Hơn 15 năm qua, 14 huyện, thị, thành phố của tỉnh Gia Lai trong nỗ lực phát triển kinh tế, an sinh xã hội đã có thêm một nhiệm vụ nữa là đưa những người lầm lỡ trở lại với cộng đồng để họ yên tâm lao động, sản xuất.

Trong 2 bài viết trước, với chủ đề “Những người lầm lỡ, quay đầu là bờ”, phóng viên VOV.VN đã ghi lại câu chuyện chân thực về những người dân tộc thiểu số một thời lầm lỡ, một thời tìm mọi cách để rời bỏ Tổ quốc, tìm kiếm cuộc sống giàu sang ở một nơi nào đó trên thế giới. Sau những thăng trầm của cuộc sống, sau những trải nghiệm đầy khó khăn, giờ đây, họ không mong muốn gì hơn là một cuộc sống ổn định ở quê nhà, trong các buôn làng thuộc tỉnh Gia Lai.

Họ là con số rất nhỏ trong hàng nghìn đối tượng mà các cấp chính quyền ở đây phải quan tâm, quản lý và dần đưa họ trở lại với “quỹ đạo” sau các vụ bạo loạn, biểu tình gắn với “Tin lành Đề Ga”, “Nhà nước Đề Ga” suốt thập kỷ đầu của thế kỷ 21.

Bài viết cuối cùng trong loạt bài này có nhan đề Đưa người lầm lỡ “quay đầu là bờ”.

Thời điểm năm 2004, Gia Lai có hơn 10.000 người bị lôi kéo vào những vụ bạo loạn, biểu tình. Đây cũng là địa bàn trọng điểm cho các hoạt động chống phá ở các tỉnh Tây Nguyên. Lý do là bởi 2/3 số đối tượng cầm đầu tổ chức Fulro ở Mỹ đều được sinh ra và lớn lên ở Gia Lai với mối quan hệ gia đình, dòng tộc rất lớn. Miếng bánh mà chúng “vẽ” ra để lôi kéo những người đồng hương là cuộc sống giàu sang trên đất Mỹ, không làm mà vẫn có ăn. Sau vụ biểu tình, bạo loạn ngày 10/4/2004, các cơ quan chức năng ở Gia Lai thống kê có gần 5000 đối tượng phải quản lý, giáo dục.

Ông Ksor Hyao ở làng Breng 3, xã Iader, huyện Ia Grai khi đó là Chủ tịch xã (1999-2004) nhớ lại một thời kỳ đầy khó khăn khi trong làng có những đối tượng theo Fulro.

“Những người đã đi được sang Campuchia rồi sang nước thứ 3, họ gọi điện về tuyên truyền thế này, thế khác về cuộc sống giàu sang ở nước ngoài. Lúc đó, họ kích động mạnh lắm mà cán bộ xã lại rất mỏng. Khi xuống các thôn làng, có người không thèm nhìn mặt tôi. Tôi chìa tay ra bắt, họ ngoảnh đi. Chúng tôi rất khó khăn trong vận động bà con”.

Không ổn định thì không thể phát triển. Hàng ngàn người có tư tưởng chống phá như vậy là một bài toán khó đối với chính quyền tỉnh Gia Lai. Nhưng bài toán đó vẫn phải có lời giải, giống như một gia đình, cha mẹ không thể bỏ đi những đứa con hư. 

Thời điểm đó, chính quyền tỉnh quyết định giao cho mỗi sở, ngành phụ trách một xã để phát triển kinh tế- xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, bắt đầu từ thôn làng; Tập trung giáo dục, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân để họ thấy được, cái gì đúng, các gì sai.

Hà Bầu – xã có 90% đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đắk Đoa được giao cho Công an tỉnh phụ trách. Đây cũng là điểm “nóng” nhất của huyện và của tỉnh về an ninh trật tự.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn- Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, hệ chống chính trị ở cơ sở được huy động tối đa để bắt tay vào cuộc gồm: Người có uy tín, cốt cán ở cơ sở, chức sắc tôn giáo cùng với lực lượng công an. Bên cạnh việc mở các lớp tuyên truyền về việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng phân tích rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, Fulro lưu vong để vạch trần bản chất lừa bịp, núp bóng tôn giáo để tập hợp lực lượng chống đối chính quyền của các đối tượng. Đặc biệt, cách làm ở đây rất linh hoạt, rất thực tế.

