Năm 2021 được dự báo sẽ vẫn là một năm đầy khó khăn đối với ngành hàng không, khi thị trường nội địa đã lấp đầy, bay quốc tế chưa được khôi phục, thị trường bị thu hẹp cũng khiến cạnh tranh gay gắt hơn.
Năm 2020 được Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA), đánh giá là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng thế giới. Nhận định về triển vọng ngành hàng không năm 2021, các chuyên gia cho rằng sẽ vẫn là một năm đầy khó khăn. Cách nào để duy trì bộ máy là bài toán đặt ra với các hãng hàng không trong cuộc chiến “sinh tử” để tồn tại, phát triển hậu COVID-19.
Theo số liệu từ IATA, từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 đã khiến doanh số ngành hàng không lỗ khoảng 510 tỷ USD. Năm 2020, ngành dịch vụ này lỗ khoảng 118,5 tỷ USD và con số này vào năm 2021 là lỗ khoảng 38,7 tỷ USD, phải tới giữa 2022 hàng không mới thực sự phục hồi về quy mô như năm 2019.
"Về mặt tài chính, năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng. trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá dầu tăng đột biến hồi 2008 và 2009, hàng không thế giới chịu thua lỗ 31 tỷ USD. Nhưng vẫn chưa là gì để so sánh với mất mát từ cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay", Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac phát biểu tại cuộc họp báo.
Dịch COVID-19 đã khiến doanh số ngành hàng không lỗ khoảng 510 tỷ USD (Ảnh Getty Images)
Cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới phải tuyên bố phá sản. Virgin Australia trở thành hãng hàng không lớn nhất sụp đổ do COVID-19, tiếp đó, hãng hàng không lớn thứ hai Mỹ Latinh -Avianca Holdings nộp đơn xin phá sản; rồi đến AirAsia Nhật Bản. Còn hãng hàng không quốc gia đầu tiên là Thai Airways International Pcl cũng đang bên bờ vực phá sản nếu không được cứu.
Một tính toán cũng cho biết, các hãng hàng không cần 250 tỷ USD hỗ trợ từ chính phủ để phục hồi. Hiện tại, một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Singapore…đã tung các gói hỗ trợ hãng hàng không, chính phủ bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay. Dù vậy, vẫn có một số hãng đã tuyên bố phá sản, hoặc đang làm thủ tục phá sản.
Tại Việt Nam, số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy: Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng 2 con số, năm 2020, do ảnh hưởng chưa từng thấy của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không Việt Nam quay đầu giảm mạnh so với các năm trước.
Thông qua các cảng hàng không, lượng hành khách ước đạt 66 triệu và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019. Năm 2012 thì con số này có thể ảm đạm hơn.
Tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho thấy, theo ước tính của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), so cùng kỳ 2019, sản lượng đặt chỗ trong quý 1/2021 giảm 80%, sản lượng vận tải hành khách năm 2021 giảm trên 50%. IATA dự báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% (so với năm 2019) và tổng mức lỗ dự kiến 95 tỷ USD và phải đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ.
Sản lượng đặt chỗ trong quý 1/2021 giảm 80%, sản lượng vận tải hành khách năm 2021 giảm trên 50% (Ảnh Getty Images)
Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng nhận định, sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng ghế cung ứng của ngành hàng không giảm từ 42-47%, sản lượng khách vận chuyển giảm từ 47-57% và doanh thu sẽ giảm từ 156-181 tỷ USD so với năm 2019. Thực trạng trên ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính của hàng không toàn cầu. Năm 2021, các hãng hàng không sẽ phải gánh khoản nợ trên 220 tỷ USD và tiếp tục âm tiền mặt.
Tại Việt Nam Việt Nam, ngành hàng không đã chịu tác động to lớn từ ba đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký VABA cho biết hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019.
Mặt khác, thị trường hàng không nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng do dịch bệnh đợt 3 diễn ra đúng vào dịp Tết âm lịch (27/1-26/2/2021), khi nhu cầu vận chuyển đạt cao điểm nhất trong năm, nên lượng khách bỏ chỗ rất lớn. Lượng khách giảm, số chuyến bay cũng giảm theo nhưng chi phí tăng cao do phải đảm các biện pháp phòng dịch.
