Hạ cánh ở Melbourne vào lúc 5h sáng, tương đương với 2h đêm ở Việt Nam. Cơn buồn ngủ và cái lạnh ở Melbourne khiến tôi cảm thấy có chút mệt mỏi. 2 tiếng rưỡi xong thủ tục ở sân bay, 2 shot espresso đậm, bước ra đường, tôi mới tỉnh táo hoàn toàn và háo hức như một đứa trẻ trước bầu không khí náo nhiệt, vội vã của Melbourne một sáng thứ 2 đầu tuần.
2 tuần ở Australia là một trong những khoảng thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời tôi. Chúng tôi thấy một Canberra xinh đẹp, yên bình; một Melbourne trẻ trung, phóng khoáng, sôi nổi; một Sydney vội vã, náo nhiệt, mến khách. Và Hunter Valley với những cánh đồng nho và trang trại trù phú trải tít tắp đến cuối chân trời, rừng hoa đỗ quyên khổng lồ ở Dandenong, vườn hoa tử đằng tím ngát kiêu sa ở Alowyn, những thị trấn xinh đẹp như trong cổ tích ở Blue Mountain…
Mùa xuân Australia đẹp và vẫn luôn đẹp như vốn dĩ, nhưng mùa xuân năm 2022 khá ẩm ướt so với bình thường. Cây cối xanh tươi hơn, nhưng lượng mưa quá nhiều cũng khiến những người chủ trang trại phải lo lắng cho mùa màng của họ và cản trở đôi chút với cuộc sống thường nhật của mọi người. Một chủ trang trại rượu nho nằm bên mặt đường xa lộ Federal Highway trên con đường từ Sydney đến Canberra kể, lượng mưa vào khoảng thời gian này của năm 2022 là lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Chỉ vào hồ George, rộng 150km2, nằm bên kia xa lộ Federal Highway, ông nói với tôi rằng mình chưa bao giờ thấy mực nước trong hồ mở rộng đến vậy (hồ George thường cạn với khí hậu khô, ít mưa ở Australia). Chủ nhân của một nông trang trồng nho khác gần thị trấn Berrama (bang New South Wales) cũng bày tỏ nỗi lo lắng với chất lượng nho và rượu nho năm nay do thời tiết quá ẩm ướt.
Điều dễ nhận thấy là quốc gia này đã trở lại cuộc sống bình thường như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Trên đường phố và tại các địa điểm công cộng, rất hiếm người còn đeo khẩu trang. Các hạn chế về việc tụ tập đông người đều đã được dỡ bỏ. Các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa đều đã trở lại bình thường.
Nói như vậy không có nghĩa Australia sau đại dịch không có gì khác so với trước đại dịch. Australia mới chính thức mở cửa cho du khách từ tháng 2/2022, và chỉ chính thức bãi bỏ việc yêu cầu xuất trình bằng chứng tiêm chủng Covid-19 từ tháng 7/2022, nên lượng du khách đến nước này chưa phục hồi được về mức trước dịch. Tại những điểm du lịch nổi tiếng như nhà hát Opera Sydney (nhà hát "Con sò"), Đại học Sydney, khu du lịch Blue Mountains, khu vực làm rượu vang Hunter Valley (bang New South Wales) hay Flinder Street Station, vườn Bách thảo Melbourne, Great Ocean Road, Yarra Valley (bang Victoria), thủ đô Canberra… lượng du khách quốc tế ít hơn nhiều so với trước đại dịch. Đặc biệt, các du khách và du học sinh từ Trung Quốc vẫn vắng bóng tại các sân bay, nhà ga, địa điểm du lịch ở Australia do Trung Quốc vẫn cơ bản là "đóng cửa" để theo đuổi chính sách "Zero-Covid". Lao động ngành dịch vụ, có lẽ vì thế cũng đang là “của hiếm” ở đất nước này, khi rất nhiều cửa hàng, quán ăn đều đăng tin tuyển nhân viên.
“Hãy chỉ nhớ những kỷ niệm và để lại những dấu chân”. Song tôi biết, mình vẫn muốn quay trở lại nơi ấy và để lại những dấu chân một lần nữa…
Sau dịch Covid-19, điểm đầu tiên tôi chọn đi du lịch là Bali, Indonesia. Thời điểm tháng 9, Bali thời tiết chiều lòng người, bầu trời trong xanh, khí hậu mát mẻ.
