Dịch Covid-19 có một thời gian đã làm ách tắc các tuyến vận chuyển hàng nông sản, hiện tượng ùn ứ tại các cửa khẩu, nông sản xuất khẩu gặp khó khăn. Các giải pháp được đưa ra để kết nối, lưu thông các tuyến đường đi cho nông sản. Những phương án kết nối khu vực cửa khẩu khi có dịch dùng xe trung chuyển, phối hợp quốc tế, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, xuất khẩu chính ngạch, hướng tập trung tiêu thụ nội địa khi xuất khẩu gặp khó… Đến nay, tuy vẫn còn một số trở ngại nhưng sản xuất và xuất khẩu nông sản đã chủ động chuyển trạng thái khi có dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, đến lần dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, điểm bùng phát tại các khu công nghiệp, câu chuyện chống dịch và không để đứt gãy sản xuất trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và TP.HCM - các địa phương đang có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất - cũng là những đầu tàu về xuất khẩu, cả 4 thành phố đều nằm trong top các địa phương xuất khẩu lớn nhất cả nước. Tổng giá trị xuất khẩu của 10 địa phương đứng đầu cả nước là 213 tỷ USD thì các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, và TP.HCM chiếm 51,2% lượng hàng xuất khẩu. Riêng TP.HCM và Hà Nội thì chiếm 40% GDP của cả nước.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, 5 tháng năm 2021, cả nước có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 5 tháng qua, cả nước có 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng dưới tác động của dịch bệnh "sức khỏe" của doanh nghiệp sẽ yếu đi theo thời gian. Có rất nhiều doanh nghiệp chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, nguyên nhân rất lớn đến từ những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

(Ảnh PV - VOV)

Thực tế, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 rất nguy hiểm, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài thì con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng. Do vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới cần phải tính toán kỹ hơn, thực sự công bằng hơn.

“Nên thay đổi cách tiếp cận, thay vì hỗ trợ trực tiếp như hỗ trợ tài chính thì nên thay đổi cách tiếp cận theo hướng đầu ra thì doanh nghiệp được hưởng lợi ngay và lại không phải qua thủ tục hành chính. Tôi lấy ví dụ như, dịch vào, doanh nghiệp bị tác động rồi, lại phải thêm chi phí phòng chống dịch. Nếu như với chi phí doanh nghiệp bỏ ra để phòng, chống dịch Chính phủ không đánh thuế nữa thì sẽ rất thiết thực mà lại công bằng” - ông Phan Đức Hiếu đề nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp đang hoạt động, có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi toàn cầu. Mật độ công nhân lao động sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh rất đông, cao gấp 5 lần cả nước. Nhiều người ngoại tỉnh và công nhân, người lao động làm trong và ngoài khu công nghiệp, mật độ dân số đông (lao động ngoại tỉnh chiếm 75%) việc quản lý, theo dõi chính xác thông tin sức khoẻ đối tượng này gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề là phần lớn các doanh nghiệp không có ký túc xá cho công nhân; người lao động phải tự thuê nhà trọ tại các địa phương lân cận với khu công nghiệp; nhiều người lao động nhập cư có tâm lý sợ mất việc làm, sợ không có lương nếu phải cách ly nên khai báo y tế không trung thực. Dịch diễn biến rất nhanh nên gặp khó khăn khi thực hiện mua sắm khẩn cấp các trang thiết bị, vật tư hoá chất, sinh phẩm.

Tổ giám sát thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đang kiểm tra nhà xưởng tại Bắc Giang trước khi hoạt động trở lại (Ảnh Bộ Y tế)

Tại Bắc Giang, sau một thời gian tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp trên địa bàn, nhằm khống chế dịch Covid-19 một cách triệt để, tỉnh Bắc Giang đã cho 13 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoạt động trở lại với tổng số hơn 5.000 công nhân theo phương thức vừa sản xuất vừa chống dịch, bảo đảm phát triển kinh tế, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và ổn định đời sống công nhân.

Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, việc cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại giúp sản xuất khôi phục song hành với công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”.

“Bắc Giang được các bộ, ngành trung ương hướng dẫn các quy định đảm bảo công tác phòng dịch và tiếp tục sản xuất. Việc vừa chống dịch vừa sản xuất sẽ được thí điểm, đánh giá sau đó được mở rộng ra các khu công nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh, đây cũng là điểm khác với các lần chống dịch trước đây. Công nhân sẽ sản xuất và ăn ở tập trung tại các nhà máy. Bắc Giang sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ công nhân khu công nghiệp” - ông Đào Xuân Cường nói.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, đợt dịch thứ 4 đặt ra những vấn đề khác, ưu tiên số 1 là chống dịch nhưng song hành là không để đứt gãy các chuỗi sản xuất.

“Trong chiến lược quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp cần có những phương án chuẩn bị, ứng phó với dịch bệnh, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong các khu công nghiệp. Việc xây dựng chỗ ở tập trung, phục vụ ăn uống cho công nhân trong một chuỗi khép kín ở các nhà máy khu công nghiệp sẽ là giải pháp lâu dài. Như vậy, chúng ta dễ khoanh vùng, dập dịch, không để lan rộng trong cộng đồng. Hiện nay, công nhân đang phải tự lo chỗ ăn ở, ở trọ quanh khu công nghiệp khi xảy ra dịch bệnh sẽ dễ lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, việc quy hoạch tập trung từ sản xuất, đến sinh hoạt ăn ở sẽ giúp tiết kiệm được nguồn lực đầu tư” - ông Ngô Trí Long nói.

(Ảnh PV - VOV)

Về vấn đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại trong khu công nghiệp, đầu tiên phải hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện 5K. Chủ động đánh giá mức độ an toàn của dịch Covid-19, cập nhật bản đồ an toàn, sống chung với dịch bệnh để có phương án sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, cần khẩn trương truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhất là những ổ dịch đã lan vào khu công nghiệp, khu chế xuất. Về việc cho phép nhập cảnh một số chuyên gia đầu ngành cần cách ly bắt buộc và việc tổ chức làm việc trực tuyến cho các chuyên gia khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp kể cả trong nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cần tích cực tham gia thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ, xét nghiệm từng bộ phận để bảo đảm sản xuất an toàn. Mặt khác cần chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung; tránh tình trạng, một nhà máy có dịch, dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Nhưng tránh tình trạng cực đoan, cảm thấy nguy cơ có dịch cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương.

(Ảnh TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp với 63 địa phương (ngày 29/5) nhấn mạnh các địa phương phải thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch bệnh tại các địa điểm này, tránh xảy ra những diễn biến bất ngờ, phức tạp. Thủ tướng yêu cầu chuyển trạng thái “phòng thủ” tại các khu công nghiệp sang “tấn công” dịch bệnh. Một trong những biện pháp “tấn công” là ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân.

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là ban quản lý các khu công nghiệp và chủ doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân và người dân, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Theo đó, phải tập trung bảo đảm sản xuất kinh doanh, nhất là trong các khu công nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ, để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất./.

Thứ Tư, 06:00, 09/06/2021