Để kích cầu và thu hút dòng tiền hoạt động, theo ông Nề, các hãng buộc phải giảm giá vé máy bay khá sâu, dẫn tới hậu quả chưa từng xảy ra trước đây là các hãng hàng không Việt Nam bị lỗ ngay trong mùa cao điểm. Doanh thu dịp cao điểm Tết của các hãng cũng giảm bình quân từ 70-80% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh hoạt động bay bị thu hẹp, các doanh nghiệp dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không…đều bị ảnh hưởng bất lợi, giảm sút cả về doanh thu lẫn sản lượng từ tháng 3/2020.
“Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không. Đặc biệt, do năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động từ ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết Nguyên đán”, ông Nề phân tích.
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, dự báo thiệt hại do dịch COVID-19 của hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD trong năm nay.
“Tác động của dịch COVID-19 đến Vietnam Airlines là vô cùng lớn. 9 tháng năm 2020 doanh thu của Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2019, thâm hụt dòng tiền hơn 7.358 tỷ đồng. Cả năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với năm 2019, số lỗ hợp nhất vào khoảng từ 14.000 -15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt khoảng 15.000 tỷ đồng”, ông Hà cho biết.
Là hãng hàng không tư nhân được cho là có nền tảng tài chính mạnh, nhưng chỉ trong 9 tháng năm 2020, dịch COVID-19 đã khiến Vietjet lỗ khoảng 2.400 tỷ đồng.
Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho biết, trước đại dịch, tăng trưởng hàng năm của Vietjet đạt bình quân trên 30% đến năm 2019. Vietjet đã phục vụ 100 triệu hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí xấp xỉ 9.000 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến hãng đã bán nhiều tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động để giảm thua lỗ trong năm 2020 và tiếp tục năm 2021 vẫn chưa thể phục hồi.
Còn ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, dù thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn góp từ cổ đông, tăng đội bay, đường bay nhưng dịch Covid-19 khiến doanh thu Bamboo Airways doanh thu sụt giảm. Ông Hải ước tính Bamboo Airways lỗ bằng 1/3, 1/4 Vietnam Airlines (Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất khoảng 15.000 tỉ đồng trong năm 2020).
Nhìn về tương lai ngành hàng không, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không.
Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại.
Kịch bản 2, hàng không sẽ phát triển mô hình Chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Đánh giá hàng không Việt Nam sẽ từng bước phục hồi theo chữ V, Phó Cục trưởng Phạm Văn Hảo cho biết cơ quan này đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh.
Về phía các hãng hàng không, lãnh đạo Vietnam Airlines nhận định, với kịch bản lạc quan, thị trường hàng không quốc tế Việt Nam đến năm 2022 sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019. “Dự kiến Vietnam Airlines sẽ có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025”, đại diện Vietnam Airlines nói.
Nhận định về triển vọng ngành hàng không, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng năm 2021 sẽ vẫn là một năm khó khăn.
Cụ thể, MASVN cho rằng ngành hàng không đang trong trạng thái không còn dư địa để phục hồi thêm cho đến khi các chuyến bay quốc tế mở cửa trở lại.
“Khó khăn thứ hai mà ngành hàng không phải đối mặt trong năm 2021 là thị trường bị thu hẹp khiến cạnh tranh gay gắt hơn”, chuyên gia của MASVN phân tích.
Theo IATA, năm 2021, các hãng hàng không trên thế giới cần chính phủ hỗ trợ khoảng 70-80 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành hàng không cũng có tác dụng tích cực đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Với chính sách giảm 50% giá, phí dịch vụ cất hạ cánh, điều hành đi và đến với các hãng hàng không, riêng Vietnam Airlines đã giảm được 155 tỷ đồng. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không cũng đã giúp hãng giảm chi phí 164 tỷ đồng (dự kiến năm 2021, chi phí được giảm bớt theo quy định hiện hành là khoảng 430 tỷ đồng).
Với Bamboo Airways, tổng số tiền mà hãng được hưởng từ các khoản giảm trừ này là 120 tỷ đồng (chiếm khoảng 1,4% tổng chi phí hoạt động của hãng trong năm 2020). Chính sách tái cơ cấu nợ cũng liên quan tới trị giá tín dụng ở quy mô hạn chế và mức giảm lãi suất khá thấp (với Bamboo Airways, mức giảm lãi suất là 0,5- 1%) và thời gian áp dụng khá ngắn (Bamboo Airways được áp dụng dưới sáu tháng).
