Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc. Một trong số đó là chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Đặc biệt, xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Vậy thế nào là văn hóa trong Đảng. Văn hóa trong Đảng có ý nghĩa ra sao với văn hóa xã hội, văn hóa dân tộc? Phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để hiểu rõ hơn về nội dung này.
PV: Ông có thể cắt nghĩa rõ hơn về văn hóa trong Đảng?
PGS.TS Lê Quý Đức: Văn hóa trong Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam – PV) là khái niệm thao tác luận, đặt ra để xây dựng, phấn đấu đạt được các phẩm chất văn hóa tốt đẹp đối với toàn Đảng và đối với mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng.
Tôi cho rằng, khi nói văn hóa trong Đảng là muốn nói đến những phẩm chất văn hóa của Đảng, cụ thể là phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Còn văn hóa Đảng là một hiện tượng xã hội, là một kiểu, một dạng văn hóa, được tạo nên bởi nền tảng là truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Văn hóa trong Đảng với văn hóa Đảng không hoàn toàn thống nhất với nhau, có quan hệ với nhau.
Đảng Cộng sản Việt Nam dứt khoát phải tiếp nhận văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam cùng với tư tưởng về xây dựng một đảng chính trị kiểu mới của giai cấp công nhân theo quan điểm Mác Lênin.
PV: Vậy theo ông, văn hóa trong Đảng có ý nghĩa thế nào, có mang tính định hướng, dẫn lối đối với với văn hóa xã hội, văn hóa dân tộc hay không?
PGS.TS Lê Quý Đức: Tất nhiên là có, suy từ quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đảng là đạo đức, là văn minh”, xây dựng văn hóa trong Đảng với những phẩm chất đạo đức, văn minh. Như vậy văn hóa trong Đảng là dẫn đạo cho văn hóa dân tộc. Văn hóa trong Đảng khi đó thực sự là kết tinh của văn hóa dân tộc, là biểu tượng của văn hóa dân tộc, là mẫu mực của văn hóa dân tộc. Nó kết tinh ở lực lượng lãnh đạo của xã hội, vì thế tác động rất mạnh mẽ đến xã hội.
Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, người ta soi mình vào Đảng, cũng tức là soi vào văn hóa Đảng để xây dựng văn hóa của cả cộng đồng. Văn hóa Đảng kết tinh trong văn hóa của lãnh tụ, như một mẫu mực để cho cả dân tộc hướng tới, soi vào đó để nâng cao văn hóa của mình lên, mỗi cá nhân có ý thức nâng cao văn hóa của mình sẽ làm cho văn hóa của dân tộc cũng được nâng lên.
Nhưng thực tế hiện nay, một bộ phận đảng viên đã không giữ được đạo đức, phẩm chất, lối sống… ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của Đảng.
Nói như vậy để thấy văn hóa trong Đảng rất có ý nghĩa, vì Đảng là đạo đức là văn minh, là mẫu mực của đạo đức, của văn minh. Đấy là văn hóa. Nhân dân hướng theo Đảng để phấn đấu. Trong Nghị quyết Đại hội X có nói, “suy thoái về tư tưởng đạo đức đe dọa tới sự tồn vong của Đảng. Nếu xây dựng được văn hóa trong Đảng thì chế độ vững vàng, Đảng tồn tại”.
PV: Vậy nên, muốn giữ gìn chế độ thì trước hết phải giữ gìn văn hóa trong Đảng
PGS.TS Lê Quý Đức: Đúng như vậy. Không để người ta nói “cán bộ đảng viên có chức quyền mà còn tham nhũng, tiêu cực thì nói được ai”. Những cái xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và ngược lại.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, hay Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã tổng kết rất rõ những biểu hiện tiêu cực, đó là suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; tự diễn biến, tự chuyển hóa… Nghị quyết Đại hội X còn cảnh báo, đó là mối đe dọa tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Cán bộ, đảng viên mà tiêu cực thì làm cho người dân, xã hội mất lòng tin vào Đảng, lý tưởng của Đảng.
PV: Vậy chúng ta làm gì để đấu tranh với các biểu hiện phản văn hóa trong Đảng?
PGS.TS Lê Quý Đức: Đường lối Đảng đề ra từ năm 1930, có thể trong thực hành có những vấp váp, sai lầm, khuyết điểm, nhưng rõ ràng đường lối ấy phải là đúng đắn mới đưa đất nước đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám. Rất nhiều cán bộ đảng viên gương mẫu, đấu tranh đã giành được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là thành tựu rất to lớn.
Dù muộn nhưng chúng ta cũng đã đổi mới để đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đảng tồn tại hơn 90 năm nay cũng bởi chúng ta quyết tâm giữ gìn văn hóa trong Đảng, đấu tranh quyết liệt với những hiện tượng phản văn hóa. Đó chính là “một bộ phận không nhỏ” cán bộ suy thoái.
PV: Vậy trong bối cảnh mới hiện nay, có thể hiểu việc xây dựng, phát triển văn hóa trong Đảng cũng chính là xây dựng Đảng theo những giá trị tích cực, theo hướng kiến tạo để Đảng ngày càng vững mạnh, quần chúng tin yêu?
PGS.TS Lê Quý Đức: Đúng như thế! Ta đã xây dựng được văn hóa trong Đảng. Câu “Đảng là đạo đức, là văn minh, là độc lập, hòa bình, ấm no/ Công ơn Đảng thật là to, 30 năm lịch sử Đảng là một pho lịch sử bằng vàng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết trong diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960, đánh giá 30 năm ra đời của Đảng, Đảng đã đạt được những thành tựu như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định trên phương diện văn hóa “Đảng là đạo đức, là văn minh”, đó là tổng kết rất lớn của Đảng. Đảng có đạo đức thì người dân mới theo Đảng, có văn hóa mới lãnh đạo được dân tộc giành được độc lập.
Còn hôm nay, phải tiếp tục xây dựng và nâng cao văn hóa trong Đảng. Một mặt phải đưa những phẩm chất mới vào, nâng cao những phẩm chất cũ lên. Từ người trung thành với lý tưởng cách mạng, chiến đấu cho độc lập tự do, thì hôm nay chiến đấu cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Từ năng lực chỉ là dũng cảm, giờ cần phải sáng tạo, thích ứng tích cực… Mặt khác, phải loại bỏ những tư tưởng lạc hậu hay những cá nhân bảo thủ lạc hậu, chống lại những phần tử suy thoái đạo đức lối sống, thanh lọc cho trong sáng.
PV: Xin cảm ơn ông./.