Vốn nổi tiếng nhất với lễ hội đua ngựa, giống mận tam hoa và những chợ phiên, Bắc Hà cũng có tất cả những cảnh đẹp khác của vùng cao Tây Bắc. Trên đường đi du khách dễ dàng bắt gặp cảnh núi non trùng điệp, thung lũng ngập nắng phía dưới với lác đác vài mái nhà nằm lọt thỏm giữa mênh mông ruộng bậc thang. Danh xưng "Cao nguyên trắng" có lẽ là vì khung cảnh mây trắng bồng bềnh xen lẫn màu trắng của hoa mận..
Vẫn những thung lũng ngập nắng, ruộng bậc thang đẹp như tranh
Sau khi tham quan đền Bắc Hà, dinh Hoàng A Tưởng ở thị trấn trung tâm, thường du khách sẽ đi xuống các bản. Ở Bắc Hà các ruộng lúa không chín đều, có nơi người dân đã gặt, có nơi lúa vẫn còn màu xanh. Chúng tôi đến Bản Liền vào mùa lúa chín, cả bản làng sôi động không khí gặt hái. Phải đi bộ khá xa, lội qua vài con suối, đi men theo bờ ruộng với mùi lúa chín và đủ âm thanh đồng quê xung quanh. Người dân đón chúng tôi bằng những nụ cười thân thiện và thoải mái khi khách muốn chụp hình. Người Tày ở đây vẫn mặc trang phục truyền thống của họ để sinh hoạt và lao động hàng ngày, chứ không phải chỉ khi đón khách như nhiều nơi khác.
Sau khi tham quan đền Bắc Hà, dinh Hoàng A Tưởng ở thị trấn trung tâm, thường du khách sẽ đi xuống các bản. Ở Bắc Hà các ruộng lúa không chín đều, có nơi người dân đã gặt, có nơi lúa vẫn còn màu xanh. Chúng tôi đến Bản Liền vào mùa lúa chín, cả bản làng sôi động không khí gặt hái. Phải đi bộ khá xa, lội qua vài con suối, đi men theo bờ ruộng với mùi lúa chín và đủ âm thanh đồng quê xung quanh. Người dân đón chúng tôi bằng những nụ cười thân thiện và thoải mái khi khách muốn chụp hình. Người Tày ở đây vẫn mặc trang phục truyền thống của họ để sinh hoạt và lao động hàng ngày, chứ không phải chỉ khi đón khách như nhiều nơi khác.
Mỗi người chúng tôi chọn một cách thưởng thức khác nhau, người thì xuống đồng trải nghiệm gặt lúa, người thì đi "săn ảnh", người thì lân la chuyện trò cùng đồng bào. Nắng nhẹ khiến tiết trời rất dễ chịu, chỉ cần ngồi từ nhà sàn nhìn ra ngoài, chén trà "ống lam" bốc khói ở bên bạn sẽ cảm thấy mọi muộn phiền tan biến. Khung cảnh đẹp như tranh vẽ: trời xanh, mây trắng, đàn trâu tha thẩn, người lúi húi trên cánh đồng người thì gùi lúa về nhà, xa xa vài chiếc máy tuốt lúa chạy hết công suất.
Với những ai thích trekking và leo núi thì đỉnh Ngải Thầu ở xã Na Hối là nơi đáng để dành thời gian và công sức để chinh phục. Đây là địa điểm ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp, với thảo nguyên xanh mênh mông, những rặng cây sa mộc thẳng tắp in bóng trong nắng chiều, những ngôi nhà sàn nép mình ven thung lũng… Nắng chiều với bầy ngựa đủ màu nâu, vàng, trắng trên đồng cỏ xanh khiến cho tất cả ngẩn ngơ - có lẽ rất khó để bắt gặp khung cảnh này ở nơi nào đó khác.
Bản sắc riêng biệt
Trải nghiệm thú vị nhất ở Bắc Hà có lẽ là đi xuyên qua các bản làng và mỗi tối nghỉ lại các homestay khác nhau. Mỗi dân tộc lại có cách tiếp đón khách, các món ăn và những tiết mục văn nghệ riêng biệt. Ở bản người Tày thì có homestay Nâng Cân, Hà Thông; ở bản người Mông thì có cơ sở của Hoàng Seo Chô, Lý Vần Sồ….
Homestay của người Mông thì được hiện đại hóa và đón khách chuyên nghiệp hơn, còn homestay của người Tày còn nguyên sơ và hầu hết là khách và chủ ở cùng nhà sàn. Với sự hỗ trợ của một số tổ chức như CRED, GREAT…; những homestay được điều chỉnh một chút để phù hợp cho khách du lịch. Người dân có ý thức hơn về di dời chuồng trại, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra họ còn được huấn luyện kỹ năng nấu ăn cho các đối tượng khách khác nhau, kỹ năng đón tiếp khách và cả tiếng Anh. Giường, đệm, rèm, ga gối, nhà vệ sinh hay tất cả những gì thiết yếu để đón khách đều được đầu tư bài bản.
Buổi tối, ở bản Mông thường biểu diễn múa khèn, múa sênh tiền, còn ở bản Tày có điệu xòe Tày với tiếng đàn Tính. Bữa tối ăn tại bản cũng khá là đặc biệt. Ngoài những loại rau rừng, thịt gà, cá suối, lợn đen… trong bữa tối ở bản Tày thường có "khẩu hang" – một loại xôi nếp độc đáo. Còn ở bản Mông Bắc Hà, nhất định phải có chai rượu ngô men hồng mi Bản Phố. Hồng mi là một loại cây trồng ven bờ nương, bờ ruộng, gieo hạt từ tháng 3 thì đến tháng 9 sẽ thu hoạch. Chị Vàng Thị Chử kể với chúng tôi, rượu men hồng mi chỉ người Bản Phố mới biết làm, dùng men này thì ra chất rượu rất lạ và thơm mà không loại rượu nào có. Nhà chị thường xuyên đón khách ghé thăm để mua rượu và tìm hiểu về cách nấu rượu, làm men.
