Chưa kịp khắc phục hậu quả từ đợt dịch Covid-19 hồi quý I, nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục gặp khó khi dịch bệnh quay trở lại với diễn biến phức tạp hơn.


Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, sau khi hoạt động trở lại, chưa nhận được hỗ trợ từ các gói chính sách tài khóa và tiền tệ thì dịch Covid-19 tái bùng phát lần 2 càng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trở nên khó khăn hơn trước.

Không chỉ riêng về khía cạnh sụt giảm doanh thu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn mà các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, vay vốn ngân hàng...

Doanh nghiệp than khó vay vốn ưu đãi

Theo báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam - Phân tích có tính yếu tố giới” của UNDP, các chủ doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin về quy trình thủ tục đăng ký hỗ trợ, vì chưa có thông báo rõ ràng về các quy định hướng dẫn cụ thể trong việc xác định đối tượng thụ hưởng và các yêu cầu cụ thể.

Bên cạnh đó, việc kê khai hồ sơ đăng ký hỗ trợ hiện tại bị đánh giá là phức tạp, tốn kém thời gian cho doanh nghiệp thực hiện đăng ký. Doanh nghiệp tại một số địa phương cho hay, chỉ nhận được thông báo chờ đợi nhiều cấp xác minh, phê duyệt, không rõ lịch hẹn và không rõ khả năng được hỗ trợ như thế nào.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, các điều kiện vay vốn còn khắt khe, chặt chẽ; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng thì chưa rõ ràng.

Bà Caitlin Wiesen – Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp siêu nhỏ (DNSN) là các đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi các hậu quả mà đại dịch Covid-19 gây ra. Không chỉ riêng về khía cạnh sụt giảm doanh thu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, mà DNSN còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Cùng với đó, việc kê khai hồ sơ đăng ký hỗ trợ hiện tại bị đánh giá là phức tạp, tốn kém thời gian cho doanh nghiệp thực hiện đăng ký.

Nhiều điều kiện vô lý, ngặt nghèo

Theo chia sẻ từ nhiều doanh nghiệp, đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 đang  diễn biến phức tạp trở lại nhưng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ từ đợt dịch trước, như gói 16.000 tỷ đồng, gói 62.000 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp dệt may nào trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp cận được các gói ưu đãi của Chính phủ, bởi điều kiện tiếp cận rất ngặt nghèo. 

"Doanh nghiệp phải đạt điều kiện cả tháng không có doanh thu thì mới được vay ưu đãi để trả 1,8 triệu đồng/tháng cho người lao động. Nếu không có doanh thu thì phương án tốt hơn là cho người lao động nghỉ việc thay vì vay tiền ngân hàng để trả cho người lao động. Bên cạnh đó, khi cho người lao động nghỉ việc, bản thân họ cũng được nhà nước hỗ trợ khoản trợ cấp thất nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay. 

Hầu hết hiện nay, doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh chuyển sang sản xuất khẩu trang, áo y tế để cầm cự... Chỉ có 4% - 5% ngừng sản xuất trong khoảng vài tuần nhưng không đủ điều kiện tiếp cận gói ưu đãi.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối châu Âu (Eurolink - đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc và da giày) chia sẻ, hiện, toàn bộ nguyên vật liệu may mặc đã cạn kiệt, các đơn hàng bên ngoài thì chưa ký kết được. Công ty phải cắt giảm một nửa lao động vì kế hoạch nhập hàng hóa, nguyên phụ liệu về sản xuất đã bị ngừng lại. Các cửa khẩu, đường biên, nhà sản xuất bên ngoài vẫn hoạt động cầm chừng, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, mọi hoạt động của doanh nghiệp chỉ mang tính chất duy trì, chống đỡ dịch bệnh. 

