PV: Bóng đá Việt Nam sẽ chia tay HLV Park Hang Seo vào cuối tháng 1/2023 và bước vào một thời kỳ mới. Theo ông, chúng ta cần làm gì trong thời kỳ mới này?
Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Sau 5 năm thành công của đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo, thì bóng đá Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới. Nếu muốn tiếp tục thăng tiến, thì chúng ta phải xây dựng một mô hình mới, trong một điều kiện mới, để nâng cao chất lượng của đội tuyển.
Hiện tại, chúng ta đang trong top 100 thế giới và khoảng top 15 châu lục. Mục tiêu chúng ta đề ra là đến 2030 thì lọt vào top 10 châu Á và có khả năng tiệm cận World Cup. Muốn như vậy, chúng ta phải hình thành một hệ thống tập luyện và đào tạo cầu thủ ngay từ nhỏ. Chứ nếu duy trì mô hình đào tạo cũ, thì tôi nghĩ rằng chúng ta rất khó khăn trong việc nâng đẳng cấp của mình lên.
Trước đây, anh chưa vào top 100 thế giới, chưa vào top 15 châu lục thì anh đầu tư ngắn hạn bằng cách mời HLV giỏi, tập huấn nước ngoài, tăng cường thi đấu để có thành tích. Nhưng bây giờ, mình phải đầu tư những yếu tố nền tảng một cách có hệ thống, thì chúng ta mới nâng tầm lên được. Chưa kể là mình còn phải cạnh tranh, vì các nước khác như Thái Lan, Indonesia, UAE, Trung Quốc, Uzbekistan… họ cũng đầu tư chứ.
PV: Cụ thể “mô hình mới” này sẽ được thiết kế ra sao?
Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Tôi sẽ hình thành một hệ thống đi từ thấp lên cao. Nền bóng đá cộng đồng rất rộng. Sau đó, tôi tuyển chọn đến một hệ thống trọng điểm, có sự tham gia của nhà nước, của các CLB chuyên nghiệp, của xã hội. Sau đó, tôi phát hiện ra những tài năng thì lúc đó các CLB sẽ tuyển chọn về để đào tạo.
Thứ nhất, làm vậy thì hiệu quả đào tạo mới cao. Thứ hai, làm vậy thì anh mới hình thành được bản sắc, lối chơi của CLB. Chứ bây giờ, một số CLB cứ chờ nhà nước đào tạo từ 11 – 19 tuổi, rồi xem có được em nào không thì hiệu quả không cao.
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta thích ứng với cơ chế bóng đá chuyên nghiệp. Mình hình thành một hệ thống, làm sao vừa phát triển rộng phong trào bóng đá, vừa phát hiện được những em có tài năng bóng đá và huy động được sự đóng góp của nhiều nguồn lực. Nguồn lực của xã hội, nguồn lực của nhà nước, nguồn lực của CLB thì hiệu quả mới cao.
Thực tế, những nơi có công tác đào tạo trẻ tương đối tốt như HAGL, Hà Nội FC, PVF hay Viettel FC thì một lứa tài năng cũng chỉ được vài cầu thủ thôi, chứ không thể ra lò cả một đội hình.
Mục tiêu của chúng ta là tìm ra những em thực sự có năng khiếu để đầu tư đào tạo một cách chuyên nghiệp. Để sau này trở thành tài năng thể thao, tài năng bóng đá, trở thành tuyển thủ quốc gia, ra nước ngoài thi đấu.
PV: Vậy các bên liên quan sẽ phối hợp với nhau như thế nào trong mô hình này?
Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Nền tảng bóng đá cộng đồng hoặc bóng đá học đường từ 6-10 tuổi thì để cho xã hội làm. Hiện nay, phụ huynh sẵn sàng đóng tiền vào để tạo điều kiện cho con em người ta chơi. Nhà nước đầu tư để làm sao có cơ sở vật chất, có đội ngũ HLV, có hệ thống thi đấu tốt.
Từ hệ thống này, chúng ta sẽ tuyển chọn ra những em từ 11-15 tuổi để chúng ta đào tạo nâng cao. Ở giai đoạn này, chúng ta cũng cần đào tạo bóng đá sao cho không ảnh hưởng tới việc học văn hoá của các em. Các em vẫn ở nhà, đến giờ thì tới tập luyện dưới sự hỗ trợ về sẫn bãi và hệ thống thi đấu của nhà nước, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của các CLB. Các CLB sẽ phối hợp với nhà nước để nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn này.
Sau đó, tới giai đoạn 15-16 tuổi thì các CLB phải tuyển chọn và đưa các em về CLB. Giai đoạn 16-19 tuổi thì các CLB phải thể hiện trách nhiệm của mình. Nếu làm được thì CLB sẽ có hiệu quả đào tạo tốt và tạo nên bản sắc riêng cho lối chơi.
Nếu chúng ta làm được mô hình này, thì chúng ta sẽ huy động được mọi nguồn lực của xã hội, từ gia đình, từ nhà nước, từ CLB để tuyển chọn và đào tạo các em.
PV: Ông đánh giá thế nào về khoảng cách giữa mô hình lý tưởng và thực tiễn bóng đá Việt Nam?
Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Phải khẳng định rằng thời gian qua chúng ta để cho các CLB tự mày mò, tự tìm hiểu, tự xây dựng mô hình. Tới giờ phút này cần thẳng thắn nhìn nhận rằng những mô hình đó có những ưu điểm, nhưng cũng có những hạn chế.