Du khách đến Bắc Hà có thể ghé thăm và trải nghiệm rất nhiều nghề truyền thống khác như làm cốm, đan lát, hái chè, làm bánh chưng đen, bánh dày… Nón lá cọ ở đây không giống bất cứ nơi nào khác, vì nón dùng nguyên cả tàu lá, được xếp và khâu vô cùng khéo léo.
Cốm ở Bắc Hà cũng khác, vì dùng lúa nếp xanh nên dẻo. Bác Lâm Văn Ngần, 52 tuổi, ở bản Na Lo kể, giống nếp nương này đã được sử dụng từ rất lâu rồi đến nỗi không biết giống nếp này tên là gì. Nghề làm cốm cũng từ xa xưa lắm, từ khi bác còn nhỏ và được ông bà truyền dạy lại. Những năm 1992, 1993 mọi người chỉ làm để ăn, sau này thử ra chợ bán thấy được thì mới làm thêm. "Cốm của nhà không bảo quản được lâu, chỉ khoảng 24 tiếng. Nhưng không lo vì sáng mang xuống chợ bán thì chỉ trong buổi sáng là bán hết." – bác Ngần kể. Nhà bác cũng đã trở thành một homestay từ 4 năm trước. Khách ở trên, chủ ở dưới, cùng học làm cốm và tự bác nấu ăn cho khách theo kiểu "nhà mình ăn như thế nào thì khách ăn như thế!"
Không có chèo kéo và chặt chém
Suốt những ngày ở Bắc Hà, gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều người cả Tày, Mông và Kinh nhưng không ai cho tôi cảm giác xa cách. Ai cũng nói người Bắc Hà hiếu khách và thân thiện. Người bạn đồng hành với tôi - chị Trương Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc công ty lữ hành Crystal Holidays - bảo, ở đây không hề có hiện tượng chèo kéo hay "chặt chém".
Có lẽ sự hòa hợp giúp hình thành nên những phiên chợ nổi tiếng ở Bắc Hà. "Đặc trưng của chợ Bắc Hà là sự giao lưu, mỗi cuối tuần bà con các dân tộc mang nông sản, vật nuôi đến chợ đến bán." - ông Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết. Chợ Bắc Hà là nơi trao đổi hàng hóa và là nơi giao lưu gặp gỡ về văn hoá giữa các dân tộc ở địa phương. Khi xuống núi, bao giờ người dân cũng mặc những bộ váy áo mới sặc sỡ đủ màu như đi hội. Ngoài chợ Bắc Hà vào chủ nhật thì du khách cũng có thể đến rất nhiều phiên chợ khác, như thứ 3 đi chợ Cốc Ly, thứ 4 đi chợ Sín Chéng, thứ 5 đi chợ Cao Sơn, thứ 6 đi chợ Lùng Phình, thứ 7 đi chợ đi Cán Cấu…
Đi xuống bản nhiều nơi ô tô chưa vào được nên du khách có thể lựa chọn phương tiện xe ôm. Bác Đào Trung Sứng đã chạy xe ôm ở thị trấn Bắc Hà gần 30 năm, nhưng chưa có năm nào "ế khách" như năm nay vì Covid. "Không có khách du lịch, nhiều người bỏ nghề xe ôm về làm nông nhưng tôi thích nghề này. Ở Bắc Hà đường nào tôi cũng biết." – bác Sứng vui vẻ kể lại.
Theo lời bác, "khách Tây" rất thích đi xe máy xuống các bản, có những lần đi xa cả trăm km. Nhưng vì thời gian hạn chế, ngày hôm đó tôi cùng bác đi thăm các bản làng trên quãng đường "chỉ" khoảng 60km. Chiếc xe Wave (đã hỏng công tơ mét vì đi quá nhiều) của bác Sứng đưa tôi từ Bản Liền, qua Nậm Khánh, Nậm Đét, Bảo Nhai rồi về thị trấn Bắc Hà. Bác cũng kiêm luôn hướng dẫn viên địa phương, vừa đi vừa kể chuyện, giới thiệu về cuộc sống của người dân tộc La Chí nghèo ra sao, người dân ở Nậm Đét khá giả vì bán quế như thế nào, hay ở Bảo Nhai có đền Trung Đô nổi tiếng nên ngày càng đông du khách tới ghé thăm. Chỗ nào cảnh đẹp là hướng dẫn viên đi chậm lại rồi thúc giục "chụp đi", "có chụp chỗ này không"…
Chúng tôi trở về homestay khi trời đã tối. Bầu trời đêm cũng đẹp, trong veo và lấp lánh ánh sao. Có thể nhìn thấy cả Ngân Hà vắt ngang bầu trời bằng mắt thường, thứ gần như bất khả thi tại những đô thị ô nhiễm ánh sáng. Bắc Hà đẹp vậy đấy, cả con người lẫn cảnh sắc. Hãy đến đây khi bạn cần tìm một nơi để hồi phục sức khỏe, tinh thần và cả năng lượng sống./.
Ảnh: Hải Nam - Khánh Huy - Hải Hà
Thực hiện: Hải Nam