Điểm đến không thể thiếu trong lịch trình của du khách khi đến với Sri Lanka, đó là núi đá sư tử Sigiriya. Đây là một biểu tượng bất thành văn của quốc đảo này, đó là một phế tích hoàng cung hơn 1.500 năm tuổi được xây dựng trên một khối đá dựng đứng mà đến nay người ta vẫn chưa rõ làm cách nào nó được xây dựng hoành tráng đến vậy.
Sử sách kể lại rằng vào năm 477 ở thế kỷ thứ V, hoàng tử Kashyapa I là con của một phi tần không thuộc dòng dõi hoàng gia đã cướp ngôi vua từ cha của mình là vua Dhatusena sau một cuộc binh biến với sự giúp sức của Migara, một người cháu của nhà vua. Hoàng tử Moggallana, người thừa kế ngai vàng hợp pháp do lo sợ nguy hiểm tính mạng đã bỏ chạy sang phía nam Ấn Độ. Do lo ngại người anh em cùng cha khác mẹ quay lại trả thù và cướp ngôi, vua Kashyapa đã cho dời đô từ Anuradhapura đến một nơi an toàn hơn là Sigiriya và xây một hoàng cung trên đỉnh một tảng đá dựng đứng mà đường lên vô cùng cheo leo, hiểm trở. Trong thời gian trị vì của mình, ông đã cho xây dựng một quần thể thành quách và pháo đài xung quanh Sigiriya, trong đó có khu vườn trải dài từ lối vào cho đến Đá Sư tử.
Theo các ghi chép từ xa xưa, khu vực này vốn là một khu rừng rộng lớn. Theo thời gian, những trận mưa bão và lở đất đã biến nó thành một khu vực đồi núi. Có nhiều bằng chứng cho thấy khu vực này đã có người sinh sống từ rất lâu rồi. Những hang động tại đây là nơi ở của nhiều tu sĩ tu khổ hạnh và những nhà sư từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên.
Trở lại với câu chuyện cướp ngôi vua từ cha mình của Kashyapa, nỗi lo sợ của vị vua này cũng đến lúc trở thành sự thật. Hoàng tử Moggallana sau khi chạy sang phía nam Ấn Độ đã nuôi quân và thề sẽ trở lại báo thù, giành lại ngai vàng. Hoàng tử Moggallana đã trở lại thật, tuyên chiến với vua Kashyapa, lật đổ vị vua này vào năm 495. Lịch sử và những câu chuyện truyền miệng trong dân gian cũng kể lại rằng con voi chiến mà vua Kashyapa cưỡi đã chuyển hướng để tạo lợi thế về chiến lược. Tuy nhiên, điều này đã khiến toàn bộ quân của ông hiểu lầm rằng đó là lệnh rút lui nên đã rút quân toàn bộ, bỏ mặc vị vua ở lại. Vì thể diện và không muốn đầu hàng, vua Kashyapa đã tự vẫn với một nhát kiếm. Đến ngày nay, vẫn có một số phiên bản khác nhau nói về việc vua Kashyapa xây dựng Sigiriya như thế nào và bị lật đổ ra sao.
Tuy nhiên, sau khi vua Kashyapa qua đời, hoàng cung và kinh đi Sigiriya bị bỏ phế và lãng quên. Về sau khu vực Đá Sư Tử trở thành nơi cư ngụ và tu tập của những nhà sư cho đến thế kỷ 14. Không có tài liệu nào ghi nhận về Sigiriya sau thời điểm đó. Đến khoảng thế kỷ 16, 17, nó là tiền đồn của vương quốc Kandy trong một thời gian ngắn. Vào năm 1831 ở thế kỷ 19, một thiếu tá người Anh là Jonathan Forbes đã phát hiện ra Đá Sư Tử bị bỏ hoang này trong chuyến cưỡi ngựa du ngoạn khắp Sri Lanka.
Vé vào tham quan chùa là 2000 rupee tức khoảng 160.000đ và có thể mua tại máy tự động. Du khách vào thăm chùa đều phải gửi giày dép, đi chân đất, trang phục theo quy định mặc màu trắng và kín đáo. Chùa xá lợi răng Phật nổi tiếng mà khi đến Sri Lanka, không ai có thể bỏ qua.
Chùa xá lợi răng Phật nằm ngay trong khuôn viên cung điện hoàng gia xưa kia của vương quốc Kandy. Cố đô Kandy là thành phố lớn thứ 2 của Sri Lanka. Từ ngàn xưa, xá lợi đóng một vai trò chính trị quan trọng tại vùng đất này bởi người ta tin rằng ai nắm giữ xá lợi thì người đó có quyền cai quản đất nước.
Nhiều ghi chép kể lại rằng khoảng 800 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn, xá lợi đã được đưa vào Sri Lanka một cách bí mật để tránh các cuộc tranh giành hoặc cướp xá lợi. Khi đó, công chúa Hemamali cùng chồng bà là hoàng tử Dantha đã tìm cách bí mật đem xá lợi qua Sri Lanka theo lệnh của vua cha Guhasiva. Xá lợi đã được giấu khéo léo trong búi tóc của công chúa Hemamali và nhiều bức tranh miêu tả lại hành trình này vẫn còn được lưu truyền đến giờ như bức phù điêu này.
Họ đã thành công đặt chân đến hòn đảo trong thời kỳ trị vì của vua Sirimeghavanna của vương quốc Anuradhapura ở thế kỷ thứ IV và trao cho nhà vua xá lợi răng Phật. Bảo vệ xá lợi răng Phật từ đó là bổn phận của hoàng gia. Vì vậy, qua nhiều năm, việc giữ xá lợi được coi là biểu tượng cho quyền cai quản đất nước. Và cũng vì lý do này, các triều đại thường xây chùa xá lợi răng Phật gần với hoàng cung của mình. Kinh đô ở đâu thì xá lợi được chuyển tới đó và được bảo vệ.
