Luật Quy hoạch đô thị có những quy định để phù hợp cho quá trình phát triển của đô thị Việt Nam. Tốc độ đô thị hóa nhanh ở các đô thị lớn thì việc tăng chiều cao, mật độ dân cư là không tránh khỏi nhưng để lại hậu quả là quy hoạch không đồng bộ. Việc điều chỉnh quy hoạch các dự án có thể lên đến 40 - 70%, có một dự án cá biệt chỉnh sửa đến 6 lần. Việc điều chỉnh quy hoạch có thể thực hiện do chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, nhưng đồng thời gắn với lợi ích của chủ đầu tư, đâu đó là bóng dáng của lợi ích nhóm.

Điều chỉnh quy hoạch cục bộ tùy tiện, thiếu tính ổn định như tăng mật độ xây dựng, biến khu sản xuất thương mại thành nhà ở cao tầng đông đúc đang gây quá tải đến hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, điều chỉnh xây chen vào các toà nhà cao tầng thì đó lại là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu đã quy hoạch đô thị thì phải đảm bảo tỷ lệ về cây xanh, mặt nước, diện tích xây dựng, tỷ lệ dân số trong khu đô thị. Trước khi điều chỉnh quy hoạch một khu đô thị cần phải làm rõ vì sao lại điều chỉnh, điều chỉnh đó có vi phạm những quy định của thành phố, Nhà nước, Chính phủ hay không và có đi trái với quy hoạch đã được duyệt lần đầu không?

 “Khi làm quy hoạch phải trải qua rất nhiều các cấp thẩm định để ra được quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị đó nhưng khi điều chỉnh chúng ta điều chỉnh lung tung. Toà nhà HH xuất hiện ở khu đô thị Linh Đàm thể hiện một sự vô trách nhiệm của các cấp quản lý” - KTS Phạm Thanh Tùng chỉ rõ.

Công tác hậu kiểm việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết nhưng điều chỉnh quy hoạch phải phù hợp với luật pháp. Quy hoạch cần được điều chỉnh khi thấy có lợi cho xã hội, cho nền kinh tế.

“Cấp duyệt quy hoạch thì cấp đó điều chỉnh nhưng hiện nay điều chỉnh manh mún, nhiều nơi quy hoạch bị băm nát. Khi duyệt quy hoạch có hội đồng nhưng điều chỉnh thì không thông qua hội đồng, điều này dễ dẫn tới chủ đầu tư “lách” để thay đổi dự án. Vẫn cho điều chỉnh quy hoạch, vẫn phải thực hiện nhưng phải quản lý chặt, siết lại quy trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch” - KTS Phạm Thanh Tùng nêu ý kiến.

Hiện trên cả nước có gần 1.400 dự án được điều chỉnh quy hoạch, trong đó có những dự án điều chỉnh lên tới 5 - 6 lần. Hà Nội và TP.HCM được xác định là có tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ đứng đầu cả nước, lần lượt là 70% và hơn 40%.

Không công bố công khai đồ án được duyệt, công bố quy hoạch chi tiết chậm được nhắc tới nhiều lần trong kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng trong quá trình thanh tra các dự án của Hà Nội. Trong đó, có thể kể đến việc công bố công khai không đúng quy định về hình thức và nội dung; không trưng bày thường xuyên, liên tục bản vẽ tại khu vực lập quy hoạch; không thông tin rộng rãi. Đặc biệt không công bố công khai quy định quản lý dẫn tới việc mập mờ trong xử lý nếu có vi phạm.

Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng: “Công khai thông tin là rất quan trọng, việc công khai như thế nào cũng rất quan trọng. Chúng ta biết rằng tòa nhà được che kín, đập phá đi thì chỉ qua thông tin đại chúng thì các cấp mới biết, nhìn giấy tờ thì rất đúng quy trình. Người ta bỏ đi khâu nào đó thì nó thành mù mờ”.