Tuy nhiên, do tác động hai chiều của một số chính sách, một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cũng chịu thiệt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bạn trong ngành. Đơn cử, do Nhà nước quyết định giảm phí điều hành bay, năm 2020 Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã giảm doanh thu tới 159 tỷ đồng cho các khoản thu từ giá điều hành đối với các chuyến bay quốc nội.
Từ thực trạng hiện nay và dự báo tình hình năm 2021, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong năm 2021 như mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.
Là đơn được Quốc hội ban hành gói hỗ trợ tài chính, trong đó có khoản vay ưu đãi có quy mô 4.000 tỷ đồng, lãi suất 4%/năm nhưng theo đại diện Vietnam Airlines, khó khăn với hãng vẫn còn rất lớn do việc phục hồi như trước dịch COVID-19 cần từ 3-4 năm.
“Kiến nghị Chính phủ cho phép Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, cổ đông nhà nước có thể giao 1 đơn vị mua phần cổ phần này (như SCIC), cân đối với phương án vay, đảm bảo tổng số vốn bổ sung cho Vietnam Airlines khoảng 12.000 tỷ đồng. Về trung, dài hạn, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho hãng phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội máy bay giai đoạn 2021-2025. “Vietnam Airlines không xin tiền từ ngân sách nhà nước, mà chỉ xin hỗ trợ vay và sẽ trả”, đại diện Vietnam Airlines nói.
Đại diện Vietjet, bà Hồ Ngọc Yến Phương kiến nghị Chính phủ xem xét để Vietjet được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong ba năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản trực tiếp này. Bên cạnh đó, Vietjet xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm.
Đồng thời Vietjet kiến nghị xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức 1.000đồng/lít và kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đến hết năm 2021.
Còn đại diện Bamboo Airways, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…
“Chúng tôi đồng ý với kiến nghị như Vietjet, đề xuất Chính phủ hỗ trợ chung cho các hãng chứ không riêng Bamboo Airways bằng hình thức cho vay tái cấp vốn cho các hãng hàng không. Các hãng đi vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2-3%, thời hạn vay 2-3 năm và đảm bảo bằng tài sản”, ông Nguyễn Khắc Hải nói.
Đưa ra minh chứng Vietnam Airlines đã được hỗ trợ và khoản tín dụng này đã có tác động tốt tới hoạt động của Tổng công ty, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không,
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
VABA kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900-1.000 đồng/lít; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân…; giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 10/2020 cho đến hết tháng 12/2021, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 10/2020 đến hết tháng 12/2021.
Các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý cho rằng cần ưu tiên “cứu” hàng không vì vai trò quan trọng và tác động lan tỏa của nó với nền kinh tế. Sẽ có rất nhiều hệ luỵ nhãn tiền xảy ra nếu hãng không được “cứu” kịp thời.
TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng dịch Covid-19 khiến nền kinh tế nói chung, các hãng hàng không trong nước và trên thế giới giống như bị “ngộ độc”, cần thuốc “giải độc”.
Xét trên khía cạnh tầm nhìn quốc gia, ông Thiên cho rằng các hãng hàng không Việt cần phải được hỗ trợ của nhà nước. Bởi Chính phủ tài trợ hàng không cũng chính là tài trợ cho tương lai.
“Hàng không thế giới đứng dậy thì ta phải đứng dậy ngay lập tức đồng thời đi kèm với dự báo được tương lai của ngành hàng không trong bối cảnh hiện tại”, ông Thiên nói.
Các chuyên gia cho rằng, để cứu hàng không, ngoài việc Chính phủ cần “bơm máu”, “trợ thở” thì phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ là một trong các giải pháp đầu tiên được phần lớn các hãng hàng không trên thế giới áp dụng. Việc này không chỉ bổ sung dòng tiền thiếu hụt mà còn giúp nâng cao năng lực tài chính cho hãng, đảm bảo đủ tiền vốn để duy trì hoạt động và tạo nguồn đầu tư phát triển giai đoạn hậu Covid-19./.