Ngày mai (23/5), trên 69 triệu cử tri cả nước sẽ bỏ phiếu, bầu chọn khoảng 500 đại biểu Quốc hội khóa XV và hàng trăm nghìn đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Với sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, chủ động mọi tình huống, hiện tất cả đã sẵn sàng cho ngày hội lớn.

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát và đang có những diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều địa phương. Tuy vậy, với quyết tâm chính trị cao, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử theo đúng quy định, đúng tiến độ, đồng bộ với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó với những tình huống phát sinh chưa từng có tiền lệ.

Quan trọng hàng đầu luôn là công tác nhân sự, bởi chỉ khi lựa chọn được người đủ tiêu chuẩn, có đức, có tài, tâm huyết và trách nhiệm thì vị trí, vai trò và chức năng của cơ quan dân cử mới được phát huy đúng nghĩa là cơ quan quyền lực ở Trung ương cũng như địa phương. Chính vì vậy, việc lựa chọn người ứng cử là nội dung được triển khai sớm, chặt chẽ, bài bản, qua nhiều vòng với cách làm thận trọng, đúng quy trình, công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ.

Một trong những điểm mới của kỳ bầu cử lần này thể hiện ở việc ngày 19/6/2020 Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, trong đó quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó là nhiều nội dung được điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị, trong đó, tại quận, phường của Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tại phường của Thành phố Hà Nội sẽ không tổ chức bầu đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 -2026.

Bộ Chính trị cũng ban hành Chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, đề ra mục tiêu phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách (ít nhất 40%). Bộ Chính trị nêu rõ kiên quyết không giới thiệu ứng cử những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã phối hợp với các đơn vị hướng dẫn về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND; việc ứng cử, hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lập và công bố danh sách người ứng cử; thành lập các tổ chức bầu cử ở địa phương…  Theo Nghị quyết số 1185 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người, trong đó dự kiến số lượng đại biểu chuyên trách ở Trung ương 133 đại biểu. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội là 67 đại biểu. Đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, mỗi địa phương có 2 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo, trong quá trình hiệp thương đã cân đối hợp lý cơ cấu kết hợp, cơ cấu định hướng thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; chú ý đến việc bảo đảm tỷ lệ ứng cử là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội. Bên cạnh đó, các cấp cũng kịp thời rà soát, giải quyết những vấn đề phát sinh về công tác nhân sự một cách thận trọng, thấu đáo, đảm bảo nguyên tắc, đúng luật, nâng cao chất lượng, với phương châm không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Công tác tổ chức để các ứng cử viên tiếp xúc cử tri, thực hiện vận động bầu cử được thực hiện một cách sáng tạo, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp xúc trực tuyến nhằm phòng, chống dịch bệnh song vẫn đảm bảo tương tác để cử tri góp ý thẳng thắn. Ngoài ra, thông tin đại biểu, chương trình hành động của ứng cử viên cũng được các Ủy ban bầu cử thông tin rộng rãi trên cơ quan truyền thông đại chúng và các nền tảng internet.

Nhằm sàng lọc nhân sự ứng cử, kênh giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết kịp thời. Tính đến 17h ngày 14/5/2021, tức 10 ngày trước Ngày bầu cử - thời điểm dừng giải quyết đơn thư, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiếp nhận được 164 đơn thư. Qua phân loại có 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội; 112 đơn tố cáo phản ánh về người ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Theo ông Bùi Văn Cường – Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia, các nội dung công dân thông tin, phản ánh về các nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đã được các cơ quan nhà nước có có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời đúng quy định của pháp luật.

Tính đến thời điểm này, số lượng chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 866 người (rút 2 người so với danh sách công bố ngày 27/4). Hai trường hợp được cho rút khỏi danh sách chính thức là ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và ông Nguyễn Thế Anh (tỉnh Kiên Giang).

Với HĐND cấp tỉnh, tổng số đại biểu HĐND được bầu theo luật định là 3.726 người, tổng số người ứng cử theo danh sách chính thức là 6.199. Cấp huyện, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 22.952 người, tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.468 người. Còn cấp xã, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 242.312 người, tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác tổ chức bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch. Tuy nhiên, do thực tiễn tiếp tục phát sinh nhiều tình huống mới từ báo cáo của các địa phương, Hội đồng Bầu cử Quốc gia mới đây đã có văn bản gửi Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình tổ chức bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng hướng dẫn chi tiết việc áp dụng bầu cử ở một số khu vực đặc thù; xem xét và giải quyết cho bầu cử sớm đối với những nơi có đề nghị vì nhiều lý do, trong đó có lý do diễn biến dịch bệnh phức tạp như ở Bắc Ninh.

Các địa phương trong cả nước đã tích cực xây dựng kịch bản bầu cử phù hợp với tình hình. Nhiều cuộc diễn tập các phương án tổ chức bầu cử cũng đã diễn ra, như bầu cử trong khu cách ly tập trung, trong khu dân cư phong tỏa, diện F2 cách ly tại nhà, dự phòng các thùng phiếu phụ, thùng phiếu lưu động để ứng phó trong trường hợp phát sinh tình huống bất ngờ... với các bước thực hiện khoa học, an toàn nhằm bảo đảm cho cử tri thực hiện quyền bầu cử.

Là một trong những “điểm nóng” của dịch Covid-19 nhưng đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã sẵn sàng cho ngày hội lớn. Ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã xây dựng phương án bầu cử, hoàn tất 6 tình huống liên quan phòng chống dịch trong ngày bầu cử.

