Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ngành Hải quan đã sớm đạt và vượt các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.

Cụ thể, giai đoạn 2010 – 2020, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thực hiện hải quan điện tử với điểm nhấn là hoàn thành 5E: E-Declaration (thủ tục hải quan điện tử), E-payment (thanh toán thuế điện tử); E-C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng phương thức điện tử); E-Permit (giấy phép điện tử) và E-Manifest (bản lược khai hàng hóa điện tử).

Trong đó, nổi bật là E-Declaration với 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.

“Cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên nhanh chóng. Điển hình là kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm tăng 23%, số thuế thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%; số lượng tờ khai trung bình mỗi năm tăng 22%. Hiện nay, mỗi năm, ngành Hải quan giải quyết khoảng 15 triệu hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, 5 năm gần đây số lượng cán bộ, công chức hải quan giảm trung bình từ 1,5-1,7%/năm. Nhưng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, việc làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng...”, Cục trưởng Lê Đức Thành cho biết.

Về điểm nhấn E-payment, từ năm 2012, cơ quan Hải quan đã kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng thương mại và Kho bạc để thực hiện thanh toán điện tử.

Tiếp đó, từ năm 2017, ngành Hải quan triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện khi có kết nối internet; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan.

Đến nay, có 47 ngân hàng thương mại tham gia chương trình thu nộp thuế 24/7, số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu của Tổng cục Hải quan...

Ngoài ra, ngành Hải quan đã tập trung triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của ngành mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan (như: giám sát quản lý về hải quan; quản lý thu thuế xuất nhập khẩu; quản lý giá tính thuế; quản lý rủi ro; kiểm tra sau thông quan, điều tra, chống buôn lậu và xử lý vi phạm...)

Đặc biệt, ngành Hải quan đã áp dụng các công nghệ số trong kiểm tra, giám sát hàng hóa như sử dụng máy soi container, giám sát trực tuyến, sử dụng seal định vị điện tử trong giám sát tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container...

Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, nhất là quyết tâm trong chuyển đổi số của ngành Hải quan nhận được sự đánh giá cao của chuyên gia, đại diện doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, chuyển đổi số của ngành Hải quan đã có những tác động rất tích cực với người dân và doanh nghiệp. Điển hình là đã số hóa thông qua cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức cao (mức độ 3, 4 trước đây hay dịch vụ công toàn trình theo quy định hiện nay - PV). Vấn đề đặt ra là cơ quan Hải quan cần triển khai những bước tiếp theo như thế nào để chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đánh giá hiệu quả cao công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan và ngành Thuế, xem đây là những lĩnh vực tiên phong về chuyển đổi số của ngành Tài chính.

“Nếu không có chuyển đổi số, không có thủ tục hải quan điện tử, hóa đơn điện tử… các doanh nghiệp rất khó thực hiện thủ tục hải quan, làm thủ tục liên quan tới thuế do phải mất rất nhiều thời gian và nhiều thủ tục giấy tờ...”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, Hải quan là một trong những ngành tiên phong áp dụng bộ công cụ quản lý hiện đại vào công tác quản lý và công tác tuyên truyền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Những động thái về chuyển đổi số của cơ quan quản lý nhà nước đã giúp người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu trúng để tương tác với cơ quan Hải quan, qua đó thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và giải quyết những khúc mắc gặp phải trong sản xuất kinh doanh, cũng như trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thực hiện nghĩa vụ thuế...

Dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng các chuyên gia nhìn nhận tiến trình chuyển đổi số của ngành Hải quan vẫn đang ở giai đoạn đầu và còn nhiều dư địa để thực hiện. Trong tiến trình đó, ngành Hải quan cũng phải lường trước những khó khăn, thách thức để có cách ứng phó hiệu quả.

Các khó khăn, thách thức đặt ra như tư duy về chuyển đổi số trong một bộ phận cán bộ công chức cần phải thay đổi để tạo được định hướng, mang tính chất đường hướng các quy trình nghiệp vụ; vấn đề về an ninh mạng…

“Công cuộc chuyển đối số trong lĩnh vực hải quan và thuế đã đạt được những cơ sở quan trọng ban đầu. Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn còn ở phía trước, đòi hòi sự vận động chuyển mình liên tục từ các chỉ đạo từ trên xuống dưới, trang bị cơ sở kỹ thuật đồng bộ cùng với nền tảng pháp lý căn bản tương ứng. Để có được thành công trong chuyển đổi số của ngành Hải quan, các yếu tố đóng vai trò quyết định đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo và sự vào cuộc của toàn ngành Hải quan với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hải quan. Cùng với đó là sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển và thành công của chuyển đổi số ngành Hải quan”, ông Nguyễn Bắc Hà, Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) nêu quan điểm.

Theo ông Lê Đức Thành, kết quả đạt được về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện hải quan điện tử là tiền đề quan trọng để ngành Hải quan tập trung thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, trọng tâm là thực hiện Hải quan số.

Để thống nhất nhận thức và hành động, Tổng cục Hải quan đã ban hành đầy đủ chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong toàn ngành. Đó là, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Đồng thời, 35 cục hải quan tỉnh, thành phố cũng ban hành kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị.

Từ nay đến năm 2025, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 1957/QĐ-BTC ngày 15/9/2023.

“Mục tiêu của Dự án là xây dựng một hệ thống CNTT mới có khả năng mở rộng và tích hợp với các hệ thống CNTT hiện tại và các hệ thống CNTT trong tương lai trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; hướng tới quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối trong quá trình thông quan; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, xây dựng Hải quan Việt Nam thành Hải quan số”, ông Lê Đức Thành thông tin.

Đối với chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Đồng thời triển khai Đề án xây dựng và phát triển hệ thống CNTT theo định hướng xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đề án nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thực hiện kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Hải quan với các bộ, ngành; các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các bộ, ngành; các đơn vị quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh; các bên có liên quan tham gia chuỗi dây chuyền cung ứng thương mại và cung cấp nền tảng cung cấp dịch vụ trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp trong dây chuyền cung ứng thương mại quốc tế và các dịch vụ khác như thanh toán, nộp lệ phí...

Cùng với đó là nâng cấp Hệ thống một cửa quốc gia và một cửa ASEAN đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi thông tin với hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới theo quy định tại các Hiệp định thương mại tự do và các Hiệp định mà Việt Nam ký kết theo đúng lộ trình, bao gồm: Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc, New Zealand...

Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên, thời gian tới, Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý nội ngành. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống CNTT quản lý nội bộ hiện đại, tự động hóa các hoạt động quản lý nội ngành, đồng bộ với việc triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Hệ thống hỗ trợ công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, thực thi các thủ tục hành chính nội bộ (quản lý nguồn nhân lực, quản lý kết quả công việc, quản lý tài chính, tài sản điện tử...) theo phương thức quản lý văn phòng điện tử.

Đồng thời, phát triển dữ liệu số hải quan tạo nền tảng cho triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước trong hệ thống chính trị của Việt Nam, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao... theo quy định của pháp luật để phát triển hệ sinh thái số và Hải quan số.

Nội dung: Cẩm Tú - Trình bày: Kiều An

Thứ Bảy, 07:00, 03/02/2024