“Chúng tôi mời những người đã xuất cảnh sang Mỹ nói với bà con về cuộc sống bên đó, thực sự họ có sướng không, có đúng là “không làm mà vẫn có ăn” hay không?. Tiếng nói của họ là khách quan nhất chứ không phải là sự tuyên truyền từ một phía. Trong số này, có cả những người tham gia biểu tình, bạo loạn, trốn sang Campuchia và được đi định cư tại Mỹ, có người xuất cảnh theo diện HO, có người xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình… Chính họ nói lên sự thật”.

Hà Bầu trở thành một trong những mô hình điểm về quản lý, giáo dục người lầm lỡ

Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai Nguyễn Ngọc Sơn cho biết như vậy đồng thời khẳng định, ngay cả những người lầm đường, lạc lối đã bị cải tạo lao động, sau khi chấp hành án xong, họ trở về và nói lên hoàn cảnh cụ thể của mình. Quá trình tham gia, họ được gì, mất gì.

“Chúng tôi đề nghị họ chỉ nói về cuộc đời của họ thôi chứ không phải nói theo chủ trương, chính sách. Họ là con người thực, có những trải nghiệm thực tế”- Đại tá Sơn khẳng định.

Mô hình quản lý, giáo dục người lầm lỡ như ở Hà Bầu trở thành một trong những mô hình điểm để triển khai, nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Hơn 15 năm qua, 14 huyện, thị, thành phố của tỉnh Gia Lai trong nỗ lực phát triển kinh tế, an sinh xã hội đã có thêm một nhiệm vụ nữa là đưa những người lầm lỡ trở lại với cộng đồng để họ yên tâm lao động, sản xuất trên chính mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có một cách làm khác nhau. Chính bởi vậy, để có cách làm thống nhất, hiệu quả, năm 2015, Chính quyền tỉnh Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 153 và sau đó 1 năm, ban hành Quyết định số 44 về công tác quản lý, giáo dục đối tượng Fulro tại cộng đồng.

Mục tiêu đặt ra không chỉ củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giáo dục và cảm hóa những người lầm lỡ mà quan trọng hơn là nâng cao đời sống vật chất, giải quyết kịp thời nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của họ. 

 “Trong chính sách của tỉnh, chúng tôi rất quan tâm đến việc giúp đỡ những người một thời lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, không có sự phân biệt và hỗ trợ tối đa, nhất là công tác giải quyết việc làm, ổn định kinh tế, ổn định nơi ăn chốn ở cho những người đã từng có thời gian lầm đường, lạc lối. Chúng tôi hỗ trợ việc chia tách và thành lập mới các cơ sở tôn giáo, hỗ trợ việc sửa chữa, cơi nới một số cơ sở tôn giáo để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được sinh hoạt tôn giáo ở nơi gần nhất” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đã nhấn mạnh như vậy và cho biết, 25% dân số ở Gia Lai có đạo, trong đó chủ yếu là đạo Tin Lành.

Gia Lai hỗ trợ việc chia tách và thành lập mới các cơ sở tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được sinh hoạt tôn giáo ở nơi gần nhất

Trong bức tranh tổng thể chung về xóa đói giảm nghèo ở Gia Lai, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này hiện chỉ còn 5 %, thay vì còn số 41% cách đây 5 năm. Phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo cũng là cách để các đối tượng bên ngoài không thể lợi dụng để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Ở nhiều địa phương, chính quyền các cấp đã vận dụng linh hoạt các chính sách nhằm hỗ trợ cho những người lầm lỗi vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để tập trung phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng. 

 “Với những người lầm lỗi trở về, chúng tôi phân công cán bộ, đảng viên gần gũi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, qua đó thấy được ai là người khó khăn về kinh tế, về gia đình, con cái... nghĩa là tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể. Cộng đồng không kỳ thị, không xa lánh, kéo những người lầm lỡ về gần với mình. Cá nhân khó khăn gì thì cộng đồng giúp đỡ. Đến nay, cơ bản, các đối tượng có tư tưởng chống đối hầu như không còn, bà con nhận thức rất tốt” - Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa cho biết.

Gia Lai xác định phát triển kinh tế phải đi liền với ổn định chính trị xã hội. Những năm gần đây, ở địa phương này hầu như không xảy ra các điểm nóng như trước đây. Bất chấp hoạt động chỉ đạo quyết liệt bên ngoài của Fulro song tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở Gia Lai cơ bản ổn định. Các điểm manh nha bất ổn đã bị các cơ quan chức năng đấu tranh, bóc gỡ kịp thời, tạo điều kiện ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập với sự phát triển của đất nước và quốc tế./.

Phát triển kinh tế phải đi liền với ổn định chính trị xã hội là mục tiêu của Gia Lai

Thứ Sáu, 05:43, 30/04/2021