Chiều 7/10, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. Cuộc làm việc nhằm triển khai các công việc chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam vào giữa tháng 10 của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.

Trước đó, truyền thông Nhật Bản cũng đã có nhiều bài viết đánh giá về tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách của chính quyền tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Theo tờ Nikkei, chuyến thăm Việt Nam thể hiện nỗ lực thúc đẩy chiến lược hướng đến một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được người tiền nhiệm Abe Shinzo khởi xướng.

Đáng chú ý, Việt Nam cũng chính là quốc gia mà ông Abe từng công du đầu tiên trên cương vị Thủ tướng vào năm 2012. Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam được đánh giá là có tiếng nói quan trọng và là đối tác đặc biệt nhằm giải quyết các vấn đề khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông và Hoa Đông, nơi Trung Quốc trong thời gian gần đây liên tục có các hành động làm leo thang căng thẳng được cho là có thể dẫn đến “những toan tính sai lầm và đối đầu” không cần thiết.

Điều này thể hiện rõ thông qua sự kiện, Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ngày 28/7 ký hiệp định vốn vay ODA trị giá 36,6 tỷ yen (348,2 triệu USD) cho dự án trang bị 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam nhằm tăng cường năng lực bảo đảm an ninh, an toàn trên biển. Trước đó, năm 2015 Chính phủ Nhật Bản từng viện trợ không hoàn lại 3 tàu đã qua sử dụng cho Cảnh sát biển Việt Nam cũng với mục đích trên.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, trong chuyến công du sắp tới, tân Thủ tướng Suga Yoshihide dự kiến sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nội dung chính trong cuộc hội đàm là việc duy trì và đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tuân thủ pháp luật, giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình cũng như xây dựng mối quan hệ ổn định và lâu dài với các nước láng giềng.

“Môi trường ngoại giao xung quanh Nhật Bản đang ngày càng trở nên khó dự đoán và kiểm soát hơn so với trước đây trong bối cảnh chủ nghĩa quốc gia dân tộc đang nổi lên và căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng… Chúng tôi muốn thúc đẩy tầm nhìn mang tính chiến lược và ổn định đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua việc hợp tác với những đối tác chia sẻ giá trị chung”, ông Kato nhấn mạnh.

Một trong những mục tiêu khác mà tân Thủ tướng Suga hướng đến khi chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của mình chính là việc nối lại đường bay quốc tế tới các quốc gia đã kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh Covid-19 – trong đó Việt Nam được đánh giá là “điển hình về phòng, chống dịch bệnh”.

Đây được kỳ vọng sẽ là “cú hích” về du lịch, thương mại và kinh tế quan trọng đối với cả Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh cả hai nước đã tính đến chuyện mở lại các đường bay quốc tế bắt đầu bằng việc nới lỏng dần những hạn chế về số lượng các chuyến bay thương mại.

Cụ thể, Nhật Bản sẽ mở cửa biên giới với công dân nước ngoài được cấp visa lao động và học tập có thời hạn tại nước này nhưng vẫn chưa tiếp nhận khách du lịch. “Để hồi sinh nền kinh tế, việc nối lại các chuyến bay quốc tế là không thể thiếu được”, Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh.

Ông Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế đồng thời phụ trách chiến lược ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi sẽ nới lỏng giới hạn tiếp nhận người nước ngoài vào Nhật Bản sau khi cân nhắc mức độ cần thiết của chuyến đi cũng như tình hình dịch bệnh tại chính quốc gia có công dân xin nhập cảnh”.

Hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản còn có sự gắn kết chặt chẽ khi cả 2 nước đều là các thành viên tích cực trong việc thúc đẩy đàm phán hướng đến ký kết Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các đối tác khác, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và các quốc gia khác trong ASEAN vào cuối năm 2020 với kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư về kinh tế cho mỗi quốc gia và toàn khu vực.

Trước đó, dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, Việt Nam cũng được coi là “thành tố quan trọng” trong chính sách ngoại giao trong khu vực của Nhật Bản. Chính ông Abe là người đặt bút ký vào bản Hiệp ước Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản vào tháng 2/2006 – tiền đề cho việc nâng cấp mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên trong tương lai. Nhật Bản cũng chính là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 7/2011.

Các chuyên gia nhận định, tân Thủ tướng Suga nhiều khả năng sẽ vẫn dành ưu tiên lớn về kinh tế cho Việt Nam giống như người tiền nhiệm, tuy nhiên, ông Suga cũng muốn tạo ra một số sự khác biệt nhằm “bước qua cái bóng” của chính ông Abe.

Giáo sư Go Ito, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Minh Trị, Tokyo, cho rằng: “Tân Thủ tướng Suga vẫn chưa có điều kiện để thể hiện một cách rõ rệt “màu sắc chính trị” của ông. Chính vì thế, chuyến thăm Việt Nam sẽ là cơ hội để ông thể hiện rõ với thế giới, ông đang mong đợi điều gì. Người tiền nhiệm Abe là một người rất thẳng thắn trong cách tiếp cận các vấn đề quốc tế nhưng chính sách của ông lại rất cứng rắn. Chính vì thế, ông Suga được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi qua cách tiếp cận mềm mỏng hơn”.

Như vậy, có thể thấy, việc lựa chọn Việt Nam làm điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga đã truyền đi một “thông điệp đặc biệt” về tầm quan trọng của Việt Nam trong mối quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, tài chính, thương mại… giữa hai nước.

Điều này được thể hiện rõ qua lời đánh giá của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Asano Katsuhito: “Sự kiện ông Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản là điều đặc biệt. Tôi rất vui vì điều này cho thấy, những thành quả về mặt ngoại giao của người tiền nhiệm đã được kế thừa và phát huy”.

Cũng theo ông Asano Katsuhito, Việt Nam đang là một điển hình của khu vực và thế giới về phòng, chống dịch Covid-19. Dù có chút đáng tiếc rằng, làn sóng dịch thứ 2 đã không bỏ qua Việt Nam, nhưng Việt Nam nhanh chóng khống chế được dịch bệnh chỉ trong một thời gian ngắn. Hơn thế nữa, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 2-3% trong năm 2020, nếu đạt được sẽ là một kỳ tích.

Chính vì vậy, việc Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên vừa chứng tỏ Việt Nam là một đối tác quan trọng, tin cậy của Nhật Bản vừa khẳng định vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được đánh giá cao.

“Nhật Bản, Mỹ và một số nước khác đang tập trung thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo tôi, việc Việt Nam có thể trở thành thành viên trong nhóm là rất tốt và Nhật Bản cùng các quốc gia khác chắc chắn sẽ ủng hộ sự tham gia của Việt Nam. Việc có được quan hệ tốt với Việt Nam cũng chính là vì lợi ích của Nhật Bản và cả của Việt Nam. Tôi đánh giá cao quan hệ giữa hai nước”, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh./.

Nội dung: Trần Khánh - Trình bày: Quang Huy

Thứ Ba, 06:00, 13/10/2020