Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, trong nhiệm kỳ tới, ông Putin sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn. Nhưng với vị thế là người lãnh đạo đất nước, ông Putin sẽ làm tất cả để đưa Nga vượt khỏi tâm bão này.



PV: Kết thúc 3 ngày bầu cử, theo kết quả kiểm phiếu, Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin đã bỏ xa các đối thủ khác với tỉ lệ phiếu bầu là hơn 87%; qua đó, ông Putin sẽ tiếp tục ở lại Điện Kremlin thêm 6 năm nữa. Vậy thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương liệu đây có phải là một chiến thắng dễ dàng cho đương kim tổng thống Putin?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đánh giá từ những cuộc bầu cử từ các cường quốc, tôi thấy có 2 yếu tố ảnh hưởng đến việc cử tri thay đổi lựa chọn người lãnh đạo của họ:

Thứ nhất, trong quá trình diễn ra đợt bầu cử, nếu tình hình xã hội rơi vào khủng hoảng thì cử tri cần thay đổi người lãnh đạo. Đó là lý do trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cử tri Mỹ đã không lựa chọn một ứng viên truyền thống mà lại đặt niềm tin vào doanh nhân Donald Trump, với hi vọng lựa chọn này sẽ có thể giải quyết tình trạng khủng hoảng về chính trị-xã hội lúc bấy giờ tại xứ sở cờ hoa. Thứ hai, Tổng thống đương nhiệm đã thực thi nhiều chính sách khiến cử tri không đồng tình, và vì thế, họ quyết định sẽ bỏ phiếu cho một người lãnh đạo với phong cách hoàn toàn khác.

Đối với nước Nga, cả hai yếu tố này đều không tồn tại. Dù Nga đang có xung đột vũ trang với Ukraine nhưng về cơ bản, tình hình nước Nga vẫn ổn định. Những nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân. Do vậy, việc ông Putin thắng cử trong cuộc bỏ phiếu lần này cũng không phải điều bất ngờ.  




PV: Theo Thiếu tướng, di sản của ông Putin đem lại cho nước Nga là gì sau tròn 20 năm nắm giữ cương vị Tổng thống?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chúng ta hãy đi từ thời điểm ông Putin chính thức trở thành Tổng thống Nga vào lúc 1 giờ chiều ngày 31/12/1999, sau khi người tiền nhiệm Boris Yeltsin quyết định trao lại chức vụ này cho ông.

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, cụ thể khoảng năm 1998-1999, nước Nga đang trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực. Nền kinh tế Nga gần như tan rã. Lạm phát lúc bấy giờ là 2500%, một mức lạm phát cao kỷ lục trong lịch sử thế giới. Toàn bộ nền công nghiệp Nga thâm hụt nặng, với 30% người Nga sống dưới mức nghèo khổ. Có 5500 tổ chức tội phạm hoạt động ở Nga với 3 triệu thành viên; trong khi 70% bộ máy quan chức tham nhũng. Điều đáng chú ý, về quốc phòng-an ninh, những năm 1998-1999, quân đội Nga có 1.400.000 quân nhân, nhưng chỉ có 10 tỷ USD đầu tư cho quốc phòng. Ở thời điểm đó, Mỹ có số quân tương đương, nhưng ngân sách quốc phòng là hơn 340 tỷ USD.

Vào thời điểm đó, các học giả chỉ xếp vị thế của Nga ngang với Ai Cập, thấp hơn Mexico, Tây Ban Nha. Thậm chí, Mỹ và châu Âu không cần tham khảo ý kiến của Nga trong các vấn đề quốc tế.

Có thể nói, nước Nga mà Tổng thống Putin tiếp nhận từ người tiền nhiệm đã gần như sụp đổ. Di sản lớn nhất trong thời gian làm Tổng thống Nga của ông Putin là việc ông đã khôi phục Nga từ đống đổ nát và biến quốc gia này thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay. Về kinh tế, năm 2014, Nga lọt top 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tiềm lực an ninh-quốc phòng của Nga cũng ngang ngửa Mỹ, trong khi tình hình xã hội Nga rất ổn định. Nga lấy lại vị thế chính trị trên trường quốc tế, có tiếng nói trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; cũng như tại các khu vực Trung Đông, châu Phi, châu Á.