Đây là lần thứ 2 tôi tới Bali. Ấn tượng về vùng đất này từ lần đầu năm 2015 và đến lần này không thay đổi. Bali là vùng đất còn giữ được nguyên vẹn văn hóa. Người dân ở Bali chủ yếu theo Ấn Độ giáo nên ở mỗi gia đình đều có ngôi đền nhỏ để họ thờ cúng hay thực hành tín ngưỡng, tâm linh. Đi đến bất kỳ đâu, kiến trúc của những ngôi đền hình tháp đều khiến bất kỳ du khách đều ồ lên thích thú và tò mò khám phá. Những ngôi đền ở Bali thực sự là nơi mọi du khách nên đến ít nhất một lần trong đời. Ngoài kiến trúc đặc trưng, cách người dân thực hành tín ngưỡng cũng khiến người ta cảm thấy trân quý hơn cuộc sống này.
Điều khiến tôi thích nhất ở Bali đó là sự ngăn nắp và sạch sẽ. Từ những con phố nhỏ ở trung tâm cho tới những con đường quốc lộ, rồi ra tới các hòn đảo của Bali bạn sẽ không nhìn thấy rác. Ở trung tâm, phố rác được gom đúng giờ và buộc kín vào từng chiếc túi nilon đen được xếp ngay ngắn, không có cảnh rác để bừa bãi trước từng cửa nhà. Ra đến đảo, không nhìn thấy bất cứ mảnh rác nào ở các điểm cầu tàu hay lập lờ trên mặt nước.
Người dân Bali dường như rất yêu cây, đi trên đường phố sẽ bắt gặp những cây xanh vẫn hiên ngang đứng bên vỉa hè mặc dù đó không phải vị trí để trồng cây. Đặc biệt trên đảo Gili, nơi hiếm có động cơ xe gắn máy, cây xanh được thỏa sức "tung tẩy". Phương tiện ở đây chủ yếu là xe đạp và xe ngựa nên trên đường bạn gặp 1 cây xanh đứng giữa đường cũng là bình thường. Người dân trân trọng từng cây xanh dù là nhỏ nhất.
Lang thang các đảo của Bali mới hiểu được tại sao đây là điểm được du khách châu Âu thích đến. Đặc biệt đây là điểm dành cho khách ưa thích lướt sóng và lặn biển.
Có thể nhiều người sẽ không hợp ẩm thực ở Bali nhưng tôi là người thích trải nghiệm và khám phá nên thích được thưởng thức mọi món ăn của người dân trên đảo. Đặc trưng ẩm thực ở đây các món ăn đa phần khô, mặn, cay, người dân ít ăn rau xanh. Tuy nhiên ẩm thực cũng là câu chuyện để mình hiểu hơn về tính cách, về cuộc sống của người dân nơi đây.
Sau đại dịch Covid-19, Bali cũng giống như nhiều đất nước khác bị ảnh hưởng nặng nề. Dọc các con phố trung tâm nhiều cửa hàng chưa mở cửa, rồi lượng khách quốc tế vẫn còn lưa thưa nhưng mỗi người dân ở Bali đều ý thức được việc du lịch là nguồn lực đem đến cho họ cuộc sống tốt hơn. Bởi vậy dù bạn gặp họ ở bất kỳ đâu đều nhận được sự thân thiện, cởi mở dành cho du khách phương xa.
Dù 2 lần đến Bali nhưng sức hấp dẫn cũng nơi đây vẫn thôi thúc tôi muốn trở lại thêm nhiều lần nữa. Nếu bạn chưa một lần đến, hãy lên kế hoạch để trải nghiệm địa danh được gọi là "thiên đường Bali".
Ngay khi Hàn Quốc nới lỏng quy định phòng chống dịch Covid-19 với khách quốc tế, tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình đi Hàn Quốc được rồi. Còn gì đẹp hơn mùa thu Hàn Quốc với những hàng cây lá vàng, lá đỏ đẹp như tranh vẽ. Chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ khiến tôi ngây ngất, háo hức đến mất ngủ mấy ngày trước khi lên đường.
