Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến các hoạt động du lịch trực tiếp gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên đây lại là cơ hội cho những loại hình du lịch trực tuyến phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Không chỉ dừng lại ở giới thiệu, quảng bá để duy trì hiện diện hình ảnh, tour du lịch trực tuyến đã mang lại nguồn thu cho nhiều cá nhân và đơn vị.
Anh Hồ Trọng Tiến vốn là hướng dẫn viên chuyên thị trường Nhật Bản của công ty du lịch Tân Đông Dương (TP.HCM). Dịch bệnh Covid-19 khiến công việc của anh Tiến bị xáo trộn, không còn những đoàn khách Nhật Bản hay các chuyến bay đưa du khách Việt Nam đến với "xứ sở mặt trời mọc". Tuy vậy nhờ giữ liên lạc với công ty du lịch tại Nhật Bản, anh biết rằng nhu cầu du lịch trực tuyến của người Nhật Bản vẫn rất lớn.
"Người Nhật Bản rất thích các điểm đến Việt Nam, nhất là những vùng đất xa xôi, hoang sơ ít được đặt chân đến như Hà Giang. Chính vì vậy, tôi cùng với công ty ở Nhật Bản tổ chức tour du lịch trực tuyến để phục vụ khách Nhật. Mỗi tour kéo dài từ 60 – 90 phút, trung bình có khoảng 15 – 20 khách".
Anh Hồ Trọng Tiến cho biết công ty du lịch tại Nhật Bản là đầu mối để lập tour và sắp xếp người tham gia, còn anh có nhiệm vụ xây dựng các nội dung mới lạ để giới thiệu cho du khách. Nhiều khách hàng gửi yêu cầu nên anh Tiến phải đi tìm địa điểm để đáp ứng. Đến nay anh đã thực hiện tour du lịch trực tuyến ở một số địa phương, nhiều nhất là Hà Giang và Tuyên Quang.
Thời gian đầu anh Tiến đi làm tour trực tuyến khá vất vả, đôi khi thù lao nhận về không bù đắp được chi phí đi lại, ăn ở tốn kém. "Tour trực tuyến tưởng là nhàn nhưng vất vả hơn tour bình thường. Một chương trình thực tế có thể đi cả ngày, khách vừa xem vừa nghỉ ngơi; còn trực tuyến thì tất cả nội dung, hình ảnh, cả không gian bao la chỉ gói gọn trong hơn 1 giờ. Thời gian nghỉ rất ngắn, chỉ vài chục giây tới 2-3 phút nên nhiều khi tôi phải chạy thật nhanh hoặc đi xe máy giữa các địa điểm để kịp thời gian".
"Tour bình thường có thể tùy cơ ứng biến hoặc để khách tự do tham quan. Nhưng tour trực tuyến phải rất chỉn chu, trong thời lượng cố định nên phải chuẩn bị nội dung và công bố trước cho khách. Đôi khi vào vùng núi hoặc trong hang mất kết nối internet thì phải chuẩn bị trước đoạn video để 'phát nguội' cho đỡ trống chương trình" - anh Tiến chia sẻ.
Với nhiều khách hàng Nhật Bản, tour trực tuyến của anh Hồ Trọng Tiến giống như một thú vui giải trí mùa dịch, khi nhiều người không thể đi du lịch hoặc thậm chí không thể ra khỏi nhà. Bà Tsuno Mari tại Yokohama (Nhật Bản) cho biết: "Tôi chưa từng đến Hà Giang vì địa điểm này khá xa xôi và thêm cả dịch Covid-19. Vì chưa thể đi nên tôi tham gia du lịch của anh Tiến. Xem tour trực tuyến nhưng tôi cảm thấy giống như được trải nghiệm thực tế nên rất vui và thư giãn".
Không phải là hướng dẫn viên chuyên nghiệp và không nhiều kinh nghiệm như "đàn anh" Hồ Trọng Tiến, nhưng các tour du lịch trực tuyến của Vũ Thị Ngọc Hướng cũng được rất nhiều khán giả trong, ngoài nước đón nhận. Vừa tốt nghiệp đại học, cô gái sinh năm 1999 quyết định trở về bản làng dân tộc Giáy ở Sa Pa để làm việc. Động lực của cô là theo đuổi đam mê với nghề du lịch và tiếp tục giới thiệu, thu hút khách với đến quê hương mình.
