Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai và dịch bệnh, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt khó, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khoá, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước. Nỗ lực của ngành tài chính đã góp phần tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. 

Nhân dịp đầu xuân mới Tân Sửu 2021, phóng viên Báo điện tử VOV đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính để cùng nhìn lại hoạt động của ngành Tài chính trong năm 2020 và mục tiêu cho năm 2021 này. 

PV: Năm 2020 đặt dấu mốc quan trọng trong phấn đấu hoàn thành các mục tiêu nhiệm kỳ 2016 - 2020. Nhìn lại năm 2020 và cả chặng đường 5 năm, Bộ trưởng có thể cho biết những điểm nhấn nổi bật của ngành Tài chính?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nhiệm vụ tài chính – NSNN 5 năm 2016-2020 được triển khai thực hiện trong điều kiện có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, thậm chí phát sinh những yếu tố chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là những năm cuối nhiệm kỳ 2016-2020, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn leo thang, đại dịch Covid-19 xuất hiện, đã làm cho nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế trong nước phục hồi tích cực trong các năm 2016-2019, nhưng đã suy giảm mạnh, chỉ đạt 2,9% trong năm 2020, kéo tăng trưởng cả giai đoạn 2016-2020 xuống mức 6% (kế hoạch là 6,5-7%). Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, chúng tôi đánh giá đã đạt và vượt mục tiêu các nhiệm vụ tài chính – NSNN được đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội. Cụ thể, về thể chế, cho đến nay, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, chế độ về tài chính – NSNN đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, phù hợp với tình hình thực tế và các cam kết hội nhập, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính- NSNN.

Nhìn lại các chỉ tiêu về tài chính – NSNN 5 năm qua (2016 - 2020), ngành Tài chính đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra, từ cơ cấu thu - chi, tỷ lệ huy động, bội chi, nợ công… Về quản lý, điều hành thu, chi NSNN, tổng số thu NSNN 5 năm 2016-2020 đạt 100,4% kế hoạch đề ra, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt trên 25% GDP (mục tiêu đề ra là 23,5% GDP), mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến; đồng thời, giảm các nghĩa vụ thu thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức chiết trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, xóa bỏ khoảng 340 khoản phí, lệ phí... Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84-85%), tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.

Quy mô chi NSNN 5 năm 2016-2020 đạt 28% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP). Đồng thời, chúng ta thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, cho nên bội chi và nợ công cũng không tăng đáng kể. Đó là những thành quả đáng tự hào. Bội chi NSNN cả giai đoạn giảm còn khoảng 3,6%GDP (mục tiêu là dưới 3,9%GDP); giảm mạnh nợ công từ mức 63,7%GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 55,8%GDP cuối năm 2020 và cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững hơn, kéo dài kỳ hạn nợ, giảm mạnh lãi suất huy động, tăng tỷ trọng huy động trong nước...

Phát hành trái phiếu Chính phủ hơn 300.000 tỷ đồng, chủ yếu phát hành kỳ hạn 10 -15 - 20 năm, thời hạn bình quân trên 13 năm nhưng lãi suất có 2,88%/năm. Có thể nói là nếu tính toán thì hiện nay lãi vay trái phiếu Chính phủ Việt Nam trong nước còn rẻ hơn cả vay ưu đãi nước ngoài, vay ngoài còn rủi ro tỷ giá, thực hiện dự án…

Chúng tôi cho rằng năm 2020 là một năm thành công, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá trong hội nghị tổng kết Chính phủ với các địa phương, là thành công hơn năm 2019 .

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2020 đã qua với nhiều khó khăn và vất vả. Tuy nhiên, năm 2021 được dự báo tình hình còn khó khăn hơn khi dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp. Vậy theo Bộ trưởng, tới đây, cần có những chính sách, giải pháp gì hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, để hỗ trợ DN, người dân ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế như: Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Quyết định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19... Đó là những giải pháp rất quan trọng. Trước hết là giúp cho người dân, doanh nghiệp, những người kinh doanh mà nằm trong đối tượng được gia hạn không đứt gãy dòng tiền và giảm chi phí lãi vay rất quan trọng.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ rà soát, nghiên cứu thực hiện miễn, giảm nhiều khoản phí và lệ phí, theo đó, đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định (về lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ) và ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư để sửa đổi 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành theo hướng miễn hoặc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí, cụ thể như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...  

Có thể thấy, đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.

Trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Trước mắt, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không, ước tính số tiền thuế được giảm để hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 900 tỷ đồng. Tiếp tục rà soát, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19 từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/6/2021 với số tiền phí, lệ phí ước giảm khoảng 1.000 tỷ đồng; trình Chính phủ hướng dẫn việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, ước tính số tiền thuế doanh nghiệp được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỷ đồng.

Cùng với việc xây dựng, triển khai các giải pháp về chính sách nêu trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp... góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.

PV: Một trong những thành tích của ngành Tài chính được Chính phủ và người dân ghi nhận là cải cách hành chính và phổ cập ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là thuế và hải quan điện tử. Bộ Tài chính đã có 6 năm liên tục đứng trong nhóm đầu về Chỉ số cải cách hành chính, 8 năm liền đứng đầu về xếp hạng mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin trong khối bộ ngành và cơ quan Trung ương. Vậy công tác cải cách hành chính của ngành Tài chính sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới như thế nào, để phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Có thể nói là đạt được những kết quả như vừa qua là một sự nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính và chúng tôi cho đây là nền tảng rất quan trọng để tự tin bước vào giai đoạn tới để tiếp tục cải cách hành chính, trong điều kiện đất nước ta đang đổi mới phát triển và trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cũng như trong điều kiện hiện nay và chắc còn tác động trong vài năm tới về dịch Covid-19 đến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.

Do đó, trong giai đoạn tới, chúng tôi cho rằng việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách về thể chế về mặt tài chính là rất quan trọng, tiên phong trong lĩnh vực hội nhập kinh tế của đất nước ta. Và như vậy thì phải xây dựng một nền hệ thống thể chế tài chính rất hiện đại và đảm bảo quá trình cơ cấu lại NSNN, đảm bảo quá trình quản lý an toàn nợ công và đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, nhưng đồng thời phải phù hợp với thông lệ quốc tế phục vụ cho quá trình hội nhập của đất nước và đảm bảo yêu cầu cạnh tranh của nền kinh tế. Đấy là vấn đề rất quan trọng.

Thứ hai, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào cải cách tổ chức bộ máy tinh giản biên chế, đồng thời với đó là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tài chính hiện đại, có trình độ cao.

Thứ ba là tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính làm sao đơn giản hóa nhất, minh bạch nhất và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng nhất để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh để phát triển đất nước.

Đồng thời, chúng tôi hướng tới và tiếp tục triển khai đẩy mạnh xây dựng nền tài chính số kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các vụ tài chính thông minh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra và diễn biến phức tạp.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.


Tác giả: Cẩm Tú | Thiết kế: Thu Thủy

Thứ Sáu, 12:00, 12/02/2021