Năm nay, Việt Nam và Liên Bang Nga có nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm hợp tác gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên thực tế, hai nước đã bắt đầu hợp tác cho nhiệm vụ chính trị đặc biệt này kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta vào năm 1969. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế mới đã thay đổi hình thức hợp tác giữa hai nước cách đây 30 năm.
Để hiểu rõ hơn về quá trình hợp tác theo cơ chế mới, phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn Đại tá Đinh Quốc Hùng – Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Đại tá Đinh Quốc Hùng đã làm rõ sự chuẩn bị của Việt Nam trước bối cảnh lịch sử mới, sự hợp tác chí nghĩa chí tình của các chuyên gia Liên Xô trước đây và nay là LB Nga, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, kỹ thuật của Việt Nam nhằm tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể giữ gìn an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm nữa.
PV: Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn cơ chế hợp tác mới giữa LB Nga và Việt Nam trong việc gìn giữ và bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 30 năm?
Đại tá Đinh Quốc Hùng: Từ năm 1969 đến năm 1991, Đảng và Nhà nước Liên Xô đã giành cho ta sự giúp đỡ toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi lớn. Nhiệm vụ lúc này đặt ra đối với Ban Quản lý Lăng là phải khẩn trương phối hợp với Trung tâm cấu trúc sinh học LB Nga (nay là Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu LB Nga VILAR) tiếp tục nghiên cứu, bàn thảo, vạch ra hướng hợp tác mới phù hợp với thực tiễn đặt ra. Mặt khác, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của chuyên gia y tế LB Nga đang còn làm việc tại Lăng để tiếp tục nhiệm vụ y tế, chủ động làm thuốc giữ gìn lâu dài thi hài Bác.
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn đầy gian nan thử thách thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện không còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước Liên Xô, đặc biệt là không có chuyên gia y tế thường xuyên thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1992, Hiệp định Việt Nam - Liên Xô không còn hiệu lực. Được sự đồng ý của Chính phủ hai nước, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Viện nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu LB Nga (VILAR) đã chuyển sang cơ chế hợp tác trực tiếp trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Ban Quản lý Lăng đã hợp tác cùng với VILAR vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Như vậy, năm nay tròn 30 năm hai nước hợp tác theo cơ chế mới trong việc gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV: Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện cơ chế hợp tác trực tiếp là gì, thưa ông?
Đại tá Đinh Quốc Hùng: Đối với nhiệm vụ giữ gìn thi hài của Bác, đây là một khoa học công nghệ khá độc quyền của các chuyên gia y tế LB Nga và đây là một lĩnh vực y tế chuyên ngành hẹp và sâu, rất hiếm trên thế giới.
Đối với các chuyên gia của Nga, đây không chỉ là những chuyên gia giỏi về y tế mà còn là những người đồng chí, đồng nghiệp, là những người bạn rất thân thiết của Việt Nam - những người đã dành cho lãnh tụ của chúng ta một tình cảm đặc biệt và đó cũng là tình cảm của nhân dân Nga, nhân dân thế giới dành cho Bác Hồ của chúng ta.
Việc chuyển đổi cơ chế hợp tác như vậy lúc đầu cũng có những khó khăn, trăn trở nhất định. Đối với đội ngũ cán bộ y tế của Việt Nam, nhiều nội dung phải hoạt động độc lập, tự chủ. Lúc này, phía Nga chỉ tham gia giúp đỡ một số công việc nhất định. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc Phòng, chúng ta đã có một sự dự đoán, dự báo về tình hình quốc tế và khu vực khi có sự biến động. Do đó, chúng ta đã có sự chuẩn bị về đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ y tế.
Chính vì vậy, sau những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, chúng ta đã nhanh chóng vượt qua, từng bước làm chủ và tiến tới làm chủ vững chắc nhiệm vụ y tế. Việc giữ gìn lâu dài, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được thực hiện một cách liên tục và bảo đảm chất lượng như khi chúng ta có sự giúp đỡ hoàn toàn của các chuyên gia Liên Xô trước đây.
Cơ chế hợp tác của Ban Quản lý Lăng và VILAR có rất nhiều thuận lợi. Theo đó, các thế hệ nhà khoa học, cán bộ, bác sĩ đã chủ động học tập, nghiên cứu, thử nghiệm nhằm từng bước vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ. Từ ý chí, quyết tâm đó, trong quá trình hợp tác trực tiếp, chúng ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ, tư vấn của các nhà khoa học, y tế LB Nga trong thực hiện thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ.
Có thể nói, quá trình hợp tác, chuyển giao, đào tạo cho chúng ta cơ hội chủ động tiếp cận với khoa học chuyên ngành, vật tư chuyên dùng, trong đó nổi bật là tiếp nhận chuyển giao, sản xuất thành công 2 loại vật tư chuyên biệt, độc quyền trước đây là dung dịch ướp bảo quản và bộ quần áo đặc biệt.
