Được trao danh hiệu khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội, thế nhưng những năm gần đây khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã trở nên “khó sống” khi những điều kiện hạ tầng kỹ thuật, giao thông, xã hội thiếu thốn, quá tải và không đảm bảo.

Thời điểm đầu năm học 2022 -2023, một cuộc bốc thăm chưa từng có của ngành giáo dục Hà Nội đã diễn ra tại khu đô thị Linh Đàm - “bốc thăm chọn học sinh vào mầm non”. Quyền được đến trường của những đứa trẻ lại trở thành một trò may rủi. Những gia đình không may mắn trong cuộc rút thăm này lại nuôi mơ ước cho một cuộc rút thăm năm tới bởi điều kiện kinh tế, việc di chuyển không cho phép họ đưa con đi học ở những nơi khác.

“Bốc thăm chọn học sinh vào mầm non” năm học 2022-2023 tại khu đô thị Linh Đàm.

Trong năm học 2022-2023, Trường mầm non Hoàng Liệt nhận được 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi, tăng 100 bé so với dự kiến, 13 lớp được mở, đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học. Còn đối với trẻ 3-4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm được 333 trẻ/713 hồ sơ đăng ký; 380 hồ sơ vượt chỉ tiêu. Trường mầm non Hoàng Liệt đã báo cáo với quận Hoàng Mai, phường Hoàng Liệt và phụ huynh, thống nhất tổ chức cho các vị phụ huynh bốc thăm để giải quyết tình cảnh hồ sơ vượt chỉ tiêu.

Bà Trịnh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoàng Liệt cho biết, nhà trường không hề mong muốn có buổi bốc thăm này. Tuy nhiên, năm nay số lượng trẻ đăng ký vào trường tăng đột biến và là tiền lệ chưa từng có.

“Nhà trường đã có 4 buổi họp phụ huynh để thống nhất phương án bốc thăm nhằm tuyển đủ số chỉ tiêu theo quy định, đây là cách duy nhất ở thời điểm hiện tại để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh. Mong năm tới các cơ sở giáo dục mới được mở sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân” - bà Trịnh Thị Thu Hương nói.

Hà Nội hiện ngày càng có nhiều “siêu phường” do sự phát triển nhanh chóng của các khu đô thị, những tòa chung cư. 18 năm trước, xã Hoàng Liệt (thuộc huyện Thanh Trì) chỉ có khoảng 14.000 dân. Hiện tại, dân số phường Hoàng Liệt hơn 80.000 người, gấp hơn 5,7 lần và là một trong những phường đông dân nhất cả nước. Vấn đề quá tải hạ tầng đã được đặt ra, tốc độ xây dựng các công trình giao thông, trường học… không theo kịp với tốc độ tăng dân số.

Ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai cho biết: “Việc bốc thăm đi học là tình huống bắt buộc phải làm và không còn cách nào khác. Để đảm bảo công bằng, minh bạch, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo cuộc bốc thăm. Đồng thời, việc bốc thăm cũng được ghi hình lại”.

Năm học 2022 – 2023, toàn bộ quận Hoàng Mai tăng 3.700 học sinh khối công lập, chưa kể số học sinh đăng kí vào các nhóm trường ngoài công lập cũng quá tải. Đồng thời, toàn quận Hoàng Mai hiện cũng thiếu khoảng 470 giáo viên. Về trường lớp, tính sơ bộ một trường khoảng 1.700 học sinh, quận Hoàng Mai cần ít nhất khoảng 3 trường mầm non nữa mới đáp ứng được nhu cầu.

Hiện tại, dân số phường Hoàng Liệt hơn 80.000 người, gấp hơn 5,7 lần và là một trong những phường đông dân nhất cả nước.

Quận Hoàng Mai trước có tổng 416 nhóm trường ngoài công lập, năm học này, toàn quận chỉ còn 354 nhóm lớp, 62 nhóm lớp đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch bệnh từ những năm trước. Ngoài việc thiếu lớp học, thì tình trạng thiếu giáo viên cũng nghiêm trọng, một phần vì nhà trường không đủ tiền thuê, một phần giáo viên mầm non cũng nghỉ việc vì lương quá thấp.

Nguyên nhân của việc quá tải, theo lãnh đạo quận Hoàng Mai là do các khu đô thị mới được xây dựng nhanh chóng trên địa bàn. Những dự án chung cư được triển khai nhiều trong khi hạ tầng không đáp ứng được.

Ông Đỗ Viết Chiến, Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị; Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam - “cha đẻ” của đồ án quy hoạch Linh Đàm cho rằng, khu đô thị Linh Đàm đã méo mó, không còn như quy hoạch ban đầu, mục tiêu xây dựng khu dịch vụ phía Nam thành phố Hà Nội cũng không đạt được .