Các phương án được tính toán rất cụ thể. Trong đó lưu ý việc tổ chức bầu cử trong 4 bệnh viện dã chiến mới thành lập trên địa bàn vì số bệnh nhân Covid-19 điều trị tại đây tăng cao. Một thách thức khác ở địa phương này là việc tổ chức bỏ phiếu ở những điểm cách ly tập trung ở các khu công nghiệp, nơi mỗi điểm có tới hàng nghìn người. Bắc Giang đã điều chỉnh các điểm bỏ phiếu, tổ bầu cử để làm sao bầu cử được trong các khu cách ly tập trung, đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng quy định. Ngoài ra, các lực lượng cũng tính tới phương án lập hòm phiếu phụ, hòm phiếu lưu động tại những nơi cách ly, phong tỏa; gấp rút điều chỉnh, rà soát danh sách cử tri trước giờ G.

Bắc Ninh cũng là một trong những tỉnh có nhiều ca mắc mới trong đợt dịch lần này, tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất cao. Theo phản ánh của địa phương này, việc thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã dẫn đến biến động khá lớn về danh sách cử tri của một số khu vực bỏ phiếu. Số lượng cử tri trong danh sách cử tri ở một vài khu vực bỏ phiếu đã giảm khá nhiều so với thời điểm lập danh sách. Ủy ban bầu cử các cấp không quản ngày đêm rà soát, cập nhật, bổ sung danh sách cử tri trên địa bàn, đảm bảo cho mọi cử tri có quyền bầu cử đều được ghi tên vào một danh sách cử tri để tham gia bầu cử theo đúng quy định.

Các địa phương trong cả nước đã tích cực xây dựng kịch bản bầu cử phù hợp với tình hình (Ảnh PV)

Trong đợt thứ 4 dịch Covid-19 tái bùng phát, Hà Nội cũng là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới trong cộng đồng. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, nhờ chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao, Thành phố vẫn đang kiểm soát được dịch Covid-19 và trong mọi tình huống đều sẵn sàng tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng ngay lập tức Công điện về tập trung tổ chức thành công cuộc bầu cử, trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương nắm chắc các diễn biến tình hình mới phát sinh, nhất là tình hình an ninh trật tự và dịch bệnh, dự báo tình hình và chuẩn bị các phương án dự phòng để chủ động xử lý theo đúng quy định. Đồng thời, có phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể cho ngày bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Là đàu tàu kinh tế, TPHCM luôn ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong thực hiện 3 nhiệm vụ song song là vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Ủy ban bầu cử TPHCM đã xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử. Trong đó, nêu ra cụ thể phương án cho 4 tình huống: Tổ chức bầu cử tại các khu vực, địa điểm bỏ phiếu; tổ chức bầu cử cho cử tri đang cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội, hoặc phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc Covid-19.

UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện quan tâm nắm chắc tình hình nhân dân khu vực có nhiều khu lưu trú công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là các phương án nếu có khiếu kiện, tụ tập hay nắm chắc tình hình sức khỏe, tinh thần trách nhiệm của các nhân sự ở tổ bầu cử để xây dựng phương án bỏ phiếu trong điều kiện phòng chống dịch bệnh.... Bên cạnh đó, UBND phường, xã, thị trấn tiếp tục triển khai kế hoạch, lịch trình bỏ phiếu để chủ động điều tiết phân chia thời gian bỏ phiếu; đồng thời thông báo rộng rãi đến cử tri, vận động người dân đi bỏ phiếu đúng thời gian quy định, đúng lịch trình nhằm đảm bảo tại cùng một thời điểm trong ngày bầu cử không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu.

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho Ngày bầu cử.

Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên toàn quốc được triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Lực lượng công an phối hợp với lực lượng quân đội có kế hoạch cụ thể bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử, chú trọng các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa và các ‘‘điểm nóng’’ có thể xảy ra trên địa bàn.

Các lực lượng duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động và phòng chống cháy, nổ trên địa bàn; mở các đợt cao điểm tăng cường thực hiện kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên toàn quốc được triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Lực lượng công an phối hợp với lực lượng quân đội có kế hoạch cụ thể bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử, chú trọng các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa và các ‘‘điểm nóng’’ có thể xảy ra trên địa bàn.

Các lực lượng duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động và phòng chống cháy, nổ trên địa bàn; mở các đợt cao điểm tăng cường thực hiện kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Cùng với công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, hoạt động thông tin, tuyên truyền về ngày hội toàn dân được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh nhiều đợt cao điểm. Các phương tiện thông tin đại chúng tập trung phản ánh không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm thông tin, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật bầu cử giúp cử tri hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình. Cũng như kịp thời đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Lãnh đạo cấp cao đã và đang tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương, nhất là các địa phương đã và đang có nguy cơ phát sinh dịch Covid-19; các bộ, ngành kịp thời hướng dẫn, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của các địa phương và cử tri liên quan đến công tác bầu cử nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Ngày 23/5, trên 69 triệu cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử tại 84.767 khu vực bỏ phiếu toàn quốc. Lúc này, trên khắp các con phố, trục đường ở các địa phương trên cả nước tưng bừng cờ hoa, biểu ngữ chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, đây là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, là cơ hội thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài. Chúng ta phải tổ chức và chuẩn bị tiến hành làm sao cho thật sự dân chủ, đoàn kết, và chọn những đại biểu xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.

Tất cả đã sẵn sàng cho Ngày bầu cử, bắt đầu từ 7h sáng 23/5/2021./.

Thứ Bảy, 05:00, 22/05/2021