Theo quy định tại điều 53 Luật Quy hoạch đô thị 2009, đồ án quy hoạch đô thị kể từ ngày phê duyệt phải được công bố trong thời hạn 30 ngày. Tuy nhiên, có những dự án công bố chậm tới 150 ngày là điều cần phải xem xét.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng: “Để minh bạch các đồ án quy hoạch trước hết, yêu cầu địa phương rà soát, quản lý điều chỉnh, bổ sung các nội dung còn thiếu của văn bản thuộc cấp. Bên cạnh đó, các đồ án quy hoạch được điều chỉnh, phê duyệt, chấp thuận phải được gửi hồ sơ về các quận, huyện giám sát. Thực tế, các vi phạm tại địa phương chậm được phát hiện hoặc phát hiện xong khó xử lý... chủ yếu do thiếu sót vấn đề này”.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quan điểm điều chỉnh quy hoạch đúng hay sai thì cơ quan chuyên môn mới nhìn được. Nếu sai thì người nào, giai đoạn nào sai thì phải chịu trách nhiệm, không phải các đối tượng đó nghỉ hưu, không làm việc nữa thì thôi, nếu đã sai thì phải xử lý. Câu chuyện này là của Đảng Nhà nước, vì kể cả hưu trí dù sai vẫn phải xử lý, do đó, người nào làm sai thì chịu trách nhiệm.

“Những vi phạm trong công tác quy hoạch là sai lầm nghiêm trọng và khó có thể khắc phục được. Do đó, việc xử lý vi phạm không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm” - ông Nguyễn Văn Đính nêu rõ.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Văn Đính, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, đối với các vi phạm trong quy hoạch xây dựng rất khó khắc phục vì các tòa nhà dân sự đập phá đi cũng không đơn giản, có những chỗ đập phá đi hậu quả cũng không kém gì so với việc không đập phá. Chính vì vậy, việc xử lý phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo.

“Khi xây dựng 1 tòa nhà sai quy hoạch, sai phép nếu bắt nhà đầu tư trả lại mặt bằng không gian một cách thuận lợi thì chúng ta phải thực hiện nhưng nếu như việc bắt trả lại mặt bằng, trả lại không gian tốn kém hơn nhiều so với việc người ta xây dựng thì chúng ta nên thu hồi sản phẩm đó, chuyển công năng của sản phẩm đó, nó không phải sản phẩm thương mại của nhà đầu tư nữa mà trở thành công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư” - GS.TS. Hoàng Văn Cường đề xuất, đồng thời cho rằng nếu chúng ta làm được việc đó thì sẽ khắc phục được lợi ích cho xã hội, không gây lãng phí, nó cũng sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho cộng đồng dân cư ở đó và đặc biệt sẽ là bài học cho nhà đầu tư khi đầu tư bất chấp.

“Nhà đầu tư nếu cố tình sai phạm thì sẽ bị xử lý, thu hồi chứ không được hưởng lợi. Sai phạm này cũng khiến chúng ta phải nhìn lại quy trình thẩm định quy hoạch cũng như công tác quy hoạch trong thời gian qua liệu có vấn đề gì cần điều chỉnh để tránh lặp lại trong tương lai” - GS.TS Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận một thực tế, trong quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch thì cũng có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, không tuân thủ quy định của pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch, dẫn đến có thể phá vỡ quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Trách nhiệm trước hết là thuộc về các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Thứ hai là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phát hiện cũng như hướng dẫn các địa phương trong việc điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị. Cũng chưa kịp thời rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo các quy định chặt chẽ hơn, trong nhất là quy định đối với việc điều chỉnh quy hoạch và cũng chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm”.

Giải pháp trong thời gian tới là Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật để đảm bảo quy định chặt chẽ hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch cũng như là quy định rõ trong công tác xử lý vi phạm, tăng cường thanh tra, kiểm tra. Đề nghị các địa phương cũng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng để thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thêm./.


Chỉ đạo nội dung: Phạm Công Hân

Nội dung: Vũ Hạnh - Hoài Lam - Cẩm Tú

Ảnh: Vũ Toàn | Thiết kế: Hà Phương

31/12/2022 - 19:00