“Đồ án quy hoạch khu đô thị Linh Đàm được triển khai từ năm 1990 - 1992. Thời đó, nó có tên Khu Dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm. Hơn 184 ha thì có đến 74 ha dành cho quy hoạch mặt nước, hồ Linh Đàm có hình móng ngựa. Những khu vực phát triển tại khu đô thị Linh Đàm với quy hoạch bài bản về không gian mặt nước, công viên cây xanh, dịch vụ… Chính vì thế, dự án hồ Linh Đàm năm 1994 đã được giải thưởng kiến trúc quốc gia. Ngay từ tên gọi của đồ án đã phác thảo rõ, phát triển khu dịch vụ sẽ là chính, sau đó đến nhà ở. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển khu Linh Đàm hầu hết là phát triển nhà ở” - ông Chiến nói.

Sau 20 năm, khu đô thị Linh Đàm đã không còn nhìn dáng của đồ án quy hoạch ban đầu. Định hướng quy hoạch một kiểu nhưng sau các lần điều chỉnh lại khiến quy hoạch bị méo mó, biến dạng và trở nên "quái dị", khiến nơi đáng sống một thời trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều người mỗi ngày đi làm về hoặc có việc phải di chuyển tới đây.

“Sau khi cho ồ ạt xây dựng chung cư thì 12 tòa chung cư HH như một cái bàn đinh bổ nhát cuối vào đồ án quy hoạch làm biến dạng hoàn toàn đồ án quy hoạch” - ông Chiến đau xót nói.

Trong hệ thống hơn 800 đô thị lớn nhỏ trên đô thị khắp nước, với các đô thị lớn từ loại III trở lên, vấn đề quy hoạch bị điều chỉnh méo mó như ở Linh Đàm phổ biến. Đó là sự thiếu đồng bộ giữa phát triển nhà ở và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Việc bốc thăm xin học cho con vào trường dường như là “giọt nước tràn ly” khi việc phát triển đô thị chỉ hướng tới giá trị thương mại mà quên đi sự cân bằng cần thiết.

Với khu đô thị Linh Đàm vấn đề thiếu trường học hiện đang là bức xúc nhất, nhưng với khu vực đường Lê Văn Lương, quy hoạch phát triển ken đầy các tòa chung cư cao tầng hai bên đã khiến hạ tầng giao thông ở đây bị quá tải. Áp lực từ việc tăng dân cư, mật độ phương tiện khiến các tuyến đường khu vực này luôn trong tình trạng "căng như dây đàn".

“7h sáng, mật độ tham gia giao thông tại tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu đông, tình trạng ùn tắc cục bộ thường xuyên xảy ra. Nhiều người phải chọn lối tắt đi ngược chiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đường Lê Văn Lương hay cả đường Tố Hữu xây nhiều đô thị, nhà cao tầng, mật độ dân số quá đông” - bà Trần Thị Hương ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bức xúc.

Theo người dân sống ở khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, tìm khu vui chơi công cộng rất khó ở khu vực này là thực trạng nhiều năm nay. Quỹ đất dành cho dự án nhiều hơn là cho phát triển hạ tầng xã hội.

Mật độ chung cư dày đặc trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Những ô đất quy hoạch công trình công cộng của thành phố, công viên cây xanh chưa được quan tâm đầu tư gồm: Khu văn hóa thể thao và du lịch Nam Từ Liêm do Công ty CPĐT Văn Phú – ITC làm chủ đầu tư; Công viên hồ điều hòa Trung văn giao cho công ty CP tập đoàn Phú Mỹ và Công ty Đầu tư Văn Phú - Invest làm chủ đầu tư; Diện tích cây xanh thuộc dự án Khu đô thị Phùng Khoang do Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Tiện ích xã hội chưa có, nhưng phần dự án thương mại đã được chủ đầu tư thực hiện.

Cả một tuyến đường được quy hoạch rất chặt chẽ. Vậy mà thực tế lại thiếu tới hàng trăm nghìn m2 cho trường học, trạm xá, cây xanh.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra những sai phạm ở khu vực này, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án.

VOV.VN tiếp tục phân tích những hệ lụy của phá vỡ quy hoạch Hà Nội./.


Chỉ đạo nội dung: Phạm Công Hân

Nội dung: Vũ Hạnh - Hoài Lam - Cẩm Tú

Ảnh: Vũ Toàn - Ngô Nhung | Thiết kế: Hà Phương

29/12/2022 - 19:55