Khi Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, các quan chức tại Ukraine cho rằng, Nga có số lượng pháo binh nhiều hơn gấp 10 đến 15 lần, trong khi lực lượng bộ binh đông gấp 2 lần so với nước này. Tuy vậy, sự phản kháng mạnh mẽ của Ukaine đã khiến Nga không đạt mục tiêu nhanh chóng như kỳ vọng. Ở thời điểm đó, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho rằng, Nga có lẽ không hài lòng với kết quả vì thế chắc chắn họ sẽ đánh giá lại chiến lược.

Sau giai đoạn đầu xung đột, Nga đã rút kinh nghiệm từ những sai lầm. Khả năng thích nghi của Nga có thể gây khó khăn cho Ukraine trong việc giành lại những vùng lãnh thổ đã mất, Wall Street Journal nhận định.

Tuyến phòng thủ dài hơn 800km của Nga. Nguồn: Sky news

Vào mùa thu năm 2022, Ukraine đã gây bất ngờ cho Nga bằng cuộc phản công tại khu vực Kharkov. Kể từ đó, Moscow đã giành nhiều tháng để xây dựng lực lượng phòng thủ vững chắc nhằm đối phó với cuộc phản công hiện tại của Kiev ở phía Nam. Ngoài ra, Nga cũng triển khai máy bay không người lái để dò tìm và tấn công các vị trí của đối phương, khiến Ukraine gặp nhiều thách thức trong việc đáp trả.

Cuộc phản công của Ukraine đã diễn ra một cách chậm chạp và đạt được rất ít bước tiến trong khi tổn thất khá nặng nề do Kiev phải đối mặt với những bãi mìn dày đặc, trực thăng, tên lửa chống tăng và pháo binh của Nga.

Theo đánh giá của các nhà quan sát phương Tây, Moscow có thể sẽ thực hiện nhiều sự điều chỉnh hơn nữa về chiến thuật và mục tiêu để có thể trụ vững trong cuộc xung đột tiêu hao.

Nếu như trước đây, mọi hoạt động trên chiến trường chủ yếu diễn ra theo mệnh lệnh của các chỉ huy cấp cao, thì hiện giờ Moscow đã có sự linh hoạt hơn, phân quyền cho các đơn vị ra quyết định theo từng trường hợp cụ thể để ứng phó với những tình huống khẩn cấp.

Nga hiện đang ở thế phòng thủ trong khi cố gắng kìm hãm đà tiến của Ukraine. Trong một cuộc xung đột tiêu hao, việc giữ thế phòng thủ luôn có lợi thế hơn so với hoạt động tấn công. Các nhà phân tích cho rằng, cũng giống như Ukraine, hiện năng lực tấn công của Nga đang bị suy giảm do tổn thất về nhân lực và vật lực suốt thời gian qua, vì thế Moscow khó có khả năng giành được thêm các vùng lãnh thổ mới ở phía Đông.

Quân đội Nga đang dần rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm ban đầu, Wall Street Journal nhận định.

Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu xung đột, máy bay chiến đấu của Nga đã bay vào vùng hoạt động của lực lượng phòng không Ukraine. Một số chiến đấu cơ “bay thẳng vào khu vực giao tranh với tên lửa đất đối không” của đối phương. Kết quả là Moscow đã bị mất khá nhiều phương tiện trong khi không giành được ưu thế trên không.

Dù vậy, Nga vẫn bảo toàn được phần lớn sức mạnh không quân. “Hiện giờ máy bay Nga không bay vào những khu vực đó. Nếu có thì chúng chỉ bay ở độ cao thấp trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng quay trở về”, Tướng James Hecker lưu ý.

Tuy nhiên, việc kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine vẫn là một trong những mục tiêu nằm ngoài tầm với của Nga do Ukraine tăng cường triển khai các hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp tại nhiều khu vực trọng yếu.

Bom FAB-500 M-62, một loại bom lượn của Nga. Nguồn: TASS

Để đối phó với hệ thống phòng không của Ukraine, Nga đã biến những quả bom cũ thành bom dẫn đường bằng việc gắn thêm thiết bị cải tiến UMPK (mô đun dẫn đường và lượn). Máy bay chiến đấu Nga sẽ thả loại bom này từ khu vực nằm bên ngoài tầm với của hệ thống phòng không Ukraine, thậm chí từ bên trong lãnh thổ Nga. Những quả bom lượn khi được phóng từ độ cao lớn, di chuyển với tốc độ cao có tầm bắn hiệu quả trên 50km, có thể giáng đòn nặng nề vào các phòng tuyến và hậu phương của Ukraine, đồng thời khiến Kiev gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và đánh chặn.