PV: Theo Thiếu tướng, vậy trong suốt thời gian làm Tổng thống Nga, ông Putin có quyết định nào sai lầm không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Hơi sớm để đánh giá sai lầm của ông Putin, tôi xin dành câu hỏi này cho người Nga đánh giá. Tôi không dùng từ sai lầm, nhưng tôi nghĩ ông Putin chưa thành công ở những việc sau đây.

Thứ nhất, trong vòng 20 năm, ông Putin chưa thực sự thành công trong vấn đề kinh tế. Nền kinh tế khổng lồ của Nga trước đây chỉ tập trung vào công nghiệp nặng, nên việc chuyển dịch nền kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn. Dù đã cuộc vào thị trường thế giới tự do nhưng Nga chưa theo kịp tốc độ phát triển của thế giới. Thứ hai, ông Putin làm tốt ở mảng đầu tư công nghệ cao cho quốc phòng, nhưng việc đầu tư công nghệ để phục vụ kinh tế và cải thiện đời sống của người dân vẫn chưa thực hiện triệt để. Thứ ba, Tổng thống Nga đương nhiệm chưa có chính sách hợp lý để khuyến khích nhân tài phục vụ cho quốc gia, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.

Đặc biệt, chiến dịch quân sự đặc biệt từ 24/2/2022 đến nay có thể được xem là một thất bại đối với Tổng thống Putin bởi ông Putin có lẽ đánh giá chưa đúng đắn đối tượng đấu tranh đấu tranh của mình. Đối tượng trực tiếp của Nga là Ukraine, nhưng vẫn còn Mỹ và đồng minh châu Âu hậu thuẫn Ukraine trên các mặt quân sự, kinh tế, chính trị.

Năm 2014, khi Nga đưa quân vào bán đảo Crimea, quân đội Ukraine vẫn còn yếu kém. Chỉ có 24.000 quân Ukraine vào thời điểm đó, 4.000 quân Ukraine sau đó cũng đã xin đầu quân vào Nga và được ông Putin chấp nhận. Nga cũng cấp tiền cho 20.000 người mong muốn giải ngũ. Nhưng vào năm 2022, quân đội Ukraine được thay máu toàn bộ. Mỹ tổ chức lại quân Ukraine với những quân nhân trẻ khỏe hơn và loại hết sĩ quan thân Nga.

Thêm vào đó, ông Putin chưa lường trước được tình huống Mỹ và phương Tây sẽ đoàn kết chống lại Nga khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra. 42 quốc gia đoàn kết với Mỹ để bao vây cấm vận Nga. 11.500 lệnh trừng phạt mà Nga đang hứng chịu từ Mỹ và châu Âu là điều chưa từng có tiền lệ. 300 tỷ USD của Nga bị đóng băng tại các ngân hàng của Mỹ và châu Âu do vẫn còn bộ phận dự trữ ngoại tệ của Nga bằng đồng USD, đồng bảng Anh, đồng Euro chưa kịp chuyển đổi.



PV: Nếu đắc cử tổng thống thì ông Putin sẽ có nhiệm kỳ thứ 5 của mình và là nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Vậy ông Putin sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong nhiệm kỳ này nhất là trong hoàn cảnh chiến dịch quân sự tại Ukraine vẫn đang rất nóng bỏng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương : Thách thức đầu tiên là ông Putin phải làm thế nào để đoàn kết nội bộ. Tuy có 70-80% người ủng hộ đương kim Tổng thống, nhưng vẫn có nhiều lực lượng thù địch phản đối chính phủ của ông Putin. Ông Putin phải ổn định tình hình xã hội để đất nước phát triển, ổn định lòng dân để tiếp tục duy trì chiến sự ở Ukraine đang ngày càng trở nên khốc liệt.

