nhưng tự nhiên đi đến tha hóa, chạy theo lợi ích cá nhân, nghe theo các phần tử phản động bên ngoài, thậm chí tiếp sức cho các thế lực để chống Đảng. Đó là những con sâu làm rầu nồi canh. Chúng ta phải chấp nhận “cưa 1 cành cây”, người nào không còn xứng đáng thì đưa ra khỏi Đảng, thi hành kỷ luật đảng, nếu vi phạm pháp luật của Nhà nước thì phải trừng trị bằng pháp luật. Phải làm toàn diện như vậy, nếu không chúng ta sẽ mất sự nghiệp này lúc nào không biết” – nguyên Trưởng Ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương nói như vậy và nhấn mạnh, bên cạnh việc kiên quyết xử lý sai phạm, Đảng ta rất coi trọng việc giáo dục, rèn luyện đảng viên với tư tưởng “trị bệnh cứu người” chứ không phải vùi dập đồng chí mình.

Đảng mong muốn những cán bộ, đảng viên đó bằng cách này hay cách khác tự cải tạo, sửa đổi để sau này trở thành con người tốt, nếu không giúp được việc gì lớn thì chí ít cũng không phá hỏng sự nghiệp chung của Đảng.

Trước băn khoăn về việc xử lý hàng loạt cán bộ thời gian qua có làm cho tổ chức Đảng yếu đi, nhà báo Hà Đăng chia sẻ, ông rất đồng tình về việc Đảng đã rất nghiêm minh trong việc xử lý sai phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, điều đó cho thấy Đảng ta đã nhất quán giữa nói và làm chứ không phải hô hào khẩu hiệu. Nhiều cán bộ bị kỷ luật như vậy cũng cho thấy tính nghiêm trọng của các khuyết điểm.

Song cũng không vì như vậy mà trở nên bi quan về tình hình trong Đảng mà thực tế đã chứng minh, những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân, làm cho tổ chức Đảng ngày càng mạnh lên.

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không phải chỉ cốt xử lý cho thật nặng mới là tốt, mà cái chính là răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra sai phạm. Xây dựng và chỉnh đốn luôn đi cùng với nhau, bởi “xây” là cơ bản, lâu dài, còn “chỉnh đốn” là cấp bách, trọng yếu. Nếu tập trung biểu dương những cán bộ, đảng viên tốt mà không trừng trị những cán bộ xấu, hư hỏng thì cũng không được.

Hỏi ông về tâm trạng khi đón nhận thông tin cán bộ, đồng chí của mình bị kỷ luật, nhà báo lão thành Hà Đăng chia sẻ, ông cảm thấy buồn nhưng cũng mừng vì Đảng đã phát hiện những mầm mống tiêu cực để xóa bỏ đi.

Song điều làm ông suy nghĩ nhiều là chủ nghĩa cá nhân, cá nhân chủ nghĩa trong mỗi con người. Chủ nghĩa cá nhân là lấy lợi ích cá nhân làm tiêu chuẩn, làm cái gì cũng phải có lợi cho bản thân trước mà quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Tham nhũng, suy thoái, tiêu cực bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, là hệ quả của việc đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng... Cho nên Đảng ta với quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là chống lại những thói hư, thật xấu, chống lại tham nhũng, tiêu cực chứ không phải chống lại một cá nhân cụ thể nào.

“Ý chí của người cộng sản là không thỏa hiệp với chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đó là về mặt tư tưởng, còn trong hành động cụ thể, Bác cũng thấy cần phải làm lâu dài chứ không phải ngay tức khắc được”- nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho biết.

Một số cán bộ cấp cao bị Đảng xử lý, kỷ luật nghiêm khắc.

Nhắc lại việc xử lý kỷ luật cán bộ “không có vùng cấm” trong thời gian qua, nhà báo Hà Đăng cho rằng, những vụ việc này cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để của Đảng trước những tiêu cực. Nếu như trước đây cấp trên mắc khuyết điểm thường được xử lý nhẹ hơn, còn bây giờ Đảng ta kiên quyết “không có vùng cấm”, không thể “dưới làm chặt, trên làm lỏng”, dưới nghiêm mà trên nhân nhượng. Cán bộ giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm càng nhiều nên cùng mắc khuyết điểm như nhau thì cấp trên thậm chí phải chịu kỷ luật nặng hơn cấp dưới.

Nói đến đây, nhà báo Hà Đăng bỗng trầm ngâm. Ông nói, Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, nhiều thành tựu đạt được. Nhưng bên cạnh đó, Đảng ta cũng không bao giờ tự kiêu, tự đại, tự mãn mà thấy rằng, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn nhiều việc phải làm, nhiều mặt còn yếu kém. Uy tín của Đảng trong nhân dân giữ được nhưng phải làm sao uy tín đó ngày càng cao chứ không để những hư hỏng cục bộ làm cho uy tín của Đảng suy kém đi.

“Đảng ta phải như vận động viên thể thao, phải giữ mình cho thật khỏe mạnh, phải rèn luyện đạo đức, phẩm chất, rèn luyện tuổi nghề của mình thì mới có được thành quả” – nhà báo Hà Đăng chia sẻ./.

Nội dung: Kim Anh
Hình ảnh, trình bày: Thi Uyên


Thứ Bảy, 05:17, 16/10/2021