Vụ rò rỉ hàng trăm tài liệu tình báo mật về cuộc chiến ở Ukraine và việc Mỹ do thám các đồng minh đã khiến nhiều quan chức đặt câu hỏi: Làm thế nào điều này lại xảy ra một lần nữa?

Thành viên thuộc Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia Mỹ Jack Teixeira, 21 tuổi, bị cáo buộc lấy, sao chép và lan truyền trái phép thông tin quốc phòng mật, bao gồm các đánh giá gần đây về tình hình ở Ukraine, việc Trung Quốc chấp thuận “cung cấp viện trợ sát thương” cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, hay kế hoạch bí mật của Ai Cập cung cấp tên lửa cho Nga. Teixeira có thể đối mặt với mức án 15 năm tù cho các cáo buộc này.

Teixeira không phải là người đầu tiên rò rỉ bí mật của chính phủ trong những năm gần đây nhưng trường hợp lần này đặt ra những câu hỏi mới về việc liệu những nỗ lực bịt lỗ hổng rò rỉ trước đây có đủ hiệu quả? Hay liệu hệ thống tình báo Mỹ, được thiết kế để thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông tin, về cơ bản lại dễ xảy ra các vụ tiết lộ ngay từ bên trong?

“Tôi không biết tại sao anh ta có thể in nhiều tài liệu đến thế. Điều đó thật vô lý. Chúng ta đã không nhận thấy hành vi tiềm ẩn nguy cơ và không ai kiểm tra điều đó? Giám sát con người ở đâu?”, một cựu quan chức tình báo cấp cao quen thuộc với những vụ rò rỉ trước đây đặt câu hỏi.

Tổng thống Joe Biden, các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng và các thành viên của Quốc hội cũng đặt câu hỏi về quy trình cấp phép an ninh và các giao thức bảo mật mà họ cho rằng đã tạo điều kiện cho Teixeira tiếp cận các tài liệu bị rò rỉ.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có thể có những lỗ hổng đã cho phép Teixeira xem và mang về nhà một khối lượng lớn tài liệu mật, nhưng việc một người trẻ tuổi trong quân đội được giao những trách nhiệm như vậy không phải là điều bất thường.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (Ảnh US DOD)

Với vai trò là người điều hành hệ thống mạng, Teixeira quản lý hệ thống máy tính và hệ thống liên lạc, một chức năng tương tự như hỗ trợ kỹ thuật. Để thực hiện công việc này, Teixeira được quyền truy cập thông tin tối mật kể từ năm 2021, và có thể xem một số lượng ít các tài liệu mật được phân loại nhạy cảm.

Teixeira cũng có quyền truy cập vào mạng máy tính của Bộ Quốc phòng có tên là Hệ thống liên lạc tình báo chung toàn cầu (JWICS), một quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này cho biết. Điều đó cho phép thanh niên 21 tuổi này có thể đọc và in nhiều tài liệu mật.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick S. Ryder, hôm 13/4 cho biết, quân đội thường xuyên giao nhiệm vụ cho nhân viên từ khi họ còn rất trẻ và việc Teixeira được tiếp cận thông tin mật là hoàn toàn bình thường. Rất nhiều nhân viên trẻ khác có quyền tương tự.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick S. Ryder (ảnh giữa) cho biết quân đội thường xuyên giao nhiệm vụ cho nhân viên từ khi họ còn rất trẻ (Ảnh Photobucket)

“Đối với một người ở vị trí và trách nhiệm cụ thể, không có gì lạ khi anh ta có quyền truy cập như vậy”, ông Bradley Moss, một luật sư làm việc trong lĩnh vực luật an ninh, cho biết. Vì Teixeira làm việc trong một không gian tồn tại những tài liệu mật nên anh ta cần được quyền tiếp cận các tài liệu đó, Moss nói thêm.

Amy Jeffress, một luật sư chuyên về các vấn đề quốc phòng và từng làm việc trong Bộ Tư pháp, cho biết do có một lượng lớn thông tin được phân loại  mật, nên có nhiều nhân viên công nghệ thông tin, dù không cần thiết phải có quyền tiếp cận thông tin mật vẫn phải được cấp quyền để quản lý hệ thống.