Thách thức thứ hai là chuẩn bị nguồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine, bởi chiến sự Nga-Ukraine trong 2024 được dự báo vô cùng khó khăn. Mỹ và châu Âu tuyên bố không để Ukraine thua, trong khi ông Putin cũng đang dẫn dắt nước Nga giành chiến thắng. Đây là cuộc đối đầu lớn khốc liệt, có khả năng 50-50 là hai bên sẽ sử dụng đến vũ khí hạt nhân, như lời ông Putin đã cảnh báo.

Chiều hướng kết thúc cuộc chiến tại Ukraine không nằm trong tay Tổng thống Nga mà nằm trong tay Tổng thống Mỹ. Theo lời Thủ tướng Hungary, nếu đêm nay Mỹ không viện trợ cho Ukraine nữa thì sáng mai, Ukraine sẽ có hòa bình.

Thách thức thứ ba là khi cuộc chiến kéo dài, quan hệ giữa Nga với các đối tác sẽ gặp nhiều trở ngại. Nga phải củng cố quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Iran,…; tạo nên môi trường quốc tế thuận lợi để tiếp tục cuộc chiến.


PV: Đối với trường quốc tế, việc ông Putin tiếp tục nắm quyền tại nước Nga sẽ có ảnh hưởng và tác động như thế nào với cả đồng minh và đối thủ của Nga? Đặc biệt, về quan hệ với Mỹ, liệu trong nhiệm kỳ mới của ông Putin sẽ có những biến chuyển gì trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ cũng sẽ diễn ra vào cuối năm nay?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong quan hệ với Mỹ, Nga vẫn yếu thế hơn. Mỹ có thế và lực hơn Nga trên các mặt kinh tế, quốc phòng, ngoại giao. Nếu có biến chuyển mới trong mối quan hệ Mỹ-Nga, biến chuyển này phải đến từ Mỹ, cụ thể là thái độ của ông Biden.

Tuy nhiên, dù đang ở trong tâm bão nhưng Mỹ và Nga vẫn không thể hoàn toàn quay lưng lại với nhau. Nga vẫn là cường quốc an ninh thứ hai thế giới, sở hữu hơn 6000 quả bom hạt nhân; có hệ thống tên lửa siêu thanh vượt mọi lá chắn của Mỹ. Nếu Nga trở thành kẻ thù của Mỹ thì Nga sẽ bắt tay với Trung Quốc. Mỹ khó lòng đối phó với liên minh Nga-Trung. Do vậy, không sớm thì muộn, cơn bão cũng tan. Mỹ và Nga sẽ lại bắt tay với nhau sau khi chiến sự Nga-Ukraine kết thúc.

Hơn nữa, Tổng thống Joe Biden cũng phải khôn khéo, không để cuộc chiến này ảnh hưởng quá lớn đến tình hình nước Mỹ. Nếu Ukraine thua trong cuộc chiến này, rất có thể cử tri Mỹ sẽ quay lưng với ông Biden trong đợt bầu cử vào tháng 11.



PV: Là một người nghiên cứu chiến lược có lẽ ông đã theo dõi, nghiên cứu về tổng thống Nga Putin từ lâu nay, vậy để tổng kết lại, ông ấn tượng điều gì về ông Putin, kể từ khi lần đầu làm tổng thống Nga vào năm 2000 và cho tới thời điểm này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong 20 năm làm Tổng thống của ông Putin, có hai điều làm tôi ấn tượng về ông. Thứ nhất, Tổng thống Putin là người nhìn xa trông rộng, quyết đoán trong hành động muốn xóa bỏ trật tự đơn cực, tạo vị thế cho Nga trên trường quốc tế.

Thứ hai, ông Putin đã dành cả cuộc đời để khôi phục và đưa nước Nga phát triển như bây giờ, với tôn chỉ mục đích: Tất cả vì nước Nga. Đây có thể được xem là tiêu chí cao nhất để đánh giá một nguyên thủ quốc gia.