Ví dụ mô hình HAGL hợp tác với JMG thì HAGL đã kết thúc hợp tác với JMG rồi, vì cũng nhìn thấy những hạn chế trong mô hình tuyển chọn và đào tạo. Mô hình học viện Juventus thì cũng xem như kết thúc rồi, chỉ còn cái tên thôi chứ HLV và con người của Juventus đã rút hết rồi, giờ là Việt Nam mình làm.
VFF cần ngồi lại cùng các CLB và các địa phương để tìm ra một mô hình chung. Chẳng hạn, công tác đào tạo trẻ từ 11-15 tuổi thì hiện nay mỗi nơi làm một kiểu. HAGL làm theo kiểu của HAGL. PVF làm theo kiểu PVF. Viettel FC làm theo kiểu Viettel FC, SLNA làm theo kiểu SLNA, Hà Nội FC làm theo kiểu Hà Nội FC... Do đó, khi cầu thủ trẻ khi lên ĐTQG đều mất thời gian làm lại.
Mình cần phải thống nhất. Từ 11-15 tuổi chẳng hạn, cầu thủ TP.HCM tập thế nào, thì cầu thủ Hà Nội cũng tập như vậy. Và giáo trình đó phải phù hợp với con người Việt Nam. Khi các em từ 11-15 tuổi thì các yếu tố nền tảng, về kỹ thuật, thể lực, tâm lý, ý chí, hệ thống thi đấu, hệ thống lối chơi… là các em được đào tạo rồi. Sau đó, CLB chuyên nghiệp chỉ hớt cái ngọn thôi để đào tạo nâng cao.
Việc đào tạo nâng cao là tuỳ theo CLB. Nếu anh muốn chơi kiểu kiểm soát bóng thì huấn luyện theo kiểu kiểm soát bóng. Nếu anh muốn chơi phòng ngự phản công thì huấn luyện theo kiểu phòng ngự phản công. Mỗi CLB sẽ có một bản sắc riêng và một lối chơi riêng của mình. Tuy nhiên, yếu tố nền tảng là phải đầy đủ như nhau. Vấn đề là, bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu nền tảng.
PV: Ông đánh giá thế nào về triển vọng thực hiện giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam?
Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Cầu thủ để đá World Cup thì một trận phải đủ thể lực di chuyển 12km. Cầu thủ Việt Nam hiện tại có đủ sức chạy 12km mỗi trận không? Thế nên, mình sẽ phải tuyển chọn và đào tạo thế nào để các em tiệm cận họ. Người ta chạy 12km thì mình cũng phải 10-11km, như vậy mới đá được. Chứ nếu bây giờ chỉ nói là ước mơ World Cup, thì tôi nghĩ 2026 thậm chí 2030 Việt Nam rất khó có cơ hội tham dự World Cup.
Để đá vòng loại World Cup 2026 thì chúng ta phải có lực lượng từ năm 2024 rồi. Từ nay tới 2024, chỉ còn 1 năm 2023 thôi. Nghĩa là mình phải lấy lực lượng tại chỗ rồi. ĐT Việt Nam còn bao nhiêu cầu thủ? U23 Việt Nam bổ sung được bao nhiêu cầu thủ? HLV là ai? Tập huấn, thi đấu như thế nào? Để lọt vào vòng loại cuối World Cup 2026 cũng là thách thức.
Rồi tới World Cup 2030, thì năm 2028 là phải đá vòng loại rồi. Từ đây đến đó chỉ còn 6 năm nữa thôi. Nghĩa là hiện nay, chúng ta phải có đội U20 trình độ thế giới để đầu tư, thì đến 2028 mới có một đội đá vòng loại World Cup chứ.
Giả sử để tham dự World Cup 2030 thì hiện nay phải có một kế hoạch 8 năm cho đội U20. Mình thử tính xem lứa U20 hiện nay có 100 em giỏi hay không? 4 năm nữa thì còn lại bao nhiêu em hay? Tôi đầu tư thì mới ra con người chứ.
Mà công tác đào tạo cầu thủ cũng chỉ là một phần. Ví dụ, để nâng cao trình độ ĐT Việt Nam, thì chúng ta phải cọ xát với những đội hay hơn. Mà muốn cọ xát với những đội hay hơn, thì phải có tiền để mời họ sang Việt Nam hoặc là mình đi sang bên họ. Chỉ riêng chuyện này đã không đơn giản.
PV: Giả sử bóng đá Việt Nam có một hệ thống đào tạo trẻ lý tưởng trên toàn quốc, thì sau bao lâu chúng ta có thể đạt được giấc mơ World Cup?
Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Để đạt được mục tiêu World Cup thì phải nói thẳng là bài toán rất khó với bóng đá Việt Nam chúng ta. Bởi vì có những yếu tố liên quan đến vấn đề sinh học, thể chất con người Việt Nam là thấp bé, nhẹ cân.
Như vậy, mình phải có chiến lược thế nào trong đào tạo, tuyển chọn và thi đấu. Thậm chí phải có tầm định hướng. Chúng ta phải dự báo được 20 năm nữa, bóng đá thế giới sẽ như thế nào, thì mình sẽ đầu tư cho một thế hệ trẻ 5-6 tuổi bây giờ. Tôi sẽ tập luyện cho thế hệ này phát triển ra sao sau 20 năm.
Tuy nhiên, để phát triển bất cứ lĩnh vực nào, không chỉ bóng đá và thể thao, mà mọi lĩnh vực khác, thì anh phải đầu tư yếu tố nền tảng. Còn nếu không xây dựng các yếu tố nền tảng, thì mục tiêu anh đưa ra chỉ là cho vui thôi.
PV:Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện./.