"Nhiều du khách biết về Tả Van hay thung lũng Mường Hoa, nhưng chưa biết Séo Mý Tỷ, đền cô bé Sa Pa hay suối nước nóng ở Sa Pa. Nhiều người đến bãi đá cổ nổi tiếng ở Sa Pa để chụp ảnh nhưng sau đó lại nói 'ở đó chẳng có gì ngoài vài ba tảng đá'. Gần đây nhiều người lại nói về Sa Pa vì những điểm check-in, tượng Elsa xấu xí… Thực ra Sa Pa còn rất nhiều cảnh đẹp, nét văn hóa thú vị và bãi đá cổ chứa rất nhiều giá trị hấp dẫn có thể khai thác. Tôi muốn giới thiệu với mọi người nhiều điểm đến và giá trị sâu sắc hơn ở Sa Pa, thay vì chỉ chụp ảnh check-in rồi ra về" - Vũ Thị Ngọc Hướng cho biết.
Vì muốn mọi người hiểu đúng, hiểu đủ về vẻ đẹp và văn hóa tại Sa Pa, cộng thêm dịch Covid-19 khiến cho tất cả đều phải ở nhà nên Vũ Thị Ngọc Hướng quyết định "đầu tư" để làm tour trực tuyến. Cô mua một chiếc điện thoại đã qua sử dụng, một thiết bị chống rung cầm tay, tai nghe không dây và sim 4G với gói dung lượng cao. "Tôi có làm cả tour miễn phí cho cộng đồng và tour thu phí cho nhóm khách nhỏ theo yêu cầu. Đến bây giờ vẫn chưa hoàn vốn, nhưng tôi sẽ tiếp tục cố gắng và lắng nghe phản hồi để tour hoàn thiện hơn" - Ngọc Hướng vui vẻ chia sẻ.
Ngọc Hướng cho biết các tour trực tuyến luôn cần được làm mới để mọi người đỡ nhàm chán, nhưng cô chưa bao giờ gặp khó khăn về đề tài. Một số chương trình cô đã thực hiện là trekking vào bản người Mông ở Lao Chải, giải mã bí ẩn bãi đá cổ, Nậm Cang huyền bí, "thanh âm bản địa" với nhạc cụ người Mông ở Ý Linh Hồ, ngày rằm tháng Bảy của người Giáy… Khó khăn duy nhất theo Hướng chia sẻ trong khi làm tour trực tuyến là những lúc thời tiết không thuận lợi, trong khi yêu cầu của khán giả quá nhiều.
Mới đây, Vũ Thị Ngọc Hướng tổ chức tour "Trung thu của người Giáy" bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Nhiều khán giả, trong đó có người nước ngoài từ Trung Quốc, Australia đã được thấy những hình ảnh chân thực và mộc mạc của dân làng vui đón Tết Trung thu, tất bật nhào bột, nặn bánh hay làm đèn ông sao. Anh Jeremy (Australia) cho biết tour du lịch rất thú vị khi được quan sát và nghe kể chuyện về cuộc sống của dân làng, cách làm bánh nướng hay khi Hướng mô tả ngôi nhà, khu vườn, thời tiết tại Sa Pa ra sao… Hầu hết thắc mắc của khách tham gia tour đều được Ngọc Hướng giải đáp, nếu không biết thì cô sẽ phỏng vấn trực tiếp người dân tại đó để trả lời khách.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, tour du lịch và quảng bá trực tuyến được nhiều quốc gia đẩy mạnh nhờ hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này là Nhật Bản, với những sản phẩm độc đáo như tour đi bộ ảo, học trà đạo hay tự tay lái drone ngắm cảnh dù cách xa hàng nghìn cây số…
Theo anh Hồ Trọng Tiến, ưu điểm của tour trực tuyến là khách có những góc nhìn mà tour bình thường khó thấy hoặc không tiếp cận được: "Ví dụ như ở miền núi nhiều nơi rất khó đi, ruộng bậc thang không có lối xuống mà khách thường chỉ ngắm từ xa. Với tour trực tuyến, hướng dẫn viên đi đến tận nơi, quay vào cận cảnh thì khách cảm nhận được sâu hơn. Tour trực tuyến luôn phải chọn góc đẹp nhất để cho khách xem, trong khuôn hình lúc nào cũng phải đẹp lung linh. Thời gian có hạn nên tôi phải giới thiệu những gì súc tích, sắc nét nhất để khách có ấn tượng mạnh".
