Tiếng bước chân rầm rập, tiếng nói, tiếng gọi rộn ràng cả hành lang. Tôi đang có mặt tại Trung tâm điều hành sản xuất +125 của công ty Than Nam Mẫu - TKV, nơi đã gắn bó suốt 23 năm qua.

Hôm nay tôi làm việc trong Ca 1, sẽ bắt đầu lúc 8 giờ sáng. Nhà xa tới 24 km nên tôi dậy sớm từ hơn 5 giờ, chờ trước ngõ đón chuyến xe ca đưa công nhân tới khai trường. Quét vân tay qua cửa, tôi bước vào nhà ăn tự chọn rộng rãi, đã đầy hơn phân nửa. Cơm hôm nay có gần 20 món, đủ các loại thịt cá tôm, rau củ, hoa quả rất ngon miệng, ai thích ăn gì tự lấy như tiệc buffet, đảm bảo nạp đủ năng lượng cho một ca làm việc trước mắt.

Tiến đến chiếc bàn có vài anh em cùng phân xưởng, chúng tôi chào nhau rồi cùng ăn. Có cậu thanh niên trẻ vẫn còn hơi ngái ngủ, tôi cười thầm, nhớ về mình hồi 26 tuổi, khi mới bước chân vào nghề, cũng thật nhiều bỡ ngỡ.

Lên tầng 2, tôi tìm đến tủ đồ cá nhân, khoác lên mình chiếc áo màu xanh thân thuộc, đội chiếc mũ bảo hộ nâu, đeo đôi ủng đen. Bỗng chiếc cúc áo bị bung ra, tôi liền bước sang Phân xưởng Phục vụ ngay cạnh đó. Vài phút sau, đưa trả lại chiếc áo đã lành, chị Thương trực ca còn dặn "Anh giữ đồ cẩn thận". Chị em luôn nhanh nhẹn, chu đáo như thế. Ở môi trường làm việc toàn "đực rựa" như mỏ than, các chị em thực sự là những bông hoa, luôn rạng rỡ và tươi tắn.

Tôi nhanh chóng qua từng phòng, lấy bồi dưỡng giữa ca là "đặc sản" bánh mỳ mỏ mới ra lò, còn nóng và thơm phưng phức, kèm theo 2 hộp sữa, hôm khác có thể là xôi với chả, sữa; lấy bình tự cứu (thiết bị bảo vệ đường hô hấp nếu xảy ra sự cố) đeo vào sau hông; lấy chiếc đèn lò đã nạp sẵn điện gắn ngay ngắn lên mũ. Vậy là sẵn sàng!

Phòng giao ca của Phân xưởng Khai thác 10 đầy ắp người. Ca 1 chúng tôi hôm nay có 70 anh em bao gồm công nhân khai thác, công nhân cơ điện, các vị trí gián tiếp, sinh viên thực tập. Anh Xuân Quản đốc là người chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của phân xưởng. Ra nhật lệnh sản xuất, giọng anh sang sảng vang khắp phòng.

"Hết ca ta về với gia đình, giúp đỡ vợ, xem con cái học hành, đấy là niềm hạnh phúc không của riêng ai, đúng không nào", "Anh em cần cố gắng để cho đủ năng suất, nếu không may thiết bị trục trặc, quản đốc sẽ điều chỉnh tiền lương cho anh em", "Vị trí nào cũng vậy, An toàn là số 1, Sản xuất là số 2" !

Mọi người ổn định, ai nấy đều trật tự, chăm chú lắng anh Trường - Phó quản đốc trực ca, anh Tiến - Phó quản đốc cơ điện phân công công việc cụ thể và liên tục nhắc lại các quy trình, quy định công nghệ, yêu cầu mọi người nâng cao ý thức, tự chủ an toàn. Nghe đến tên mình, tôi lập tức đứng dậy nhận lệnh.

Kết thúc, tất cả mọi người đồng loạt đứng lên. Anh Trường hô khẩu lệnh "Nghiêm! Hôm nay sản xuất phải An toàn!". "An toàn! An toàn! An toàn!", những nắm tay chắc nịch của chúng tôi giơ thẳng lên không trung, đồng thanh quyết tâm, như tự dặn mình và cũng là dặn anh em đồng đội.

