Đánh giá về khả năng thích ứng của DN trong thời gian dài chống dịch vừa qua, TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Rynan Technologies cho rằng, khó khăn lớn với DN giai đoạn vừa qua là cách chống dịch của cơ quan, ban, ngành, địa phương chưa phù hợp với DN. Việc mỗi nơi chống dịch một kiểu là nguyên nhân chủ quan dẫn đến tâm lý hoang mang, trong khi không thể áp đặt “zero Covid” cho tất cả các DN. Vì vậy các DN đã phải kiên trì để theo dõi tình hình và sự thay đổi của chính sách để có thể bám sát quy trình, duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gia qua khiến lĩnh vực vận tải bị đình trệ. Vận tải hàng hóa đường bộ ách tắc tại nhiều địa phương, cảng hàng không ngưng trệ… là những yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành du lịch. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings cho biết, hiện tại chỉ còn 10% trên tổng số các DN du lịch lữ hành còn mở cửa trên địa bàn TP.HCM. Dịch Covid-19 đã "đâm thủng" trái tim của ngành du lịch và DN của ông gần như bất động nhiều tháng nay.

Ông Kỳ nhận định, để có thể quay lại “đường đua”, vấn đề rất lớn mà ngành du lịch phải giải quyết được là tâm lý khách hàng, đảm bảo an toàn cho du khách mà trong đó an toàn là vấn đề ưu tiên số 1. Du lịch nghỉ dưỡng được dự báo sẽ khôi phục khi vaccine có hiệu quả đưa vào sử dụng. Tuy nhiên hành khách sẽ thận trọng hơn vì vẫn lo lây bệnh khác, nên họ sẽ đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại.

“Trước đây ưu tiên của DN là khuyến mãi, là doanh thu, là lợi nhuận, thì nay không còn là điều kiện hàng đầu nữa, mà là an toàn với trách nhiệm lớn nhất là doanh nghiệp và người làm du lịch. Để có thể trở lại, phải đánh giá và lên phương án rất kỹ những điều kiện an toàn phòng, chống dịch, nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng”, ông Kỳ nói.

Thời gian qua, ngành hàng bán lẻ - dịch vụ được coi là tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân tại nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, nhiều DN phải “chạy đua” với những chỉ thị của chính quyền thay đổi hàng ngày để đảm bảo giữ nhịp lưu thông hàng hóa nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn trong phòng chống dịch.

Chia sẻ về quá trình này, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong cao điểm giãn cách, lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Thời điểm đó, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt,…

“Giai đoạn vừa qua là giai đoạn chạy gắng sức của Saigon Co.op. DN đã phải giao ban toàn công ty hàng ngày với nhịp độ quá nhanh, chưa cảm nhận được đã phải triển khai. Vì vậy, Saigon Coop đang thay đổi cách vận hành để thích nghi với tốc độ ‘quá nhanh, quá nguy hiểm’ như hiện nay”, ông Đức nhận xét.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Nhiều ngành, lĩnh vực trong nước gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ (nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải...).

Từ kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Rynan Technologies bày tỏ, qua dịch cũng là cơ hội cho các DN tái cấu trúc bằng việc điều chỉnh tốc độ phát triển và có kế hoạch đặc thù dài hơi từ 5 – 10 năm, không phản ứng theo thị trường cũng như chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư vào công cụ giám sát. “Đối với các doanh nghiệp công nghệ thì đây là cơ hội rất lớn. Chúng ta muốn thắng địch thì phải thấy được địch ở đâu. Đây cũng là thách thức thú vị cho những người làm khoa học, những người phát triển công nghệ mới”, ông Mỹ chia sẻ.

Khi một lượng lớn khách hàng đổ dồn về cùng một lúc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, và đây là điều mà Saigon Co.op lo ngại hậu giãn cách (Ảnh: Co.opmart)

Nhận thấy bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn sau thời gian giãn cách là điều khó tránh khỏi, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng, khi một lượng lớn khách hàng đổ dồn về cùng một lúc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, và đây là điều mà Saigon Co.op lo ngại hậu giãn cách.