Rời Hà Nội vào một ngày giữa tháng 10, thời tiết khi đó vẫn còn nóng bức vì không khí lạnh chưa về, đặt chân đến sân bay Incheon vào lúc 5h sáng, tôi bị sốc nhiệt vì cái lạnh 10 độ C. Vội vàng mặc thêm áo len và áo khoác, tôi quyết định ăn sáng bằng món canh sườn bò hầm trứ danh của "xứ sở kim chi". Cơ thể tôi nhanh chóng được làm ấm bởi món canh có vị ngọt thanh và đậm đà được tạo nên từ sườn bò ninh nhừ, có thể dễ dàng tách thịt ra khỏi miếng sườn chỉ bằng một đôi đũa, kết hợp cùng với nhân sâm, hành hoa rô, tỏi, củ cải…
Địa điểm đầu tiên trong hành trình khám phá Hàn Quốc của tôi là đảo Nami - bối cảnh của bộ phim truyền hình ăn khách "Bản tình ca mùa đông". Mùa thu là mùa đẹp nhất trong bốn mùa đảo Nami và thu hút lượng khách du lịch khổng lồ. Đặt chân đến Nami, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi không gian toàn được bao phủ bởi sắc đỏ của lá phong và vàng của những hàng cây ngân hạnh. Những con đường trải đầy lá vàng vô cùng lãng mạn. Còn gì tuyệt vời hơn khi có thể hẹn hò cùng người yêu dưới khung cảnh cổ tích ấy, cùng đạp xe dưới hàng cây đầy lá, ngồi tâm sự dưới dãy ghế gỗ của công viên.
Tôi có một tuần ở Seoul và ghé thăm những địa điểm nổi tiếng như Cung điện Gyeongbokgung, làng cổ Hanok Bukchon, Tháp Namsan, Insadong, Dongdaemun… Giữa tháng 10, những hàng bạch quả, lá phong, thường xuân... ở thủ đô Seoul gần như đều ngả vàng, ngả đỏ. Không cần đi đâu xa để tận hưởng mùa thu xứ Hàn, chỉ cần ở Seoul là có thể check-in với những bức ảnh đẹp mê mẩn.
Nhiều người cho rằng, Hàn Quốc mùa thu đẹp nhất bởi khung cảnh lãng mạn, nên thơ của nó. Mùa thu tại Hàn Quốc được coi là mùa có thời tiết lý tưởng nhất, không khí mát mẻ, dịu mát phù hợp cho nhiều hoạt động diễn ra, giúp du khách tới đây luôn cảm thấy thoải mái. Đi dạo trên những con đường đầy tán lá mùa thu là một trải nghiệm khó quên của tôi khi ở Seoul, Hàn Quốc.
Tiết trời thu mát mẻ khiến cho việc thưởng thức ẩm thực Hàn Quốc cũng vì thế mà ngon miệng hơn. Đến Hàn Quốc, tôi đặc biệt yêu thích những món ăn có vị cay và nóng. Những món ăn đặc trưng của Hàn Quốc như gà hầm sâm, kim chi, tokbokki, thịt nướng, lẩu… khiến tôi không thể cưỡng được nhờ vị đặc trưng cay, nóng với một màu đỏ đặc biệt được tạo ra từ bột ớt.
Chuyến đi Hàn Quốc của tôi khép lại bằng một buổi chiều muộn ngồi bên bờ sông Hàn và thưởng thức một tô mì gói nóng hổi trong tiết trời se lạnh. Ở công viên Yeouido, dễ dàng tìm thấy các cửa hàng tiện lợi khác nhau, nơi có thể mua mì gói và các món ăn kèm. Điều thú vị là bạn có thể tự nấu ngay tại các máy nấu mì tự động, trước khi bê bát mì nóng hổi ngon lành ra ngắm cảnh ven sông. Tin tôi đi, ăn mì gói bên sông Hàn là một trải nghiệm "nhất định phải thử" mỗi khi đến thủ đô Seoul.