Từ phòng giao ca, từng tốp, từng tốp thợ của các phân xưởng cùng tiến vào lò, khí thế tựa như một đoàn quân viễn du vào lòng đất.

Trước mặt chúng tôi là lò giếng ở mức +125m (so với mực nước biển). Từng người "quẹt thẻ" qua cửa kiểm soát, kiểm tra lại phương tiện bảo hộ rồi bước vào cửa lò, ngồi lên "tời ngựa" - loại "cabin cáp treo" dành riêng cho thợ lò. Từ đây, hệ thống tời sẽ đưa chúng tôi dọc lò giếng nghiêng từ 20-25 độ xuống mức -50m (so với mực nước biển), nơi làm việc của hàng trăm công nhân. Ánh sáng khuất dần, cáp tời ì ì chạy, hơi gió từ dưới đường lò thốc lên mát rượi. Ngược chiều, lác đác các anh em Ca 3 hết ca làm việc đi lên. "Chào anh em", "Đi kiếm ăn hay sao mà ra sớm thế"... Tiếng trêu đùa vang dội, dọc theo đường lò leo lét ánh sáng.

10 phút sau, tôi đã có mặt sân ga mức -50m. Theo đường lò lát gạch đỏ, vách sơn 3 màu tươi rói rộng và thoáng (mà có người bảo trông như hầm metro ở nước ngoài), chúng tôi nối nhau lên xe song loan - "tàu điện ngầm" xuyên vỉa. Câu chuyện phiếm của cánh thợ cứ thế vang lên sôi nổi, tếu táo, như muốn át cả tiếng máy chạy rầm rập trên đường ray, tiếng còi ồn ã.

Reng Reng! Tiếng chuông báo tàu dừng sau gần 2km. Các đồng đội toả ra, đi bộ vào từng khu vực lò chợ đang khai thác, bước chân lẹp nhẹp, thỉnh thoảng nước rỏ tí tách. Ở đây nhiệt độ quanh năm đông cũng như hè, duy trì khoảng 26-28 độ C, gió thông mát rượi nhưng độ ẩm và áp suất lớn, người không quen sẽ dễ thấy nặng đầu, hoa mắt. Ở mỗi ngã ba, những đường ray đan xen nhau tỏa khắp các lò phụ như chiếc xương cá, xe goòng xếp kề nhau, hệ thống băng tải đầy ăm ắp than đen lấp lánh chờ đưa lên mặt đất. Í ới tiếng người đi ngược chiều, đèn trên mũ lấp lóa xuyên thủng màn tối, khung cảnh hư hư thực thực.

Tôi đi cạnh Khanh và Tới, những đồng đội lâu năm. Lấy cuốc, choòng và dụng cụ, chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới vị trí làm việc, lò chợ dọc vỉa 5. Tại đây đường lò nhỏ và dốc ngược lên, dù nóc lò cao 1m9 nhưng không gian để di chuyển khá hẹp bởi hệ thống giàn chống, cột chống, van, ống thủy lực dày đặc. Anh nào to con là phải khom người lách qua, ngay dưới chân là lòng máng cào đưa than xuống đầu lò chợ, phải choãi chân mà đi. Hiện tại, phân xưởng chúng tôi có thể khai thác tới hơn 1.200 tấn than mỗi ngày, than đẹp, có chất lượng tốt.

Lò chợ này này dài khoảng 280m với hơn 272 bộ giá khung chống giữ, hiện là lò chợ dài nhất trong cả ngành than. Hôm nay, tôi và Khanh là một cặp thợ chính phụ. Chúng tôi có nhiệm vụ khấu than từ giá 45 đến 55, nhưng trước đó phải làm công tác củng cố, bơm đo áp lực tại các cột giá, triệt tiêu mọi nguy cơ mất an toàn. Kiểm tra thấy giá thứ 54, khung chống không đảm bảo, chân cột đã bai ra, ngay lập tức chúng tôi tiến hành củng cố lại, đảm bảo vuông ke ngay ngắn với vỉa.