"Chúng ta thường nói về ‘nguy’ và ‘cơ’ trong giai đoạn vừa qua và có thể mọi người nhìn vào sẽ nói Saigon Co.op thu hút được một lượng lớn khách hàng cho tương lai - đó là tín hiệu tích cực. Nhưng điều đó cũng sẽ dẫn đến một số rủi ro cho tương lai khi Saigon Co.op phải chạy với cường độ quá cao, khiến DN có những rủi ro về chất lượng sau giãn cách, đó là minh chứng cho thấy đôi khi số lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ngay cả với ngành bán lẻ", Tổng Giám đốc Saigon Co.op nói.

Vượt qua đại dịch và trở lại ổn định sản xuất, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho hay, DN luôn xác định yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Là DN có số lượng công nhân lớn, May 10 áp dụng triệt để theo các kịch bản về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và xử lý tình huống trong tình trạng khẩn cấp. Khi không bị động về nhân lực sẽ tạo cơ hội thúc đẩy tiến độ giao hàng đúng theo hợp đồng đã ký kết tới các khách hàng trên toàn cầu. Qua đó, bù đắp được khoảng trống do lùi thời hạnh giao hàng.

Doanh nghiệp thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị, phối hợp với các cấp chính quyền để tiêm vaccine mũi 2 (Ảnh: Garco10)

Hiện nay, tại May 10, mọi người luôn nêu cao tinh thần mỗi người lao động là một “chiến sĩ”, DN lại là một “pháo đài”. DN thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị, phối hợp với các cấp chính quyền để tiêm vaccine mũi 2 tại Hà Nội, tiến tới toàn bộ người lao động tại 7 tỉnh, thành có các nhà máy của May 10 đang hoạt động đều được tiêm phòng đầy đủ.

“Để giữ chân người lao động, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch, May 10 đã triển khai tốt việc tuyên truyền phương án phòng chống dịch thường xuyên, liên tục đến từng người lao động, qua đó lan tỏa tinh thần chống dịch của từng cá nhân đến với gia đình và những người xung quanh họ”, ông Việt cho biết.

Triển khai các phương án sản xuất kinh doanh linh hoạt, thích ứng theo chủ trương của Chính phủ, thành phố, hiện nay các trung tâm thời trang của Công ty CP M2 Việt Nam tại Hà Nội tiếp tục thực hiện chỉ thị tạm dừng hoạt động bán hàng, chuyển sang kinh doanh online tại fanpage và các sàn thương mại điện tử. Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường cho biết, M2 đặt mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

“M2 tập trung nghiên cứu khoa học, phân tích thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các giải pháp phù hợp, hiệu quả từng bước thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đồng thời, M2 kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch với quy tắc 5K + vaccine. M2 chú trọng hiệu quả, lấy sự an toàn và lợi ích của xã hội làm trung tâm hoạt động và phát triển trong thời kỳ bình thường mới”, ông Đường cho biết.

Nhận định chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy và việc khan hiếm lao động là một nguyên nhân chính, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam dự báo, đây là bài toán khó cho các DN dệt may, da giày khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ. Vì thế, nếu thời gian tới dệt may và da giày vẫn chỉ phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu cũng như nhu cầu tiêu thụ của một số thị trường nào đó, sẽ dẫn đến rủi ro sẽ rất lớn khi có biến động.

“Dệt may và da giày phải tìm cách nâng tỷ lệ chủ động nguồn cung để tránh phụ thuộc và hưởng lợi từ các FTA. Bên cạnh đó, người lao động là vốn quý nhất của mỗi DN, nhất là đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày. Cho nên, việc giữ chân người lao động, làm cho họ gắn bó với DN là giải pháp căn cơ mà mỗi DN phải làm; trong đó có các vấn đề cấp bách như tiêm vaccine, chế độ hỗ trợ...”, bà Xuân nêu giải pháp.

Có thể thấy, dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường quốc tế, các hoạt động kinh tế đang có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, do đó nhiều DN Việt Nam cũng đang kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự sẽ diễn ra ở Việt Nam./.

Thứ Ba, 08:00, 19/10/2021