Teixeira được huy động thực hiện nhiệm vụ cấp liên bang tại Đơn vị Tình báo 102 ở Căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Otis, bang Massachusetts. Đây chính là bước ngoặt quan trọng tạo cơ hội cho Teixeira tiếp cận những tài liệu quan trọng.

Hơn 1 triệu người có quyền tiếp cận tài liệu an ninh tối mật. Để được cấp phép, ứng cử viên phải điền vào biểu mẫu đầy đủ có tên là SF86, khai các thông tin bao gồm liên hệ nước ngoài, nơi cư trú và quá trình làm việc. Một số vị trí thậm chí yêu cầu ứng viên phải trải qua kiểm tra với máy phát hiện nói dối.

Các ứng viên cũng phải tham gia các cuộc phỏng vấn điều tra và những người kiểm tra lý lịch sẽ đặt câu hỏi cho bạn bè, thành viên gia đình cũng như đồng nghiệp để có được bức tranh toàn cảnh hơn về mỗi người. Các cuộc “thẩm tra lý lịch tư pháp” và tài chính và quá trình này có thể mất vài tháng hoặc lâu hơn.

Hơn 1 triệu người có quyền tiếp cận tài liệu an ninh tối mật (Ảnh US DOD)

Ông Moss giải thích rằng các nhà điều tra cũng xem xét những rủi ro tiềm ẩn về độ tin cậy như vấn đề tài chính, lạm dụng ma túy hoặc rượu, các mối liên hệ nước ngoài đáng ngờ và hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Giới chuyên gia đánh giá quy trình thẩm tra này khá toàn diện.

Ông Kenneth Gray, một đặc vụ FBI đã nghỉ hưu và là giảng viên tại Đại học New Haven, cho biết việc quyết định một ai đó đáng tin cậy và không gây rủi ro bảo mật là một quyết định mang tính thời điểm.

“Các cuộc thẩm tra có thể cho thấy ai đó là một người đáng tin cậy, rằng họ sẽ không thực hiện hành vi gián điệp chống lại chính phủ liên bang. Tuy nhiên, kết quả nó chỉ mang tình thời điểm. Điều đó không có nghĩa là người đó đáng tin cậy trong ba năm”, ông Gray nói.

Các chuyên gia an ninh cho biết, việc kiểm tra lý lịch phần lớn có hiệu quả trong việc xác định xem ai đó đã bị các đặc vụ nước ngoài hoặc chính phủ nước ngoài tiếp cận hay chưa, nhưng không phải không có sai sót. Một số người thậm chí có thể đánh bại các máy phát hiện nói dối.

Việc kiểm tra lý lịch phần lớn có hiệu quả nhưng không phải không có sai sót (Ảnh US DoD)

Như ông Gray đã lưu ý, các cuộc kiểm tra cho thấy một ai đó có đáng tin cậy hay không chỉ mang tính thời điểm.

Những thanh niên 18-19 tuổi đã được cấp giấy phép an ninh có thể sẽ trải qua những thay đổi đáng kể trong giai đoạn trưởng thành, thay đổi về ý thức hệ trước khi đến lần kiểm tra tiếp theo, thường được tiến hành 5 năm một lần.

Theo ông Gray: “Khi cấp quyền truy cập tài liệu mật cho một người, luôn có khả năng rằng người đó sẽ không đáng tin cậy ở một thời điểm khác. Có những biện pháp bảo vệ hiệu quả, nhưng cũng luôn có rủi ro. Nếu bạn muốn ‘khóa’ nó hoàn toàn và chỉ cấp quyền truy cập hạn chế, bạn sẽ rất khó thực hiện công việc của mình”.

Hàng rào an toàn tồn tại khi ai đó bắt đầu làm việc với các tài liệu mật. Một số tài liệu chỉ có thể được xem bên trong Cơ sở Thông tin Nhạy cảm (SCIF) và các quan chức sử dụng thẻ truy cập, theo đỏ để lại dấu vết kỹ thuật số về những gì họ đó đã tải xuống và in ra.

Tuy nhiên, ông Moss cho biết, yếu tố “danh dự và sự tin tưởng” được đặt vào những cá nhân đã được cấp giấy phép đối với việc họ tuân thủ các giao thức bảo mật như thế nào.