Nhận định các cột chống đã đảm bảo an toàn, chịu được lực đất đá nén xuống, chúng tôi bắt đầu khoan lỗ mìn. Khoan hơi cầm tay rất tiện ích, an toàn hơn rất nhiều so với khoan điện trước kia. Đỡ khoan phía sau tôi, tiếng Khanh ồm ồm qua mặt nạ phòng độc: "Lỗ mìn hơi thấp, nâng lên đi anh ơi". Tôi nhìn lại, gật đầu, điều chỉnh mũi khoan, tập trung thật chính xác. Khanh ít hơn tôi cả chục tuổi, vui tính, như "nghệ sĩ" trong lò. Có làm việc dưới lòng đất mới biết, sự góp ý, tinh thần đồng đội, tính kỷ luật và an toàn luôn là hàng đầu. Chính môi trường đặc biệt này đã tạo nên truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" quý báu của người thợ mỏ, làm nên mọi chiến thắng trong cả thời chiến lẫn thời bình. Làm việc lâu năm, chúng tôi hiểu nhau có khi còn hơn cả hiểu vợ con. Không cãi nhau nhưng luôn to tiếng, bởi, không nói to sao mà nghe thấy nhau trong tiếng máy ồn ã.

Khoan hết 5 giá, Phó quản đốc trực ca kiểm tra theo chế độ nghiêm ngặt, đảm bảo chuẩn xác, an toàn ở từng quy trình sản xuất. Có cái gật đầu của anh, đội thợ mìn bắt đầu vào việc. Tôi và Khanh làm nhiệm vụ "đuổi người", canh gác trên vào dưới 50m khu vực nổ mìn, không để ai qua lại.

Uỳnh ! Mìn nổ khiến lòng đất chấn động. Bụi than theo chiều gió bay đầy không gian. Có tín hiệu báo an toàn, chúng tôi lên củng cố lại khung chống, tiếp tục khấu giá, sang giá, tải than. Các tấm đỡ gương như rôbốt bật lên để lộ các gương than đen đen nhánh, hàng vạn điểm li ti lấp lánh. Than ào ào đổ ra ngoài, chảy từng dòng như suối theo máng trượt xuống đầu lò. Bước tiếp theo là đẩy dầm và tiến gương than, kết thúc quá trình khấu chống và lặp lại chu kì khép kín đó từ đầu. Nhờ công nghệ khấu giá khung thủy lực phù hợp, cải tiến kỹ thuật hiệu quả, rồi đẩy mạnh "cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa", năng suất lao động của công nhân được tăng lên rất nhiều. Trung bình từ đầu năm, mỗi người chúng tôi có thể đạt gần 39 tấn/tháng, vượt chỉ tiêu năm. Chi phí sản xuất giảm, thu nhập của người lao động cũng tăng lên, như thợ lò trung bình hơn 21 triệu đồng/tháng.

Thực hiện: Nguyễn Dương.

Tranh thủ chờ nạp mìn lần 2 trong ca, tôi xuống nghỉ ngơi và ăn giữa ca. Ở đầu lò, Hùng đang phân loại than quá cỡ trước khi lên băng tải, có cả những cục than kíp lê to cỡ chiếc mũ cối. Làm "biển báo di động" nhắc nhở đồng đội, đó cũng một nhiệm vụ khác của tôi - một An toàn viên. Chúng tôi được chọn ra từ những người có thâm niên nghề nghiệp, kỹ năng và kinh nghiệm, vừa có trách nhiệm hướng dẫn những người mới vào nghề, vừa nhắc nhở nếu thấy có nguy mất an toàn, không cho phép một sai sót dù là nhỏ nhất.

Hùng cũng nghỉ tay, chúng tôi ngồi nghỉ ngơi chốc lát cùng mấy anh em. Là người lớn hơn, tôi hay chia sẻ kinh nghiệm với anh em trẻ, động viên giữ tâm lý ổn định, tập trung cao độ khi làm việc. Hùng khoe, tháng trước em làm được 26 công, tính ra thu nhập được hơn 26 triệu đồng. 

