Nhiều nhận định cho thấy, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, từ ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với 4 cấp độ áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Đây thực sự như luồng gió mới cho cộng đồng DN, tạo cơ hội cho các DN trở lại sản xuất, kinh doanh, tái chiếm lĩnh thị trường, giúp việc phục hồi kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vaccine. Ngoài ra, cần nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó với dịch Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Cần công nhận và cho DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của DN, Nhà nước cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại các doanh nghiệp (Ảnh PV -VGP)
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN sẽ thực hiện mở cửa dần dần, tùy theo từng loại hình, quy mô DN và cơ cấu lao động mà DN sử dụng. DN kiến nghị được trao quyền chủ động về mô hình và phương thức tổ chức sản xuất và hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp có F0 trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt thì không cực đoan phong tỏa, đóng cửa cả DN.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, việc Chính phủ điều chỉnh chiến lược chống dịch từ “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 hay theo cách nói của thế giới là “sống chung với Covid-19” là rất đúng đắn, kịp thời. Những giải pháp của Chính phủ là cơ sở bước đầu vững chắc để khởi động quy trình nới lỏng giãn cách, khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị ngưng trệ kéo dài, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam.
Giai đoạn hiện nay, mỗi DN đều có phương án, kịch bản riêng để đưa ra giải pháp linh hoạt nhanh chóng vào cuộc đáp ứng quy định sản xuất an toàn, nỗ lực phục hồi kinh tế, nhưng không chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch. Người lao động đã được quay trở lại làm việc, góp phần chung tay cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Tiki dự đoán, trong thời kỳ hậu Covid-19, nhu cầu mua sắm chia thành hai thái cực tượng trưng cho hai nhóm khách hàng. Đầu tiên là nhóm khách hàng có nhu cầu giải trí ngay lập tức và sẽ hướng về các ngành như du lịch, giải trí. Nhóm khách hàng thứ hai tập trung vào tiêu dùng tiết kiệm, họ sẽ quan tâm tới mua sắm nhu yếu phẩm cho cuộc sống.
“Bản chất của các DN Việt Nam rất uyển chuyển, nhanh nhạy trong việc chuyển đổi số và trong kinh doanh, nên họ sẽ tận dụng tất cả những thứ họ thấy được để tồn tại. Trong lúc này, việc tận dụng hệ sinh thái của nhau để phát triển nhanh hơn là việc rất cần thiết”, ông Sơn nói.
Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, có đến 69% DN đã tạm dừng hoạt động, 16% DN hoạt động cầm chừng, chỉ có 15% DN hoạt động bình thường. Là 1 trong số 15% DN hoạt động bình thường trong dịch, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom nhận định “những gì không giết được chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn” và những tuần cuối năm được xem là “lò xo nén”, 85% số DN bị nén chặt lại trong dịch sẽ bắt đầu bật ra và bùng nổ rất nhanh.
Chủ tịch FPT Telecom cũng rút ra được 4 trọng điểm để DN có thể chuyển mình sau đại dịch. Đó là chuyển từ quản trị DN qua chỉ huy DN. DN nào ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng trở thành DN xanh để ứng phó với dịch. Văn hóa DN là điều rất quan trọng để có 200% năng suất, từ người quản lý đến nhân viên tiếp tục chiến đấu cùng nhau để đạt được mục tiêu chung. Cuối cùng cũng là quan trọng nhất, người lãnh đạo phải là người biết nhìn xa trông rộng, có năng lực nhìn thấy tương lai và chèo lái con thuyền DN đi đúng đường.
So sánh mỗi DN như một chiếc xe đua công thức 1 trên đường đua đến thành công, ông Nguyễn Thái Phiên - Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Tài Chính - Tập đoàn NovaGroup cho biết, những DN đầu tàu – “gần mặt trời” nhất thì sẽ có cơ hội vực dậy sớm nhất. Bên cạnh đó, mỗi “chiếc xe đua” phải tận dụng những khúc cua trên đường để tạo thành lợi thế, tìm kiếm cơ hội sau mỗi khúc cua đó để bứt phá trên đường đua sau đại dịch.
“DN sẽ có 2 vấn đề cốt lõi cần thay đổi: Đầu tiên là chuyển đổi công nghệ để thay đổi những tập quán làm việc cũ, đó là cắt bỏ những phần thừa để nhẹ bớt và tiến nhanh hơn. Thứ hai là cố gắng cộng sinh với các DN nhỏ hơn. Cái bẫy lớn nhất là ở chính mình, là khi ban lãnh đạo thỏa mãn với những gì mình đã làm. DN phải duy trì sự khát khao, chiến đấu của từng người trong bộ máy. Cái bẫy lớn nhất vẫn là sự thỏa mãn, đó là sợi dây kéo mình lại nhiều nhất”, ông Phiên nói.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Thiên Minh Group cho biết, Tập đoàn đã sớm chuẩn bị 4 trụ cột để đối phó với khủng hoảng khi đại dịch vừa mới tràn vào Việt Nam. Đó là đảm bảo sự an toàn cho toàn bộ khách hàng, nhân viên và cộng đồng. Giảm chi phí bằng cách lược bỏ các kế hoạch không khả thi trong giai đoạn 24 tháng tới; Quản lý dòng tiền để đảm bảo dòng tiền lâu dài để trả lương và tìm nguồn thu nhập mới khi chuyển hướng đầu tư vào thị trường nội địa.
Ngoài ra, để phục hồi sau khủng hoảng, Tập đoàn cũng chuẩn bị 4 trụ cột để đầu tư cho tương lai. Đó là xây dựng các chương trình đào tạo trực tuyến về kỹ năng; Chuyển đổi số khi xây dựng hệ thống cho mảng du lịch, khách sạn, trực tuyến và kết nối hệ thống; tái cấu trúc các tài sản bằng việc đầu tư vào các thị trường có dấu hiệu hồi phục sớm.
Các DN sẽ thực hiện mở cửa dần dần, tùy theo từng loại hình, quy mô DN và cơ cấu lao động mà DN sử dụng (Ảnh PV)
Để có thể sớm đưa ngành du lịch Việt Nam trở lại đường đua, ông Trần Trọng Kiên nêu ý kiến, Chính phủ cần có một lộ trình mở cửa rõ ràng dựa trên những hiểu biết tốt nhất mà Việt Nam có được, cùng những bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới. Qua đó, các DN cần chuẩn bị hành trang sẵn sàng để có thể mở cửa được trong thời gian tới. Hiện tại, Việt Nam có điều kiện tương đối cao về mặt vận hành nhưng vẫn chưa sẵn sàng về chính sách cũng như truyền thông.
“Nghị quyết 128 của Chính phủ sẽ mang “niềm vui Giáng sinh” đến sớm với cộng đồng DN Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các thông tin về việc mở cửa trở lại được công bố sớm, DN Việt sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị hơn là quyết định “mì ăn liền” nay thông báo, mai mở cửa”, ông Trần Trọng Kiên kì vọng.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương vào tháng 10/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nguyên tắc: “Triển khai Nghị quyết 128 phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên”. Cộng đồng DN tin tưởng và hi vọng, các Bộ, ngành, địa phương chấp hành nghiêm chỉ đạo này của Thủ tướng, để có thể yên tâm phục hồi sản xuất kinh doanh, kiểm soát được dịch Covid-19./.