Với Vũ Thị Ngọc Hướng, cô cũng dùng phong cảnh đẹp sẵn có ở quê hương để hấp dẫn khán giả: "Tôi thường chọn trang phục bản địa và đứng tại nơi cảnh đẹp nhất để gửi lời chào bắt đầu tour tới khán giả. Trong tour ngoài ngắm cảnh thì mọi người có thể tương tác, hỏi chuyện người dân thậm chí đặt mua đồ thủ công, thực phẩm của dân làng".
Hiện nay nhiều địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch. Tại Thái Nguyên, Ban quản lý khu di tích ATK Định Hóa đã triển khai bản đồ số và tour VR (thực tế ảo) tại khu di tích thông qua địa chỉ https://atk.vimap.vn; qua đó khán giả có thể quan sát cận cảnh hoặc di chuyển qua lại các điểm tham quan. Bà Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên khẳng định trong thời gian tới, các điểm đến, tour du lịch tại Thái Nguyên sẽ tiếp tục được ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D, 4D, kết hợp với ứng dụng thuyết minh tự động trên thiết bị thông minh.
Tại Tuyên Quang, một số tour trực tuyến như trải nghiệm làm bún khô ngũ sắc Đà Vị, ruộng bậc thang Hồng Thái, vẻ đẹp Na Hang - Lâm Bình, lễ hội độc đáo tại Tuyên Quang… đang được ghi hình để chuẩn bị giới thiệu tới du khách. Từ tháng 9 đến tháng 12, Ninh Bình tổ chức hàng loạt tour du lịch trực tuyến đưa du khách tham quan Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương… Nhiều đặc sản của Ninh Bình như dê ủ chấu, nem Yên Mạc, canh cá rô Tổng Trường… cũng sẽ được giới thiệu trong các tour du lịch này.
Tại Hà Giang, ông Đặng Quốc Sử - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Hà Giang cho biết Hà Giang không chỉ quảng bá, giới thiệu du lịch trên nền tảng số mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị, xây dựng sản phẩm trực tuyến để kinh doanh. "Chúng tôi hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật và định hướng sản phẩm để các doanh nghiệp giới thiệu với du khách, sao cho các điểm đến vẫn được quảng bá và doanh nghiệp, người lao động cũng có thêm thu nhập trong lúc khó khăn" – ông Đặng Quốc Sử nói.
Sau một thời gian phải tự mò mẫm, anh Hồ Trọng Tiến cho biết đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị tại Hà Giang, Tuyên Quang về phương tiện di chuyển, nơi ở và định hướng sản phẩm đúng theo nhu cầu khách hàng của anh. Bất chấp Covid-19, những khung cảnh tươi đẹp và cuộc sống tại Việt Nam vẫn đến được với du khách khắp thế giới, nhờ những nỗ lực như của anh Hồ Trọng Tiến, chị Vũ Thị Ngọc Hướng hay các cán bộ xúc tiến du lịch tại Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Ninh Bình… Bà Tsuno Mari cho biết: "Hà Giang rất đẹp, trang phục người dân cũng đẹp. Tôi thấy mọi thứ ở Hà Giang rất thú vị nên rất muốn đến nơi này".
Anh Hồ Trọng Tiến chia sẻ "muốn tiếp tục là 'sứ giả văn hóa' truyền bá cảnh đẹp, văn hóa, truyền thống đất nước tới khách Nhật Bản, để sau này khi dịch lắng xuống, mọi người đã biết về Việt Nam thì sẽ sang nhiều hơn". Còn với Vũ Thị Ngọc Hướng, cô cho biết sẽ gắn bó lâu dài với quê hương, trước mắt là tour trực tuyến và sau này sẽ làm du lịch cộng đồng để thúc đẩy phát triển bền vững tại Sa Pa./.