Ông Thành quan ngại, dịch bệnh trên toàn thế giới và trong nước tái bùng phát lần 2 đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn, khó xoay sở. Điều lo lắng nhất hiện nay là không tạo được công ăn, việc làm cho cán bộ, nhân viên. Doanh nghiệp mất lao động, cùng với đó, người lao động đang trong thời kỳ rất khó khăn, sự hỗ trợ của Nhà nước thì chưa mang hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, các chính sách miễn, giảm thuế, cho lùi lại các nghĩa vụ thuế với Nhà nước chưa thật sự thỏa đáng…

Theo ông Nguyên Hữu Thành, hiện, doanh nghiệp chưa tiếp nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào của Nhà nước. Bởi Euro Link là doanh nghiệp tư nhân nên các thủ tục, giấy tờ rất phức tạp. Bên cạnh đó, các quy định điều kiện được hưởng các chính sách rất khắt khe, doanh nghiệp khó đáp ứng được. Cụ thể, với gói hỗ trợ tín dụng, có ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại do Covid-19 gây ra, chứng minh khả năng trả nợ. Để thực hiện được những việc này là vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian... Do đó, với gói 62.000 tỷ, doanh nghiệp của ông khó có thể “chạm tay” tới được.

Doanh nghiệp phải tự “cứu” mình

Theo TS. Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, những khó khăn mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt sẽ ngày càng nhiều hơn, không còn cách nào khác, doanh nghiệp hãy tự cứu mình thay vì chờ đợi…được cứu.

Để cầm cự và tồn tại, cần phải giải quyết được đầu ra cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thay vì than vãn, kêu ca, hãy kết nối lại với nhau, hãy kết nối cung cầu và tìm mọi phương án để tiêu thụ được sản phẩm. Hãy tìm kiếm các cơ sở các trung tâm xúc tiến thương mại, siêu thị hay thậm chí các hiệp hội để qua đó, các hiệp hỗ trợ trong việc kết nối cung cầu, từ đó tìm được  đầu ra cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tìm mọi biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm lượng hàng tồn kho, tiếp tục kích thích, hỗ trợ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hòa, trong bối cảnh khủng hoảng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp hãy tự mình tìm con đường đi riêng, trong đó tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Đây chính là cơ hội  để doanh nghiệp ngồi lại, nhìn nhận lại mình, từ đó tìm ra giải pháp, lối đi cho riêng mình. Cùng với đó, tái cấu trúc, định hình lại sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp; chỉnh đốn lại công cụ kinh doanh của cả những doanh nghiệp mới cũng như những doanh nghiệp có lịch sử phát triển từ nhiều năm nay.

“Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần đưa ra 4 yếu tố: một là tái cấu trúc tư duy, hai là tái cấu trúc công cụ, ba là tái cấu trúc điều hành và bốn là tái cấu trúc phục vụ…4 yếu tố này rất quan trọng đối với doanh nghiệp để phát triển bền vững. Doanh nghiệp hãy tự cứu mình trước khi được cứu trợ”, TS. Đinh Việt Hòa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội  cho hay, dịch bệnh sẽ còn kéo dài, cách tốt nhất hiện nay là doanh nghiệp phải tự tìm cách “cứu mình”; cần chủ động trong việc tìm kiếm các kênh phân phối, cả trực tiếp và gián tiếp.

Với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8 vừa qua, doanh nghiệp cần cố gắng tìm hiểu thông tin, tận dụng tối đa các ưu đãi về mặt thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, đây là cơ hội rất tốt trong 7 - 10 năm tới, khi đó thị trường sẽ rộng mở để đón chào các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp cần hình thành chuỗi giá trị mới, các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV hãy liên kết hợp tác chặt chẽ hơn để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị mới của khu vực cũng như toàn cầu. Khi tham gia vào chuỗi giá trị mới thì doanh nghiệp Việt mới đủ năng lực, nâng cao được khả năng về quản trị, đổi mới mô hình kinh doanh. Trong thời đại công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần cố gắng chuyển đổi để làm sao trở thành những doanh nghiệp số tận dụng tốt những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại./.

Thứ Năm, 06:00, 10/09/2020