Tại Kandy, ngôi chùa thờ xá lợi đầu tiên được xây dựng dưới triều đại của vua Wimaladharmasuriya đệ Nhất (từ năm 1592-1604) nhưng ngôi chùa sau đó đã bị phá huỷ trong cuộc xâm lăng của người Bồ Đào Nha. Ngôi chùa lại tiếp tục được xây dựng lại ở cùng vị trí trong thời gian trị vì của vua Rajasinghe đệ nhị (tức từ năm 1635-1687) nhưng lại bị quân Hà Lan thiêu rụi. Đến năm 1687, vua Wimaladharmasuriya đệ nhị đã xây ngôi chùa 3 tầng nhưng qua thời gian nơi này bị xuống cấp và bị phá huỷ. Con trai ông nối ngôi là vua Sri Veera Parakrama Narendrasinghe trị vì từ năm 1707 đến năm 1739 đã xây ngôi chùa mới 2 tầng mà chúng ta thấy ngày nay. Ngôi chùa được bảo vệ và trùng tu nhiều lần những năm về sau. Chùa xá lợi răng Phật ở Kandy cũng được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1988.
Đến chùa thì du khách cũng hay ghé bảo tàng Raja, nơi lưu giữ xác nhồi bông của chú voi Maligawa Raja. Chú voi này từng tham gia vào các dịp lễ Phật giáo Esala Perahera hàng năm ở Kandy trong 50 năm và đảm nhiệm việc rước xá lợi răng Phật trong 37 năm. Maligawa Raja ra đời vào năm 1913 và qua đời năm 1988.
Rời chùa, trước khi về khách sạn, chúng tôi ghé qua một nơi ngay kế đó để thưởng thức chương trình biểu diễn múa truyền thống hay còn có tên Kandy Lake Club Cultural Dance Show. Chương trình biểu diễn kết hợp nghệ thuật, văn hoá và các vũ điệu mang màu sắc Sri Lanka. Chương trình biểu diễn này có từ năm 1982 và là điều khó bỏ qua khi đến Kandy.
Với những người mê kiến trúc cổ, nhất là các kiến trúc liên quan đến ngành đường sắt, thì không thể bỏ qua Ella, một thị trấn nhỏ nằm về phía nam cao nguyên miền Trung của đảo quốc Sri Lanka.
Thị trấn Ella sở hữu một công trình cổ được xây bằng đá rất đẹp và có nhiều ý nghĩa về mặt di sản. Đó chính là Nine Arch Brigde, cây cầu đá bắc ngang một thung lũng hẹp, dành riêng cho tuyến đường sắt xuyên cao nguyên nổi tiếng ở quốc đảo này. Du khách tìm đến đây bằng được để tham quan cũng như chụp ảnh.
Cầu 9 vòm ở Ella còn được gọi là Cây cầu giữa bầu trời. Cây cầu là điển hình cho các công trình đường sắt thời thuộc địa ở Sri Lanka. Vị trí của cây cầu nằm giữa ga xe lửa Ella và ga Demodara. Việc xây dựng cây cầu này được nói chủ yếu do một công ty xây dựng bản địa thực hiện với sự tư vấn của các kỹ sư người Anh. Cây cầu được xây dựng vào năm 1921. Sở dĩ có tên gọi Nine Arch vì cầu bao gồm 9 vòm đá hình bán nguyệt, trên một thiết kế bằng đá xám tuyệt đẹp, vắt ngang một thung lũng bên dưới trồng toàn là cây trà. Cầu có độ cao 24 m và bề rộng là 7,6 m. Đây là một trong những kiến trúc điển hình nhất của thời thuộc Anh trên toàn bộ đảo quốc này. Công trình không chỉ có giá trị về mặt di sản, đến ngày nay, nó vẫn được sử dụng cho tuyến đường sắt chính xuyên cao nguyên của Sri Lanka.
Còn lý do vì sao cây cầu này xây dựng mà không có cốt thép? Các ghi chép cho rằng khi cây cầu này bắt đầu được xây dựng thì Thế chiến thứ 1 nổ ra. Số thép đáng lẽ được dùng để xây cầu đã bị giữ lại và chuyển đến các dự án khác liên quan đến chiến tranh. Việc xây cầu bị chững lại. Công ty bản địa quyết định tiếp tục xây cầu bằng gạch đá và xi măng mà không dùng đến thép.
Sự đặc sắc của cây cầu không chỉ nó có những mái vòm cổ kính mà do nó còn nằm giữa một khu vực rừng núi xanh mướt, cứ đưa máy ảnh lên là sẽ có những góc ảnh đẹp. Vì lẽ đó, nhiều du khách nước ngoài đã đến đây để tham quan, hoặc đi trên chuyến tàu ngắn để chạy qua đoạn đường sắt này.
Hàng ngày, có hàng ngàn lượt khách, kể cả người Sri Lanka lẫn khách quốc tế đổ về đây, để chiêm ngưỡng một công trình tuyệt đẹp có tuổi đời hơn 100 năm và để đứng ngóng chờ một chuyến tàu sắt rầm rập chạy ngang. Xung quanh là rừng cây xanh bát ngát, là những đồi chè lúp xúp mượt mà giữa vùng cao nguyên mát mẻ. Rất đáng để trải nghiệm một lần...