Theo Wall Street Journal, Nga đã di chuyển các sở chỉ huy và kho đạn dược ra xa tiền tuyến sau khi Ukraine sử dụng bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM và bệ phóng HIMARS do phương Tây cung cấp, phóng tên lửa dẫn đường với tầm bắn hơn 80km hoặc vào các mục tiêu này. Moscow đang nỗ lực tiết kiệm các nguồn lực pháo binh, mở rộng tuyến đường tiếp tế và tìm cách tấn công mục tiêu chính xác hơn. Trong khi đó, Mỹ cho biết sẽ cung cấp một số lượng nhỏ tên lửa ATACMS cho Ukraine trong những tuần tới và có thể nâng dần số lượng về sau. Những tên lửa đất đối đất này có tầm bắn từ 160 đến 305km tùy thuộc vào từng phiên bản và có thể nhắm vào các tuyến hậu cần của Nga.

Wall Street Journal cho rằng, Nga hiện giờ đã bảo vệ binh sỹ và thiết bị tốt hơn bằng cách xây dựng các chiến hào kiên cố. Moscow cũng giấu xe tăng và xe bọc thép dưới các hàng cây, dùng lưới ngụy trang để đối phương khó phát hiện, nhanh chóng điều động phương tiện xuất kích để bắn vào cứ điểm của Ukraine và rút lui.

Oleksandr Solonko – một binh sỹ thuộc tiểu đoàn trinh sát trên không của Ukraine hoạt động gần tuyến phòng thủ chính của Nga ở phía Nam cho biết. “Nếu chúng ta so sánh giai đoạn này với giai đoạn bắt đầu xung đột thì sự khác biệt rất lớn. Họ đã rải mìn khắp các cánh đồng và tạo ra những cái bẫy để gài chúng tôi”.

Nga rải mìn chống tăng trên nhiều khu vực. Nguồn: Euractive

Ở phía Nam, Nga đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) và bom dẫn đường để ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine. UAV cảm tử và UAV được trang bị chất nổ đã đâm vào xe bọc thép, xe tải và lực lượng bộ binh Ukraine, vô hiệu hóa các phương tiện và gây thương vong cho đối phương.

Ông Yury Bereza, chỉ huy tiểu đoàn Dnipro-1 của Vệ binh Quốc gia Ukraine chiến đấu quanh khu vực Kreminna ở miền Đông cho biết, đã có sự gia tăng rõ rệt trong tần suất sử dụng máy bay không người lái của Nga. “Trước kia, chỉ có khoảng một vài chiếc thỉnh thoảng bay qua vị trí của tiểu đoàn để gửi tọa độ cho các đơn vị pháo binh Nga. Hiện giờ, cả một bầy đoàn UAV hoạt động trên đầu chúng tôi”, Yury Bereza nói.

UAV Lancet của Nga. Nguồn: TASS

Ukraine cho rằng, Nga có thể đã mua hàng nghìn máy bay không người lái giá rẻ của nhà sản xuất DJI trên thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Moscow cũng phối hợp với Iran xúc tiến sản xuất UAV Geran-3.

Quân đội Ukraine nói rằng, họ đã mất hàng chục UAV mỗi ngày vì thiết bị gây nhiễu của Nga. Ukraine đã nỗ lực phát triển ngành công nghiệp máy bay không người lái trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa thể bù đắp được tổn thất. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), Kiev đang mất khoảng 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng, phần lớn là do các hệ thống tác chiến điện tử của Nga.

Căn cứ không quân Engels của Nga bị máy bay không người lái tấn công vào tháng 5/2022. Ảnh: Maxar

Ngược lại, quân đội Nga được cho là đã tìm cách ứng phó phù hợp với các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào lãnh thổ nước này. Nga đã phân tán máy bay hoặc trang thiết bị quan trọng tới nhiều khu vực thay vì tập trung chủ yếu ở một địa điểm. Moscow cũng lắp đặt lốp cao su vào cánh và thân máy bay. Việc sử dụng lốp của ô tô, xe tải gắn lên máy bay là một biện pháp đối phó nhanh chóng và tiết kiệm chi phí nhằm cung cấp cơ chế phòng thủ chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử hoặc tên lửa hành trình của đối phương.

Theo giới phân tích, lớp phủ bằng lốp xe có thể được tính toán cẩn thận để phá vỡ tín hiệu hồng ngoại của những máy bay này, nhằm gây nhầm lẫn cho tên lửa hành trình sử dụng phép so sánh hình ảnh để tìm mục tiêu. Đây được xem là cách tiếp cận độc đáo để phòng thủ và là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm tìm ra cách thức mới và sáng tạo để ứng phó với những mối đe dọa mới.  Cuối cùng, tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Nga cũng đang thay đổi để đáp ứng các yêu cầu cấp bách trên chiến trường. Các công ty quốc phòng của nước này đã nỗ lực duy trì, thậm chí tăng cường sản xuất các loại phương tiện, vũ khí bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo một quan chức quốc phòng phương Tây, Nga có thể sản xuất khoảng 100 xe tăng và khoảng 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm. Nhưng trong bối cảnh các cuộc giao tranh diễn ra không ngừng nghỉ, các con số này có thể tăng lên gấp đôi trong vòng một năm./.

Nguồn: Reuters

Tác giả: Hồng Anh - Trình bày: Kiều Anh

Thứ Tư, 06:15, 27/09/2023