Gắn bó với ngành than, tôi đã chứng kiến bao sự đổi thay. Từ những ngày phải ở cả tuần trong khai trường xa xôi, nay công nhân đi làm có xe máy lạnh đưa đón hàng ngày, bữa cơm công nghiệp “không sợ thiếu, chỉ sợ không ăn hết”, sau ca có chè ngọt, nước giải khát. Lên mặt bằng là tắm nước nóng, quần áo thay ra được giặt giũ sạch sẽ, thơm tho, đi lại hành lang có đèn sưởi trong mùa đông giá rét, rồi chế độ chăm sóc sức khỏe, du lịch hàng năm, đi cả nước ngoài. Công nhân được bố trí ở chung cư rộng rãi, sinh hoạt ngoài giờ có cầu lông, bóng chuyền, vui tươi, lành mạnh.

Không như tôi, vốn là "người thợ lò sinh ra trên đất mỏ", mỗi anh em đồng đội từ một miền đất khác nhau. Hùng ở Nam Định, Ngọc từ Thanh Hóa, Hoạt Hải Dương, bao người từ Tây Bắc... cùng về vùng than. Họ đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai, dựng nhà, xây tổ ấm.

Thực hiện: Nguyễn Dương.

"Xe sắp chạy rồi nhớ"! Tiếng gọi nhau hết ca í ới. Lên đến mặt bằng, tôi hít một hơi thật dài, để mắt dần quen lại với ánh nắng cuối chiều. Từng tốp thợ lại nối nhau, ra Ca 1, đón Ca 2, rồi sau đó sẽ là Ca 3, cứ thế 24 giờ cần mẫn không nghỉ. Phía bên kia là dãy dài hệ thống băng tải kín vận chuyển than, đưa "vàng đen" tới khu vực sàng tuyển, chế biến, để có thành phẩm than cám 3A, 4A, 5A,...

Có ai tới mỏ lúc giao ca mới biết thế nào là ngạc nhiên. Những anh thợ quần áo lấm lem, mặt đầy bụi than chỉ còn thấy đôi mắt sáng và hàm răng trắng lóa. Vậy mà chỉ một lát sau, tắm rửa thay đồ xong, gương mặt đen nhẻm ấy bỗng trở lại đẹp trai, sáng sủa như thường. Thợ lò cực nhọc, “mồ hôi phải đong bằng lít”, nghề mỏ chẳng lãng mạn, chẳng “sáng ngời khuôn mặt”, chẳng “bắp gân săn, căng ánh mặt trời”. Nhưng thợ lò ngày nay đã khác, tự tin với sức khỏe và tri thức ngày một tốt hơn, luôn lạc quan và tin tưởng. Nụ cười thợ lò lấp lánh như gương than đen nhánh, như những ánh đèn xa xa cuối đường hầm, lấp lánh như chiếc nhẫn cưới trên ngón tay đầy than của anh thợ trẻ.

5 giờ hơn, tôi về đến nhà. Thấy vợ đi chợ chưa về, tôi ngắm nghía tỉa lại vài chậu hoa dưới tán khế sai trĩu cành. Nhớ lại, cũng có không ít lo lắng, nhưng gia đình đã luôn ở bên và cảm thông để tôi gắn bó với nghề. Con trai lớn của tôi mới ra trường, học ngành cơ điện. Tôi cũng mong con sẽ nối nghiệp cha, là một người công nhân mỏ - dù nghề ít được biết đến và thấu hiểu như nhiều nghề khác. Để rồi mai này, từng ngày, những dòng thợ sẽ lại cần mẫn xuống lò sâu, để những dòng "vàng đen" nối tiếp lên mặt đất, tỏa đi khắp muôn nơi, làm giàu cho Tổ quốc./.

["Vùng mỏ của nước ta thật đẹp và giàu. Thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy trong chuyến thăm Hạ Long năm 1946. Viết tiếp truyền thống vẻ vang từ Cuộc tổng bãi công lịch sử của công nhân Vùng mỏ ngày 12/11/1936, 84 năm qua, người thợ mỏ đã luôn phát huy tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", không ngừng đổi mới, vượt qua thách thức để đưa ngành than phát triển bền vững.]


Thứ Năm, 06:00, 12/11/2020