“Các quan chức an ninh không có thời gian để kiểm tra tất cả mọi người khi họ ra khỏi tòa nhà. Họ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên, nhưng việc kiểm tra tất cả mọi người hàng ngày sẽ làm gián đoạn quá nhiều hoạt động”, ông Moss nói.

Trường hợp của Teixeria làm nổi bật điều mà một số quan chức tình báo lâu năm thường gọi là “vấn đề thư ký”. Bất kỳ tổ chức nào xử lý thông tin nhạy cảm sẽ luôn cần một số lượng đáng kể nhân viên cấp dưới để giúp quản lý và chia sẻ thông tin đó. Tính bảo mật của thông tin phụ thuộc vào niềm tin.

Sau vụ bắt giữ Teixeira hôm 13/4, các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ đã kêu gọi xem xét lại các quy trình kiểm tra và cấp phép an ninh truy cập tài liệu mật.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết ông đã chỉ đạo Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo và an ninh xem xét các thủ tục thẩm tra lý lịch và cấp phép truy cập thông tin tình báo để “ngăn chặn sự cố kiểu này tái diễn”.

Thượng nghị sĩ (đảng Dân chủ) Jack Reed, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho biết trong một tuyên bố ngày 13/4 rằng Quốc hội phải giải quyết “vấn đề xử lý thông tin tình báo, quy trình kiểm tra an ninh và cách thức ngăn chặn rò rỉ thông tin tình báo như thế này”.

Mỗi khi một nhân viên đáng tin cậy rời bỏ công việc vốn được tiếp cận với các thông tin mật, các quan chức Mỹ đã trấn dư luận chúng rằng những bài học kinh nghiệm trước đây sẽ dẫn đến các biện pháp bảo vệ mới giúp giảm khả năng tài liệu bị tiết lộ. Thực tế đã chứng minh các biện pháp mới không đủ hiệu quả.

Năm 2010, sau khi Chelsea Manning chia sẻ hàng trăm nghìn bức điện mật của Bộ Ngoại giao và các báo cáo quân sự với WikiLeaks, Bộ Quốc phòng đã thắt chặt các quy tắc sử dụng các mạng máy tính mật. Theo một số cựu quan chức tình báo cấp cao, một người nào đó muốn biết thông tin mật chỉ được truy cập ở cấp độ được phép tiếp cận của họ với các tài liệu mật đó.

Ba năm sau, một vụ rò rỉ lớn khác xảy ra. Edward Snowden, một nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), đã sao chép một lượng lớn dữ liệu mật bằng USB tại cơ sở ở Hawaii nơi anh ta làm việc.

Chelsea Manning (trái) và Edward Snowden

“Điều trớ trêu là ở chỗ chúng tôi đã loại bỏ ổ USB trên 95% máy tính của NSA”, một cựu quan chức tình báo cho biết.

Quy định này vốn được đưa ra sau từ vụ xâm nhập của mạng dữ liệu mật của Bộ Quốc phòng năm 2008, do một loại virus được tải vào ổ USB. Nhưng 5 năm sau đó, cơ sở ở Hawaii vẫn chưa áp dụng triệt để, cựu quan chức này cho biết.

Sau sự cố Snowden, cộng đồng tình báo Mỹ đã tiến hành thêm nhiều biện pháp an ninh mới, bao gồm cả việc kiểm tra lại những người có quyền truy cập vào thông tin mật và bắt đầu “giám sát liên tục” đối với những người này.

Vẫn chưa rõ chính xác những gì sẽ thay đổi sau vụ rò rỉ tài liệu mật mới nhất. Luật sư Moss đề xuất cần xem xét lại các thủ tục an ninh vật lý và tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên những người được quyền tiếp cận tài liệu mật trong các văn phòng.

Còn theo ông Gray, cựu đặc vụ FBI, cần có một nghiên cứu chuyên sâu và có thể thay đổi cách xử lý tài liệu mật./.

Vụ bắt giữ Jack Teixeira ngày 13/4 (Nguồn: Reuters)
Thứ Ba, 10:17, 18/04/2023