Thái Lan chưa bao giờ là điểm đến yêu thích của tôi. Nhiều điểm du lịch ở Thái Lan lúc nào cũng đông đúc, không khó để nghe thấy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc ở khắp nơi, hoặc cả tiếng Việt. Tôi có đến Bangkok vài lần, chủ yếu vì công việc hoặc là nơi dừng chân cho những chuyến bay dài hơn. Với tôi, phong cảnh thiên nhiên ở Thái Lan cũng không có nhiều khác biệt với Việt Nam, thậm chí nhiều nơi, nhất là các bãi biển Việt Nam có phần nổi trội hơn.
"Thái Lan giờ khác rồi", một người anh làm "sếp" Vietravel Airlines thuyết phục tôi trở lại Thái Lan, nhân dịp hãng này mới mở đường bay Hà Nội – Bangkok. Tôi nhận lời với hy vọng phần nào"bù đắp" cho những kế hoạch lớn đã bị gác lại vì Covid-19, như Nam Phi hay Bhutan, hơn nữa 2 năm không ra nước ngoài quả thực là khoảng thời gian quá dài.
Quả thực Bangkok đã khác. Tôi chưa bao giờ nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi nhanh đến thế, hơn nữa lại còn được nhận quà cùng nụ cười chào đón của đại diện sân bay và Cơ quan Du lịch Thái Lan. Cách làm du lịch của Thái Lan cùng sự chân thành và mến khách của họ vẫn luôn đi đầu trong khu vực.
Một ngày trung tuần tháng 12/2022, Thái Lan đã vượt cột mốc 10 triệu lượt khách trong cả năm. Nhưng sự thiếu vắng những đoàn khách lớn từ Nga hay Trung Quốc khiến nước này vẫn kém xa kỷ lục 40 triệu lượt vào năm 2019. Các trung tâm mua sắm gần sân bay vắng người mua, vì những nơi này chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài.
Dạo chơi ở Bangkok bây giờ thảnh thơi hơn, ít những âm thanh "xì xà xì xồ" từ các nhóm khách thích "ăn to, nói lớn". Dù vậy đường phố ở trung tâm Bangkok vẫn tắc nghẽn thường xuyên. Đó là chiều thứ 6, mà giới trẻ hay dân văn phòng ở Bangkok thì chẳng mấy khi ăn tối ở nhà dịp cuối tuần. Nhiều hàng quán chủ yếu là người Thái Lan, giúp tôi tận hưởng cảm giác ưa thích là được sống như người bản địa.
Dịp này chúng tôi có nhiều trải nghiệm mới mẻ ở Thái Lan, như bảo tàng MOCA ở Bangkok với hàng nghìn tác phẩm và góc "sống ảo", hay thành phố Pattaya dần hồi sinh sau dịch Covid-19… Thế nhưng kỷ niệm thú vị nhất trong chuyến đi lần này có lẽ là khoảnh khắc pháo hoa bắn lên từ bờ sông Chao Phraya trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Trước đó, du thuyền hạng sang cung cấp bữa tối với các món hải sản, cùng màn trình diễn nhạc sống đầy khuấy động mà ít ai có thể ngồi yên. Bầu không khí bất ngờ lắng lại trong khoảng 10 phút, khi màn pháo hoa đầy cảm xúc diễn ra từ phía đối diện trung tâm thương mại Icon Siam. Cảm giác như một năm mới đến gần hơn với nhiều lạc quan và hy vọng mới.
Trở về sau chuyến đi chóng vánh chẳng khác gì những lần trước Covid-19, nhưng kỳ lạ là lần đầu tiên tôi lại muốn sớm trở lại Thái Lan. Có lẽ đó là kết quả sau một chuỗi các trải nghiệm đáng nhớ, như lần đầu tiên chứng kiến các tiếp viên trong trang phục Thái Lan và biểu diễn múa truyền thống trên chuyến bay đến Bangkok; hoặc những câu chuyện hóm hỉnh bằng tiếng Việt của anh hướng dẫn viên Thái Lan hay rất nhiều nụ cười tươi tắn của nhân viên khách sạn, anh tài xế, người phục vụ nhà hàng… Quan trọng nhất, có lẽ cũng là điều ngành du lịch các nước nên lưu ý, đó là vì niềm tin chắc chắn khi đến Thái Lan tôi luôn luôn được chào đón./.