Song song với việc hợp tác chặt chẽ với VILAR, công tác nghiên cứu khoa học tại Ban Quản lý Lăng được triển khai tích cực, chủ động, bám sát nhiệm vụ chính trị, kết hợp giữa nghiên cứu thực hiện với nghiên cứu cơ bản chuyên ngành và thu hút được các nhà khoa học đầu ngành, tâm huyết, đóng góp vào nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực tiễn 30 năm hợp tác trực tiếp chính là: Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn, bảo vệ an toàn tuyệt đối; qua kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30, 35, 40 và 50 năm giữ gìn và phục vụ thăm viếng của Hội đồng Khoa học Y tế cấp Nhà nước Việt - Nga. Kết luận của các Hội đồng đều khẳng định: Thi hài Chủ tịch hồ Chí Minh đang được giữ gìn rất tốt.
PV: Việt Nam đã từng bước làm chủ nhiệm vụ y tế trong việc gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào, thưa ông?
Đại tá Đinh Quốc Hùng: Đối với các chuyên gia y tế của Việt Nam đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo chỉ đạo rất chặt chẽ với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo.
Từ chỗ các nhà khoa học y tế Liên bang Nga giữ vai trò chủ đạo trong làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn đối với thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, bác sĩ của Việt nam đã từng bước làm chủ được nhiệm vụ làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn. Đó là một thành công lớn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Việt Nam trước bước ngoặt của lịch sử. Trong 2 năm ảnh hưởng bới dịch bệnh Covid-19, các chuyên gia y tế của LB Nga không có mặt tại Việt Nam thì chúng ta vẫn thực hiện nhiệm vụ này một cách xuất sắc.
Thông thường, các chuyên gia y tế của LB Nga sẽ sang giúp Việt Nam vào khoảng thời gian từ trung tuần tháng 6 đến trung tuần tháng 8. Hai tháng này, chúng tôi sẽ thực hiện tu bổ các nội dung liên quan đến nhiệm vụ y tế và nhiệm vụ kỹ thuật của công trình Lăng. Thứ hai, theo thỏa thuận hợp tác, chuyên gia Nga sẽ giúp giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ và phía Việt Nam cũng cử cán bộ sang LB Nga học tập. Mỗi lần như vậy khoảng 2 tháng. Đó cũng là lúc Lăng tạm thời đóng cửa và không đón tiếp đồng bào vào thăm viếng Bác. Đây là quy trình, quy định về y tế buộc chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm ngặt.
Cùng với việc giúp đỡ của Bạn, đơn vị đẩy nhanh đầu tư xây dựng tiềm lực về con người, cơ sở vật chất, từng bước vươn lên tự đảm nhiệm công tác y tế thường xuyên và làm thuốc lớn trong giữ gìn thi hài Bác. Đào tạo, bổ sung cán bộ, trang thiết bị và hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trong nước, triển khai có kết quả nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cơ sở, đồng thời tổ chức nghiên cứu thực nghiệm. Đặc biêt, từ chỗ ta phụ thuộc hoàn toàn vào Bạn, đến nay ta đã từng bước vươn lên làm chủ được quy trình làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn thi hài Bác phục vụ lễ viếng thường xuyên và đột xuất đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Đến nay, đơn vị đã làm chủ được quy trình làm thuốc, pha chế thành công dung dịch và sản xuất bộ quần áo đặc biệt trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đây là bước phát triển, trưởng thành của đơn vị, đánh dấu quá trình nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học; khẳng định từ nay ta có khả năng làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là một thành công lớn, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Việt Nam trước bước ngoặt của lịch sử. Và chúng ta có quyền tự hào rằng, với những kỹ thuật mà Việt Nam đã làm chủ thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hô Chí Minh tuyệt đối an toàn trong nhiều năm nữa.
PV: Thưa ông, là những người luôn “gần gũi” bên Bác kính yêu, đơn vị ý thức thế nào về nhiệm vụ chính trị đặc biệt này?
Đại tá Đinh Quốc Hùng: Đây là niềm vinh dự và tự hào rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, người lao động của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng khi được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân tin tưởng giao cho nhiệm vụ này.
Chúng tôi luôn ý thức rằng, để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang và thiêng liêng đó, mỗi người trong chúng tôi đòi hỏi phải không ngừng học tập, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, về lòng trung thành, về ý thức trách nhiệm, về chuyên môn nhiệm vụ để xứng đáng là những người lính cận vệ bên Lăng Bác, để giữ gìn thi hài của Bác tuyệt đối an toàn, phát huy giá trị công trình Lăng của Người để các thế hệ con cháu được về đây thăm viếng Bác, chiêm ngưỡng Bác.
Kể từ khi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa năm 1975 đến nay, số lượng khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một đông hơn. Chúng tôi đã đón tiếp hơn 60 triệu lượt đồng bào và khách quốc tế, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế của hầu hết các quốc gia và tổ chức quốc tế, phục vụ hơn 2.700 đoàn sinh hoạt chính trị, đón tiếp hơn 124.000 lượt Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với Cách mạng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước. Sau khi dịch Covid - 19 được kiểm soát, số lượng khách đến viếng Bác nhiều hơn, trung bình mỗi ngày gần 10.000 người, ngày lễ lên tới 20.000 người.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!